Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngọn Lửa Tình Yêu

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

NGỌN LỬA TÌNH YÊU (CN XX/TN-C)

 

Nói đến Đức Giê-su, ai cũng nghĩ Người là biểu tượng của sự bình an, dịu dàng và nhất là những lời dạy của Người về Tình Yêu và Lòng Thương Xót. Ngay từ khi mới sinh thì các thiên thần đã đồng thanh hát khúc ca an bình (“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”). Sở dĩ vậy là vì Người đã đến thế gian để thi hành sứ vụ hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với nhau. Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay (CN.XX/TN-C – Lc 12, 49-53), Thánh sử Lu-ca lại trình thuật hai Lời dạy khác thường của Đức Ki-tô: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49) và “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12, 51).

 

Sứ mệnh cao trọng của Đức Giê-su là đem Tình Yêu và Sự Sống đến cho nhân loại. Chẳng lẽ Tình Yêu lại là “chia rẽ”, Sự Sống lại là “ném lửa vào mặt đất” thiêu cháy tất cả hay sao? Nếu chỉ đọc thoáng qua thì sẽ thấy đúng là những điều trái ngược với tâm lý chung của con người trần tục, khó lòng chấp nhận được. Chẳng thế mà ngay cả những thân nhân của Người cũng “liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3, 21), thậm chí đến những môn đệ thân tín cũng coi những lời Thầy nói là “chướng tai quá! Ai mà nghe nổi.” (Ga 6, 60). Tuy nhiên, nếu hiểu rằng Người Thầy rất hay dùng cách giảng dạy mà ngày nay người ta cho là những biện pháp nghệ thuật rất đắc dụng như: “tương phản” (nói trái với chủ ý để nêu bật ý chính), “ám tỉ” (so sánh ngầm), “ẩn dụ” (ví ngầm); rồi bình tĩnh suy niệm sẽ thấy Lời dạy của Người thật chí lý, chẳng trái thường nghịch lý chút nào.

 

Trước hết, cần tìm hiểu xem “lửa” mà Đức Giê-su nói đến ở đây mang ý nghĩa gì? Lửa là thứ có thể thiêu cháy mọi vật, nhưng đồng thời lửa lại đem ánh sáng và hơi ấm đến cho con người. Vì thế nên "lửa" mà Người nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay đúng hơn nên hiểu đó là Thánh Thần, là Lửa Yêu Thương thanh tẩy tội lỗi, thiêu cháy sự chết, sưởi ấm tâm hồn những kẻ tin. Đức Ki-tô đã xuống thế thực hiện hy tế Thập giá làm “của lễ toàn thiêu” dâng lên Thiên Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Toàn thiêu là đốt cháy toàn bộ lễ vật như sách Lê-vi hướng dẫn: “Đây là luật về lễ toàn thiêu: Lễ vật toàn thiêu phải ở trên lò trên bàn thờ suốt đêm cho đến sáng, và lửa phải cháy luôn trên bàn thờ.” (Lv 6, 2). Như thế thì cũng có thể hiểu theo nghĩa “ẩn dụ” trong hy tế thập giá thì “của lễ” (là chính Đức Giê-su Ki-tô) sẽ được “Lửa” (là Thánh Thần) đốt cháy toàn bộ (“toàn thiêu”). Và vì thế, nên Đức Giê-su mong đến độ nôn nóng muốn thấy việc đó chóng xảy đến để loài người mau nhận được hồng ân Cứu Độ.

 

Liền sau câu nói trên, Đức Giê-su lại tiếp tục khẳng định: "Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!" (Lc 12, 50). Câu nói này, ai cũng hiểu là để ám chỉ cuộc Tử nạn của Người. Phép rửa thì phải có nước, nước ở phép rửa mà Đức Giê-su sắp phải chịu chính là Máu Người đổ ra rửa sạch tội lỗi cho nhân loại. Như vậy thì cùng lúc Đức Giê-su dạy cả về Lửa và Nước (là 2 trong số 8 biểu tượng Chúa Thánh Thần: “Nước, Xức dầu, Lửa, Áng mây và Ánh sáng, Ấn tín, Bàn tay, Ngón tay, Chim bồ câu” – xc Giáo lý HTCG, số 694-701). Đúng như lời tiên báo của Thánh Gio-an Tẩy Giả: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa.” (Lc 3, 16). Rõ ràng Đức Giê-su đem Lửa xuống thế gian không những chỉ để thiêu cháy sự chết, xua tan bóng tối tội lỗi, mà còn hun đúc Đức Tin và lòng Mến cho tín hữu, đồng thời dùng Nước Hằng Sống là chính Máu Người đổ ra trên thập giá để cho những kẻ tin được sự sống đời đời.

