Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trỗi dậy và lên đường như Maria Mađalêna

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

TRỖI DẬY VÀ LÊN ĐƯỜNG NHƯ MARIA MAĐALÊNA

 

 

Cả bốn sách Tin Mừng đều thống nhất một điều là cô Maria Mađalêna là người đầu tiên gặp Chúa Kitô phục sinh (Mt 28, 9-10; Mc 16, 9-11; Lc 24, 10). Maria Mađalêna có một quá khứ ảm đạm nhưng đã được biến đổi hoàn toàn từ khi cô gặp Đức Kitô: sau khi được Ngài giải thoát khỏi bảy tên quỷ, cô gia nhập đoàn những môn đệ đi theo Ngài trên mọi nẻo đường truyền giáo (Lc 8, 1-4); cô có mặt bên cạnh Chúa Giêsu dưới chân thập giá cùng với Đức Maria và người môn đệ được Chúa yêu mến (Ga 19, 25-26).

 

Thánh Augustinô đã gắn cho Maria Mađalêna một tên gọi rất dễ thương là “tông đồ của các tông đồ” vì cô được Đức Kitô phục sinh giao sứ mạng báo tin cho các tông đồ: “Tôi đã thấy Chúa.”

 

Trong tất cả các nhân vật của sách Tin Mừng, ta chưa thấy ai bày tỏ tình yêu của mình với Chúa Giêsu cách đặc biệt như chị Maria Mađalêna. Thật vậy, phải là người yêu mến Thầy Giêsu mãnh liệt lắm mới nóng ruột ra mộ từ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, mà quên mất điều quan trọng: ai sẽ lăn tảng đá to che lấp cửa mộ? Hai ông Phêrô và Gioan ra mộ rồi cũng trở về, chỉ có chị còn nấn ná ở lại, không thất vọng, vẫn kiên nhẫn tìm kiếm Thầy. Chúa Kitô phục sinh trân trọng tình cảm của chị, nhưng đồng thời Ngài cũng giáo dục chị: đừng giữ riêng Ngài lại cho riêng mình, như một kỷ niệm đẹp, theo tình cảm sướt mướt, mà hãy gặp Ngài trong sứ mạng, trong trách nhiệm.

 

Thật vậy, Maria Mađalêna là người phụ nữ “đã yêu mến nhiều, vì tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha”; và chính cái nét ‘yêu mến nhiều’ này đã được Gioan dùng để phác họa lại nhân vật Mácđala trong toàn cảnh bức tranh tử nạn và phục sinh.

 

Chắc có lẽ Maria Mađalêna “đã yêu mến nhiều, vì tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha” mới xứng đáng xức dầu thơm “có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (Ga 12,7), mới xứng đáng đứng gần thập giá khi Chúa Giêsu thốt lên: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi gục đầu xuống và trao Thần Khí’ (19, 25), mới ‘sáng ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối… đã đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ… liền chạy về gặp Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến…’ (20, 12), mới ‘đứng ngoài, gần bên mộ, mà khóc…’ (20,11), và mới âu yếm kêu lên với Thầy đã sống lại: “Rápbuni!” (20,16)

 

Quả thật là như vậy ! Chỉ có ai “đã yêu mến nhiều,vì tội… rất nhiều nhưng đã được tha” mới đáng có cái vinh dự làm được tất cả các điều ấy, và làm cách chân thành nhất với cả cõi lòng mình. Nhiều người đã muốn gọi Maria Mađalêna  là ‘tông đồ cho các tông đồ’, hay một nữ anh hùng trong niềm tin, nhưng thiết tưởng còn hơn thế nữa: chị nên được coi là mẫu mực hay tiêu biểu của ơn gọi Kitô hữu qua mọi thời đại, không phải về mặt luân lý đạo hạnh nhưng về chính diện Tin Mừng. Kể từ ngày lãnh nhận phép rửa ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, Kitô hữu được sách Công Vụ Tông Đồ mô tả như những con người ‘đau đớn trong lòng…’ vì nhận ra những lỗi tội mình phạm, để rồi đáp lại lời mời gọi của Phêrô: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội…” (Cv 2,37-38).

