Bài giảng của ĐGH Lêo XIV Lễ vọng và Lễ ngày CTT Hiện Xuống
- CN, 08/06/2025 - 16:18
- Lm Anmai, CSsR
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LEO XIV VÀO LỄ VỌNG LỄ HIỆN XUỐNG
Đức Giáo hoàng Leo XIV đã chủ trì Lễ Vọng Hiện Xuống tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican vào tối ngày 7 tháng 6, như một phần của lễ kỷ niệm Năm Thánh của các phong trào, hiệp hội và cộng đồng mới.
Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Giáo hoàng Leo XIV về Lễ Vọng Lễ Hiện Xuống năm 2025, do Văn phòng Báo chí Tòa thánh phát hành :
Vào Lễ Hiện Xuống, Đức Maria, các Tông Đồ và các môn đệ đồng hành với họ đã được tràn đầy Thần Khí hiệp nhất, mãi mãi đặt nền tảng cho sự khác biệt của họ trong Chúa Giêsu Kitô duy nhất. Không phải nhiều sứ mệnh, nhưng là một sứ mệnh. Không hướng nội và hiếu chiến, nhưng hướng ngoại và rực rỡ. Quảng trường Thánh Phêrô này, giống như một vòng tay rộng mở và chào đón, thể hiện một cách tuyệt vời sự hiệp thông của Giáo hội, được mỗi người trong các bạn trải nghiệm trong các kinh nghiệm liên kết và cộng đồng khác nhau của các bạn, nhiều trong số đó đại diện cho hoa trái của Công đồng Vatican II .
Vào buổi tối ngày bầu cử của tôi , khi nhìn Dân Chúa tụ họp ở đây với lòng xúc động, tôi nhớ đến từ "synodality", từ này diễn tả cách thức mà Chúa Thánh Thần định hình Giáo hội. Trong từ này vang lên từ syn — có nghĩa là " với " — tạo nên bí mật của sự sống của Chúa. Chúa không cô đơn. Chúa ở "với" trong chính Ngài—Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần—và là Chúa ở cùng chúng ta. Đồng thời, synodality nhắc nhở chúng ta về cuộc hành trình— odos — bởi vì nơi nào có Chúa Thánh Thần, nơi đó có sự chuyển động, nơi đó có một cuộc hành trình. Chúng ta là một dân tộc đang trên hành trình. Nhận thức này không làm chúng ta xa cách, nhưng đắm chìm chúng ta vào nhân loại, giống như men trong bột, làm cho tất cả lên men. Năm ân sủng của Chúa, mà Năm Thánh là một biểu hiện, có men này bên trong nó. Trong một thế giới tan vỡ và bất ổn, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cùng nhau bước đi. Trái đất sẽ nghỉ ngơi, công lý sẽ được khẳng định, người nghèo sẽ vui mừng, và hòa bình sẽ trở lại nếu chúng ta ngừng di chuyển như những kẻ săn mồi và bắt đầu di chuyển như những người hành hương. Không còn mỗi người tự mình hành động, nhưng hãy hòa hợp bước chân của mình với bước chân của người khác. Không tham lam tiêu thụ thế giới, nhưng vun trồng và bảo vệ nó, như Thông điệp Laudato si' đã dạy chúng ta .
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới để chúng ta có thể ở bên nhau. “Công đồng” là tên gọi của Giáo hội dành cho nhận thức này. Đó là con đường đòi hỏi mỗi người phải nhận ra món nợ và kho báu của chính mình, cảm thấy mình là một phần của một tổng thể, bên ngoài tổng thể đó mọi thứ đều héo mòn, ngay cả những đặc sủng độc đáo nhất. Hãy xem: toàn bộ tạo vật chỉ tồn tại theo phương thức cùng tồn tại, đôi khi nguy hiểm, nhưng dù sao thì luôn luôn cùng nhau (x. Thông điệp Laudato si' 16 ; 117 ). Và điều chúng ta gọi là “lịch sử” chỉ hình thành theo phương thức cùng nhau đến với nhau, cùng chung sống, thường là giữa bất đồng chính kiến, nhưng vẫn là cùng chung sống. Điều ngược lại là chết chóc và thật không may, nó hiện hữu trước mắt chúng ta mỗi ngày. Mong rằng các cộng đoàn và cộng đồng của anh chị em sẽ là những nơi thực hành tình huynh đệ và sự chia sẻ, không chỉ là nơi gặp gỡ mà còn là nơi của tâm linh. Thần Khí của Chúa Giêsu thay đổi thế giới vì Người thay đổi trái tim. Trên thực tế, nó gợi hứng cho chiều kích chiêm nghiệm của cuộc sống, xóa bỏ sự tự khẳng định, lời bàn tán, tinh thần tranh cãi và sự thống trị của lương tâm và tài nguyên. Chúa là Thần Khí, và nơi nào có Thần Khí của Chúa, nơi đó có tự do (x. 2 Cr 3:17). Do đó, linh đạo đích thực cam kết chúng ta phát triển toàn diện con người, hiện thực hóa lời Chúa Giêsu giữa chúng ta. Nơi nào điều này xảy ra, nơi đó có niềm vui—niềm vui và hy vọng.
Anh chị em thân mến, truyền giáo không phải là cuộc chinh phục thế gian của con người, mà là ân sủng vô hạn được lan tỏa qua những cuộc đời được biến đổi bởi Vương quốc Thiên Chúa. Đó là con đường của các Mối Phúc, một hành trình chúng ta cùng nhau đi, trong sự căng thẳng liên tục giữa "đã" và "chưa", đói khát công lý, nghèo khó về tinh thần, thương xót, hiền lành, trong sạch về tâm hồn, hoạt động vì hòa bình. Để theo Chúa Giêsu trên con đường mà Người đã chọn, những người bảo vệ quyền năng, những cam kết thế gian hay các chiến lược tình cảm đều vô ích. Truyền giáo là công trình của Thiên Chúa, và nếu đôi khi nó đi qua chúng ta, thì đó là vì những mối dây liên kết mà Người tạo nên. Do đó, hãy kết nối sâu sắc với từng Giáo hội cụ thể và với các cộng đồng giáo xứ nơi anh chị em nuôi dưỡng và phát huy các đặc sủng của mình. Gần gũi với các giám mục của mình và hiệp lực với tất cả các thành viên khác của Thân thể Chúa Kitô, khi đó chúng ta sẽ hành động trong sự hòa hợp hài hòa. Những thách thức mà nhân loại phải đối mặt sẽ bớt đáng sợ hơn, tương lai sẽ bớt đen tối hơn, sự phân định sẽ bớt khó khăn hơn, nếu chúng ta cùng nhau vâng phục Chúa Thánh Thần.
Xin Đức Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ và Mẹ Giáo Hội, cầu bầu cho chúng ta.
Lm. Anmai, CSsR tạm dịch
+++++++++++++++
BÀI GIẢNG CỦA ĐTC LÊÔ XIV LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Vatican News
Vào lúc 10h30, Chúa Nhật ngày 08 tháng 06 năm 2025 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Lêô chủ sự Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong dịp Năm Thánh các Phong trào, các Hiệp hội và các Cộng đoàn.
Anh chị em thân mến,
"Ngày được chờ mong đã bừng sáng cho chúng ta, ngày mà Đức Giêsu Kitô, sau khi sống lại và được tôn vinh khi lên trời, đã ban Chúa Thánh Thần." (Thánh Augustinô, Bài giảng 271,1). Và hôm nay, chính điều đã xảy ra trong nhà Tiệc Ly lại được tái diễn: như một luồng gió mạnh lay động chúng ta, như một âm vang thức tỉnh chúng ta, như một ngọn lửa chiếu sáng chúng ta, hồng ân của Chúa Thánh Thần lại tuôn đổ xuống trên chúng ta (x. Cv 2,1-11).
Như bài đọc một chúng ta vừa nghe, Chúa Thánh Thần đã thực hiện một điều phi thường trong đời sống các Tông Đồ. Sau cái chết của Đức Giêsu, các ông sống trong sợ hãi và buồn bã. Nhưng giờ đây, các ông được ban một cái nhìn mới và một trí hiểu trong lòng, giúp các ông giải thích các biến cố đã xảy ra, và cảm nghiệm cách sâu xa sự hiện diện của Đấng Phục Sinh: Chúa Thánh Thần đã chiến thắng nỗi sợ của các ông, phá tan xiềng xích trong tâm hồn, xoa dịu những vết thương, xức dầu sức mạnh và ban cho các ông lòng can đảm để bước ra loan báo các kỳ công của Thiên Chúa.
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại rằng: vào thời điểm đó, tại Giêrusalem có một đám đông đến từ nhiều nơi khác nhau, thế nhưng, “ai nấy đều nghe các ông nói bằng tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Vậy là, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, cánh cửa của nhà Tiệc Ly được mở ra, vì chính Chúa Thánh Thần mở ra các biên giới. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Chúa Thánh Thần ban cho khả năng hiểu biết. Ngài vượt qua sự chia rẽ đã bắt đầu tại Babel – sự hỗn loạn của tâm hồn khiến con người chống lại nhau – và Ngài mở ra các biên giới. [...] Giáo hội luôn phải trở thành điều mà chính mình vốn là: phải mở ra các biên giới giữa các dân tộc, phá tan rào cản giữa các tầng lớp và chủng tộc. Trong Giáo hội không thể có người bị lãng quên hay bị khinh thường. Trong Giáo hội, tất cả đều là những anh chị em tự do trong Đức Kitô” (Bài giảng Lễ Hiện Xuống, 15.05.2005).
Đây chính là hình ảnh sống động của Lễ Hiện Xuống mà tôi muốn cùng anh chị em dừng lại để chiêm niệm.
1. Thánh Thần mở các biên giới, trước hết, trong lòng chúng ta
Ngài là Hồng ân mở lòng chúng ta ra với tình yêu. Sự hiện diện này của Chúa làm tan chảy những cứng cỏi, những khép kín, những ích kỷ và nỗi sợ trói buộc chúng ta, cũng như giải thoát chúng ta khỏi thói tự mãn và chủ nghĩa cá nhân khiến ta chỉ xoay quanh chính mình. Thật buồn khi thấy rằng, trong một thế giới đầy cơ hội để kết nối, chúng ta lại có nguy cơ ngày càng cô đơn hơn, luôn luôn trực tuyến mà chẳng thể xây dựng một “mạng lưới”, sống giữa đám đông mà vẫn như những lữ khách cô độc và lạc lõng.
Ngược lại, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một cách sống mới, mở chúng ta ra để gặp gỡ chính mình vượt khỏi những chiếc mặt nạ, dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa bằng cách giúp chúng ta cảm nghiệm niềm vui của Ngài. Chúa Thánh Thần thuyết phục chúng ta – như chính lời Chúa Giêsu vừa được công bố – rằng chỉ khi ở lại trong tình yêu, chúng ta mới có sức sống để tuân giữ lời Ngài và được biến đổi. Ngài mở ra các biên giới trong nội tâm, để cuộc đời chúng ta trở nên một không gian hiếu khách.
2. Thánh Thần mở các biên giới trong các mối tương quan của chúng ta.
Thật vậy, Chúa Giêsu nói rằng Thánh Thần là tình yêu giữa Người và Chúa Cha, và tình yêu ấy đến cư ngụ trong chúng ta. Và khi tình yêu Thiên Chúa ở trong lòng ta, ta có khả năng mở ra với anh chị em, vượt thắng sự cứng nhắc, vượt qua nỗi sợ đối với người khác biệt, điều chỉnh những đam mê hỗn loạn trong ta. Chúa Thánh Thần cũng biến đổi những nguy cơ ẩn giấu đang đầu độc các mối quan hệ, như hiểu lầm, định kiến, hay lợi dụng lẫn nhau. Với nỗi đau sâu sắc, tôi cũng nghĩ đến những mối quan hệ bị nhiễm độc bởi ý muốn thống trị người khác, một thái độ thường dẫn đến bạo lực, như những vụ femminicidio (giết hại phụ nữ) gần đây cho thấy.
Trái lại, Chúa Thánh Thần làm trổ sinh trong ta những hoa trái giúp ta sống các mối tương quan chân thật và tốt lành: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, hiền hòa, trung tín, hiền từ và tiết độ” (Gl 5,22). Bằng cách ấy, Thánh Thần mở rộng biên giới các tương quan giữa chúng ta, và dẫn đưa chúng ta vào niềm vui của tình huynh đệ. Đây cũng là một tiêu chuẩn then chốt cho Giáo hội: chúng ta chỉ thật sự là Giáo hội của Đấng Phục Sinh, là môn đệ của Lễ Hiện Xuống, nếu giữa chúng ta không có biên giới hay chia rẽ; nếu biết đối thoại, biết đón nhận nhau, hòa nhập những khác biệt, và nếu chính Giáo hội trở thành một nơi hiếu khách cho tất cả mọi người.
