Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

PVLC Thứ 3 Tuần XXV TN

Tác giả: 
Cao Tấn Tĩnh

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Cn 21, 1-6. 10-13

 

"Những câu Cách Ngôn khác nhau".

 

Trích sách Châm Ngôn.

 

Lòng vua ở trong tay Chúa, như những dòng nước chảy, Người muốn hướng nó về đâu tuỳ ý Người. Mọi đường lối của người ta đối với họ là ngay thẳng, nhưng Chúa cân nhắc tâm can. Thực hành công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ. Mắt tự cao là lòng kiêu ngạo: đèn kẻ gian ác là tội lỗi. Toan tính người cần mẫn luôn dẫn tới sự dồi dào, còn mọi kẻ biếng nhác luôn gặp nghèo khó. Ai dùng lưỡi gian dối thu tích kho tàng, là người hư hốt vô tâm, nó sẽ rơi vào lưới sự chết.

 

Tâm hồn người tội ác mơ ước sự dữ, nó không thương xót người lân cận. Khi kẻ hung bạo bị sửa phạt thì người bé nhỏ sẽ khôn ngoan hơn, và nếu nó theo người khôn ngoan, nó sẽ được thông minh. Người công chính nhìn xem lòng kẻ tội ác, để cứu nó thoát khỏi tai hoạ. Ai bịt tai không nghe tiếng người nghèo khó, thì lúc chính nó kêu cầu, cũng chẳng ai nghe.

 

Ðó là lời Chúa. 

 

Ðáp Ca: Tv 118, 1. 27. 30. 34. 35. 44

 

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài (c. 35a).

 

Xướng: 1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. - Ðáp.

 

2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Ðáp.

 

3) Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

 

4) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Ðáp.

 

5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng. - Ðáp.

 

6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi. - Ðáp.  

 

Alleluia: Tv 118, 18

 

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia. 

 

Phúc Âm: Lc 8, 19-21

 

"Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy". Người trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Hôm nay, Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cũng rất ngắn ngủi, chỉ có 3 câu, tiếp ngay sau Bài Phúc Âm hôm qua về chiều hướng lời Chúa nơi con người thắp sáng trần gian, và có liên hệ với bài Phúc Âm hôm qua về ý nghĩa của nó, về mối liên hệ đích thực giữa Người với những ai giữ lời Chúa, đó là bài Phúc Âm trong đó Chúa Kitô khẳng định về mối liên hệ thiêng liêng với Người: 

 

 

"Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: 'Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy'. Người trả lời với họ rằng: 'Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành'".

 

 

Đúng thế, qua câu khẳng định về tình nghĩa thiêng liêng với Người này, Chúa Giêsu chẳng những không phủ nhận mối liên hệ tự nhiên về huyết nhục, nhất là đối với Người Mẹ của Người, mà còn đề cao Mẹ của Người hơn nữa, như muốn nhấn mạnh rằng Mẹ Maria của Người chẳng những có phúc vì đã được thụ thai và cưu mang Người (xem Luca 11:27) là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), là "Con Thiên Chúa", là "Con Đấng Tối Cao" (Luca 1:32,35), mà còn "có phúc vì đã tin" (Luca 1:45), tin phục những gì đã truyền đạt cho Mẹ.  

 

 

Chính "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) của Mẹ mới làm và đã làm cho Mẹ nên một với Con của Mẹ, mới làm cho Mẹ xứng đáng đồng công cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Con Mẹ và với Con Mẹ, nhất là khi Mẹ đứng kề bên Thánh Giá của Người (xem Gioan 19:25). Mẹ là đệ nhất môn đệ của Con Mẹ, là môn đệ tuyệt hảo nhất của Con Mẹ đúng như Con Mẹ mong muốn, ở chỗ Mẹ là "người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".  

