Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Những ký ức ngọt ngào - Một cuộc sống có tên là ân sủng

Tác giả: 
Lm Minh Anh

NHỮNG KÝ ỨC NGỌT NGÀO

“Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay Hội Thánh kính nhớ cuộc hiển dung của Chúa Giêsu, Tin Mừng tường thuật việc biến hình của Ngài trên núi khi ba môn đệ thân tín được phúc thoáng thấy vinh quang của Thầy. Đây là một trải nghiệm hết sức cần thiết để Phêrô và các môn đệ có thể vượt qua cuộc thương khó của Chúa cũng như những cam go mà Hội Thánh sơ khai sắp phải đối mặt. Qua thư của mình, chính Phêrô đã tuyên bố, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người”.

 

Lang thang trên những nẻo đường Palestine mà chặng cuối là hành trình lên Giêrusalem, ở đó, thấp thoáng bóng thánh giá, thần tính của Chúa Giêsu bị che khuất bởi chiếc áo nhân tính xô xảm của ba mươi năm ẩn mình. Vì thế, để chuẩn bị cho các môn đệ đi vào những ngày cuối cùng, thì trên đỉnh Taborê, Chúa Giêsu đã biến hình, tỏ cho họ thấy ánh sáng thần tính của Ngài; áo Ngài trắng như tuyết, dung nhan Ngài chói lọi. Thoáng thấy thần tính rạng ngời mà bấy lâu ẩn tàng trong cái thẳm sâu rất người của Thầy, ba môn đệ choáng ngợp và ngỡ ngàng. Ở đây, họ không chỉ choáng ngợp bởi một cái gì ngoại diện đang ngời sáng, nhưng ở đây, họ còn phải ngỡ ngàng bởi chính vinh quang của một phẩm vị Thiên Chúa đang rạng rỡ nơi Thầy mình. Các môn đệ được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi chính Chúa Giêsu.

 

Anh Chị em,

Chúng ta có nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc đời mình không? Đây là một câu hỏi, nhưng đúng hơn, là một lời mời gọi xét mình thực sự; vì lẽ, chúng ta quá dễ dàng nhận thức tất cả những vấn đề phải đương đầu trong cuộc sống để rồi luôn đặt lòng đặt trí vào chúng… đang khi bao lần, chúng ta bỏ lỡ việc nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong đời mình.

 

Lễ Hiển Dung tưởng nhớ việc Chúa hé lộ vinh quang của Ngài cho ba môn đệ theo một nghĩa đen hoàn toàn. Đối với các ngài, đây là một hình ảnh quan trọng vốn sẽ trở nên một ký ức đẹp đẽ in vào tâm trí để chuẩn bị cho một hình ảnh khác cũng rất thật và quan trọng hơn, đó là cuộc thương khó và cái chết của Thầy. Với các môn đệ, thập giá cũng là một ký ức dẫu thoạt tiên không mấy đẹp đẽ nhưng sau biến cố phục sinh, đó sẽ là một ký ức tuyệt vời, vô cùng quý báu và cực kỳ cần thiết cho sứ vụ mai ngày.

 

Lễ Hiển Dung nhắc cho chúng ta rằng, vinh quang của Chúa Giêsu chẳng hề mai một trên thập giá; cuộc thương khó với những đau khổ cùng tột của Ngài vẫn không làm thay đổi một sự thật là, vinh quang của Chúa Giêsu vẫn rạng ngời cả vào giờ phút Ngài hấp hối.

 

Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Với những ân huệ vô lường Thiên Chúa ban, Người cũng mong biến đổi linh hồn chúng ta trong vinh quang, ánh sáng và ân sủng. Điều này thật dễ nhìn thấy; thế nhưng, cả những lúc bão tố mưa sa, chúng ta cũng đừng bao giờ rời mắt khỏi những ngọt ngào và ánh vinh quang mà chính Người đã ban. Hãy biết sống lại những ký ức ấy để cảm tạ, tri ân về những gì tốt đẹp ngời sáng vinh quang Thiên Chúa mà trước đó chính Người đã ban cho linh hồn.

 

Nhà thơ Paul Verlaine đã viết, “Lạy Chúa từ nhân! Khi Chúa đến, mọi sự đều được sắp đặt lại. Ngài an bài mọi chuyện thật hoàn hảo. Ngài đem đến gian lao và cũng chính Ngài cất đi mọi nguy khốn. Ngài trừng phạt con bằng bao cực hình tột đỉnh. Vâng, tội nghiệp, hồn con nghĩ như thế. Nhưng con được bình an, vì Ngài đã kịp thời chìa ngay cho con cây sào thật đúng lúc để cứu con khỏi dòng nước cuốn trôi. Cả những khi chật vật niềm vui; đường con đi, dưới những vòm trời, Ngài vẫn chở che, con được bình an và tràn đầy và hạnh phúc; bình an giúp con chu toàn nhiệm vụ, hạnh phúc giúp con không còn đớn hèn bạc nhược vốn chỉ biết say sưa với khoái lạc, kiêu ngạo và dâm ô. Ôi, ngọt ngào! Đoá hoa cực lạc này giúp con hoàn thành những dự án giá trị và khả thi trong đời”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hồn con từng được biến đổi đẹp đẽ và rạng ngời vinh quang Chúa; xin cho con biết sống lại những ký ức ngọt ngào đó, nhất là vào những lúc thánh giá đời con trở nên nặng nề nhất”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MỘT CUỘC SỐNG CÓ TÊN LÀ ÂN SỦNG

‘Ai muốn cứu mạng, mạng mất; ai đành mất mạng, mạng còn’.

