Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thông điệp Hội Thánh Từ Thánh Thể Ecclesia De Eucharistia HĐGMVN

THÔNG ĐIỆP

ECCLESIA DE EUCHARISTIA

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN-PHAOLÔ II

GỞI CHO CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC,

NAM NỮ TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU

VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI GIÁO HỘI


Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin VN chuyển ngữ

DẪN NHẬP ( số 1 – 10)

 

1.   Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia vivit). Chân lý này không chỉ diễn tả một kinh nghiệm hằng ngày của đức tin, nhưng dưới hình thức tổng hợp nó còn gồm tóm cả cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong hân hoan, Giáo Hội cảm nghiệm dưới nhiều hình thức sự thể hiện liên tục lời hứa: “Và Thầy, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Nhưng trong Bí Tích Thánh Thể, nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành  Mình và Máu Chúa, Giáo Hội được vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ duy nhất. Từ ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Giáo Hội, Dân của Giao Ước Mới, khởi đầu cuộc lữ hành về quê hương thiên quốc, Bí Tích thần linh vẫn tiếp tục in dấu trên những ngày sống của Giáo Hội, lắp đầy chúng với niềm hy vọng tín thác.

 

Công đồng Vaticanô II đã chính thức công bố rằng Hy Tế Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu”(1). “ Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể rất thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta, Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sinh động nhờ Thánh Thần và làm cho con người được sống”(2). Vì thế, Giáo Hội luôn chăm chú hướng nhìn vào Chúa mình, hiện diện trong Bí Tích của bàn thờ, trong đó Giáo Hội khám phá ra tình yêu vô biên của Ngài được tỏ hiện tràn đầy.

 

2.   Trong đại năm thánh 2000, tôi được cử hành lễ Tạ Ơn trong nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, theo truyền thống, nơi đó chính Chúa Kitô đã cử hành Hiến Tế  Tạ Ơn này. Nhà Tiệc ly là nơi bí tích rất thánh nầy được thiết lập. Chính nơi đó, Chúa Kitô đã cầm bánh trong tay, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : “Tất cả hãy cầm lấy mà ăn : Này là mình Thầy bị nộp vì anh em” (x. Mt 26,26 ; Lc 22,19 ; 1Cr 11,24). Rồi Ngài cầm trong tay chén rượu nho và nói : “Tất cả hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x. Mc 14,24; Lc 22,20; 1 Cr 11,25). Tôi tạ ơn Chúa Giêsu đã cho tôi nói lại cũng tại nơi đó, vâng theo lệnh truyền của Ngài “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”(Lc22,19), những lời mà Ngài đã nói cách đây hai ngàn năm.

 

Các Tông Đồ, những người đã tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu ý nghĩa của những lời từ miệng Chúa Kitô nói không ? Có thể là không. Những lời ấy chỉ được sáng tỏ một cách đầy đủ sau Tam Nhật Vượt Qua mà thôi, nghĩa là khoảng thời gian từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày đó, mầu nhiệm Vượt Qua được khắc ghi (mysterium paschale); cũng chính trong ngày đó mà mầu nhiệm Thánh Thể được khắc ghi (mysterium eucharisticum).

 

3.   Giáo Hội được khai sinh từ mầu nhiệm vượt qua. Chính vì thế mà Thánh Thể, bí tích tuyệt hảo của mầu nhiệm vượt qua, nằm ở  trung tâm  đời sống Giáo Hội. Người ta nhận thấy rõ ngay từ những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội mà sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi lại cho chúng ta: “ Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” ( 2, 42). Bí Tích Thánh Thể được gợi lên trong “Lễ Bẻ Bánh”. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục thực hiện hình ảnh nguyên thủy đó của Giáo Hội. Và khi chúng ta làm như thế trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể,  tâm hồn chúng ta nhìn về Tam Nhật Vượt Qua, về những gì xảy ra chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong bữa tiệc ly và sau đó. Thật vậy, việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích, những biến cố sẽ được thực hiện sau đó ít lâu, từ khi Chúa hấp hối trong vườn Giếtsêmani. Chúng ta nhìn thấy lại Chúa Giêsu ra khỏi nhà tiệc ly, đi xuống với các môn đệ để băng qua suối Cédron và đi vào vườn Cây Dầu. Trong vườn này, ngày nay vẫn còn vài cây Ôliu cổ thụ. Có lẽ chúng đã chứng kiến những gì đã xảy ra dưới bóng của chúng đêm hôm ấy khi Chúa Kitô cầu nguyện và một nỗi lo sợ chết người đã xâm chiếm Ngài và “mồ hôi của Ngài trở nên như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Máu mà Ngài vừa ban cho Giáo Hội trước đó một chút như của uống cứu độ trong Bí Tích Thánh Thể, đã bắt đầu đổ ra. Việc đổ máu đó sẽ hoàn tất trên đồi Golgotha, trở nên dụng cụ của ơn cứu độ chúng ta: “Đức Kitô? Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai ?, đã tiến vào cung thánh một lần thay cho tất cả, không phải với máu dê đực và máu bò non nhưng với chính máu của mình, và lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12).

 

4.   Giờ cứu chuộc của chúng ta. Mặc dù bị thử thách nặng nề, Chúa Giêsu không trốn chạy “giờ” của Ngài : “Biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng không! Chính vì giờ này mà con đã đến.” (Ga 12,27). Ngài mong muốn các môn đệ tỉnh thức với Ngài và trái lại, Ngài phải kinh nghiệm sự cô đơn và bị bỏ rơi: “Thế ra, anh em không thể thức được một giờ với Thầy sao ? Hãy tĩnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước  cám dỗ” (Mt 26,40-41).  Chỉ một mình Gioan đứng dưới chân thập giá bên cạnh Đức Maria và những phụ nữ đạo đức. Cơn hấp hối ở vườn Giếtsêmani là khởi đầu của cơn hấp hối trên Thập Giá Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Giờ thánh, giờ cứu độ của thế giới. Khi cử hành Bí Tích Thánh Thể gần mồ Chúa Giêsu ở Giêrusalem, người ta trở về như sờ được “giờ” của Ngài, giờ của Thập Giá và của tôn vinh. Bất cứ linh mục nào cử hành thánh lễ đều trở về bằng tâm trí nơi đó và giờ đó, đồng thời với cộng đoàn Kitô hữu đang tham dự.

 

“ Người đã chịu đóng đinh, đã chết và đã được mai táng, đã xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba, Người đã sống lại từ trong kẻ chết”. Tiếp theo những lời tuyên xưng đức tin này vọng lên những lời chiêm ngắm và công bố: “ Đây là gỗ thánh giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy” (Ecce lignum crucis  in quo salus mundi pependit. Venite adoremus). Đó là lời mời gọi mà Giáo Hội ngỏ với mọi người chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Giáo Hội sẽ tiếp tục hát và công bố suốt mùa phục sinh: “ Chúa đã trỗi dậy từ ngôi mộ, Đấng đã chịu treo trên cây gỗ vì chúng ta Allêluia” (Surrexit Dominus de sepulcro qui pro nobis pependit in ligno Alléluia).

 

5.   “ Mysterium fidei – Mầu nhiệm đức tin!” Khi linh mục đọc hay hát những lời nầy, giáo dân tung hô: “Chúng con loan truyền  Chúa đã chịu chết và tuyên xưng  Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”. 

 

Với những lời đó hay những lời tương tự, Giáo Hội chỉ rõ Chúa Kitô trong mầu nhiệm Khổ Nạn của Ngài, và cũng biểu lộ chính mầu nhiệm của mình: Giáo Hội từ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia).  Nếu chính nhờ Chúa Thánh Thần được ban vào ngày Lễ Ngũ Tuần mà Giáo Hội được khai sinh và bắt đầu cuộc hành trình của mình trên các nẻo đường của thế giới, thì chắc chắn việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong nhà Tiệc Ly là một khoảnh khắc quyết định của việc thiết lập Giáo Hội. Nền tảng và nguồn gốc của Giáo Hội, chính là tất cả Tam Nhật Vượt Qua (Triduum pascal), nhưng Tam Nhật nầy như được chứa đựng, được thực hiện trước và “cô đọng lại” mãi mãi trong hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân nầy, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội nhiệm vụ hiện tại hóa không ngừng mầu nhiệm vượt qua. Nhờ hồng ân nầy, Ngài thiết lập “tính cách đồng thời” huyền nhiệm giữa Tam Nhật và dòng thời gian.

 

Nghĩ đến điều nầy làm nảy sinh trong chúng ta những tâm tình ngưỡng mộ cao cả và đầy lòng biết ơn. Trong biến cố vượt qua, và trong Bí Tích Thánh Thể hiện tại hóa biến cố vượt qua theo dòng thời gian, có một “ nội dung” thật lớn lao, trong đó tất cả lịch sử đều hiện diện với tư cách là kẻ đón nhận hồng ân cứu độ. Tâm tình ngưỡng mộ nầy phải luôn thấm nhập Giáo Hội, quy tụ để cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nhưng trên hết, nó phải tràn ngập tâm hồn  thừa tác viên Thánh Thể. Thật vậy, chính vị đó thực hiện việc truyền phép nhờ năng quyền đã được ban cho trong bí tích truyền chức. Chính ngài đọc lên, với quyền năng mà Chúa Kitô ban cho từ nhà Tiệc Ly, những lời: “ Nầy là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em? Nầy là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em?”. Linh mục đọc những lời đó, hay đúng hơn, ngài đặt miệng lưỡi và tiếng nói của ngài dưới quyền sử dụng của Đấng đã nói những lời ấy trong nhà Tiệc Ly, và đã muốn rằng những lời ấy phải được lặp lại, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác bởi những ai tham dự vào chức tư tế của Ngài trong Giáo Hội.

 

6.   Qua thông điệp nầy, tôi muốn khơi lại “tâm tình ngưỡng mộ” Thánh Thể, trong đường hướng của di sản Năm Thánh mà tôi đã muốn lưu lại cho Giáo Hội qua Tông thư Novo millennio ineunte (Bước vào ngàn năm mới) và Tông thư  Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria), là đỉnh cao của nó. Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Kitô, chiêm ngắm với Mẹ Maria, đó là “chương trình” mà tôi đã vạch ra cho Giáo Hội vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba, kêu mời Giáo Hội ra khơi trên đại dương của lịch sử với nhiệt tình tân phúc âm hóa. Chiêm ngắm Chúa Kitô đòi buộc mọi người phải biết nhận ra Ngài bất cứ nơi nào Ngài tỏ hiện, trong nhiều cách thế hiện diện của Ngài, nhưng trên hết, trong Bí Tích sống động của Mình và Máu Ngài. Giáo Hội sống nhờ Chúa Kitô Thánh Thể, nhờ Ngài, Giáo Hội được nuôi dưỡng, nhờ Ngài, Giáo Hội được soi sáng. Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, và đồng thời là một “mầu nhiệm ánh sáng”.(3)

 

Mỗi lần Giáo Hội cử hành bí tích nầy, giáo dân có thể một cách nào đó sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus: “ Mắt họ mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31).

 

7.   Từ khi tôi bắt đầu nhiệm vụ của người kế vị Thánh Phêrô, tôi luôn muốn đem lại cho ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của Thánh Thể và của chức linh mục, một dấu hiệu để lưu tâm đặc biệt bằng cách gởi một bức thư cho tất cả các linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ hai mươi lăm triều đại giáo hoàng của tôi, tôi muốn lôi kéo một cách rộng rãi hơn, toàn thể Giáo Hội vào việc suy tư Thánh Thể nầy, và cũng đồng thời tạ ơn Chúa vì hồng ân của Thánh Thể và của chức tư tế : “Hồng ân và mầu nhiệm” (4). Quả vậy, khi công bố năm Mân Côi, tôi đã muốn đặt năm thứ hai mươi lăm nầy, dưới dấu chỉ của việc chiêm ngắm Chúa Kitô trong trường dạy của Mẹ Maria, tôi không thể để ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2003 nầy qua đi mà không dừng lại trước “khuôn mặt Thánh Thể” của Chúa Kitô, chỉ rõ một cách mạnh mẽ hơn nữa chỗ đứng trung tâm của Bí Tích Thánh Thể. Chính Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. Chính Giáo Hội nuôi mình bằng “bánh hằng sống” nầy. Làm sao không cảm thấy nhu cầu phải thúc bách mọi người luôn luôn sống bí tích nầy một cách mới mẻ hơn?

 

8.   Khi tôi nghĩ đến Bí Tích Thánh Thể, đồng thời nhìn lại cuộc đời linh mục, giám mục và người kế vị Thánh Phêrô của tôi, tự nhiên tôi nhớ đến rất nhiều lúc và nhiều nơi mà tôi đã cử hành thánh lễ. Tôi nhớ đến nhà thờ giáo xứ Niegowic, nơi mà tôi đã thi hành lần đầu tiên chức vụ mục tử của tôi, đến nhà thờ Saint-Florian ở Cracovi, đến nhà thờ chính tòa Wawel, đến vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và nhiều vương cung thánh đường khác và các nhà thờ ở Rôma và trên khắp thế giới. Tôi đã được cử hành thánh lễ trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, tôi đã dâng thánh lễ trên  bàn thờ dựng ngay trong  sân vận động, trên công trường các thành phố? Những khung cảnh khác nhau ấy của những lần cử hành Bí Tích Thánh Thể  làm cho tôi cảm nhận  mãnh liệt tính cách phổ quát của chúng và có thể nói là tính cách vũ trụ. Đúng thế! Vũ trụ! Vì dù thánh lễ được cử hành trên một bàn thờ nhỏ của một nhà nguyện thôn quê đi nữa, Bí Tích Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí Tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng  đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu  đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin (mysterium fidei) được thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ  tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại.

 

9.   Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu trong cộng đoàn  tín hữu và lương thực thiêng liêng cho cộng đoàn nầy, là những gì quí giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian. Điều đó giải thích tại sao Giáo Hội luôn ân cần chú tâm đến Mầu Nhiệm Thánh Thể, một sự chú tâm chính thức thấy rõ trong công trình của các Công Đồng và của các Đức Giáo Hoàng. Làm sao không ngưỡng mộ giáo thuyết  của những sắc lệnh về Bí Tích Thánh Thể và về Hy Tế Thánh Lễ  được Công Đồng Triđentinô ban bố? Trải qua các thế kỷ, những trang đó đã hướng dẫn khoa thần học cũng như khoa huấn giáo và vẫn còn là một tham chiếu tín lý cho sự canh tân liên tục và cho sự tăng trưởng của Dân Chúa trong niềm tin và lòng mến đối vơiù Bí Tích Thánh Thể. Trong thời gian gần chúng ta hơn, phải nói đến ba thông điệp: Mirae caritatis của Đức Lêô XIII ( 28-5-1902) (5), Mediator Dei của Đức Piô XII ( 20-11-1947) (6) và Mysterium fidei của Đức Phaolô VI ( 3-9-1965) (7). 

 

Công Đồng Vaticanô II không công bố một văn kiện đặc biệt nào về Mầu Nhiệm Thánh Thể, nhưng đã nêu lên nhiều khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm nầy trong toàn bộ các văn kiện, đặc biệt là trong hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium và trong hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum concilium.

 

Chính tôi, trong những năm đầu tiên của sứ vụ tông đồ trên Toà Phêrô, nhờ Tông Thư Dominicae cenae (bàn tiệc của Chúa) (24-2-1980) (8), tôi đã có dịp đề cập đến một vài khía cạnh của Mầu Nhiệm Thánh Thể, đến ảnh hưởng của nó trên đời sống những thừa tác viên của mầu nhiệm nầy. Hôm nay tôi trở lại đề tài nầy, với một con tim tràn ngập cảm kích và tri ân hơn, hòa nhịp một cách nào đó với tác giả thánh vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.” ( Tv 116 12-13).

 

10.   Một sự tăng trưởng nội tâm của cộng đoàn Kitô hữu đã đáp lại mối quan tâm muốn loan báo của Huấn Quyền. Chắc hẳn việc canh tân Phụng Vụ của Công Đồng đã mang đến nhiều thiện ích về phương diện tham dự ý thức hơn, tích cực và hiệu năng hơn của các tín hữu vào Hy Tế trên bàn thờ. Đàng khác, trong nhiều địa phương, việc tôn thờ Thánh Thể có một chỗ đứng quan trọng hằng ngày và trở nên nguồn suối vô tận của sự thánh thiện. Việc tham dự sốt sắng của tín hữu vào những cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào dịp lễ trọng Mình và Máu Thánh Chúa là một hồng ân Chúa ban, làm cho những ai tham dự mỗi năm đều tràn đầy hân hoan. Người ta có thể nêu lên nơi đây nhiều dấu hiệu tích cực khác về niềm tin và lòng yêu mến Thánh Thể.

 

Bất hạnh thay, bên cạnh những ánh sáng nầy, lại không thiếu những bóng tối. Quả vậy, ở nhiều nơi, việc tôn thờ Thánh Thể gần như hoàn toàn bị bỏ rơi. Thêm vào đó, do hoàn cảnh nầy hay hoàn cảnh nọ trong Giáo Hội, nhiều lạm dụng đã làm lu mờ đức tin ngay chính và giáo thuyết công giáo liên can đến Bí Tích kỳ diệu nầy. Đôi khi cũng nảy sinh một cách hiểu rất giản lược về Mầu Nhiệm Thánh Thể. Bỏ đi giá trị hy tế của nó, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc gặp gỡ thân hữu trong một bữa tiệc thông thường mà thôi. Hơn nữa, sự cần thiết của chức tư tế thừa tác, dựa trên việc kế nhiệm các tông đồ, đôi khi cũng bị lu mờ và tính chất bí tích của Thánh Thể đã bị giản lược duy vào hiệu năng loan báo. Từ đó, nơi nầy hay nơi khác, nhiều sáng kiến đại kết, dù rất thiện chí, đã rơi vào những việc thực hành Thánh Thể đi ngược lại với kỷ luật  trong đó Giáo Hội diễn tả niềm tin của mình. Làm sao không đau đớn sâu xa trước những điều nầy? Thánh Thể là một hồng ân  quá lớn lao đến nỗi không thể chấp nhận sự hàm hồ và giản lược nào.

 

Tôi hy vọng thông điệp nầy có thể góp phần để đánh tan một cách hữu hiệu những bóng tối trên phương diện giáo thuyết và những cách thực hành không thể chấp nhận được, hầu Bí Tích Thánh Thể tiếp tục chói sáng trong tất cả vẻ huy hoàng của mầu nhiệm.

 

CHƯƠNG I : MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

 

11.   “ Chính trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu” (1Cr 11,23) đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể là Mình và Máu Ngài. Những lời của Thánh Phaolô Tông Đồ đưa dẫn chúng ta trở lại với những hoàn cảnh bi thương trong đó Bí Tích Thánh Thể được khai sinh, được đánh dấu  không thể xóa mờ bởi biến cố khổ nạn và cái chết của Chúa. Bí Tích Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi biến cố đó, nhưng còn là tái hiện mang tính bí tích của biến cố ấy. Đó là hy tế Thập Giá được tiếp tục trong thời gian (9). Người ta thấy trong nghi lễ latinh một cách diễn tả rất thích hợp về chân lý nầy trong những lời tung hô mà dân chúng đáp lại lời công bố “mầu nhiệm đức tin” của linh mục :  “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết ”.

 

Giáo Hội đã đón nhận Thánh Thể của Chúa Kitô, Chúa của mình không phải chỉ như  một hồng ân, dù quí báu đến đâu, giữa những hồng ân khác, nhưng như là một hồng ân tuyệt hảo, vì hồng ân đó chính là Ngài, là ngôi vị trong nhân tính thánh thiện của Ngài, và là công trình cứu chuộc của Ngài. Điều này không dừng lại trong dĩ vãng, vì “ tất cả những gì Chúa Kitô là, và tất cả những gì Ngài đã làm và đã chịu vì  nhân loại đều mang tính chất vĩnh cửu thần linh nên vượt mọi thời gian ?” (10).

 

Khi Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể,  tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa mình, biến cố trung tâm nầy của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và như vậy, công trình cứu độ chúng ta được thực hiện” (11). Hy tế nầy có tính quyết định đối với việc cứu độ loài người đến nỗi Chúa Giêsu Kitô chỉ hoàn thành và trở về với Chúa Cha sau khi đã để lại cho chúng ta phương thế tham dự vào, như thể chúng ta đã có mặt lúc bấy giờ. Vì thế, mọi tín hữu đều có thể tham dự vào và nếm được những hoa quả của hy tế ấy một cách vô tận. Đó là đức tin mà các thế hệ Kitô hữu đã sống trải qua các thời đại. Niềm tin ấy, Huấn Quyền của Giáo Hội đã không ngừng nhắc đi nhắc lại với lòng tri ân hoan hỉ vì hồng ân vô giá nầy (12). Một lần nữa, tôi ước mong nêu lên lại chân lý nầy, bằng cách phục lạy tôn thờ Mầu Nhiệm nầy với anh chị em, anh chị em thân mến, Mầu Nhiệm vô biên, Mầu Nhiệm của lòng thương xót. Chúa Giêsu có thể làm gì hơn nữa cho chúng ta? Trong Bí Tích Thánh Thể Ngài cho chúng ta thấy thực sự một tình yêu “cho đến cùng” (x. Ga 13,1), một tình yêu không còn ranh giới.

 

12.   Khía cạnh nầy của đức ái phổ quát trong  Bí Tích Thánh Thể được đặt nền tảng trên chính những lời của Đấng Cứu Thế. Khi thiết lập bí tích nầy, Chúa Giêsu không những chỉ nói “Nầy là Mình Thầy”, “nầy là Máu Thầy”, nhưng Ngài đã thêm “ bị nộp vì anh em” và “đổ ra vì nhiều người” (Lc 22,19-20). Ngài không chỉ xác quyết những gì Ngài ban cho họ ăn và uống là thịt máu Ngài mà thôi, trái lại Ngài cũng diễn tả giá trị hy tế của chúng nữa, bằng cách hiện tại hóa một cách bí tích hy tế của Ngài được hoàn tất trên thập giá một vài giờ sau đó để cứu rỗi mọi người. “ Thánh Lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế Thập Giá để lưu truyền muôn đời, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp với Mình và Máu Chúa, cả hai gắn liền và không thể tách rời nhau” (13).

 

Giáo Hội liên tục sống nhờ hy tế cứu độ, và đạt đến hy tế đó không phải bằng một kỷ niệm đơn thuần đầy niềm tin mà thôi, nhưng còn bằng một tiếp xúc hiện tại, vì hy tế nầy trở nên hiện diện, hiện diện luôn mãi cách bí tích, trong mọi cộng đoàn hiến dâng nó, qua tay của thừa tác viên được thánh hiến. Bằng cách đó, Thánh Thể làm lan rộng đến con người hôm nay sự giao hòa do Chúa Kitô thực hiện duy nhất một lần cho nhân loại của mọi thời. Thật vậy “hy tế của Chúa Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất” (14).  Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói một cách rõ ràng : “ Chúng ta luôn hiến dâng cũng một con chiên đó thôi, không phải hôm nay một con, ngày mai con khác, nhưng mãi mãi là một con chiên mà thôi. Vì lẽ ấy, mãi mãi chỉ có một hy tế mà thôi [?]. Ngay cả hôm nay, chúng ta dâng lên hiến vật đã được tiến dâng lúc bấy giờ và sẽ không bao giờ tàn lụi nữa” (15).

 

Thánh Lễ hiện tại hóa hy tế thập giá, không thêm bớt gì mà cũng không nhân lên được (16). Những gì được lặp lại, chính là việc cử hành bằng tưởng niệm, việc “trình bày bằng tưởng niệm” (memorialis demonstratio) (17) của hy tế, nhờ đó hy tế cứu độ duy nhất và dứt khoát của Chúa Kitô được hiện diện trong thời gian. Bản chất hy tế của Mầu Nhiệm Thánh Thể không được hiểu như một cái gì đó hiện hữu trong chính mình, không liên hệ gì với Thập Giá, hay chỉ quy chiếu một cách gián tiếp về hy tế trên đỉnh đồi Canvariô mà thôi.

 

13.   Nhờ liên hệ mật thiết với hy tế Golgotha, Bí Tích Thánh Thể là một hy tế theo  nghĩa đen, chứ không chỉ theo nghĩa chung chung, như thể đây chỉ là một hiến dâng thông thường mà Chúa Kitô đã trao ban làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu. Quả thật, sự dâng hiến trong tình yêu và trong vâng phục của Ngài cho đến chết (x. Ga 10,17-18) trước tiên là sự dâng hiến cho Cha Ngài. Đó chính là một hồng ân  cho chúng ta và cho cả nhân loại (x. Mt 26,28; Mc 24,14; Lc 22,20; Ga10,15), nhưng trước hết chính là sự dâng hiến cho Chúa Cha: “hy tế mà Chúa Cha đã ưng nhận, khi Người đáp lại sự dâng hiến  vẹn toàn của Con Ngài, Đấng đã “ vâng phục cho đến chết” (Pl 2,8), bằng sự ban tặng đầy tình phụ tử, nghĩa là ban cho Con sự sống mới và vĩnh cửu trong sự phục sinh”(18).

 

Khi ban cho Giáo Hội hy tế của Ngài, Chúa Kitô đồng thời cũng muốn biến hy tế thiêng liêng của Giáo Hội thành hy tế của mình, Giáo Hội đã được mời gọi tự  hiến chính mình cùng với hy tế của Chúa Kitô. Đó là lời của Công Đồng Vaticanô II dạy, liên hệ đến các tín hữu: “khi tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng lên Thiên Chúa tế phẩm và tự hiến chính mình với tế phẩm đó” (19).

 

14.   Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô cũng bao gồm sự phục sinh của Ngài cùng với cuộc khổ nạn và cái chết, như lời tung hô của tín hữu sau khi truyền phép “chúng con tuyên xưng Chúa đã sống lại”. Thật vậy, Hy Tế Thánh Thể hiện tại hóa chẳng những mầu nhiệm khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế nhưng còn cả mầu nhiệm phục sinh nữa, trong đó hy tế đạt đến sự viên mãn của nó. Chính Chúa Kitô sống và phục sinh, mới có thể trở nên “bánh sự sống”(Ga 6,35.48), “bánh hằng sống”(Ga 6,51) Thánh Ambrôsiô đã nhắc cho các tân tòng điều đó khi áp dụng biến cố phục sinh vào đời sống của họ: “Nếu Chúa Kitô hôm nay là của bạn, Ngài phục sinh cho bạn mỗi ngày”(20). Thánh Cyrillô thành Alêxandria nhấn mạnh rằng việc tham dự vào những Mầu Nhiệm Thánh “ thực sự  là một lời tuyên xưng và là một nhắc nhớ rằng Chúa đã chết và đã sống lại cho chúng ta và vì lợi ích của chúng ta”(21).

 

15.   Trong thánh lễ, việc tái hiện có tính bí tích hy tế của Chúa Kitô được kiện toàn nhờ sự phục sinh của Ngài bao hàm một sự hiện diện hoàn toàn đặc biệt,  mà – theo cách nói của Đức Phaolô VI – người ta gọi là “ đích thực”, không phải với danh nghĩa độc hữu, như thể những cách hiện diện khác không phải là “đích thực”, nhưng theo cách nói hoán xưng, bởi vì sự hiện diện nầy là hiện diện bản thể và nhờ nó, Chúa Kitô, vừa là con người vừa là Thiên Chúa, hiện diện nguyên vẹn”(22). Như thế, giáo thuyết luôn có giá trị của Công Đồng Triđentinô được nhắc lại một lần nữa: “ Nhờ việc truyền phép bánh và rượu, việc thay đổi tất cả bản thể của bánh thành bản thể của Mình Chúa Kitô, Chúa chúng ta và sự thay đổi tất cả bản thể của rượu thành bản thể của Máu Ngài; sự thay đổi nầy, Giáo Hội Công Giáo gọi một cách đúng đắn và chính xác là sự biến bản thể (transubstantiation)”(23). Thánh Thể thực sự là mầu nhiệm đức tin (mysterium fidei), mầu nhiệm vượt xa lý trí chúng ta và chỉ có thể được chấp nhận bằng đức tin mà thôi, như giáo lý của các giáo phụ đã thường nhắc đến về Bí Tích thần linh nầy. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem khuyên dạy rằng: “Bạn đừng nhìn trong bánh và rượu những yếu tố thuần tuý tự nhiên, bởi vì Chúa đã nói rõ đó là Mình và Máu Người; đức tin bảo đảm cho bạn, mặc dù giác quan bạn trông thấy thể khác” (24).

 

Chúng ta sẽ tiếp tục hát với vị Tiến Sĩ thiên thần: “Con tôn thờ Chúa hết lòng, ôi Chúa ẩn mình” (Adoro Te devote, latens Deitas) . Đứng trước mầu nhiệm tình yêu nầy, lý trí nhân loại cảm nhận được sự hữu hạn của mình. Người ta hiểu tại sao trong nhiều thế kỷ, chân lý nầy đã được khoa thần học nổ lực thật nhiều để tìm hiểu .

 

Đó là nhữõng cố gắng đáng khen, chúng càng ích lợi và càng thâm sâu khi chúng kết hợp được tư duy có phê phán với “đức tin sống thực (la foi vécue) của Giáo Hội, được gồm tóm cách đặc biệt trong “đặc sủng chắc chắn về chân lý “ của Huấn Quyền và trong “sự hiểu biết nội tâm những thực tại thiêng liêng” mà các thánh đều đạt đến (25). Dù sao cũng còn một ranh giới mà Đức Phaolô VI đã nêu rõ: “Khi tìm hiểu phần nào về mầu nhiệm nầy, để đúng với đức tin công giáo, tất cả mọi giải thích thần học phải nhận rằng, trong thực tếù không tùy thuộc vào lý trí chúng ta, bánh và rượu đã không còn nữa sau khi truyền phép, đến nỗi chính Mình và Máu đáng tôn thờ của Chúa chúng ta, lúc ấy, hiện diện thực sự trước mặt chúng ta dưới các hình bánh và rượu”(26).

 

16.   Hiệu quả cứu độ của hy tế được thực hiện sung mãn trong việc hiệp lễ, khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa. Hy Tế Thánh Thể tự nó hướng tới việc hiệp nhất thâm sâu của chúng ta là những tín hữu, với Chúa Kitô qua việc rước lễ: chúng ta nhận lấy chính Ngài, Đấng đã tự hiến cho chúng ta, chúng ta nhận lấy thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá, máu mà Ngài đã “đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28). Hãy nhớ những lời của Ngài: “ Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”(Ga 6,57). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng: một sự hiệp nhất như thế , mà Ngài so sánh tương tự như hiệp nhất trong đời sống Ba Ngôi, thực sự được thể hiện. Thánh Thể đích thực là một bữa tiệc, trong đó Chúa Kitô tự hiến làm của ăn. Khi Chúa Giêsu nói lần đầu tiên về thức ăn nầy, các thính giả của Ngài đều ngỡ ngàng và bối rối, đòi buộc Ngài phải nhấn mạnh đến chân lý khách quan của những lời Ngài: “ Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”(Ga 6,53). Đây không nói đến một của ăn theo cách tượng trưng: “ Thịt tôi là của ăn thật, và máu tôi là của uống thật”(Ga 6,55).

 

17.   Qua việc thông hiệp vào Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô cũng chuyển thông cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Thánh Ephrem viết: “ Ngài gọi bánh là thân thể sống động của Ngài, Ngài đã cho nó tràn ngập chính bản thân Ngài và Thánh Thần của Ngài.[?] Và ai ăn lấy Ngài với niềm tin cũng ăn lấy Lửa và Thánh Thần [?] Tất cả hãy cầm lấy, hãy ăn lấy, và hãy ăn Chúa Thánh Thần cùng với Ngài. Đây chính là thân xác tôi và ai ăn lấy sẽ sống đời đời”(27). Trong lời xin ban Thánh Thần của kinh nguyện Thánh Thể, Giáo Hội nài xin Thánh Thần, nguồn suối của mọi hồng ân khác. Ví dụ người ta đọc thấy trong sách Phụng Vụ thần linh của thánh Gioan Kim Khẩu: “ Chúng con kêu cầu Ngài, chúng con nguyện xin Ngài và chúng con khẩn nài Ngài: xin hãy sai Thánh Thần Chúa xuống trên tất cả chúng con và trên những của lễ nầy,[?] hầu những ai tham dự lãnh nhận  được sự thanh tẩy tâm hồn và ơn tha tội và ân huệ của Chúa Thánh Thần”(28). Và trong Sách Lễ Rôma, chủ tế cầu xin: “ Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha nuôi dưỡng và được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, xin cho chúng con được trở nên  một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”(29). Như thế, nhờ hồng ân Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô làm tăng triển trong chúng ta, hồng ân của Thánh Thần Ngài, đã được lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội, và được trao ban như “ ấn tích” trong Bí Tích Thêm Sức.

 

18.   Lời tung hô của dân chúng sau khi truyền phép kết thúc một cách rất thích hợp khi diễn tả chiều kích cánh chung đánh dấu trên việc Cử Hành Thánh Thể (x. 1Cr11,26): “Chúng con đợi chờ Chúa trở lại trong vinh quang”. Bí Tích Thánh Thể là hướng đến điểm chung kết, tiền dự vào niềm vui sung mãn mà Chúa Kitô đã hứa (x. Ga 15,11). Bí Tích Thánh Thể, theo một nghĩa nào đó, là sự nếm trước hương vị thiên đàng “ bảo đảm cho vinh quang sẽ tới”(30). Trong Bí Tích Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự đợi chờ đầy tin tưởng nầy: “ Chúng tôi mong ước niềm hạnh phúc mà Chúa hứa và sự quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng tôi” (31).  Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người. Thật vậy, trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được sự bảo đảm về việc xác sống lại trong ngày sau hết: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54). Bảo đảm ấy về sự phục sinh trong tương lai đến từ sự kiện là thịt của Con Người, được trao ban làm của ăn, là thân xác  vinh quang của Đấng Phục Sinh. Có thể nói, với Bí Tích Thánh Thể, người ta như nắm được “bí quyết” của sự phục sinh. Vì thế, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã định nghĩa một cách hết sức chính xác Bánh Thánh Thể như “ liều thuốc trường sinh, thuốc giải độc để khỏi phải chết”(32).

 

19.   Chiều hướng cánh chung được Thánh Thể gợi lên, diễn tả và củng cố sự hiệp thông với Giáo Hội thiên quốc. Không phải ngẫu nhiên mà trong các kinh tạ ơn Đông Phương hay trong các kinh nguyện Thánh Thể la tinh, người ta kính nhớ một cách trang trọng Đức Maria, trọn đời đồng trinh, Mẹ của Chúa chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, các thiên thần, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo hiển vinh và toàn thể các thánh. Đó chính là một khía cạnh của Bí Tích Thánh Thể phải được chú ý: khi cử hành hy tế của Con Chiên, chúng ta cùng hợp với phụng vụ thiên quốc, chúng ta liên kết với đoàn người đông đảo đang tung hô: “ Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta”( Kh 7,10). Bí Tích Thánh Thể thực là một góc trời mở ra trên trần gian ! Chính là một tia vinh quang của thành Giêrusalem thiên quốc, đang xuyên qua những lớp mây của lịch sử chúng ta và rọi sáng con đường chúng ta đi.

 

20.   Một hệ luận khác rất có ý nghĩa của chiều hướng cánh chung trong Bí Tích Thánh Thể là sự thúc đẩy bước chân lữ hành của chúng ta trong lịch sử, làm nảy sinh một mầm hy vọng sống động cho mọi người hằng ngày tận tụy với nhiệm vụ của mình. Quả thật, nếu nhãn quan Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về “trời mới”, “đất mới”(x. Kh 21,1), điều đó không làm suy yếu, mà kích thích tâm thức của chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất của chúng ta (33). Tôi muốn khẳng định lại điều này một cách mạnh mẽ vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, để các Kitô hữu hơn lúc nào hết, cảm thấy càng phải dấn thân chu toàn những bổn phận công dân trần thế của mình. Họ có nghĩa vụ phải đóng góp, dưới ánh sáng của Tin Mừng, vào việc xây dựng một thế giới xứng với con người và đáp ứng đầy đủ  chương trình của Thiên Chúa.

 

Những vấn đề làm đen tối chân trời hiện tại của chúng ta rất nhiều. Chỉ cần nghĩ đến việc gấp rút phải hoạt động cho hòa bình, phải gấp rút đặt những cột móc vững chắc về phương diện công bằng và liên đới trong những mối liên hệ giữa các dân tộc, phải bênh vực sự sống của con người, từ lúc thụ thai, đến lúc chết một cách tự nhiên. Và phải nói gì đến hàng ngàn những mâu thuẫn trong một thế giới “ toàn cầu hóa”, trong đó, những người yếu kém nhất, những người bé nhỏ nhất và những người nghèo nhất hình như không còn gì để hy vọng? Chính trong  thế giới đó, phải làm sao cho niềm hy vọng Kitô giáo bừng sáng lên trở lại! Cũng chính vì thế mà Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể, ghi khắc vào sự hiện diện của hy tế và bữa ăn của Ngài,  lời hứa cho nhân loại được đổi mới  nhờ tình yêu của Ngài. Thật là ý nghĩa, nơi mà các sách Tin Mừng nhất lãm chỉ tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Tin Mừng Gioan đưa ra trình thuật việc Chúa “rửa chân” để minh họa ý nghĩa thâm sâu của việc ấy, qua đó Chúa Giêsu làm thầy dạy hiệp thông và phục vụ ( x. Ga 13,1-20). Về phần mình, Thánh Tông Đồ Phaolô tuyên bố thật là “bất xứng” đối với một cộng đoàn Kitô hữu khi tham dự vào Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong một bầu không khí chia rẽ và dửng dưng đối với người nghèo (x. 1Cr 11,17-22.27-34) (34). 

 

Công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” ( 1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó  cuộc sống ấy hoàn toàn  trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc Cử Hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “ Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” ( Kh 22, 20).

CHƯƠNG II: THÁNH THỂ XÂY DỰNG GIÁO HỘI

21.   Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại rằng việc Cử Hành Thánh Thể nằm ở trung tâm tiến trình tăng trưởng của Giáo Hội. Quả thật, sau khi tuyên bố “ Giáo Hội là Vương Quốc của Chúa Kitô, đã hiện diện cách mầu nhiệm, lớn lên trong thế giới một cách hữu hình nhờ quyền năng Thiên Chúa”(35), như  muốn trả lời câu hỏi: “Giáo Hội tăng triển cách nào? Công Đồng  nói thêm: “ Mỗi khi hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó mà “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta được hiến tế” (1Cr 5,7), công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nhờ Bí Tích của tấm bánh Thánh Thể, sự hiệp nhất các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô được tỏ bày và trở nên hiện thực” (x. 1Cr10,17) (36).

 

Ngay trong Giáo Hội sơ khai, ảnh hưởng của Bí Tích Thánh Thể thật rõ ràng. Các thánh sử xác định rõ rằng, chính nhóm Mười Hai, là các Tông Đồ đã tụ họp quanh Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (x. Mt 26,20; Mc14,17; Lc 22,14). Đây chính là một điểm riêng biệt rất quan trọng, vì các Tông Đồ là những “ mầm giống của dân Israel mới và đồng thời là nguồn gốc của phẩøm trật thánh” (37). Khi ban cho họ Mình và Máu Ngài làm của ăn, Chúa Kitô đã hiệp nhất họ một cách huyền nhiệm với hy tế của Ngài sẽ được hoàn tất trên thập giá sau đó không lâu. Nhờ so sánh với Giao Ước Sinai, được giao kết bằng việc tế lễ và bằng việc rảy máu (38), những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã đặt nền tảng cho cộng đoàn thiên sai mới, dân của Giao Ước Mới. 

 

Khi đón nhận trong phòng tiệc ly lời mời gọi của Chúa Giêsu: “ Hãy cầm lấy mà ăn? tất cả anh em hãy uống?” (Mt 26,26-28), các Tông Đồ lần đầu tiên đã bước vào trong sự hiệp thông bí tích với Ngài. Từ giây phút đó và cho đến tận thế, Giáo Hội được xây dựng qua sự hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa được hiến tế vì chúng ta : “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy? Mỗi lần anh em uống máu này, hãy làm mà nhớ đến Thầy.” (1Cr 11, 24-25 ; x. Lc 22,19). 

 

22.   Việc tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, được đổi mới và được củng cố không ngừng nhờ tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, nhất là nhờ sự tham dự đầy đủ qua việc việc hiệp thông bí tích. Chúng ta có thể nói rằng không những mỗi người chúng ta đón nhận Chúa Kitô nhưng chính Chúa Kitô cũng đón nhận mỗi người chúng ta. Ngài thắt chặt tình bằng hữu với chúng ta : “Anh em là bạn hữu của Thầy.” (Ga15,14). Phần chúng ta, chúng ta sống nhờ Ngài : “Ai ăn tôi sẽ nhờ tôi được sống ” (Ga 6,57). Sự hiệp thông Thánh Thể làm cho Chúa Kitô và môn đệ của Ngài lưu lại trong nhau một cách tuyệt vời: “Anh em hãy lưu lại trong Thầy như Thầy lưu lại trong anh em” (Ga 15,4).

Khi hiệp nhất với Chúa Kitô, Dân của Giao Ước Mới, không khép kín lại nhưng trở thành “bí tích” cho nhân loại, (39) thành dấu hiệu và dụng cụ của ơn cứu độ được Chúa Kitô ban cho, thành ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-16) để cứu rỗi mọi người (40) . Sứ vụ của Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô : “ Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng vậy, Thầy sai anh em”(Ga 20,21). Vì thế, Giáo Hội nhận lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hoàn tất sứ vụ của mình qua việc duy trì liên tục Hy Tế của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể và qua việc thông hiệp với Mình và Máu của Ngài. Như thế Bí Tích Thánh Thể vừa là nguồn suối,  vừa là đỉnh cao của mọi công cuộc phúc âm hóa, vì mục tiêu của nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và trong Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (41).

 

23.   Nhờ hiệp thông Thánh Thể, Giáo Hội cũng được vững chắc trong sự hiệp nhất của mình như là thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói đến hiệu quả hiệp nhất này của việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, khi ngài viết cho tín hữu Côrintô : “Bánh mà chúng ta bẻ ra cho nhau không phải là hiệp thông với mình Chúa sao ? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể. (1Cr 10,16-17).  Lời bình giải của thánh Gioan Kim Khẩu thật chính xác và sâu xa: “Tấm bánh ấy là gì ? Chính là thân mình Chúa Kitô. Những người nhận lấy nó sẽ như thế nào ? Thành thân thể Chúa Kitô, không phải nhiều thân thể mà chỉ một mà thôi. Thật vậy, như tấm bánh chỉ là một, tuy nó được hợp thành bởi rất nhiều hạt, mặc dù không ai thấy được, chúng đều ở trong tấm bánh đến nỗi những khác biệt của chúng đều biến mất vì chúng hòa lẫn với nhau một cách toàn vẹn, cũng một cách như thế, chúng ta hiệp nhất với nhau và chúng ta đều hiệp nhất trong Chúa Kitô” (42). Luận chứng rất sít sao: sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô, là quà tặng và là hồng ân cho mỗi người, dẫn đến việc này là trong Ngài, chúng ta cũng góp phần vào sự hiệp nhất của thân mình Ngài là Giáo Hội. Thánh Thể củng cố sự tháp nhập vào Chúa Kitô, mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong Bí Tích Thánh Tẩy (x.1Cr 12,13.27) . 

 

Hành động liên kết và không thể tách rời của Chúa Con và Chúa Thánh Thần vốn có từ buổi sơ khai của Giáo Hội, thiết lập và làm cho Giáo hội vững bền, nay vẫn sinh động trong Thánh Thể. Tác giả sách Phụng Vụ Thánh Giacôbê đã ý thức rõ ràng điều đó: trong lời cầu xin ban Thánh Thần của kinh nguyện Thánh Thể, Giáo Hội cầu xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến trên các tín hữu và trên của lễ, để Mình và Máu Chúa Kitô “nên hữu ích cho tất cả những ai tham dự vào đó [?] để hồn xác được thánh hóa”(43). Chính Đấng Bàu Chữa thần linh củng cố Giáo Hội nhờ việc thánh hóa các tín hữu bằng Thánh Thể.

 

24.   Hồng ân  Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận trong việc hiệp lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hiệp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ trong việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể đến một mức độ vượt hẳn kinh nghiệm đồng bàn đơn thường của con người. Nhờ thông hiệp vào Mình Chúa Kitô, Giáo Hội ý thức càng ngày càng sâu hơn căn tính của mình: “ Giáo Hội ở trong Chúa Kitô một cách nào đó là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hiệp  mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” ( 44).

 

Theo kinh nghiệm hằng ngày, sức mạnh hiệp nhất của thân mình Đức Kitô, chống lại những mầm mống tan rã giữa con người với nhau đang bám sâu vào nhân loại do tội lỗi. Vì lẽ đó, Bí Tích Thánh Thể, khi xây dựng Giáo Hội, cũng kiến tạo cộng đồng nhân loại.

 

25.   Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo Hội. Việc tôn sùng được phối hợp chặt chẻ với việc cử hành Hy tế Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Kitô dưới hình bánh rượu được giữ lại sau thánh lễ – sự hiện diện nầy tồn tại bao lâu hình bánh và rượu vẫn còn (45) – phát xuất từ việc cử hành hy tế và hướng về việc hiệp thông bí tích hay thiêng liêng ( 46). Các mục tử có nhiệm vụ khuyến khích, bằng cả chứng tá cá nhân, việc  tôn sùng Thánh Thể, đặc biệt là việc Chầu Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh rượu (47). 

 

Trò chuyện thân mật với Ngài, và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ yêu dấu (Ga 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một điều thiện hảo. Quả thật vào thời đại chúng ta, Kitô giáo phải trổi vượt nhất là trong “ nghệ thuật cầu nguyện”, (48) làm sao ta không cảm thấy lại có nhu cầu mới được ở lại lâu giờ, trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ im lặng, trong thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh ? Anh chị em thân mến, nhiều lần tôi đã có kinh nghiệm nầy và tôi đã múc lấy từ đó sức mạnh, an ủi và sự nâng đỡ.

 

Nhiều vị thánh đã nêu gương cho ta trong thực hành nầy, được huấn quyền ca ngợi và khuyến khích rất nhiều lần (49). Thánh Anphongsô Ligôri đã trổi vượt đặc biệt trong lãnh vực nầy, Ngài viết: “ Trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nhất sau các bí tích, rất đẹp lòng Chúa và rất hữu ích cho chúng ta”(50). Thánh Thể là một kho tàng vô giá: cử hành, hay tôn thờ lâu giờ ngoài thánh lễ giúp chúng ta múc lấy chính nguồn mạch của ân sủng. Một cộng đoàn Kitô hữu nào muốn có khả năng chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô nhiều hơn, như tôi đã đề nghị trong những tông thư Novo millenio ineunte (Bước vào ngàn năm mới) và Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria), không thể nào lại không phát triển đồng thời khía cạnh nầy của việc tôn sùng Thánh Thể, vì nó kéo dài và nhân lên những hoa trái của việc thông hiệp vào Mình và Máu Chúa. “ Trong ngày người tín hữu không nên bỏ việc Viếng Thánh Thể được lưu giữ trong các nhà thờ với lòng tôn kính đặc biệt, ở một nơi cao trọng, phù hợp với luật phụng vụ. Những lần viếng Thánh Thể như vậy là dấu hiệu tỏ lòng biết ơn, là cách diễn tả tình yêu và nhận ra sự hiện diện của Chúa” (50* ).

 

CHƯƠNG III: ĐẶC TÍNH TÔNG TRUYỀN

CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ GIÁO HỘI CHÍNH TÔNG

 

26.   Như tôi đã nhắc lại ở trên, Bí Tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể, vì thế  mối liên hệ hai bên rất chặt chẽ. Điều đó chính xác đến nổi chúng ta có thể áp dụng vào Mầu Nhiệm Thánh Thể những gì chúng ta nói về Giáo Hội khi chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” trong Kinh Tin Kính Nixê-Constantinốp. Bí Tích Thánh Thể cũng duy nhất và công giáo. Bí Tích Thánh Thể cũng thánh thiện, và hơn thế nữa, là Bí Tích Rất Thánh. Nhưng trên hết, giờ đây chúng tôi muốn chú trọng đến đặc tính tông truyền của Bí Tích Thánh Thể.

 

27.  Khi giải thích Giáo Hội là tông truyền, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo phân biệt ba ý nghĩa trong cách nói đó. Một đàng, “ Giáo Hội đã và đang được xây dựng trên “ nền tảng các tông đồ” (Ep 2, 20) là những chứng nhân đã được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi” ( 51 ). Khởi đầu của Bí Tích Thánh Thể cũng đã có các tông đồ, không phải vì thế mà bí tích nầy không bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, nhưng bởi vì Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ và được các ngài và các đấng kế vị truyền lại cho đến chúng ta. Chính trong sự tiếp nối hành động của các tông đồ, vâng theo lệnh truyền của Chúa mà Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể qua dòng thời gian.

 

Ý nghĩa thứ hai của tính tông truyền của Giáo Hội được Sách Giáo Lý nêu rõ là “Giáo Hội gìn giữ và lưu truyền giáo huấn, kho tàng quí giá, những lời lành mạnh đã được nghe từ  các tông đồ với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đang ở trong Giáo Hội”(52). Cũng theo ý nghĩa nầy, Bí Tích Thánh Thể có tính tông truyền vì được cử hành đúng như niềm tin của các tông đồ. Theo dòng lịch sử 2000 năm qua của Dân Giao Ước Mới, Huấn Quyền đã xác định giáo thuyết về Bí Tích Thánh Thể trong nhiều dịp khác nhau, ngay cả trong những  điều liên hệ đến  từ ngữ chính xác, và điều đó chính là để bảo vệ đức tin tông truyền trong Mầu Nhiệm thật cao cả nầy. Niềm tin nầy vẫn không thay đổi và điều đó rất thiết yếu đối với Giáo Hội.

 

28.   Sau cùng, Giáo Hội tông truyền có nghĩa là: “Giáo hội vẫn tiếp tục được các tông đồ dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn  cho đến ngày Chúa Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, “với sự giúp đỡ của các linh mục, hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là mục tử tối cao của Giáo Hội” (53).  Kế vị các tông đồ trong sứ mệnh mục tử đòi hỏi phải có bí tích truyền chức, nghĩa là phải có việc phong chức giám mục liên tục  và thành sự, bắt đầu từ những nguồn gốc đầu tiên (54). Việc kế vị nầy rất thiết yếu để có Giáo Hội đúng nghĩa và tròn đầy.

 

Bí Tích Thánh Thể cũng diễn tả ý nghĩa của tính tông truyền. Quả thật, như Công Đồng Vaticanô II đã dạy, “ các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả cũng góp phần vào việc hiến dâng Thánh Thể theo vị trí của họ” (55), nhưng chính linh mục được truyền chức mới “ cử hành Hy tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô và hiến dâng cho Chúa Cha nhân danh toàn thể tín hữu”(56). Vì lẽ ấy mà trong Sách Lễ Rôma đã quy định chỉ một mình linh mục đọc kinh nguyện Thánh Thể, trong khi đó giáo dân thinh lặng hiệp ý trong đức tin (57).

 

29.   Cụm từ được Công Đồng Vaticanô II sử dụng nhiều lần: “những ai đã nhận chức tư  tế thừa tác (?.) mới cử hành Hy Tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô”(58) đã được khắc sâu trong lời dạy của giáo huấn Tông Tòa như tôi đã có dịp xác định rõ, in persona Christi, có nghĩa mạnh hơn là “ nhân danh” hay “thay thế” Chúa Kitô. In persona : nghĩa là trong sự đồng nhất đặc biệt, mang tính bí tích, với “vị Thượng Tế của Giao Ước vĩnh cữu”, Đấng là tác giả và là chủ thể chính của Hy Tế bản thân, trong đó không ai thay thế được”(60). Trong nhiệm cục cứu độ do Chúa Kitô ấn định, tác vụ của các linh mục đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, cho thấy rằng Bí Tích Thánh Thể mà các ngài cử hành là một hồng ân trổi vượt hẳn thẩm quyền của cộng đoàn và trong mọi trường hợp, tác vụ ấy vẫn bất khả thay thế để nối liền một cách thành sự việc truyền phép Thánh Thể vớiø Hy Tế Thập Giá và Bữa Tiệc Ly.

 

Để thực sự là một cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn đang tụ họp để cử hành Bí Tích Thánh Thể buộc phải có linh mục đã được truyền chức chủ tọa. Đàng khác, cộng đoàn không thể tự cung cấp cho mình thừa tác viên có chức thánh. Vị nầy là một hồng ân mà cộng đoàn lãnh nhận qua trung gian của giám mục, người kế nhiệm các tông đồ. Chính giám mục, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tạo ra một linh mục mới, ban cho ngài quyền truyền phép Thánh Thể. Vì thế, “ không ai trong cộng đoàn được cử hành mầu nhiệm Thánh Thể ngoài linh mục đã được truyền chức, như Công Đồng Latêranô IV đã công bố rõ ràng”(61). 

 

30.   Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo về tác vụ linh mục trong tương quan với Bí Tích Thánh Thể cũng như giáo lý về Hy Tế Thánh Thể là đề tài cho các cuộc đối thoại hữu ích trong khuôn khổ của hoạt động đại kết những thập niên gần đây. Chúng ta phải cảm tạ Chúa Ba Ngôi chí thánh, vì trong lãnh vực nầy, đã có những tiến triển có ý nghĩa và những sự xích lại gần nhau, làm cho chúng ta hy vọng một tương lai hiệp thông trọn vẹn trong đức tin. Lời nhận định của Công Đồng về các cộng đoàn giáo hội khác nhau, đã có từ thời thế kỷ XVI, và ly khai với Giáo Hội Công Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: “Mặc dù nhiều cộng đoàn giáo hội ly khai với chúng ta, không duy trì sự hiệp nhất toàn vẹn với chúng ta, và mặc dù chúng ta tin họ không còn giữ được bản chất đích thực và nguyện vẹn của Mầu Nhiệm Thánh Thể nhất là vì thiếu Bí Tích Truyền Chức, tuy nhiên, khi họ tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa trong Tiệc Thánh Thể, họ tuyên xưng điều đó có nghĩa là sự sống với Chúa Kitô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người(62). 

 

Các tín hữu công giáo, tuy phải tôn trọng những xác tín tôn giáo của các anh em ly khai, phải tránh tham dự vào việc rước lễ trong những buổi cử hành  của họ, để không dung dưỡng một sự hàm hồ nào về bản chất của Thánh Thể và, do đó thiếu sót trong bổn phận làm chứng cho sự thật một cách trong sáng. Điều nầy có thể sẽ làm chậm lại bước tiến tới sự hiệp nhất hữu hình trọn vẹn. Cũng vậy, không thể dự kiến thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật bằng những buổi suy tôn Lời Chúa  đại kết, bằng những buổi hội họp cầu nguyện chung với những Kitô hữu của các cộng đoàn Giáo Hội đã nói ở trên, hay bằng sự tham dự  vào những buổi cử hành phụng vụ của họ. Những cử hành và gặp gỡ như thế đáng tán dương trong một vài trường hợp nào đó, nhằm mục đích chuẩn bị cho sự hiệp thông trọn vẹn từng mong ước, kể cả hiệp thông Thánh Thể, nhưng những điều đó cũng không thay thế thánh lễ được.