 

Và rồi ta thấy Maria Mađalêna chiếm một vị trí đặc biệt nhất.

 

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, các Kitô hữu đã sớm nhận ra nơi chị hình ảnh của chính mình là ‘đứng gần thập giá’, sứ mệnh của mình là làm chứng về Giêsu đã chết và sống lại, không như một sự kiện bên ngoài, nhưng như một biến đổi sâu xa bên trong mà chính mình là một chứng nhân trực tiếp… và ra đi loan báo Tin Mừng này cho mọi người.

 

Những người thời chị đã  Maria Mađalêna  là ‘thánh nữ’ bởi lẽ trong khoảnh khắc đáng yêu và tuyệt dịu này đã thay đổi đời chị và chị sẽ thực hiện sau này trong phần còn lại của đời mình. Họ hiểu rằng đời Kitô hữu của họ cũng hệ tại ở việc xức dầu ‘thống hối’ mai táng Thầy mà mỗi ngày họ phải làm, vì… “Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô ấy” (Mt 26, 13).

 

Cuộc đời của thánh nữ Maria Mađalêna được sử sách ghi lại không mấy tốt đẹp. Ngài là một gái làm tiền, lấy đêm làm ngày và lấy ngày làm đêm. Tuy nhiên, thánh nữ đã vượt qua mọi kì thị và những cái nhìn soi mói để đến gặp Chúa Giêsu tại nhà ông trưởng hội đường. Người hy vọng Đức Giêsu sẽ làm gì để chữa lành cho cuộc sống tội lỗi xấu xa của mình.

 

Một cô gái làm tiền, buôn phấn bán hoa, lấy ngày làm đêm và lấy đêm làm ngày, sống ngược lại với lẽ sống tự nhiên của mọi người, làm sao có thể sống và trở thành một người tốt? Vậy mà khi biết Chúa Giêsu đang ở nhà ông trưởng hội đường, thánh nữ đã vượt qua mọi khinh bỉ, kì thị và quyết tâm đến gặp Chúa Giêsu. Gặp được Chúa, thánh nữ đã ngồi dưới chân Chúa mà khóc, rồi lấy tóc mình mà lau khô chân Chúa, để bày tỏ lòng ăn năn sám hối, một điều thật không dễ gặp được nơi Kinh Thánh. Trước thái độ khiêm tốn nhận lỗi, tin tưởng và yêu mến chân thành, chính Chúa Giêsu đã tha thứ mọi tội lỗi cho Maria Mađalêna.

 

Trong sự khiêm tốn, chúng ta đều cùng cảm nghiệm với cô Mađalêna rằng mình là tội nhân. Đức Kitô phục sinh, Đấng duy nhất có thể xoá tội để cứu độ và đem lại niềm vui cho chúng ta, Ngài đang sống, đang hiện diện đây trong bí tích Thánh Thể, nơi những người vẫn sống cuộc sống thường ngày quanh chúng ta.

 

Thánh nữ Maria Mađalêna, người đã vạch ra một con đường Kitô hữu tiêu biểu và rõ ràng nhất. Ta hãy xin Ngài dạy ta biết sống ngày càng sâu hơn sự chết và phục sinh của Đức Kitô, hàng ngày trong suốt đời ta.

 

Đặc biệt mỗi khi ta sa ngã lỗi phạm, xin cho ta biết ‘đứng gần thập giá’ để đón nhận hồng ân cứu rỗi…, rồi với lòng thống hối chân thành, xin cho ta chỗi dậy và gặp được Đấng Phục Sinh, để rồi được Người sai đi loan báo Tin Mừng này cho mọi người. Xin cho ta biết như Thánh Nữ Maria Mađalêna, biết biến đổi các tội lỗi mình phạm thành ‘yêu mến nhiều’ hơn, để được tận hưởng lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa.