Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đem về lại với ân sủng - Hơn cả việc cưu mang

Tác giả: 
Lm Minh Anh

ĐEM VỀ LẠI VỚI ÂN SỦNG

“Ai có thể hiểu được thì hiểu”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Ngày nay, khi nói đến hôn nhân, một số người trẻ thường dè bỉu và coi những người vợ người chồng thuỷ chung thuộc về một loài nào đó mà nay đã tuyệt chủng. Vậy mà Lời Chúa hôm nay nói một điều ngược lại, chưa tuyệt chủng; con người vẫn thuỷ chung vì Thiên Chúa luôn là Đấng chung thuỷ. Bài đọc Êzêkiel nói đến hôn ước của Chúa Trời với nàng kiều Israel; Tin Mừng nói đến hôn ước của người nam người nữ bắt nguồn từ ý định của Chúa Trời, vì thế ‘loài thuỷ chung’ này không thể tuyệt chủng.

 

Cũng như ngôn sứ Hôsê, Êzêkiel cho thấy lẽ ra Israel đã tuyệt chủng từ lâu nếu Thiên Chúa không thương xót khi nàng quên mất mình là ai, đến từ đâu và phải làm gì; bởi lẽ, Israel đã bội phản Đấng đã cưới nàng, cũng là Đấng nhặt nàng từ ngoài đồng về, mặc cho nàng phẩm phục, đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ; đội cho nàng vương miện vàng để nàng nên lộng lẫy kiều diễm mà dâm bôn, chạy theo thần ngoại. Thế nhưng, cũng như Hôsê, Êzêkiel kết thúc ngụ ngôn của mình thật đẹp, Thiên Chúa đã tha thứ hết. Sau khi làm cho nàng tô hô, ê hề và bẽ mặt với tội lỗi mình, Người lại xót thương để tái lập một giao ước mới, “Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi từ thuở ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả mọi việc ngươi làm”; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng bộc lộ một tâm tình hân hoan, “Giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Chúa lại ban niềm an ủi”. Hãy đọc lại bài Êzêkiel hôm nay một lần nữa, chúng ta sẽ thấy sự thuỷ chung tuyệt vời của Thiên Chúa.

 

Tin Mừng hôm nay tường thuật việc người biệt phái đến thách thức Chúa Giêsu khi họ nại đến chứng từ Môisen cho phép rẫy vợ để biện minh cho việc không cần chung thuỷ. Chúa Giêsu giải thích cho họ, việc Môisen cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời; cho phép khác với truyền dạy. Ngài đến hoàn chỉnh lề luật và nhắc lại ý muốn trọn vẹn khởi thuỷ của Thiên Chúa, “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”. Ngài không đưa ra một luật mới nào nhưng chỉ đem ý nghĩa của hôn nhân về lại với ân sủng trong ý định ban đầu của Thiên Chúa; đồng thời mời gọi những ai sống đời đôi bạn nhận ra ân sủng của Người qua bí tích. Từ đó, người nam người nữ trở nên những con người mới, những con người được biến đổi bởi ân sủng để nên những con cái thánh thiện tốt lành của Người. Ân sủng của Thiên Chúa làm cho hôn nhân Kitô giáo trở nên sống động và tươi mới và đó là điều mới mẻ, đầy tràn hy vọng và niềm vui mà các đôi bạn Kitô hữu có thể mang đến cho thế giới tục luỵ hôm nay.  

 