Quyền truyền phép Thánh Thể chỉ dành riêng cho giám mục và linh mục mà thôi, việc nầy không làm suy giảm giá trị của các phần tử khác trong dân Chúa, vì mọi người đều được hưởng nhờ hồng ân nầy trong sự hiệp thông vào Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô là Giáo Hội.

 

31.   Nếu Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh  của đời sống  Giáo Hội, nó cũng là như thế đối với tác vụ linh mục. Vì vậy, khi tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi muốn lặp lại rằng Thánh Thể là “ lẽ sống chính yếu và trung tâm của bí tích truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Thánh Thể và cùng với Thánh Thể”(63).

 

Những hoạt động mục vụ của linh mục rất đa dạng. Nếu nghĩ đến những điều kiện xã hội và văn hóa của thế giới hôm nay, thì dễ hiểu rằng các linh mục bị rình rập bởi nguy cơ phân tán trong nhiều công việc khác nhau. Công Đồng Vaticanô II đã nhận thấy rằng bác  ái mục vụ là mối dây liên kết đời sống và hoạt động của các ngài. Công Đồng thêm: “ Bác ái mục vụ phát xuất trước tiên từ nơi Hy Tế Thánh Thể, do đó Hy Tế Thánh Thể là trung tâm và gốc rễ của toàn thể đời sống linh mục”(64). Vì thế, người ta hiểu được tầm quan trọng cho đời sống thiêng liêng của linh mục,  cũng như cho lợi ích của Giáo Hội và thế giới, của việc  thực thi lời khuyên của Công Đồng là cử hành Bí Tích Thánh Thể hằng ngày, “dù việc cử hành không thể có giáo dân  hiện diện , vẫn là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội”(65). Bằng cách thế nầy, linh mục mới đủ sức thắng vượt tất cả những căng thẳng làm cho ngài bị phân tán trong cuộc sống; mới tìm thấy trong Hy Tế Thánh Thể, trung tâm đích thực của đời sống và tác vụ, sinh lực thiêng liêng cần thiết để đương đầu với những công việc mục vụ đa dạng. Như thế, những ngày sống của ngài sẽ thực sự trở nên  Thánh Thể. 

 

Bí Tích Thánh Thể là trung tâm đời sống và tác vụ của linh mục, cũng là trung tâm mục vụ về ơn gọi linh mục. Trước tiên, vì lời nguyện cầu cho ơn gọi tìm thấy nơi Bí Tích Thánh Thể môi trường kết hiệp rất sâu xa với lời cầu nguyện của Chúa Kitô, vị Thượng Tế vĩnh hằng; nhưng cũng vì sự chú tâm thi hành tác vụ Thánh Thể của linh mục,  cộng với việc tham dự ý thức, sống động  và hiệu năng của các tín hữu vào Bí Tích Thánh Thể, tạo nên cho giới trẻ một  mẫu gương hữu hiệu và một khích lệ đáp trả cách quãng đại tiếng gọi của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa thường sử dụng  mẫu gương bác ái mục vụ hăng say của một linh mục để tuôn tràn và làm tăng triển trong tâm hồn người trẻ hạt giống ơn gọi linh mục.

 

32.   Tất cả những điều đó cho thấy tình trạng đau đớn và bất thường của một cộng đoàn Kitô hữu, hội đủ mọi điều kiện của một giáo xứ về con số và sự đa dạng của giáo dân nhưng lại thiếu vắng một linh mục để hướng dẫn. Quả vậy, một giáo xứ là một cộng đoàn những người đã được rửa tội, họ diễn tả và củng cố căn tính của mình qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nhưng việc ấy đòi phải có sự hiện diện của một linh mục,  vì chỉ ngài mới có quyền tế lễ trong tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi). Khi một cộng đoàn nào thiếu vắng linh mục, người ta tìm cách giải quyết một cách thích đáng vấn đề đó, để có thể tiếp tục những cử hành phụng vụ Ngày Chúa Nhật, và trong trường hợp nầy, những tu sĩ hay giáo dân hướng dẫn anh chị em mình trong việc cầu nguyện đều thi hành một cách đáng khen chức tư tế phổ quát của tất cả các tín hữu, có nền tảng trong ân sủng của Bí Tích Rửa Tội. Nhưng những giải pháp ấy chỉ được xem như tạm thời trong lúc cộng đoàn  đang chờ có linh mục.

 

Tính chất bất toàn về mặt bí tích của những cử hành phụng vụ ấy trước hết phải khuyến khích tất cả cộng đoàn cầu nguyện khẩn thiết hơn để Chúa sai thợ đến gặt lúa của Ngài( x. Mt 9,38); nó cũng thúc đẩy cộng đoàn vận dụng tất cả những yếu tố cần thiết khác để cổ võ  việc mục vụ ơn gọi một cách thích hợp, nhưng không chiều theo cám dỗ tìm những giải pháp hạ thấp đòi hỏi những đức tính luân lý và một sự đào tạo cần thiết cho các ứng sinh linh mục.

 

33.   Khi thiếu linh mục, việc tham gia vào công việc mục vụ của một giáo xứ đã được trao phó cho những giáo dân không có chức thánh, những người nầy cần phải ý thức như Công Đồng Vaticanô II dạy “ không một cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không lấy việc cử hành Bí Tích Thánh Thể chí thánh làm gốc rể và trung tâm của mình” (66). Vì thế, họ phải lo sao cho cộng đoàn luôn “khao khát” thực sự Bí Tích Thánh Thể. Sự khao khát nầy giúp họ không bỏ qua một dịp nào để được tham dự Thánh Lễ, lợi dụng cả sự có mặt tình cờ của một linh mục,  miễn là vị nầy không bị ngăn trở theo giáo luật.

 

CHƯƠNG IV: THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

34.   Năm 1985, phiên họp khoáng đại đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhìn thấy trong “giáo hội học về hiệp thông”  ý tưởng chủ đạo và cơ bản của những văn kiện Công Đồng Vaticanô II (67). Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội được kêu mời gìn giữ và phát triển sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau. Hướng về mục đích đó, Giáo Hội luôn có sẵn Lời Chúa và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo Hội luôn “sống động và lớn mạnh” (68) và đồng thời trong đó Giáo hội tự diễn tả chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngữ hiệp thông lại trở thành một trong những danh từ chuyên biệt của Bí Tích Rất cao cả này.

 

Do vậy, Bí Tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các bí tích, vì Bí Tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Với một niềm tin sâu sắc, một trong những tác giả thời danh của truyền thống byzantin, đã diễn tả chân lý này khi bàn đến Bí Tích Thánh Thể : “Như  thế mầu nhiệm này thật  hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác, và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.” (69). Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí Tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức  “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết : “Khi bạn không thể rước lễ trong thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích [...] ; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta.” (70).

 

35.   Tuy nhiên cử hành Bí Tích Thánh Thể không thể là khởi điểm cho sự hiệp thông được – vì sự hiệp thông đã được xem như  hiện hữu rồi – và sau đó mới củng cố và đưa lên mức hoàn hảo. Chính Bí Tích diễn tả mối dây hiệp thông đó, một mặt trong chiều kích vô hình của nó, chiều kích nầy nối kết chúng ta với Chúa Cha và chúng ta với nhau trong Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần, mặt khác, trong chiều kích hữu hình đòi hỏi sự hiệp thông trong  giáo huấn của các Tông Đồ, trong các bí tích và trong phẩm trật. Tương quan chặt chẽ giữa yếu tố vô hình và yếu tố hữu hình của sự hiệp thông Giáo Hội cấu tạo nên Giáo Hội như  Bí Tích cứu độ (71). Chỉ trong bối cảnh này mới có việc cử hành Bí Tích Thánh Thể hợp pháp và sự  tham dự đích thực vào bí tích này. Hệ quả là có một đòi buộc nội tại đối với Bí Tích Thánh Thể: phải được cử hành trong sự hiệp thông và, cụ thể hơn, trong sự toàn vẹn của những điều kiện đòi hỏi.

 

36.   Sự hiệp thông vô hình, dù tự bản chất luôn luôn tăng trưởng, đòi hỏi đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở thành “những người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (2 P 1,4), và việc thực hành những nhân đức, tin, cậy, mến. Quả thật, chỉ như thế mới thiết lập được sự hiệp thông đích thực với Chúa Cha, Chúa Con và ChúaThánh Thần. Đức tin không thể đủ; mà còn phải bền vững trong ơn thánh và trong đức ái bằng cách lưu lại “cả hồn””cả xác” trong lòng Giáo Hội (72) ; vì thế,  nói như Thánh Phaolô “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6).

Sự tôn trọng toàn thể những mối liên kết vô hình là một nghĩa vụ đạo đức nghiêm nhặt đối với bất cứ ngưới Kitô hữu nào muốn tham dự hoàn toàn vào Bí Tích Thánh Thể khi rước Mình và Máu Đức Kitô. Cũng chính Tông Đồ Phaolô nhắc nhở tín hữu bổn phận này bằng lời cảnh cáo: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này” (1Cr 11, 28). Với tất cả tài hùng biện của mình, thánh Gioan Kim Khẩu đã khuyến khích các tín hữu : “Tôi cũng thế, tôi lớn tiếng van nài, tôi xin và van nài anh em, đừng bước tới bàn thánh này với một tầm hồn ô uế và hư đốn. Một thái độ như thế không thể gọi là rước Chúa, ngay như nếu anh em có rước Chúa hàng ngàn lần đi nữa thì chỉ chuốc lấy án phạt, ray rức và sự gia tăng hình phạt mà thôi” (73).

 

Cũng trong  viễn tượng ấy, Sách Giáo Lý  Hội Thánh Công Giáo đã xác định lại một cách đúng đắn rằng “Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải trước khi  đến rước lễ” (74). Vì thế tôi ước muốn nói lại rằng quy luật nầy vẫn còn và sẽ còn giá trị mãi trong Giáo Hội, quy luật mà Công Đồng Triđentinô đã áp dụng cụ thể lời khuyến cáo nghiêm khắc của Tông Đồ Phaolô khi khẳng định rằng, để có thể rước lễ cách xứng đáng “nếu ai biết mình đang ở trong tình trạng tội trọng, thì phải đi xưng thú tội mình trước đã” (75).

 

37.   Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải là hai bí tích được liên kết mật thiết với nhau. Nếu Thánh Thể hiện tại hóa Hy Tế cứu độ của Thập Giá, không ngừng lưu truyền bằng bí tích, thì điều đó có nghĩa là từ Bí Tích này phát xuất một đòi buộc hoán cải liên tục, đáp lại từ chính bản thân  lời khuyến cáo mà Thánh Phaolô ngỏ với tín hữu thành Côrintô : “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cl 5,20). Nếu người Kitô hữu mang trong tâm hồn gánh nặng của một tội trọng thì cuộc hành trình hối cải qua Bí Tích Hoà Giải, trở thành một bước đường bó buộc phải đi qua để tham dự hoàn toàn vào Hy Tế  Thánh Thể. 

 

Lẽ dĩ nhiên, phán quyết về tình trạng ân sủng thuộc quyền của chính đương sự, vì đó là một phán quyết của lương tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp một hành vi bên ngoài vi phạm nghiêm trọng, công khai và liên tục luật luân lý, Giáo Hội trong sự lo lắng mục vụ về trật tự cộng đồng và vì lòng tôn kính Bí Tích, không thể không cảm thấy liên quan. Tình trạng mâu thuẫn luân lý công khai này đã được đề cập đến trong Giáo Luật về việc từ chối không cho rước lễ những ai “ngoan cố ở trong tội trọng tỏ tường” (76).

 

38.   Như tôi đã nhắc đến, sự hiệp thông Gíáo Hội cũng hữu hình, và tự diễn tả qua những mối liên hệ được chính Công Đồng nêu lên trong giáo huấn của mình : “Những người được gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội là những ai lãnh nhận Thánh Thần của Đức Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và tất cả những phương thế cứu rỗi đã được Giáo Hội thiết lập, và nhờ những mối dây liên hệ do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai quản và sự hiệp thông của Giáo Hội, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ  Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục” (77).

 

Bí Tích Thánh Thể, vì là sự thể hiện bí tích cao quí nhất của sự hiệp thông trong Giáo Hội, đòi buộc phải được cử hành trong một bối cảnh tôn trọng những mối dây liên kết bên ngoài của sự hiệp thông. Một cách đặc biệt, vì Bí Tích Thánh Thể là “sự hoàn tất của đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của mọi bí tích”, (78), đòi buộc những mối dây hiệp thông trong các bí tích phải có thực, nhất là Bí Tích Rửa Tội và Truyền Chức Thánh. Không thể nào cho một người chưa rửa tội hay chối từ toàn bộ chân lý đức tin về Mầu Nhiệm Thánh Thể  được rước lễ. Đức Kitô là sự thật và Ngài làm chứng cho sự thật (x. Ga 14,6; 18,37); Bí Tích Mình và Máu Ngài không chấp nhận sự dối trá.

 

39.   Mặt khác, vì chính đặc điểm của sự hiệp thông Giáo Hội và mối tương quan của sự  hiệp thông ấy với Bí Tích Thánh Thể, phải nhắc lại rằng “Hy tế Thánh Thể, dù luôn được cử hành trong một cộng đoàn riêng biệt, không bao giờ là một cử hành của riêng cộng đoàn đó thôi: thật vậy, khi đón nhận sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, cộng đoàn cũng đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ và dù bề ngoài thường xuyên là đặc thù, cộng đoàn  cũng tỏ lộ như là hình ảnh và là sự hiện diện thực sự của Giáo Hội duy nhất , thánh thiện, công giáo và tông truyền” (79). Từ đó phải nghĩ rằng một cộng đoàn thật sự là Thánh Thể không được khép mình lại, như tự đủ cho mình, nhưng phải hòa đồng với mọi cộng đoàn công giáo khác.

 

Sự hiệp thông Giáo Hội trong cộng đồng Thánh Thể là sự hiệp thông với Giám Mục của mình và với Đức Giáo Hoàng Rôma. Thật vậy, Giám mục  là nguyên lý hữu hình và là nền tảng cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương của mình (80). Do đó không hợp lý chút nào nếu Bí Tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất Giáo Hội lại được cử hành mà không có một sự hiệp thông đích thực với Giám Mục. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết : “ Chớ  gì việc cử  hành Thánh Thể nầy chỉ được xem là hợp pháp khi được cử hành dưới sự chủ tọa của Giám Mục hay của vị được ngài chỉ định”. (81). Cùng một cách như thế, vì “ Đức Giáo Hoàng Rôma, Đấng kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và là nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như toàn thể đông đảo tín hữu” (82), sự hiệp thông với Ngài là một đòi buộc nội tại của việc cử hành Hy Tế Thánh Thể. Từ đó xuất phát một chân lý sâu xa được phụng vụ diễn tả bằng nhiều cách: “ Mọi cử hành Thánh Thể được thực hiện trong sự hiệp thông không những với Giám Mục mà còn với Đức Giáo Hoàng, với hàng Giám Mục, với toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân khắp nơi. Mọi cử hành Thánh Thể thành sự đều diễn tả sự hiệp thông toàn cầu này với Thánh Phêrô và với toàn thể Giáo Hội, hoặc đòi hỏi một cách khách quan mối hiệp thông này, như trong trường hợp các Giáo Hội Kitô giáo ly khai với Rôma” (83)

 

40.   Bí Tích Thánh Thể tạo sự hiệp thông và giáo dục sự hiệp thông. Thánh Phaolô  đã viết cho các tín hữu thành Côrintô, chỉ cho họ thấy những chia rẽ giữa họ biểu lộ trong cộng đoàn tham dự  Thánh Thể, đi ngược lại với điều họ cử hành là Bữa Ăn Tối của Chúa. Vì vậy, vị Tông Đồ kêu mời họ suy nghĩ về thực tại đích thực của Bí Tích Thánh Thể để đưa họ trở về với tinh thần hiệp thông huynh đệ (x. 1Cr 11,17-34). Thánh Augustinô cũng đã đồng ý sự đòi buộc này. Ngài nhắc lại lời của vị Tông Đồ: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và anh em là những chi thể của thân thể ấy”(1 Cr 12, 27), ngài lưu ý :“ Nếu anh em là Thân Mình của Đức Kitô và là các chi thể của Ngài, thì biểu tượng của chính anh em được đặt trên bàn của Chúa; ở đó anh em đón nhận  mầu nhiệm của riêng mình” (84). Và từ đó ngài rút ra hệ quả nầy: “Chúa chúng ta đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm sự  bình an và hiệp nhất của chúng ta. Ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất mà không lưu lại trong mối dây liên hệ bình an,  thì không nhận lãnh mầu nhiệm của mình để được cứu rỗi; họ nhận lãnh lời chứng kết án họ”(85).

 

41.   Sự cổ võ đặc biệt hữu hiệu cho hiệp thông , đặc điểm của Bí Tích Thánh Thể, là một trong những lý do của tầm quan trọng  Thánh Lễ Chúa Nhậït. Về phương diện này và về những lý do đã khiến cho nó trở nên cần thiết cho đời sống của Giáo Hội và của các tín hữu, tôi đã bàn rất nhiều trong Tông Thư Ngày của Chúa  (Dies Domini) ( 86) về sự thánh hoá Ngày Chúa Nhậït. Tôi đã nhắc lại rằng đối với các tín hữu, tham dự Thánh Lễ là một nghĩa vụ buộc, trừ khi họ có một ngăn trở nghiêm trọng nào, và cũng vậy, về phần mình các Mục Tử có bổn phận tương ứng tạo điều kiện thiết thực cho mọi người để họ thực thi huấn giới (87). Gần đây nhất, trong Tông Thư Bước vào ngàn năm mới(Novo millennio ineunte), nhằm vạch ra  đường hướng mục vụ cho Giáo Hội vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, tôi muốn làm nổi bật đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật, nhấn mạnh vì sao Thánh Lễ Chúa nhật rất hữu hiệu cho sự hiệp thông : Tôi đã viết “ Bí Tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để sự hiệp thông luôn được loan báo và được gìn giữ. Đúng thế, nhờ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở thành ngày của Giáo Hội, như thế Giáo Hội có thể thực hiện một cách có hiệu quả vai trò của bí tích hiệp nhất” (88).