Kính thưa Anh Chị em,

Chuyện xảy ra tại một văn phòng phỏng vấn, “Vào một đêm mưa gió bão bùng, bạn lái xe đi qua một trạm xe buýt; tình cờ, bạn gặp ba người đang sốt ruột đợi xe. Một ông lão sắp chết cần được cấp cứu; một bác sĩ từng cứu mạng bạn và đến nằm mơ bạn cũng không có dịp nào khác để đáp đền; người còn lại là một phụ nữ bạn hằng ước ao cưới làm vợ với bất cứ giá nào, bỏ qua cơ hội này, sẽ không còn cơ hội nào khác. Thế nhưng, xe của bạn chỉ chở thêm được một người, bạn sẽ lựa chọn thế nào?”. Đó là câu hỏi duy nhất của phòng tuyển dụng nhân sự của một công ty lớn. Chỉ một trong số hai trăm ứng viên đã trúng tuyển; anh ta không giải thích lý do mà chỉ nói một câu đơn giản thế này, “Tôi sẽ đưa chìa khoá xe cho bác sĩ để anh ta chở ông lão đến bệnh viện; còn tôi, tôi sẽ ở lại cùng người con gái tôi yêu, chúng tôi sẽ chờ xe”.

 

Và này, một chiếc chìa khoá hạnh phúc tương tự khác Chúa Giêsu cũng muốn trao cho chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, một đoạn Tin Mừng quen thuộc đến mức khó chịu mỗi khi đọc lại. Chiếc chìa khoá đó là bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày để đi theo Chúa. Thế nhưng, nếu chịu khó dừng lại để suy nghĩ, chúng ta cũng rút ra được nhiều điều bổ ích và thú vị.

 

Trước hết, “bỏ mình, vác thập giá” ở đây không mang ý nghĩa huỷ bỏ, khinh rẻ hay chối từ bản thân nhưng là hy sinh những gì thuộc về bản thân vì một điều khác tốt đẹp hơn, cao cả hơn. Bởi lẽ đôi khi, chúng ta dễ dàng rơi vào chiếc bẫy khờ khạo khi nghĩ rằng, có thể theo Chúa một cách nào đó cũng được và mọi sự sẽ ổn khi ngày kia, lìa đời, chúng ta được lên thiên đàng. Điều đó có thể đúng với một mức độ nhất định, nhưng nếu đó là suy nghĩ của chúng ta thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cuộc sống và tất cả những gì Chúa đang dành cho những ai yêu mến Người. Đó là một cuộc sống có tên là ân sủng, một cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tự mình nghĩ ra; một cuộc sống được chúc phúc và cũng là lối hẹp duy nhất để đạt đến sự viên mãn trọn vẹn của một cuộc đời. Không gì có thể tốt hơn là bước vào một cuộc sống hoàn toàn tự hiến bằng việc chết đi chính mình mỗi ngày như một của lễ hy sinh. Vì thế, bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày là một cam kết rất đòi hỏi, nhưng đó lại là một bảo đảm hạnh phúc cho chúng ta hôm nay và mai ngày.

 

Thứ đến, cuộc sống bỏ mình, vác thập giá là một cuộc sống tràn đầy ân phúc và niềm vui; niềm vui này, ân phúc này là chính Chúa Giêsu, Đấng đã nêu gương bỏ mình, vác thập giá cho chúng ta noi theo. Phần thưởng Ngài ban không chỉ là sự sống đời đời ở đời sau nhưng ngay hôm nay; hạnh phúc của Chúa, niềm vui của Chúa cũng là chính Ngài, điều mà thế gian không thể ban tặng.

 

Tiếp đến, việc bỏ mình, vác thập giá của chúng ta còn mang một ý nghĩa cứu độ đời đời, trong một chiều kích vô biên. Mỗi khi tham dự thánh lễ, bánh rượu trên bàn thờ là lễ dâng của con người, đó không chỉ là hoa trái từ đồng xanh được mang đến nhưng đó còn là những gì tượng trưng cho bao lao công vất vả và mồ hôi của con người. Của lễ đó còn mang một ý nghĩa khác, đó là những thập giá, những hy sinh của mỗi người. Vì thế, chúng ta sẽ chất thêm vào đó những gì là thập giá của riêng mình nhất, những từ bỏ, những gánh nặng của chính mình. Thập giá đó có khi là bổn phận, có khi là hoàn cảnh nhưng rất nhiều khi, đó là những con người; khổ nỗi, đó lại là những con người mà chúng ta yêu thương nhất. Và rồi, tất cả sẽ được biến đổi trong Chúa Giêsu Kitô và cùng với hy tế Thánh Thể của Ngài, lễ dâng của chúng ta cũng trở nên một của lễ dâng lên Chúa Cha mang tính cứu độ đời đời.

 

Sau hết, chúng ta đừng bao giờ quên, lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn luôn kèm theo một lời hứa, Ngài hứa nâng đỡ, bổ sức cho chúng ta. Vì thế chúng ta sẽ không sợ hãi để bước đi theo Ngài trên con đường bỏ mình và vác thập giá, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

 

Anh Chị em,

Chớ gì, chúng ta biết khôn ngoan trao chìa khoá cho người khác và cùng chờ xe với Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, bỏ mình, vác thập giá là hai mặt của một đồng tiền; xin cho con đừng quên, chỉ mình Chúa mới có một kinh nghiệm phục sinh lớn lao nhất; bởi lẽ, thập giá Chúa đã trổ hoa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)