Trong kiệt tác Chú Bé Hoàng Tử, Saint Exupéry viết về một đoá hồng cưng duy nhất trên hành tinh nhỏ bé của cậu. Cậu rất mực yêu quý đoá hồng. Cậu chăm sóc, nâng niu dẫu không phải lúc nào đoá hồng cũng làm cậu vui; vì hoa hay nũng nịu, chuyên làm dáng và khá kiêu kỳ. Ngày kia, cậu phải đi xa, đôi bạn sụt sùi nói lời ly biệt. Cậu đi từ hành tinh này đến hành tinh khác, và càng hiểu biết, cậu càng hối hận khi phải để lại cánh hoa yêu thương ở quê nhà. Thế nhưng, vừa đặt chân xuống trái đất, cậu bỗng giật mình khi thấy cả ngàn đoá hồng trong một khu vườn đầy hoa; tất cả vẫy chào cậu với những khuôn mặt xinh tươi hớn hở. Cậu đau khổ vô cùng vì có lần đoá hoa quê nhà bảo cậu rằng, ‘Cô là độc nhất vô nhị của loài hoa trong vũ trụ’; nhưng nay, mới chỉ một khu vườn mà đã có hàng ngàn cánh hoa. Cậu thầm nghĩ, “Trông thấy cảnh này, chắc cô ta ngượng lắm. Cô ta sẽ ho thật to và giả chết để bớt xấu hổ; còn mình, buộc phải làm ra vẻ chăm sóc hơn, nếu không, cô sẽ chết thật”. Cậu lại nghĩ, “Trước đây, với chỉ một bông hồng, mình tưởng mình giàu có như một ông hoàng, nhưng ôi thôi giờ đây…”. Và nằm trên cỏ, cậu khóc nức nở.

 

Anh Chị em,

Cậu bé hoàng tử nằm khóc nức nở vì hụt hẫng, người Kitô hữu cũng khóc nức nở vì biết rằng, Thiên Chúa ban ân sủng để con cái Người vui hưởng hạnh phúc trong hôn nhân; đồng thời, chính ân sủng Chúa giúp họ đủ sức vượt qua sóng gió trong đời đôi bạn. Dù ở đấng bậc nào, ân sủng Chúa vẫn làm cho chúng ta trở nên những con người mới. Vì thế, người trẻ hôm nay có thể xem thuỷ chung tựa hồ chuyện cổ tích nhưng với chúng ta thì không. Và nếu ơn gọi tận hiến trong đời linh mục tu sĩ đã là một mầu nhiệm thì ơn gọi sống đời hôn nhân lại càng là một mầu nhiệm thánh.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa là Đấng thuỷ chung, xin cho con đừng mang tiếng bội bạc trong bậc sống của mình”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

HƠN CẢ VIỆC CƯU MANG

 

Trong tập “Mảnh Trăng Non”, thi hào Tagore viết mẩu đối thoại của một em bé thỏ thẻ cùng mẹ.

 

“Cành chen nhau trong gió, lá xào xạc trong rừng;

Sấm vỗ tay reo mừng, hoa tua tủa chen vai.

Mẹ biết không, nhà chúng ở trên cao, giữa muôn ngàn vì sao;

Mẹ thấy không, chúng hăm hở nhường nào, mong ước được lên cao. 

Nhưng nào mẹ có biết, chúng vội vã làm sao?

Tay chúng hướng lên cao, vẫy chào ai, đố mẹ?

Chỉ mình con đoán được, chúng đón mẹ chúng đó; bởi chúng cũng có mẹ, như con có mẹ đây”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Viết về mẹ, sẽ không cạn ý; nói về mẹ, sẽ chẳng cạn lời. Mẹ trần thế, suối ngọt ngào cho kiếp nhân sinh; Mẹ thiên quốc, thác hồng phúc cho lữ khách về trời.

 

Hôm nay mừng lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta hân hoan dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người không chỉ ban cho chúng ta một người Mẹ, nhưng qua Mẹ, ban cho nhân loại một Người Con. Trong thư Côrintô, thánh Phaolô nói, “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban chiến thắng cho chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô”, Ngài là Mặt Trời Công Chính xua tan bóng tối sự chết mà chính Mẹ là bình minh báo trước. Nhìn bình minh, ai mà không rộn rã; bởi lẽ, sau đêm tăm lạnh giá, thấy bình minh là thấy ấm áp, thấy mới mẻ, thấy hy vọng và thấy sự sống.