 

42.   Gìn giữ và phát huy hiệp nhất Giáo Hội là một trách nhiệm của mọi tín hữu, họ tìm thấy trong Bí Tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất của Giáo Hội, một môi trường để thể hiện thao thức đó một cách đặc biệt. Cụ thể hơn, công việc nầy thuộc trách nhiệm đặc biệt của các Mục Tử, mỗi người tuỳ theo cấp bậc và nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội đã ban hành những quy luật nhằm giúp giáo dân đến bàn tiệc của Chúa thường xuyên và có hiệu quả, ấn định những điều kiện khách quan theo đó buộc phải từ chối không cho rước lễ. Chăm lo giúp người ta giữ luật một cách trung thành là cách biểu lộ thiết thực tình yêu đối với Thánh Thể và Giáo Hội.

 

43.   Khi nhận thức Bí Tích Thánh Thể như là bí tích của sự hiệp thông Giáo Hội, có một luận cứ không thể bỏ qua được vì tầm quan trọng của nó : tôi cố ý nói đến tương quan (của Thánh Thể) với nổ lực đại kết. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh vì trong những thập niên vừa qua, đông đảo tín hữu khắp nơi trên thế giới đã khao khát sự hiệp nhất giữa tất cả những Kitô hữu với nhau. Công Đồng Vaticanô II, ngay từ đầu sắc lệnh về đại kết, nhìn nhận đó là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa (89). Điều này đã mang đến một ân sủng thật hiệu quả  trên bước đường đại kết cho chính chúng ta, con cái của Giáo Hội công giáo, cũng như cho những anh em chúng ta thuộc các Giáo Hội khác và các Cộng Đoàn giáo hội.

 

Lòng ao ước đạt tới sự hiệp nhất thôi thúc chúng ta hướng nhìn về Bí Tích Thánh Thể, là Bí tích hiệp nhất tuyệt vời của Dân Chúa, vì đó là cách biểu lộ hoàn hảo nhất và là nguồn suối tuyệt đỉnh của hiệp nhất (90). Trong cử hành Hy Tế Thánh Thể, Giáo Hội dâng lời khẩn cầu lên Thiên Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, xin Ngài ban cho con cái Ngài tràn đầy Thánh Thần để họ trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (91). Trong khi dâng lời cầu nguyện này lên Cha của ánh sáng, Đấng ban phát mọi ơn lành tuyệt hảo và mọi quà tặng kỳ diệu” (Gc 1, 17), Giáo Hội tin vào sự hữu hiệu của lời cầu, vì Giáo Hội cầu nguyện trong sự kết hợp với Đức Kitô là Đầu và là Phu Quân, Đấng biến lời khẩn cầu của hiền thê  thành của chính mình bằng cách kết hợp vào hy tế cứu chuộc của Ngài.

 

44.   Chính vì sự hiệp nhất của Giáo Hội, mà Bí Tích Thánh Thể thực hiện nhờ hy tế của Đức Kitô và nhờ hiệp thông vào Mình và Máu Chúa, nhất thiết đòi buộc phải có sự hiệp thông toàn vẹn trong những ràng buộc tuyên xưng đức tin, các bí tích và việc cai quản của Giáo Hội. Không thể nào đồng tế cùng một phụng vụ Thánh Thể  cho đến khi những mối liên hệ nầy được tái lập hoàn toàn. Đồng tế như vậy không thể là một phương tiện có giá trị và còn có thể tạo nên một chướng ngại trên con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, làm giảm thiểu giá trị của khoảng cách đang ngăn chặn chúng ta với mục tiêu, và du nhập hay công nhận những hàm hồ về điều này điều nọ của chân lý đức tin. Bước đường đi đến hiệp nhất trọn vẹn chỉ có thể thực hiện trong chân lý mà thôi. Về điều  này, những khoản cấm của Luật  Giáo Hội không chừa chỗ cho ngờ vực (92), phù hợp với qui luật luân lý mà Công Đồng Vaticanô II đã ban hành (93).

 

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói lại ở đây những gì tôi đã thêm vào trong thông điệp Ut unum sint (Xin cho chúng nên một), sau khi đã thừa nhận là không thể  chia sẻ cùng một Bí Tích Thánh Thể: “Chúng tôi cũng thế, chúng tôi ao ước mãnh liệt được đồng cử hành một Thánh Thể duy nhất của Thiên Chúa, và sự ước ao đó đã trở thành cùng một lời ngợi khen và cùng một lời cầu khẩn. Chúng ta cùng nhau hướng về Chúa Cha và chúng ta luôn làm như thế mỗi ngày một nhiều hơn với “ một con tim duy nhất” (94).

 

45.   Không có trường hợp nào được đồng tế khi không có sự hiệp thông trọn vẹn, nhưng đối với việc cho chịu lễ, thì lại khác trong những hoàn cảnh đặc biệt, cho những người thuộc những Giáo Hội hay những Cộng Đoàn giáo hội không cùng hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo. Thật vậy, trong trường hợp này, mục đích là để thỏa mãn một nhu cầu thiêng liêng  cần thiết cho sự cứu rỗi những người này, chứ không phải nhằm thực hiện một liên hệ hiệp thông bất khả, bao lâu những mối dây liên hệ hữu hình của hiệp thông Giáo Hội chưa được thiết lập trọn vẹn.

 

Công Đồng Vaticanô II đã phát biểu theo đường hướng đó khi xác định phải xử trí thế nào với những người Đông Phương, là những người thiện chí nhưng đã ly khai với Giáo Hội công giáo, khi họ xin được rước lễ từ tay một thừa tác viên công giáo một cách thành thật và họ hội đủ những điều kiện cần thiết (95). Cách làm này đã được hai Bộ Giáo Luật phê chuẩn với những thích nghi cần thiết, trong đó cũng có đề cập đến trường hợp những Kitô hữu, không phải là Đông Phương, không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội công giáo (96).

 

46.   Trong thông điệp Ut unum sint, tôi đã bày tỏ là tôi hoàn toàn chấp nhận những qui luật này nhằm giúp cho phần rỗi các linh hồn với sự phân định cần thiết : “Thật là một niềm vui khi các thừa tác viên công giáo, trong những trường hợp đặc biệt đã được xác định, có thể ban những Bí Tích Thánh Thể, Giải Tội và Xức Dầu Bệnh Nhân cho những Kitô hữu không cùng hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo, có ước mong mãnh liệt được lãnh nhận, tự nguyện và cùng chia sẻ niềm tin  mà Giáo hội công giáo tuyên xưng trong các bí tích này. Ngược lại, trong những trường hợp rõ rệt, và đối với những hoàn cảnh đặc biệt, những người công giáo có thể xin chịu các bí tích ấy từ tay những thừa tác viên  của  những Giáo Hội mà trong đó các bí tích này thành sự” (97).

 

Cũng phải chú trọng kỹ lưỡng đến những điều không có luật trừ, dù là những trường hợp đặc biệt đã được xác định rất kỹ, vì chỉ cần chối từ một hay nhiều chân lý đức tin về các bí tích này, trong số đó có chân lý liên quan đến sự cần thiết của chức tư tế thừa tác để cho các bí tích được thành sự, đủ làm cho việc lãnh nhận  bí tích không còn hợp pháp, vì người xin lãnh nhận không hội đủ những điều kiện cần thiết. Ngược lại, một tín hữu công giáo không thể nào rước lễ trong một cộng đoàn không có Bí Tích Truyền Chức thành sự (98).

 

Việc tuân giữ trung thành tất cả những qui luật về vấn đề này (99) vừa thể hiện và bảo đảm tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích rất thánh, cũng như đối với các anh em thuộc giáo hội Kitô khác mà ta cần làm chứng tá cho sự thật và đối với chính việc cổ võ sự hiệp nhất

 

CHƯƠNG V: PHẨM GIÁ CỦA VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

 

47.   Những ai đã đọc qua trình thuật về việc thành lập Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng Nhất Lãm đều ngỡ ngàng vì, vào buổi chiều Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích vĩ đại ấy với vẻ vừa đơn giản vừa “trang trọng”. Có một đoạn, theo một nghĩa nào đó,  được xem như một khúc dạo đầu: Đó là việc xức dầu tại Bêthania. Một người nữ mà Thánh Gioan xác nhận là Maria, chị của Ladarô, đã đổ trên đầu Đức Giêsu một loại dầu thơm quý giá, khiến các môn đệ  bất bình – đặc biệt là Giuđa (x. Mt 26, 8; Mc 14, 4; Ga 12, 4) - như thể hành vi đó là một “sự phí phạm” không thể chịu nỗi đối với người nghèo. Tuy nhiên Chúa Giêsu lại nghĩ khác. Không cất bỏ điều gì trong bổn phận bác ái của các môn đệ đối với ngưới nghèo – “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26, 11; Mc 14, 7; x. Ga 12,8) – Chúa Giêsu nghĩ đến biến cố sắp đến là cái chết và việc mai táng Ngài, và Ngài nhìn thấy trong việc xức dầu mà người ta vừa làm,  cho Ngài hưởng trước cái danh dự mà thân xác Ngài vẫn xứng đáng ngay cả sau khi chết, bởi vì nó được liên kết bền chặt với mầu nhiệm của bản thân Ngài. 

 

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, trình thuật tiếp tục với việc Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ chuẩn bị kỷ lưỡng “căn phòng lớn” cần thiết cho bữa ăn vượt qua (x. Mt 14, 15; Lc 22,12), và với trình thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể.  Phản ánh thoáng qua, ít nữa là một phần, khung cảnh nghi thức Do Thái được sắp đặt cho bữa ăn vượt qua cho đến thánh vịnh ngợi khen (x. Mt 26, 30 ; Mc 14, 26), trình thuật trình bày một cách vừa cô đọng  vừa trang trọng, ngay cả trong những dị biệt của những truyền thống khác nhau, những lời Chúa Kitô nói trên bánh và rượu, mà Ngài dùng như những cách diễn tả cụ thể về thân xác Ngài bị trao nộp và máu Ngài đổ ra. Tất cả những chi tiết này được các Thánh Sử nhắc lại dưới ánh sáng của nghi thức “bẻ bánh” bấy giờ đã được củng cố trong Giáo Hội tiên khởi. Nhưng lẽ dĩ  nhiên, từ lịch sử mà Chúa Giêsu đã sống, biến cố Thứ Năm Tuần Thánh rõ ràng có những nét “nhạy cảm” phụng vụ đã được nhào nắn theo truyền thống cựu ước và sẵn sàng để được nhào nắn lại trong cử hành Kitô giáo phù hợp với nội dung mới của Phục Sinh . 

 

48.   Như người nữ xức dầu tại Bêtania, Giáo Hội không ngần ngại “phung phí”, sử dụng những gì tốt đẹp nhất trong kho tàng của mình để nói lên sự thán phục và lòng tôn thờ của mình trước ân huệ vô bờ bến của Bí Tích Thánh Thể. Cũng như các tông đồ đầu tiên được uỷ thác lo chuẩn bị “căn phòng rộng lớn”, Giáo Hội cảm thấy được thúc đẩy cử hành Thánh Thể trong một bối cảnh xứng đáng với một Mầu Nhiệm vĩ đại như thế, qua các thế kỷ và trong sự tiếp nối của các nền văn hóa. Phụng vụ Kitô giáo được khai sinh dựa trên lời và hành động của Chúa Giêsu, phát triển thêm di sản phụng tự Do Thái giáo. Và vì thế, làm sao có thể diễn tả một cách thích hợp việc đón nhận sự tự hiến không ngừng của Phu Quân thần linh cho Giáo Hội - Hiền Thê, bằng cách đặt trong tầm tay những thế hệ tín hữu kế tiếp nhau, Hy Tế hiến dâng một lần là đủ trên Thập Giá và bằng cách tự hiến mình làm của ăn cho mọi tín hữu ?  Nếu  lối suy luận về “bữa tiệc” có làm khơi dậy một tinh thần gia đình đi nữa, Giáo Hội vẫn không bao giờ nhượng bộ trước cám dỗ tầm thường hoá sự “thân thiện gia đình” này đối với Phu Quân mà quên đi Ngài còn là Chúa của mình nữa và “bữa tiệc” vẫn luôn luôn là bữa tiệc hy tế, được đánh dấu bằng việc máu đổ ra trên đồi Golgotha. Bữa Tiệc Thánh Thể vẫn thật sự là một bữa tiệc “thánh”, trong đó những dấu chỉ đơn sơ  ẩn chứa chiều sâu khôn dò sự thánh thiện của Thiên Chúa : “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Chúa Kitô trở nên lương thực!” (O Sacrum convivium, in quo Christus sumitur !). Tấm bánh được bẻ ra trên bàn thánh và hiến tặng cho chúng ta trong thân phận lữ hành trên những bước đường trần gian, là “panis angelorum”, bánh  thiên thần, bánh đó chúng ta chỉ có thể tiếp cận với tấm lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi” (Mt 8,8; Lc 7,6).

 

49.   Dựa vào ý nghĩa cao siêu ấy của mầu nhiệm, chúng ta hiểu rằng niềm tin của Giáo Hội vào Mầu Nhiệm Thánh Thể được diễn tả trong lịch sử không chỉ bằng đòi hỏi một thái độ sùng kính nội tâm, mà còn bằng một chuổi cách diễn tả bên ngoài, nhằm gợi lên và làm nổi bật sự cao trọng của biến cố được cử hành. Từ đó nảy sinh một tiến  trình đưa dần đến việc ấn định một quy chế đặc biệt thành quy luật cho phụng vụ Thánh Thể, mà vẫn tôn trọng những truyền thống giáo hội khác nhau được thiết lập hợp pháp. Trên nền tảng đó, một di sản nghệ thuật phong phú cũng đã được phát triển. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, khi được hướng dẫn bởi mầu nhiệm Kitô giáo, đã tìm thấy một nguồn cảm hứng vô tận,  cách  trực tiếp hay gián tiếp trong Bí Tích Thánh Thể.

 

Cũng thế, về phương diện kiến trúc chẳng hạn, khi bối cảnh lịch sử cho phép, người ta chứng kiến nơi  cử hành những Nghi Thức Thánh Thể đầu tiên đã được chuyển từ những “nhà” (domus) của những gia đình đến những vương cung thánh đường (basiliques) trang trọng vào những thế kỷ đầu rồi đến những đại thánh đường (cathédrales) uy nghi của thời Trung Cổ và cuối cùng đến những ngôi nhà thờ (églises) lớn nhỏ cứ dần dần mọc lên trên những phần đất mà Kitô giáo đã lan đến. Hình thức của những bàn thờ và của những nhà tạm cũng phát triển trong những không gian phụng vụ, không chỉ tuỳ theo những đà cảm hứng, mà còn theo những chỉ dẫn do thông hiểu chính xác về Mầu Nhiệm. Người ta cũng có thể nói như thế về thánh nhạc, khi chỉ cần nghĩ đến nguồn cảm hứng  của những giai điệu bình ca, đến đông đảo các tác giả và thường là những tác giả thời danh, đã tự đo lường với những bản văn phụng vụ của Thánh Lễ. Và trong lãnh vực vật dụng, đồ trang trí dùng trong cử hành phụng vụ, ai lại không thấy một khối lượng quan trọng những sản phẩm nghệ thuật, đi từ những tác phẩm thủ công mỹ nghệ tốt đến những kiệt tác nghệ thuật ?

 

Người ta có thể nói rằng, nếu Bí Tích Thánh Thể đã hun đúc Giáo Hội và con đường thiêng liêng, Bí Tích Thánh Thể cũng có ảnh hưởng rất quan trọng trên “văn hoá”, đặc biệt trong lãnh vực thẩm mỹ.

 

50.   Những Kitô hữu Phương Tây và  Phương Đông đã “tranh đua”  trong nổ lực thờ phượng Mầu Nhiệm, dưới khía cạnh nghi lễ và thẩm mỹ. Làm sao  không cảm tạ Thiên Chúa được, đặc biệt vì sự đóng góp đã đem lại cho nền nghệ thuật Kitô giáo những tác phẩm vĩ đại về kiến trúc và hội họa của truyền thống hy-lạp-byzantin và của cả vùng địa lý và văn hóa slave nữa ? Ở Phương Đông, nghệ thuật thánh đã gìn giữ được một cảm thức đặc biệt mãnh liệt về mầu nhiệm, đã thúc đẩy các nghệ sĩ  quan niệm rằng  những cố gắng sáng tạo cái đẹp không chỉ là một sự biểu hiện thiên tài  mà còn là một phục vụ trung thực cho đức tin. Vượt xa ngoài  tài khéo léo về kỹ thuật, họ đã biết đón nhận trong vâng phục luồng gió của Thánh Thần Thiên Chúa.

 

Vẻ huy hoàng của nền kiến trúc và tranh mosaiques trong giới Kitô giáo Đông và Tây Phương là một di sản phổ quát của tín hữu và mang trong mình một hoài bão, tôi có thể nói, một bảo chứng cho hiệp thông trọn vẹn hằng ước mong trong đức tin và trong việc cử hành. Điều đó hàm ý và đòi buộc, như trong bức họa thời danh về Chúa Ba Ngôi của Roublev, một Giáo Hội “ Thánh Thể ” sâu trầm, nơi đó việc chia sẻ mầu nhiệm của Chúa Kitô trong tấm bánh bẻ ra như được dìm trong sự hợp nhất khôn tả của Ba Ngôi Thiên Chúa, biến Giáo Hội thành một “bức họa” của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Trong viễn tượng của một nghệ thuật muốn diễn tả, xuyên qua tất cả những yếu tố của nó, ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể theo giáo huấn của Giáo Hội, cần phải chú tâm đến những quy định liên quan đến việc xây dựng và trang trí các thánh đường. Không gian sáng tạo mà Giáo Hội luôn dành cho các nghệ sĩ rất rộng, như lịch sử đã cho thấy, cũng như tôi đã nhấn mạnh trong Bức thư gởi các nghệ sĩ (100). Nhưng nghệ thuật thánh phải có đặc điểm là khả năng diễn tả cách phù hợp Mầu Nhiệm được đón nhận trong đức tin viên mãn của Giáo Hội, và theo những chỉ dẫn mục vụ đúng đắn do Bản Quyền chuyên trách. Điều đó có giá trị cho những nghệ thuật tượng hình cũng như cho thánh nhạc.