 

 

Mẹ không thể nào có thể "đem ra thực hành" lời Chúa nếu không "nghe lời Thiên Chúa", như khi Mẹ nghe thấy câu trả lời của Thiếu Nhi Giêsu Con Mẹ 12 tuổi trong đền thờ sau 3 ngày lạc mất, một lời mà Mẹ không nắm bắt được ý nghĩa của nó (xem Luca 2:50), nhưng Mẹ vẫn lấy "đức tin tuân phục" để "xin vâng" như trong Biến Cố Truyền Tin (xem Luca 1:38), hay như khi Mẹ chứng kiến thấy những dấu lạ Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nhưng Mẹ vẫn lưu giữ tất cả những sự ấy mà suy niệm trong lòng, chẳng hạn như sự kiện ba chiêm tinh vương gia đông phương đến bái thờ Hài Nhi Giêsu Con Mẹ (xem Luca 1:19).  

 

 

Bởi thế, Mẹ thật sự là Mẹ của Chúa Kitô, Lời Nhập Thể cả về phương diện thể lý lẫn phương diện thiêng liêng. Nếu về phương diện tự nhiên, Mẹ đã hạ sinh nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét thuộc giòng dõi Đavít, thì về phương diện siêu nhiên, nhờ đức tin tuân phục của Mẹ, Mẹ đã thụ thai Lời Nhập Thể và Lời Nhập Thể đã chiếm đoạt Mẹ, biến Mẹ thành phương tiện thông ban ơn cứu độ, một ơn cứu độ trước tiên được thông ban cho thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, qua lời chào đầy Thánh Linh của Mẹ (xem Luca 1:41-44), và sau đó, cũng nhờ lời chuyển cầu thần thế của Mẹ, bằng vai trò trung gian môi giới, Chúa Giêsu lần đầu tiên đã tỏ mình ra cho các môn đệ của Người ở tiệc cưới Cana làm cho các vị tin vào Người (xem Gioan 2:1-11). 

 

 

Chính nhờ tâm hồn của đầy "đức tin tuân phục" của Mẹ mà chẳng những tâm hồn đầy ân phúc của Mẹ thực sự là Đền Thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị, mà nhờ đó cả thân xác trọn đời trinh nguyên của Mẹ nữa cũng đã hoàn toàn trở thành Đền Thờ vô cùng xứng đáng cho Lời Nhập Thể ẩn ngự trong suốt 9 tháng mở đầu cho cuộc sống trần gian của Người.  

 

Phải chăng tấm lòng "đầy ơn phúc" của Mẹ Maria đã được Sách Châm Ngôn trong Bài Đọc 1 hôm nay ám chỉ là "lòng vua", một tấm lòng chẳng những làm chủ được mình (như làm "vua" bản thân mình) mà còn nhất là nhờ đó trở nên dễ dạy là tác động được cuốn sách Cựu Ước này diễn tả "như những dòng nước chảy", đến độ hoàn toàn được Thiên Chúa chiếm đoạt và làm chủ: "Người muốn hướng nó về đâu tùy ý Người". Thế nhưng, "hướng"  những ai ngoan ngoãn sống đức tin tuân phục để được Chúa dẫn dắt như thế là hướng về những ai bị khuyết tật về luân lý, tới nỗi những tâm hồn công chính này có thể thấu suốt được tâm trạng đáng thương của những con người ấy hầu kịp thời ra tay giải cứu họ, đúng như Sách Châm Ngôn nhận định về thành phần công chính này ở câu áp cuối: "Người công chính nhìn xem lòng kẻ tội ác, để cứu nó thoát khỏi tai hoạ".

 

Bài Đáp Ca hôm nay chẳng những mở đầu bằng lời khen tặng "Phúc đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa", mà còn bao gồm cả tâm tình thiết tha của chính bản thân họ được bày tỏ bằng chính cuộc sống chỉ biết gắn bó với Chúa qua các huấn lệnh, lề luật và đường lối của Chúa:  

 

1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa.

 

2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài.

 

3) Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài.

 

4) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng vâng theo luật đó.

 

5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.

 

6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên đây

 

Thu.3.XXV.TN.mp3