 

Thế nhưng, Đức Maria hồn xác lên trời là người mẹ thế nào, chúng ta có bắt chước được gì nơi Mẹ không? Mẹ có đủ kín đáo, gần gũi để chúng ta thỏ thẻ như em bé của Tagore? Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một câu trả lời cô đọng nhất, bởi Mẹ là người đã lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa cách trọn vẹn. Thế thôi, đơn giản, vắn gọn và dễ hiểu! Có thể nói, giữa đám đông đang chăm chú nghe Chúa Giêsu hôm ấy, có người phụ nữ không cầm mình được, bà đã tâm đắc với chàng thanh niên tuấn tú có tên Giêsu đó và bà tự hỏi, ‘Con nhà ai mà uyên bác đến thế, con nhà ai mà lưu loát đến vậy?’. Bà quá ngưỡng mộ đến nỗi buột miệng trực tiếp với Ngài, “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú”. Bà khen mẹ Ngài mà không ngại đề cập đến những nét kín đáo của một phụ nữ sinh con. Bà nói đến dạ con, tử cung, nói đến bầu sữa; bà nói đến mang nặng đẻ đau, nói đến chiếc bụng đã cưu mang những chín tháng mười ngày con người mà bà đang khâm phục.

 

Bài đọc thứ nhất nói đến hòm bia Thiên Chúa được Đavít và cộng đồng Israel cung nghinh là hình ảnh báo trước Đức Maria cưu mang Con Thiên Chúa mà Hội Thánh đọc trong Kinh Cầu, “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Như các bà mẹ, Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu như đền thờ cưu mang hòm bia Thiên Chúa xưa; Mẹ nuôi Chúa Giêsu bằng chính sữa mình không chỉ một năm nhưng những ba năm, nghĩa là, Mẹ lấy sự sống của mình để nuôi con lớn lên để hôm nay, con có thể đứng đây mà giảng dạy. Rõ ràng, dạ Mẹ là chiếc kén, chiếc nôi đầu tiên ru con trưởng thành, ru con nên người nên thánh. Mẹ không chỉ sinh, nhưng Mẹ còn dưỡng và quan trọng hơn, giáo dục Giêsu nữa.

 

Lời khen của người phụ nữ hẳn khiến cho đám đông tâm đắc. Khen mẹ chính là khen con. Phải là một người mẹ tuyệt mỹ mới có thể sinh được một đứa con tuyệt vời. Mẹ có phúc vì đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục Đấng Cứu Độ; bà Êlisabeth đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này, “Em có phúc hơn mọi phụ nữ và phúc cho hoa trái bụng dạ em cưu mang”. Như thế, Mẹ có phúc vì Con có phúc; Con ở đâu, Mẹ ở đó; Con lên trời, Mẹ về trời.

 

Chúa Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ ấy, Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho phù hợp bầu khí giảng dạy; đúng hơn, Ngài muốn chỉ ra điều kiện để được phúc thực. Ngài nói, “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”, một mối phúc mà mới nghe qua, tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước, thế nhưng, đó là điều Mẹ Maria đã sống từ đầu. Ai lắng nghe lời Thiên Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Thiên Chúa bằng Mẹ? Tin Mừng nói, “Đức Maria hằng để tâm suy đi gẫm lại trong lòng”. Như thế, trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác, Mẹ đã đón nhận Lời đi vào cuộc đời mình.

 

Phụng vụ Lời Chúa lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên mời gọi chúng ta noi gương Mẹ để yêu mến, đón nhận và sống Lời Chúa; điều này còn quan trọng hơn cả việc cưu mang Ngài. Nếu Mẹ không sống Lời Chúa, nào ai bảo đảm Mẹ sẽ cưu mang Con Đức Chúa Trời.

 

Anh Chị em,

 

Chúng ta không được phúc sinh dưỡng Chúa Giêsu cách thể lý như Mẹ nhưng chúng ta tiếp tục cưu mang và sinh hạ Ngài trong lòng anh chị em mình cách thiêng liêng cũng bằng chính việc lắng nghe, yêu mến và sống Lời Chúa như Mẹ.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa thẩm thấu trong đời sống con, đừng để Lời Chúa đến với con như nước đổ lá môn”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)