 

51.   Những gì đã xảy ra trong những vùng đất Kitô  giáo lâu đời về môn nghệ thuật thánh và luật phụng vụ thì cũng đang phát triển trên những lục địa mà Kitô giáo còn trẻ hơn. Đó là hướng đi mà Công Đồng Vaticanô II đã đưa ra một cách chính xác, liên quan đến đòi hỏi “hội nhập văn hóa” vừa lành mạnh vừa cần thiết. Trong nhiều chuyến đi mục vụ của tôi, tôi có dịp quan sát trong các vùng trên thế giới, sức sống đang tỏ hiện trong những Cử Hành Thánh Thể khi tiếp xúc với những hình thức, phong cách và những nhạy cảm của các nền văn hóa khác nhau. Trong khi thích nghi với những điều kiện thay đổi của thời gian và không gian, Bí Tích Thánh Thể không chỉ nuôi dưỡng các con người, mà cả các dân tộc nữa, và nắn đúc nhiều nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tinh thần Kitô giáo.

 

Tuy nhiên điều quan trọng là công việc thích nghi ấy phải được thực hiện với ý thức liên tục về Mầu Nhiệm khôn tả mà mỗi thế hệ được mời gọi tự đo lường. “ Kho tàng” quá to tác và quý báu đến nỗi người ta có thể làm nó suy giảm hay tổn thương bằng những thử  nghiệm hay thực hành không do Thẩm Quyền chuyên trách của Giáo Hội kiểm nhận. Đàng khác, tính cách trung tâm của Mầu Nhiệm Thánh Thể quan trọng đến nỗi việc duyệt xét này phải liên hệ chặt chẽ với Tòa Thánh. Như tôi đã viết trong tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia, (Giáo Hội tại châu Á), “một sự cộng tác như thế rất thiết yếu vì Phụng Vụ thánh diễn tả và cử hành một đức tin duy nhất mà mọi người đều tuyên xưng , và vì là di sản của toàn thể Giáo Hội, nó không thể do những Giáo Hội địa phương thiết định mà không liên hệ với Giáo Hội toàn cầu” (101).

 

52.   Từ những gì đã nói trên, người ta biết trách nhiệm lớn lao trong Cử Hành Thánh Thể, mà trước hết các linh mục phải có bổn phận, vì các ngài có nhiệm vụ chủ tọa trong tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi), bảo đảm chứng tá và phục vụ sự hiệp thông,  không những cho cộng đoàn đang trực tiếp tham dự, mà còn cho cả Giáo Hội toàn cầu luôn có quan hệ tới Bí Tích Thánh Thể. Bất hạnh thay, phải đau đớn nhận rằng, nhất là từ những năm sau cuộc canh tân phụng vụ hậu công đồng, vì nhận thức sai lầm về sự sáng tạo và thích nghi, những lạm dụng lan tràn, và trở thành lý do đau khổ cho nhiều người. Một phản ứng nào đó chống lại “duy hình thức” đã thúc đẩy một số người, đặc biệt trong vùng nào đó, lầm tưởng rằng “ những hình thức” được ấn định bởi truyền thống phụng vụ đáng kính của Giáo Hội và Huấn Quyền là không bắt buộc, và đưa vào những sửa đổi không được phép và thường không phù hợp.

 

Vì thế tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải lên tiếng một cách cương quyết để trong Cử Hành Thánh Thể, những quy luật phụng vụ được tuân giữ một cách trung thành. Những quy luật đó là một cách diễn tả cụ thể tính giáo hội đích thực của Bí Tích Thánh Thể; đó là ý nghĩa sâu xa nhất của chúng. Phụng vụ không bao giờ là một sở hữu riêng tư của ai, kể cả chủ tế và cộng đoàn cử hành các Mầu Nhiệm đó. Thánh Tông Đồ Phaolô phải lên tiếng mạnh mẽ với cộng đoàn  Côrintô để tố cáo những lỗi phạm nghiêm trọng đối với việc Cử Hành Thánh Thể, những lỗi phạm đã đưa đến những chia rẽ (schismata) và bè phái (airéseis) (x. 1Cr 11, 17-34). Vào thời đại chúng ta cũng vậy , việc tuân giữ luật phụng vụ phải được khám phá lại và nêu rõ như một phản ánh và chứng từ của Giáo Hội duy nhất và phổ quát hiện diện trong tất cả mọi cử hành Bí Tích Thánh Thể. Linh mục nào trung thành cử hành Thánh Lễ theo những quy luật phụng vụ và cộng đoàn nào tuân theo đóù, chứng tỏ tình yêu của họ đối với Giáo Hội một cách âm thầm nhưng rõ rệt. Thật vậy, để tăng cường ý thức sâu xa ấy về luật phụng vụ, tôi đã yêu cầu  những cơ quan chuyên trách trung ương Tòa Thánh soạn thảo một văn kiện chuyên môn hơn với những nhắc nhở về luật, trong vấn đề có tầm quan trọng lớn lao này. Không ai được phép đánh giá thấp Mầu Nhiệm được trao trong tay chúng ta: nó cao cả đến nỗi không ai có thể đối xử với nó theo ý mình, không tôn trọng tính cách linh thánh và chiều kích phổ quát của nó.

 

CHƯƠNG VI: NƠI TRƯỜNG HỌC CỦA ĐỨC MARIA

NGƯỜI NỮ “THÁNH THỂ”

 

53.   Nếu chúng ta muốn khám phá lại trong tất cả sự phong phú của Bí Tích Thánh Thể, mối liên hệ thâm sâu nối kết Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên Đức Maria, là Mẹ và mẫu gương của Giáo hội. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, khi đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, tôi đã ghi việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào số các mầu nhiệm ánh sáng (102). Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí Tích cực thánh nầy, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa.

 

Tin Mừng, thoạt nhìn qua, im lặng về vấn đề này. Trong trình thuật việc thiết lập (Bí Tích Thánh Thể), vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, không ai nói đến Đức Maria. Trái lại ai cũng biết là Mẹ đã có mặt với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu nguyện” (x. Cv 114) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ đầu tiên rất chuyên cần “trong nghi lễ bẻ bánh” (Cv 2, 42).

 

Nhưng khi vượt xa hơn việc Mẹ tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, người ta có thể phỏng đoán cách gián tiếp mối liên hệ giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể căn cứ vào thái độ nội tâm của Mẹ. Trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một phụ nữ “Thánh Thể”. Khi nhìn Đức Maria là mẫu gương của mình, Giáo hội cũng được mời gọi theo gương Mẹ trong mối liên hệ của mình với Mầu Nhiệm rất thánh này.

 

54.   Mysterium Fidei ! Nếu Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vượt xa lý trí chúng ta đến nỗi chúng ta chỉ còn phó thác hoàn toàn cho Lời Chúa mà thôi, thì không một ai ngoài Đức Maria có thể nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong tiến trình này. Khi chúng ta lập lại hành động của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly. Khi vâng theo lệnh truyền của Ngài : “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19), chúng ta đón nhận cùng một lúc lời Đức Maria mời gọi vâng phục Chúa không do dự: “Hãy làm những gì Ngài bảo” (Ga 2,5). Với sự ân cần từ mẫu mà Mẹ đã tỏ ra ở tiệc cưới Cana, Đức Maria hình như muốn nói với chúng ta : “Đừng do dự, hãy tin vào những lời của Con Mẹ, Ngài có thể biến nước thành rượu ngon, Ngài cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Ngài, thông truyền cho các tín hữu, trong mầu nhiệm này, việc tưởng nhớ sống động cuộc Vượt Qua của Ngài để trở nên “bánh sự sống”.

 

55.   Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh vẹn của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Trong khi Bí Tích Thánh Thể đưa về cuộc khổ nạn và phục sinh, thì Đức Maria cùng lúc vẫn tiếp nối với việc Nhập Thể. Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính thực tại thể lý thân xác và máu huyết, thực hiện trước trong Mẹ, những gì được thực hiện một cách bí tích, trong một mức độ nào đó, nơi mọi tín hữu được lãnh nhận dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Chúa. 

 

Như thế có một tương quan rất thâm sâu giữa tiếng fiat (xin vâng) của Đức Maria đáp lại lời thiên thần với tiếng Amen của người tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động của Thánh Thần” là “Con Thiên Chúa” (x. Lc 1, 30-35). Tiếp nối đức tin của Đức Maria, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu.

 

“Phúc thay kẻ đã tin” (Lc 1,45) : trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Maria cũng đã đi trước đức tin Thánh Thể của Giáo Hội. Lúc đi viếng (bà Isave), Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà tạm” một cách nào đó – “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử  - trong đó Con Thiên Chúa, chưa thấy được với mắt loài người, được bà Isave tôn thờ, như thể “chiếu tỏa” ánh sáng của Ngài qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria. Và cái nhìn say đắm của Đức Maria, chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa?

 

56.   Trong suốt cuộc đời của Mẹ bên cạnh Chúa Kitô, và không chỉ trên đồi Canvariô, Đức Maria đã lấy chiều kích hy tế của Bí Tích Thánh Thể làm của mình. Khi Mẹ đem trẻ Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để “tiến dâng cho Thiên Chúa” (x. Lc 2,34-35), Mẹ đã nghe cụ già Simêon loan báo cho Mẹ rằng Trẻ này sẽ là một “dấu hiệu chia rẽ” và rằng một “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu trái tim của mẹ em (x. Lc 2, 34-35). Như thế bi kịch của Người Con chịu đóng đinh đã được tiên báo, và trong cách thế nào đó, cảnh “stabat Mater” (Mẹ đứng đó) của Đức Trinh Nữ dưới chân Thánh Giá, đã được hình dung trước. Từng ngày, chuẩn bị lên đỉnh đồi Canvariô, Đức Maria đã sống một thứ “Thánh Thể đã có trước” nào đó, đó là một cách “hiệp lễ thiêng liêng” bằng ước muốn và hiến dâng. “Thánh Thể đã có trước” này sẽ được hoàn tất bằng sự hiệp nhất với Con Ngài trong cuộc khổ nạn. Điều đó sẽ được diễn đạt, sau Phục Sinh, qua sựï tham dự của Mẹ vào việc cử hành Thánh Thể mà các tông đồ chủ sự để tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa.

 

Làm sao tưởng tượng được những tâm tình của Đức Maria khi ngài nghe từ miệng của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê và của các Tông Đồ khác, những lời trong Bữa Tiệc Ly : “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” (Lc 22,19) ? Thân mình được dâng lên làm lễ tế, và được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích, cũng là thân mình của Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng. Nhận lấy Bí Tích Thánh Thể đối với Đức Maria, như là đón nhận một lần nữa trong cung lòng Mẹ quả tim đã đồng nhịp với quả tim của Mẹ và như sống lại những gì Mẹ đã đích thân cảm nghiệm dưới chân Thập Giá.

 

57.   “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Tất cả những gì Chúa Kitô đã thực hiện trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài  đều hiện diện trong việc “tưởng niệm” đồi Canvariô. Vì thế, những gì Chúa Kitô đã hoàn tất đối với Mẹ Ngài, Ngài cũng hoàn tất cho chúng ta. Quả vậy, Ngài đã trao phó cho Mẹ Ngài người môn đệ yêu dấu, và trong người môn đệ ấy, Ngài cũng trao phó cho Mẹ mỗi người chúng ta  : “Này là con bà!”. Cũng thế, Ngài nói với mỗi người chúng ta : “Này là mẹ con !” (x. Ga19,26-27).

 

Sống việc tưởng niệm cái chết của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể , cũng đòi hỏi lãnh nhận liên tục hồng ân này. Điều đó có nghĩa là đưa về nhà chúng ta – theo gương của Thánh Gioan – Đấng mà mỗi ngày chúng ta lãnh nhận như  Mẹ chúng ta. Điều đó đồng thời cũng có nghĩa là chúng ta phải dấn thân trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, bằng cách học với Mẹ Ngài và để cho Mẹ Ngài hướng dẫn chúng ta. Đức Maria hiện diện với Giáo Hội và là Mẹ của Giáo Hội, trong mỗi  cử hành Bí Tích Thánh Thể của chúng ta. Nếu Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể làm thành một cặp song đôi không thể tách rời, thì giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể cũng vậy. Chính vì thế việc kính nhớ Đức Maria trong cử hành Bí Tích Thánh Thể được thi hành đồng loạt, từ thời xa xưa trong các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương.

 

58.   Trong Bí Tích Thánh Thể, Giáo Hội, lấy tinh thần Đức Maria làm của mình, kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô và với hy tế của Ngài,. Đó là một chân lý mà người ta có thể đào sâu khi đọc lại kinh Magnificat (linh hồn tôi ngợi khen) trong viễn tượng Thánh Thể. Quả thật, như  bài ca của Đức Maria, Bí Tích Thánh Thể trước hết là một lời ngợi khen và là một lời tạ ơn. Khi Đức Maria thốt lên : “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và lòng trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”, Chúa Giêsu đang ở trong cung lòng của Mẹ. Mẹ ngợi khen Chúa Cha “thay cho” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha “trong” Chúa Giêsu và “cùng với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” đích thực.

 

Cùng một lúc, Đức Maria nhắc đến những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ theo như lời hứa với cha ông chúng ta  (x. Lc 1,55), và Mẹ loan báo việc kỳ diệu vượt lên trên mọi kỳ công, việc Nhập Thể cứu chuộc. Sau cùng trong kinh Magnificat, cũng có cả việc hướng đến quang lâm của Bí Tích Thánh Thể. Mỗi khi Con Thiên Chúa xuất hiện cho chúng ta trong sự “nghèo nàn” của những dấu chỉ bí tích, bánh và rượu, hạt giống của lịch sử mới, trong đó những kẻ quyền thế bị “lật đổ khỏi ngai vàng” và những người hèn mọn được “nâng cao” (x. Lc 1,52) đã được gieo trong thế gian. Đức Maria hát lên “trời mới” và “đất mới”, chúng được thực hiện trước trong Bí Tích Thánh Thể, và theo một nghĩa nào đó, “ dự định về chúng”  đã được sắp đặt. Nếu bài Magnificat diễn tả “đường lối thiêng liêng” của Đức Maria thì không có gì giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể bằng linh đạo này. Bí Tích Thánh Thể đã được trao tặng cho chúng ta, để toàn bộ cuộc sống chúng ta như cuộc sống của Đức Maria,  trở nên một bài ca Magnificat.

 

KẾT LUẬN

 

59.   “Ave verum corpus natum de Maria Virgine !”. Cách đây vài năm, tôi đã cử hành lễ Kim Khánh Linh Mục của tôi. Hôm nay tôi cảm thấy như một hồng ân sự kiện tôi hiến dâng cho Giáo Hội thông điệp này về Bí Tích Thánh Thể vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trùng hợp với năm thứ hai mươi lăm tôi lãnh nhận nhiệm vụ kế vị Thánh Phêrô. Điều này làm cho lòng tôi dâng trào niềm biết ơn. Mỗi ngày, từ hơn nửa thế kỷ nay, từ ngày 2 tháng 11 năm 1946, năm mà tôi cử hành thánh lễ đầu tiên trong hầm mộ Thánh Lêônađô trong đại thánh đường Wawel ở Cracovi, ánh mắt tôi chăm nhìn mình thánh và chén thánh, trong đó thời gian và không gian dường như “cô đọng lại” và trong đó thảm kịch đồi Golgotha lại tái hiện một cách mãnh liệt, tỏ lộ tính cách “đồng thời” huyền nhiệm của nó. Mỗi ngày, đức tin của tôi đã cho tôi nhìn biết trong bánh và rượu được hiến thánh, vị Lữ Hành thần linh, một ngày kia, đã cùng đi đường với hai môn đệ làng Emmau, để cho mắt họ nhận ra ánh sáng và tim họ chứa chan hy vọng (x. Lc 24,13-35).

 

Anh chị em rất thân mến !

 

Xin hãy cho phép tôi, trong một niềm vui thân tình mãnh liệt, hiệp nhất với niềm tin của anh chị em và để củng cố nó, tôi đưa ra chứng từ đức tin cá nhân của tôi vào Bí Tích Thánh Thể rất thánh. “ Kính chào thân xác thật sinh ra từ cung lòng Trinh Nữ Maria, thực sự đã chịu đau khổ, được hiến tế trên thập giá vì loài người!”. (Ave verum corpus natum de Maria Virgine/ vere passum, immolatum, in cruce pro homine !). Đây là kho tàng của Giáo Hội, quả tim của thế giới, bảo chứng của ngày cuối cùng mà mọi người đều mong mỏi, dù không ý thức. Vĩ đại thay mầu nhiệm này. Chắc chắn nó vượt xa chúng ta và nó thử thách cam go những khả năng của trí óc chúng ta đòi buộc phải đi xa hơn những dáng vẻ bên ngoài. Nơi đây, giác quan của chúng ta bất lực –“ thị giác, xúc giác, vị giác đều phải lụn bại” (visus, tactus, gustus, in te fallitur), thánh thi Adoro Te devote đã nói như thế, nhưng chỉ cần đức tin của chúng ta đâm rễ sâu vào Lời Chúa Kitô được các Tông Đồ truyền lại, đủ cho chúng ta. Xin cho phép tôi lặp lại với Chúa Kitô, nhân danh tất cả Giáo Hội, nhân danh mỗi người trong anh chị em, như Thánh Phêrô vào cuối diễn từ về Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng thánh Gioan : “Lạy Chúa, bỏ Chúa chúng con đi với ai? Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

 

60.   Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này, tất cả chúng ta, con cái của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi phải tiến lên với một sức năng động mới trong đời sống Kitô hữu. Như tôi đã viết trong Tông Thư Novo millennio ineunte, không cần phải vạch thêm một “chương trình mới”, chương trình đã có sẵn rồi: chính là chương trình của mọi ngày, được rút ra từ Tin Mừng và Thánh Truyền sống động. Rốt cùng vì nó được qui vào một trung tâm là chính Chúa Kitô mà chúng ta phải hiểu biết, yêu mến, noi gương, để sống sự sống Ba Ngôi trong Ngài và cùng với Ngài biến đổi lịch sử cho đến khi hoàn tất trong thành Giêrusalem thiên quốc”(103 ).Việc thực hiện chương trình của đà tiến đổi mới này trong đời sống Kitô hữu phải xuyên qua Bí Tích Thánh Thể.

 

Mọi dấn thân vào sự thánh thiện, mọi hoạt động nhằm hoàn thành sứ mạng của Giáo  Hội, mọi nỗ lực thực hiện các chương trình mục vụ, phải múc lấy nơi mầu nhiệm Thánh Thể, sức mạnh cần thiết và phải hướng về đó như chóp đỉnh. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giêsu, chúng ta có hy tế cứu chuộc của Ngài, chúng ta có sự phục sinh của Ngài, chúng ta có hồng ân Thánh Thần, chúng ta có việc tôn thờ, sự vâng phục và tình yêu đối với Chúa Cha trên trời. Nếu chúng ta coi thường Bí Tích Thánh Thể, làm sao có thể chữa trị sự nghèo nàn khốn khổ của chúng ta ?