3. Cuối cùng, Thánh Thần mở các biên giới giữa các dân tộc.
Vào ngày Lễ Hiện Xuống, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ của những người mình gặp gỡ, và sự hỗn loạn của Babel được hóa giải bởi sự hài hòa do Thánh Thần tạo nên. Sự khác biệt, khi được Thánh Thần liên kết các tâm hồn và giúp ta nhận ra gương mặt người anh em nơi tha nhân, không còn là nguyên nhân của chia rẽ, nhưng trở thành một kho tàng chung, từ đó mọi người có thể cùng nhau bước đi trong tình huynh đệ.
Chúa Thánh Thần phá vỡ các biên giới và đạp đổ bức tường của thù hận, bởi Ngài “sẽ dạy anh em mọi điều và nhắc nhở anh em tất cả những gì Thầy đã nói” (x. Ga 14,26). Và vì vậy, điều đầu tiên Ngài dạy và ghi khắc trong tim ta chính là giới răn yêu thương, mà Chúa Giêsu đã đặt làm trung tâm và đỉnh cao của tất cả. Nơi nào có tình yêu, thì không còn chỗ cho định kiến, cho những khoảng cách an toàn khiến ta xa rời người thân cận, cũng như cho não trạng loại trừ vốn đáng tiếc vẫn xuất hiện trong nhiều chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Trong ngày lễ Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét rằng: “Ngày nay, trong thế giới có quá nhiều bất hòa và chia rẽ. Chúng ta kết nối với nhau nhưng lại xa cách nhau, tê liệt bởi sự thờ ơ, bị đè nặng bởi cô đơn” (Bài giảng, 28.05.2023). Và các cuộc chiến tranh đang bùng phát khắp nơi là dấu chỉ đau thương của thực trạng ấy. Chúng ta cùng khẩn cầu Chúa Thánh Thần – Đấng của tình yêu và bình an: Xin Ngài mở ra các biên giới, phá tan những bức tường, xóa bỏ hận thù, và giúp chúng ta sống như những người con của một Cha duy nhất trên trời.
Anh chị em thân mến, chính Lễ Hiện Xuống đổi mới Giáo hội và thế giới! Xin ngọn gió mạnh mẽ của Thánh Thần thổi đến chúng ta và trong chúng ta, mở ra các biên giới trong tim, ban cho ta hồng ân được gặp gỡ Thiên Chúa, mở rộng chân trời của tình yêu và nâng đỡ những cố gắng của chúng ta trong việc xây dựng một thế giới nơi hòa bình ngự trị.
Xin Đức Maria Rất Thánh, Người Nữ của Lễ Hiện Xuống, Trinh Nữ được Thánh Thần viếng thăm, Mẹ đầy ơn phúc, luôn đồng hành và chuyển cầu cho chúng ta.
Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh lạy Nữ Vương thiêng đàng cùng các tín hữu, Đức Thánh Cha nói:
Trước khi kết thúc buổi cử hành này, tôi thân ái gửi lời chào đến tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, cũng như những ai đang kết nối qua các phương tiện truyền thông.
Tôi cảm ơn các Đức Hồng Y và các Đức Giám Mục hiện diện, cùng toàn thể đại diện các hiệp hội, các phong trào trong Hội Thánh và các cộng đoàn mới. Anh chị em thân mến, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ước gì anh chị em lên đường sau Năm Thánh này với tâm hồn được đổi mới. Anh chị em hãy ra đi và mang đến cho mọi người niềm hy vọng từ Chúa Giêsu!
Tại Ý và nhiều quốc gia, năm học đang kết thúc trong những ngày này. Tôi muốn gửi lời chúc đến tất cả học sinh, sinh viên và các giáo viên, đặc biệt những ai sắp bước vào các kỳ thi cuối cấp.
Giờ đây, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an. Trước hết là bình an trong tâm hồn: chỉ một tâm hồn an bình mới có thể lan tỏa hòa bình đến gia đình, xã hội và các mối quan hệ quốc tế. Ước gì Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh mở ra những con đường hòa giải nơi nào còn chiến tranh; xin Người soi sáng các nhà lãnh đạo và ban cho họ can đảm để thực hiện những cử chỉ hòa hoãn và đối thoại.