 

Tuy nhiên, mầu nhiệm Thập giá lại là điên rồ và ô nhục đối với người Do Thái, nên theo bản tính tự nhiên của xác thịt con người, họ lập tức phản kháng (“Họ kéo Người lên tận  đỉnh núi, để xô Người xuống vực” – Lc 4, 29). Ngay cả Tông đồ Phê-rô khi nghe nói về cuộc Thương khó lần đầu tiên, cũng phản ứng bằng cách kéo Ðức Giê-su ra nơi kín và trách Người; nhưng Ðức Giê-su đã quở mắng Phê-rô là “Xa-tan” (Mt 16, 22-23), và khẳng định Người sẽ đi vào con đường Thập giá. Đó là con đường “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9, 22). Không những vậy, Người còn nói thêm: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23). Và vì thế, nên các Tông đồ và những Ki-tô hữu tiên khởi theo Chúa cũng bị vua chúa, quan quyền và những người đồng hương bách hại. Quả đúng như lời Người nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất. Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.” (Mt 10, 34).

 

Tư tưởng của loài người là thế, cứ nghe lời Đức Giê-su quở trách Phê-rô thì đủ rõ: “Xa-tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8, 33). Hoá cho nên cần phải hiểu Lời của Đức Giê-su Thiên Chúa theo tư tưởng của Thiên Chúa. Một cách cụ thể, thì những kẻ tin và đi theo Đức Ki-tô vẫn là con số quá ít đối với cộng đồng, đa số vẫn là những kẻ không tin, thậm chí còn chống đối lại. Trong gia đình cũng vậy, và vì thế mà nảy sinh xung đột rồi đi đến chia rẽ là điều tất nhiên (“Thầy đến để gây chia rẽ: Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng." – Lc 12, 52-53). Đức Giê-su còn vạch rõ hậu quả: Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” (Mt 10, 21). 

 

Tóm lại, nếu hiểu theo tư tưởng của Thiên Chúa thì vấn đề sẽ hoàn toàn sáng tỏ. Lửa ở đây chính là Lửa Sự Sống, chỉ có Lửa Sự Sống mới đốt cháy được sự chết và tội lỗi. Còn nói “Thầy đến để gây chia rẽ” chính là Lời cảnh báo cho môn đệ hiểu để tỉnh thức trước những tị hiềm, ghen ghét, đố kỵ, kiêu căng do ba thù hiểm ác gây ra. Từ đó chiến đấu đến cùng để mưu cầu sự đoàn kết vốn là nền tảng chân lý mà Thiên Chúa Ba Ngôi mong mỏi con người thực hiện. Đây chính là Lời kêu gọi những kẻ tin hãy cảnh tỉnh trước âm mưu chia rẽ của kẻ thù ác hiểm, để hiệp nhất với nhau trong sự thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa (“đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.” (2Cr 13, 13).

 

Lời dạy của Đức Giê-su Thiên Chúa chỉ là lời tiên báo thế gian sẽ đón tiếp Người như vậy, để từ đó giục lòng các môn đệ, các tín hữu hãy dốc lòng tin cậy, luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách nghiệt ngã trên hành trình theo Thầy Chí Thánh, loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi loài thụ tạo. Chỉ có như thế mới hy vọng được hưởng ân sủng vô giá là được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô như Lời Người hằng cầu nguyện: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin  vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17, 20). Rõ ràng Người nói về chia rẽ là để răn đe và nhắc nhở mọi tín hữu hãy thương yêu đùm bọc nhau tạo nên sự hiệp nhất trong Thiên Chúa Tình Yêu vậy.

 

Ôi! Lạy Chúa! Chúa luôn mong muốn những người bạn của Chúa (Ki-tô hữu) được nên một (Ga 17, 20), không muốn họ chia rẽ và xung đột lẫn nhau. Mặc dù Chúa đã thấy trước và báo trước, nhưng không mấy ai tin tưởng chấp nhận sự đa dạng và khác biệt đó, nên những người theo Chúa vẫn không tránh được tình trạng bất hòa, chia rẽ. Cúi xin Chúa thương ban Lửa Tình Yêu cho tất cả những kẻ tin hiệp nhất với nhau, yêu thương nhau và coi nhau như anh chị em một nhà. Ôi! Lạy Chúa! “Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha trên trời.” ( “Bài ca hiệp nhất” – Lm Thành Tâm).

 

JM. Lam Thy ĐVD.