 

61.   Mầu nhiệm Thánh Thể, - hy tế, hiện diện, bữa tiệc – không chấp nhận sự giảm thiểu cũng như sự thao túng nào; nó phải được sống toàn vẹn, dù trong việc cử hành hay trong việc trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu mà người ta vừa đón nhận khi rước lễ, hay hơn thế nữa, trong thời gian cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ. Lúc ấy Giáo Hội được xây dựng một cách vững chắc và yếu tính của Giáo Hội thực sự được diễn tả : duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; là dân, là đền thờ và là gia đình của Thiên Chúa; là thân thể và là Hiền Thê của Chúa Kitô, được sinh động bởi Thánh Thần ; là bí tích phổ quát của ơn cứu độ và là sự hiệp thông được cơ cấu hóa theo phẩm trật.

 

Con đường mà Giáo Hội đang đi vào những năm đầu tiên nầy của thiên niên kỷ thứ ba cũng là con đường dấn thân đại kết mới. Những thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, đạt được chóp đỉnh trong Đại Năm Thánh, đã thúc đẩy chúng ta vào hướng đó, khuyến khích tất cả những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy phải đáp lại lời cầu của Chúa Giêsu “ut unum sint” (Ga 17,11) (xin cho chúng nên một). Một con đường như thế thì rất dài và đầy chướng ngại vượt hẳn sức con người; nhưng chúng ta có Bí Tích Thánh Thể , và trước sự hiện diện của Ngài, chúng ta có thể nghe từ đáy lòng chúng ta, như thể ngõ với chúng ta, những lời nói mà tiên tri Êlia đã nghe : “Hãy dậy mà ăn, không thì đường sẽ còn dài đối với ngươi (1 V 19,7). Kho tàng Bí Tích Thánh Thể mà Chúa đã đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta thúc đẩy chúng ta đi đến mục tiêu là chia sẻ toàn vẹn kho tàng ấy với tất cả anh em đã được liên kết với chúng ta trong cùng một Bí Tích Thánh Tẩy. Tuy nhiên, để đừng lãng phí kho tàng quí báu như thế, phải tôn trọng những đòi buộc gắn liền với sự kiện đó là bí tích của sự hiệp thông trong đức tin và trong sự kế nhiệm các tông đồ.

 

Khi trao lại cho Bí Tích Thánh Thể tất cả tầm quan trọng xứng đáng và chú tâm đặc biệt, không để suy giảm một chiều kích nào hay một đòi buộc nào, chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta thực tâm ý thức sự cao cả của hồng ân này. Chúng ta cũng được mời gọi làm như thế bởi một truyền thống liên tục, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đã mục kích cộng đoàn Kitô hữu ân cần gìn giữ “kho tàng” này. Nhờ tình yêu thúc đẩy, Giáo Hội chăm lo thông truyền cho những thế hệ Kitô hữu sẽ đến, không bỏ mất một yếu tố nào, đức tin và giáo thuyết về mầu nhiệm Thánh Thể. Chú tâm vào Mầu Nhiệm này, không bao giờ sợ thái quá, vì “tất cả mầu nhiệm cứu độ của chúng ta được gồm tóm trong Bí Tích này” (104).

 

62.   Anh chị em thân mến, hãy học cùng các thánh, những người diễn giải lừng danh việc tôn sùng Bí Tích Thánh Thể đích thực. Nơi các ngài, khoa thần học về Bí Tích Thánh Thể đạt được tất cả vẽ đẹp của cái đã sống thực,  “thấm nhập” vào chúng ta hay nói cách khác, “sưởi ấm” chúng ta. Hơn hết hãy lắng nghe Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, nơi Mẹ, hơn ai hết, Mầu Nhiệm Thánh Thể tỏa sáng như một mầu nhiệm sự sáng. Khi quay hướng về Mẹ, chúng ta biết được sức mạnh làm biến đổi của Bí Tích Thánh Thể. Trong Mẹ chúng ta nhìn thấy thế giới được canh tân trong tình yêu. Khi chiêm ngắm Mẹ, Đấng hồn xác Lên Trời, chúng ta khám phá ra cái gì đó của “trời mới, đất mới”, sẽ mở ra trước mắt chúng ta khi Chúa Kitô quang lâm. Bí Tích Thánh Thể là bảo chứng ngay từ trần gian này và một cách nào đó là nếm trước sự quang lâm đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến !” (Kh 22,20).

 

Dưới hình bánh rượu khiêm tốn, được biến bản thể, thành Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô đồng hành với chúng ta, Ngài là sức mạnh và của ăn đàng cho chúng ta, và Ngài biến chúng ta thành những chứng nhân hy vọng cho tất cả anh em chúng ta. Nếu đứng trước mầu nhiệm này, lý trí của chúng ta cảm nhận giới hạn của mình, thì con tim được chiếu sáng nhờ ơn Thánh Thần, hiểu rõ phải có thái độ nào, khi chìm sâu trong tôn thờ và trong một tình yêu không hạn  giới.

 

Chúng ta hãy mượn những tâm tình của Thánh  Tôma Aquinô, nhà thần học lừng danh và đồng thời là thi nhân say đắm của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể của Ngài và hãy để cho tâm hồn chúng ta cũng mở rộng ra để chiêm ngưỡng mục tiêu đã hứa, mục tiêu mà con tim chúng ta đang hướng tới, khao khát niềm vui và an bình :

Bone pastor, panis vere

Jesu, nostri miserere !

         Lạy mục tử nhân lành, bánh đích thực,

Xin thương xót chúng con.

Xin nuôi dưỡng chúng con, che chở chúng con,

Xin cho chúng con nhìn thấy thiện hảo tuyệt vời

Trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Chúa biết và có thể làm mọi sự,

Chúa là lương thực của chúng con trên trần gian này,

xin đem chúng con lên cõi cao xanh để là thực khách và thừa kế muôn đời trong gia đình các thánh.

 

      

        Ban hành tại  Roma,

          cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,

ngày 17 tháng 04 năm 2003, Thứ Năm Tuần Thánh,

trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

GIOAN-PHAOLÔ

____________________________________________________________________

 

Tham Chiếu

(1) Cđ Vat. II, Hiến chế tín lý Lumen gentium số 11.

(2) Cđ Vat. II, Sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum ordinis  số 5.

(3) x. Gioan-Phaolô II, tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002) số 21. AAS 95 (2002) trang 19; La Domumentation catholique  99 (2002) trang 959-960.

(4) Đó là tựa mà tôi đã muốn đề cho một chứng từ tự thuật vào dịp lễ Kim Khánh linh mục của tôi.

(5) Lêo XIII, PM Acta XXII ( 1903) trang 115-116.

(6) AAS 39 ( 1947) trang 521-595; La Documentation catholique 45 ( 1948) cột 195-251.

(7) AAS 57 (1965) trang 753-774; La Documentation catholique 62 (1965) cột 1633-1651.

(8) AAS 72 (1980) trang 113-114. La Documentation catholique 77 (1980) trang 301-312.

(9) x. Cđ. Vat. II, Hiến chế Phụng vụ thánh số 47 : Salvator noster… Đấng Cứu Chuộc chúng ta  đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể bằng Mình Máu Ngài, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Ngài lại đến…”.

(10) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo  số 1085.

(11) Cđ. Vat. II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium số 3,

12) x. Phaolô VI , Tuyên xưng đức tin (30/06/1968) số 24: AAS 60 (1968) trang 442; La Documentation catholique 65 (1968) cột 1256-1257;  Gioan-Phaolô II, Tông thư Dominicae cenae ( 24/02/1980) số 9, AAS 72 (1980) trang 142-146; La Documentation catholique 77 (1980) trang 305-306.

(13) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo  số 1382.

(14) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo  số 1367.

(15) Bài giảng lễ về thư Do Thái 17, 3: PG 63, 131.

(16) x. Cđ. Triđentinô, Khóa XXII, Giáo thuyết về Hy Tế Thánh của Thánh Lễ, chương 2, La Documentation catholique 1743, la Foi catholique, số 768: “ Đó cũng là một hiến vật, đó chính là Đấng dâng hiến ngay bây giờ nhờ tác vụ của các linh mục, Đấng tự hiến lúc ấy ngay trên Thập Giá, chỉ có thể cách dâng là khác mà thôi.”

(17) Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ( 20/11/1947) AAS 39 ( 1947) trang 548, La Documentation catholique 45 (1948) cột 216.

(18) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris hominis (15/03/1979) số 20; AAS 71 (1979) trang 310, La Documentation Catholique 76 (1979) trang 317.

(19)  Hiến chế tín lý Lumen Gentium số 11.

(20) De sacramentis, V, 4,26; CSEL 73, 70; SCh 25 bis trang 135.

(21) In Joannis Evangelium, XII, 20; PG 74, 726.

(22) Thông điệp Mysterium fidei (3/09/1965): AAS 75 (1965) trang 764, La Documentation catholique 62 (1965) cột 1643.

(23) Khóa XIII, sắc lệnh về Phép Thánh Thể rất thánh, chương 4 : DS 1462; la foi catholique số739.

(24) Catéchèses mystagogiques, IV, 6: SCh 126, trang 138.

(25) Cđ. Vat. II, hiến chế Dei Verbum số 8.

(26) Tuyên xưng đức tin (30/06/1968), số 25 : aas 60 (1968) trang 442-443; La Documentation catholique  65 (1968) cột 1256.

(27) Bài giảng lễ IV tuần thánh; CSCO 413/Syr. 182, 55.

(28) Kinh nguyện.

(29) Kinh nguyện Thánh Thể III.

(30) Lễ trọïng Mình Máu Thánh Chúa Kitô- Kinh Chiều II, Thánh ca Magnificat.

(31) Sách Lễ Rôma, kinh nguyện phụ thêm sau Kinh Lạy Cha.

(32) Thư cho giáo đoàn Êphêsô, 20 : PG 5, 661; SCh 10 bis trang 77.

(33) Cđ. Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes số 39.

(34) Bạn muốn tôn kính Thân Thể Đức Kitô ? Đừng khinh dễ nó khi nó trần truồng. Đừng tôn kính nó ở đây, trong nhà thờ, bằng vải lụa đang khi bạn để nó ngoài trời đau đớn vì lạnh và vì thiếu quần áo. Vì Đấng đã nói: Nầy là Mình Thầy, và đã thực hiện điều đó khi nói như thế, chính Ngài đã nói : Bạn đã thất Ta đói và không cho Ta ăn, và cũng thế: Mỗi lần bạn không làm cho một trong những kẻ bé mọn nầy, là không làm cho chính Ta (…) Ích lợi gì khi bàn tiệc của Chúa Kitô đây những bình bằng vàng, trong khi chính Ngài lại chết đói. Hãy bắt đầu làm cho kẻ đói được no đã, và cái gì còn lại hãy đem trang hoàng bàn thờ của ngươi”. Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng lễ về Tin Mừng Thánh Matthêu 50, 3-4: PG 58, 508-509; xem Gioan-Phaolô II : Sollicitudo rei socialis (30/12/1987) số 31; AAS 80 (1988) trang 553-556; La Documentation catholique 85 (1988) trang 246.

(35) Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 3.

(36) nt.

(37) Cđ. Vat II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad gentes, số 5.

(38) “ Môsê lấy máu, rảy trên dân, và nói:” Đây là máu Giao Ước Dức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời nầy” ( Xh 24,8).

(39) x. Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 1.

(40)  nt , số 9.

(41) x. Cđ. Vat II, Sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục , Presbyterorum ordinis, số 5. Sắc lệnh đó cũng nói ở số 6:”Không một cộng đoàn Kitô nào thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vài việc cử hành Bí Tích Thánh Thể rất thánh”.

(42) Bài giảng lễ về thư thứ nhất cho giáo đoàn Côrintô, 24,2:PG 61,200; cf Didachè,IX,4; Funk,1,22; SCh 248,tráng77; Thánh Xiprianô, thư LXIII,13: PL4,384; Correspondance II, Les Belles Lettres, Paris (1925), tráng-202.

(43) PO 6,206.

(44) Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 1.

(45) x.Cđ. Tridentinô, khóa XIII, Sắc lệnh về phép Thánh Thể rất thánh, khoản 4: DS 1654; la foi catholique, số 748.

(46) x. Rituale Romanum: De sacra communione et de cultu mysterii eucharistici extra missam, trang 36 ( số 80); Sách nghi thức của Thánh Thể ngoài Thánh Lễ,, tái bản, AELF1996, trang67 (số80).

(47) x.nt, trang 38-39 ( số 86-90); ; trang 69-70 ( số86-90).

(48) Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo millennio ineunte, số 32:AAS 93(2001), trang 88;  La Documentation catholique 98 (2001), trang 79.

(49) Chớ gì trong ngày, các tín hữu đừng quên viếng Thánh Thể, phải được giữ vào nơi thật xứng đáng của các nhà thờ, với  sự trang trọng có thể, như luật phụng vụ đã dạy. Vì thăm viếng như thế là một dấu hiệu biết ơn, một cử chỉ yêu thương và một bổn phận biết ơn đối vơiù Chúa Kitô, Chúa chúng ta hiện diện nơi đó”: Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei ( 3-9-1965): AAS57(1965), trang771; La Documentation catholique 62 ( 1965), cột 1647-1648.

(50) Visite al S.S. Sacramento ed a Maria Santissima, Introductio: Opere ascetiche, Avellino ( 2000), trang 295.

(50*) Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei (3/9/1965): AAS 57 (1965) trang 771.

(51) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo  số .857.

(52) nt.

(53) nt.

(54) x. Thánh Bộ về Giáo lý đức tin, Thư  Sacerdotium ministeriale (6-8-1983), III,2:AAS 75 (1983), trang 05; La Documentation catholique 80 (1983), trang 886.

(55) Cđ. Vat II,  Hiến chế tín lý Lumen gentium số 10.

(56)  nt.

(57) Cf.Institutio generalis:Editio typica tertia, số 147.

(58) Cf. Cđ. Vat II,  Hiến chế tín lý Lumen gentium các số 10.28; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, số 2.

(59) “ Chủ tế trên bàn thờ đại diện cho Chúa Kitô vớ tư cách là đầu hiến dâng nhân danh tất cả chi thể”: Piô XII, Thông điệp Mediator Dei (20-11-1947): AAS 39 (1947), trang 556;  La Documentation catholique 45 (1948), cột 221; x. Piô X, Huấn thị tông tòa Hoerent animo (4-8-1908): piiX Acta, IV,16;Piô XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii ( 20-12-1935): AAS 28 ( 1936, trang 20;  La Documentation catholique 35 (1936/1), cột 141.

(60) Tông thư Dominicae Cenoe (24-2-1980), số 8: AAS 72 (1980), trang 128-129; La Documentation catholique 77 (1980), trang 304.

(61)Thánh Bộ Giáo lý đức tin, Thư  Sacerdotium ministeriale (6-8-1983),III,4: AAS 75(1983), trang 06; La Documentation catholique 80 (1983), trang 887; x.Công Đồng Latêranô IV, ch. 1, Hiến chế về đức tin công giáo Firmiter credimus: DS 802; La foi catholique, số 31.

(62) Cđ. Vat II,  Sắc lệnh về hiệp nhất, Unitatis redintegratio, số 2.

(63) Tông thư Dominicae Cenae (24-2-1980), số 2:AAS 72 (1982),trang 115;  La Documentation catholique 77 ( 1980) , trang 301.

(64) Cđ. Vat II, Sắc lệnh Sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis số 14.

(65) nt. số 13; x. Giáo luật, khoản 904; giáo luật của các Giáo Hội Đông Phương, khoản 378.

(66) Sắc lệnh Sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, số 6.

(67) Cf. Báo cáo cuối cùng, II,C,1:L’Osservatorum Romano. 10-12 1985, trang 7; La Documentation Catholique 83, (1986), trang 39.

(68) Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 26.

(69) Nicôlaô Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, IV, số 10: SCh,335, trang 271.

(70) Thánh Têrêxa Giêsu, Con đường trọn lành, chương 37: Oeuvres complètes, Paris (1948), trang 766.

(71) Cf. Thánh Bộ Giáo lý đức tin, Communionis notio (28-5-1992), số 4:AAS 85 (1993), trang 839-840; La Documentation catholique 89 ( 1992), trang 730.

(72) Cf. Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium số 14.

(73) Bài giảng về Isaia, 6,3: PG 56,139.

(74) Số 1385; x Giáo luật, khoản 916; giáo luật các Giáo Hội Đông Phương khoản 711.

( 75) Diễn từ cho những thành phần của Nhà giam tông tòa và cho những Cha giải tội các Đại Thánh Đường thành Rôma (30-1-1982).

( 76) Khoản 915; x. Giáo luật các Giáo Hội Đông phương, khoản 712.

(77)  Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium số 14.

(78) Thánh Tôma Aquinôâ, Tổng luận thần học, III,q.73,a.3.

(79) Thánh Bộ Giáo lý đức tin, Thư Communionis notio (28-5-1992, số 11 La Documentation catholique 89 (1992), trang 731.

(80) Cf Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 23.

(81) Thư gửi giáo đoàn Smyrne,VIII, PG 5, 713; SCh số 10, trang 139.

(82) Cđ.  Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 23.

(83) Thánh Bộ Giáo lý đức tin, thư Communionis notio ( 28-5-1992), số 14: AAS 85 (1993).

(84) nt. 1248.

(85) Bài giảng 272: PL 38,1247.

(86) x. nn. 31-51:AAS 90 (1998), trang 73746; La Documentation catholique 95 (1998) trang 666-672.

(87) x. nt.,nn.48-49: AAS 90 (1998), trang 744;  La Documentation catholique 95(1998) trang 671.

(88) N. 36:AAS 93 (2001), trang 291-292;  La Documentation catholique 98 (2001), trang 81.

(89) x. Sắc lệnh về hiệp nhất, Unitatis redintegratio, số 1.

(90) x. Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 11.

(91) “ Chúng ta là những người tham dự vào một tấm bánh duy nhất và một chén duy nhất, xin cho chúng con được hiệp nhất với nhau trong sự hiệp thông cùng một Thánh Thần”:Kinh nguyện của Phụng vụ thánh Basiliô.

(92) x.GL khoản 908; GL các Giáo Hội Đông Phương, khoản 702; Hội đồng giáo hoàng về việc ……. cho hiệp nhất các kitô hữu, Chỉ nam đại kết (25-3-1993), các sô122-125,129-131; Thánh Bộ Giáo lý đức tin, Thư Ad exsequendam,(18-5-2001).

(93)“ Luật Chúa cấm tham dự vào sự thánh phương hại đến việc hiệp nhất Giáo Hội, hoặc đưa đến sai lầm thực sự hay nguy cơ lạc hướng về đức tin, sinh ra gương mù gương xấu và tạo nên thái độ lãnh đạm” Orientalium Ecclesiarum, số 26.

(94) N.45:AAS 87(1995) trang 948;  La Documentation catholique 92(1995), trang 579.

(95) x. Sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Orientalium Ecclesiarum, số 27.

(96) x. GL, khoản 844, tiết 3-4; GL các Giáo Hội Đông Phương, khoản 671, tiết  3-4.

(97) N. 46: AAS 87(1995), trang 948;  La Documentation catholique 92 (1995), trang 580.

(98) x. Sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis redintegratio, số 22.

(99) x. GL khoản 844; GL các Giáo Hội Đông Phương, số 671.

(100) x. AAS 91(1999), trang155-1172:  La Documentation catholique 96 (1999), trang 451-458.

(101) N.22: AAS 92(2000), trang 485;  La Documentation catholique 96(1999), trang 991

(102) x. số 21: AAS 95 (2003), trang 20; La Documentation catholique 99 (2002), trang 959-960.

(103) N. 29: AAS 93 (2001) trang 285;  La Documentation catholique 98 (2001), trang 78.

(104) Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận thần học III,q.83,a.4c

 

______________________________________________________________________

 

Encyclical Letter
Ecclesia De Eucharistia

of His Holiness Pope John Paul II
to the BishopsPriests and Deacons Men and Women
in the Consecrated Life and All the Lay Faithful
on the Eucharist in Its Relationship to the Church

Libreria Editrice Vaticana
Vatican City
Introduction

 

1. The Church draws her life from the Eucharist. This truth does not simply express a daily experience of faith, but recapitulates the heart of the mystery of the Church. In a variety of ways she joyfully experiences the constant fulfilment of the promise: "Lo, I am with you always, to the close of the age" (Mt 28:20), but in the Holy Eucharist, through the changing of bread and wine into the body and blood of the Lord, she rejoices in this presence with unique intensity. Ever since Pentecost, when the Church, the People of the New Covenant, began her pilgrim journey towards her heavenly homeland, the Divine Sacrament has continued to mark the passing of her days, filling them with confident hope.

 

The Second Vatican Council rightly proclaimed that the Eucharistic sacrifice is "the source and summit of the Christian life".1 "For the most holy Eucharist contains the Church's entire spiritual wealth: Christ himself, our passover and living bread. Through his own flesh, now made living and life-giving by the Holy Spirit, he offers life to men".2 Consequently the gaze of the Church is constantly turned to her Lord, present in the Sacrament of the Altar, in which she discovers the full manifestation of his boundless love.

 

2. During the Great Jubilee of the Year 2000 I had an opportunity to celebrate the Eucharist in the Cenacle of Jerusalem where, according to tradition, it was first celebrated by Jesus himself. The Upper Room was where this most holy Sacrament was instituted. It is there that Christ took bread, broke it and gave it to his disciples, saying: "Take this, all of you, and eat it: this is my body which will be given up for you" (cf. Mk 26:26; Lk 22:19; 1 Cor 11:24). Then he took the cup of wine and said to them: "Take this, all of you and drink from it: this is the cup of my blood, the blood of the new and everlasting covenant. It will be shed for you and for all, so that sins may be forgiven" (cf. Mt 14:24; Lk 22:20; 1 Cor 11:25). I am grateful to the Lord Jesus for allowing me to repeat in that same place, in obedience to his command: "Do this in memory of me" (Lk 22:19), the words which he spoke two thousand years ago.

 

Did the Apostles who took part in the Last Supper understand the meaning of the words spoken by Christ? Perhaps not. Those words would only be fully clear at the end of the Triduum sacrum, the time from Thursday evening to Sunday morning. Those days embrace the myste- rium paschale; they also embrace the mysterium eucharisticum.

 

3. The Church was born of the paschal mystery. For this very reason the Eucharist, which is in an outstanding way the sacrament of the paschal mystery, stands at the centre of the Church's life. This is already clear from the earliest images of the Church found in the Acts of the Apostles: "They devoted themselves to the Apostles' teaching and fellowship, to the breaking of bread and the prayers" (2:42). The "breaking of the bread" refers to the Eucharist. Two thousand years later, we continue to relive that primordial image of the Church. At every celebration of the Eucharist, we are spiritually brought back to the paschal Triduum: to the events of the evening of Holy Thursday, to the Last Supper and to what followed it. The institution of the Eucharist sacramentally anticipated the events which were about to take place, beginning with the agony in Gethsemane. Once again we see Jesus as he leaves the Upper Room, descends with his disciples to the Kidron valley and goes to the Garden of Olives. Even today that Garden shelters some very ancient olive trees. Perhaps they witnessed what happened beneath their shade that evening, when Christ in prayer was filled with anguish "and his sweat became like drops of blood falling down upon the ground" (cf. Lk 22:44). The blood which shortly before he had given to the Church as the drink of salvation in the sacrament of the Eucharist, began to be shed; its outpouring would then be completed on Golgotha to become the means of our redemption: "Christ... as high priest of the good things to come..., entered once for all into the Holy Place, taking not the blood of goats and calves but his own blood, thus securing an eternal redemption" (Heb 9:11- 12).

 

4. The hour of our redemption. Although deeply troubled, Jesus does not flee before his "hour". "And what shall I say? 'Father, save me from this hour?' No, for this purpose I have come to this hour" (Jn 12:27). He wanted his disciples to keep him company, yet he had to experience loneliness and abandonment: "So, could you not watch with me one hour? Watch and pray that you may not enter into temptation" (Mt 26:40- 41). Only John would remain at the foot of the Cross, at the side of Mary and the faithful women. The agony in Gethsemane was the introduction to the agony of the Cross on Good Friday. The holy hour, the hour of the redemption of the world. Whenever the Eucharist is celebrated at the tomb of Jesus in Jerusalem, there is an almost tangible return to his "hour", the hour of his Cross and glorification. Every priest who celebrates Holy Mass, together with the Christian community which takes part in it, is led back in spirit to that place and that hour.

 

"He was crucified, he suffered death and was buried; he descended to the dead; on the third day he rose again". The words of the profession of faith are echoed by the words of contemplation and proclamation: "This is the wood of the Cross, on which hung the Saviour of the world. Come, let us worship". This is the invitation which the Church extends to all in the afternoon hours of Good Friday. She then takes up her song during the Easter season in order to proclaim: "The Lord is risen from the tomb; for our sake he hung on the Cross, Alleluia".

 

5. "Mysterium fidei! - The Mystery of Faith!". When the priest recites or chants these words, all present acclaim: "We announce your death, O Lord, and we proclaim your resurrection, until you come in glory".

 

In these or similar words the Church, while pointing to Christ in the mystery of his passion, also reveals her own mystery: Ecclesia de Eucharistia. By the gift of the Holy Spirit at Pentecost the Church was born and set out upon the pathways of the world, yet a decisive moment in her taking shape was certainly the institution of the Eucharist in the Upper Room. Her foundation and wellspring is the whole Triduum paschale, but this is as it were gathered up, foreshadowed and "concentrated' for ever in the gift of the Eucharist. In this gift Jesus Christ entrusted to his Church the perennial making present of the paschal mystery. With it he brought about a mysterious "oneness in time" between that Triduum and the passage of the centuries.

 

The thought of this leads us to profound amazement and gratitude. In the paschal event and the Eucharist which makes it present throughout the centuries, there is a truly enormous "capacity" which embraces all of history as the recipient of the grace of the redemption. This amazement should always fill the Church assembled for the celebration of the Eucharist. But in a special way it should fill the minister of the Eucharist. For it is he who, by the authority given him in the sacrament of priestly ordination, effects the consecration. It is he who says with the power coming to him from Christ in the Upper Room: "This is my body which will be given up for you This is the cup of my blood, poured out for you...". The priest says these words, or rather he puts his voice at the disposal of the One who spoke these words in the Upper Room and who desires that they should be repeated in every generation by all those who in the Church ministerially share in his priesthood.

 

6. I would like to rekindle this Eucharistic "amazement" by the present Encyclical Letter, in continuity with the Jubilee heritage which I have left to the Church in the Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte and its Marian crowning, Rosarium Virginis Mariae. To contemplate the face of Christ, and to contemplate it with Mary, is the "programme" which I have set before the Church at the dawn of the third millennium, summoning her to put out into the deep on the sea of history with the enthusiasm of the new evangelization. To contemplate Christ involves being able to recognize him wherever he manifests himself, in his many forms of presence, but above all in the living sacrament of his body and his blood. The Church draws her life from Christ in the Eucharist; by him she is fed and by him she is enlightened. The Eucharist is both a mystery of faith and a "mystery of light".3 Whenever the Church celebrates the Eucharist, the faithful can in some way relive the experience of the two disciples on the road to Emmaus: "their eyes were opened and they recognized him" (Lk 24:31).

 

7. From the time I began my ministry as the Successor of Peter, I have always marked Holy Thursday, the day of the Eucharist and of the priesthood, by sending a letter to all the priests of the world. This year, the twenty-fifth of my Pontificate, I wish to involve the whole Church more fully in this Eucharistic reflection, also as a way of thanking the Lord for the gift of the Eucharist and the priesthood: "Gift and Mystery".4 By proclaiming the Year of the Rosary, I wish to put this, my twenty-fifth anniversary, under the aegis of the contemplation of Christ at the school of Mary. Consequently, I cannot let this Holy Thursday 2003 pass without halting before the "Eucharistic face" of Christ and pointing out with new force to the Church the centrality of the Eucharist.

 

From it the Church draws her life. From this "living bread" she draws her nourishment. How could I not feel the need to urge everyone to experience it ever anew?

 

8. When I think of the Eucharist, and look at my life as a priest, as a Bishop and as the Successor of Peter, I naturally recall the many times and places in which I was able to celebrate it. I remember the parish church of Niegowiæ, where I had my first pastoral assignment, the collegiate church of Saint Florian in Krakow, Wawel Cathedral, Saint Peter's Basilica and so many basilicas and churches in Rome and throughout the world. I have been able to celebrate Holy Mass in chapels built along mountain paths, on lakeshores and seacoasts; I have celebrated it on altars built in stadiums and in city squares... This varied scenario of celebrations of the Eucharist has given me a powerful experience of its universal and, so to speak, cosmic character. Yes, cosmic! Because even when it is celebrated on the humble altar of a country church, the Eucharist is always in some way celebrated on the altar of the world. It unites heaven and earth. It embraces and permeates all creation. The Son of God became man in order to restore all creation, in one supreme act of praise, to the One who made it from nothing. He, the Eternal High Priest who by the blood of his Cross entered the eternal sanctuary, thus gives back to the Creator and Father all creation redeemed. He does so through the priestly ministry of the Church, to the glory of the Most Holy Trinity. Truly this is the mysterium fidei which is accomplished in the Eucharist: the world which came forth from the hands of God the Creator now returns to him redeemed by Christ.

 

9. The Eucharist, as Christ's saving presence in the community of the faithful and its spiritual food, is the most precious possession which the Church can have in her journey through history. This explains the lively concern which she has always shown for the Eucharistic mystery, a concern which finds authoritative expression in the work of the Councils and the Popes. How can we not admire the doctrinal expositions of the Decrees on the Most Holy Eucharist and on the Holy Sacrifice of the Mass promulgated by the Council of Trent? For centuries those Decrees guided theology and catechesis, and they are still a dogmatic reference-point for the continual renewal and growth of God's People in faith and in love for the Eucharist. In times closer to our own, three Encyclical Letters should be mentioned: the Encyclical Mirae Caritatis of Leo XIII (28 May 1902),5 the Encyclical Mediator Dei of Pius XII (20 November 1947) 6 and the Encyclical Mysterium Fidei of Paul VI (3 September 1965).7

 

The Second Vatican Council, while not issuing a specific document on the Eucharistic mystery, considered its various aspects throughout its documents, especially the Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium and the Constitution on the Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium.

 

I myself, in the first years of my apostolic ministry in the Chair of Peter, wrote the Apostolic Letter Dominicae Cenae (24 February 1980),8 in which I discussed some aspects of the Eucharistic mystery and its importance for the life of those who are its ministers. Today I take up anew the thread of that argument, with even greater emotion and gratitude in my heart, echoing as it were the word of the Psalmist: "What shall I render to the Lord for all his bounty to me? I will lift up the cup of salvation and call on the name of the Lord" (Ps 116:12-13).

 

10. The Magisterium's commitment to proclaiming the Eucharistic mystery has been matched by interior growth within the Christian community. Certainly the liturgical reform inaugurated by the Council has greatly contributed to a more conscious, active and fruitful participation in the Holy Sacrifice of the Altar on the part of the faithful. In many places, adoration of the Blessed Sacrament is also an important daily practice and becomes an inexhaustible source of holiness. The devout participation of the faithful in the Eucharistic procession on the Solemnity of the Body and Blood of Christ is a grace from the Lord which yearly brings joy to those who take part in it.

 

Other positive signs of Eucharistic faith and love might also be mentioned.

 

Unfortunately, alongside these lights, there are also shadows. In some places the practice of Eucharistic adoration has been almost completely abandoned. In various parts of the Church abuses have occurred, leading to confusion with regard to sound faith and Catholic doctrine concerning this wonderful sacrament. At times one encounters an extremely reductive understanding of the Eucharistic mystery. Stripped of its sacrificial meaning, it is celebrated as if it were simply a fraternal banquet. Furthermore, the necessity of the ministerial priesthood, grounded in apostolic succession, is at times obscured and the sacramental nature of the Eucharist is reduced to its mere effectiveness as a form of proclamation. This has led here and there to ecumenical initiatives which, albeit well-intentioned, indulge in Eucharistic practices contrary to the discipline by which the Church expresses her faith. How can we not express profound grief at all this? The Eucharist is too great a gift to tolerate ambiguity and depreciation.

 

It is my hope that the present Encyclical Letter will effectively help to banish the dark clouds of unacceptable doctrine and practice, so that the Eucharist will continue to shine forth in all its radiant mystery.


Chapter One
The Mystery of Faith

 

11. "The Lord Jesus on the night he was betrayed" (1 Cor 11:23) instituted the Eucharistic Sacrifice of his body and his blood. The words of the Apostle Paul bring us back to the dramatic setting in which the Eucharist was born. The Eucharist is indelibly marked by the event of the Lord's passion and death, of which it is not only a reminder but the sacramental re-presentation. It is the sacrifice of the Cross perpetuated down the ages.9 This truth is well expressed by the words with which the assembly in the Latin rite responds to the priest's proclamation of the "Mystery of Faith": "We announce your death, O Lord".

 

The Church has received the Eucharist from Christ her Lord not as one gift-however precious-among so many others, but as the gift par excellence, for it is the gift of himself, of his person in his sacred humanity, as well as the gift of his saving work. Nor does it remain confined to the past, since "all that Christ is-all that he did and suffered for all men-participates in the divine eternity, and so transcends all times".10

 

When the Church celebrates the Eucharist, the memorial of her Lord's death and resurrection, this central event of salvation becomes really present and "the work of our redemption is carried out".11 This sacrifice is so decisive for the salvation of the human race that Jesus Christ offered it and returned to the Father only after he had left us a means of sharing in it as if we had been present there. Each member of the faithful can thus take part in it and inexhaustibly gain its fruits. This is the faith from which generations of Christians down the ages have lived. The Church's Magisterium has constantly reaffirmed this faith with joyful gratitude for its inestimable gift.12 I wish once more to recall this truth and to join you, my dear brothers and sisters, in adoration before this mystery: a great mystery, a mystery of mercy. What more could Jesus have done for us? Truly, in the Eucharist, he shows us a love which goes "to the end" (cf. Jn 13:1), a love which knows no measure.

 

12. This aspect of the universal charity of the Eucharistic Sacrifice is based on the words of the Saviour himself. In instituting it, he did not merely say: "This is my body", "this is my blood", but went on to add: "which is given for you", "which is poured out for you" (Lk 22:19-20). Jesus did not simply state that what he was giving them to eat and drink was his body and his blood; he also expressed its sacrificial meaning and made sacramentally present his sacrifice which would soon be offered on the Cross for the salvation of all. "The Mass is at the same time, and inseparably, the sacrificial memorial in which the sacrifice of the Cross is perpetuated and the sacred banquet of communion with the Lord's body and blood".13

 

The Church constantly draws her life from the redeeming sacrifice; she approaches it not only through faith-filled remembrance, but also through a real contact, since this sacrifice is made present ever anew, sacramentally perpetuated, in every community which offers it at the hands of the consecrated minister. The Eucharist thus applies to men and women today the reconciliation won once for all by Christ for mankind in every age. "The sacrifice of Christ and the sacrifice of the Eucharist are one single sacrifice".14 Saint John Chrysostom put it well: "We always offer the same Lamb, not one today and another tomorrow, but always the same one. For this reason the sacrifice is always only one... Even now we offer that victim who was once offered and who will never be consumed".15

 

The Mass makes present the sacrifice of the Cross; it does not add to that sacrifice nor does it multiply it.16 What is repeated is its memorial celebration, its "commemorative representation" (memorialis demonstratio),17 which makes Christ's one, definitive redemptive sacrifice always present in time. The sacrificial nature of the Eucharistic mystery cannot therefore be understood as something separate, independent of the Cross or only indirectly referring to the sacrifice of Calvary.

 

13. By virtue of its close relationship to the sacrifice of Golgotha, the Eucharist is a sacrifice in the strict sense, and not only in a general way, as if it were simply a matter of Christ's offering himself to the faithful as their spiritual food. The gift of his love and obedience to the point of giving his life (cf. Jn 10:17-18) is in the first place a gift to his Father. Certainly it is a gift given for our sake, and indeed that of all humanity (cf. Mt 26:28; Mk 14:24; Lk 22:20; Jn 10:15), yet it is first and foremost a gift to the Father: "a sacrifice that the Father accepted, giving, in return for this total self-giving by his Son, who 'became obedient unto death' (Phil 2:8), his own paternal gift, that is to say the grant of new immortal life in the resurrection".18

 

In giving his sacrifice to the Church, Christ has also made his own the spiritual sacrifice of the Church, which is called to offer herself in union with the sacrifice of Christ. This is the teaching of the Second Vatican Council concerning all the faithful: "Taking part in the Eucharistic Sacrifice, which is the source and summit of the whole Christian life, they offer the divine victim to God, and offer themselves along with it".19

 

14. Christ's passover includes not only his passion and death, but also his resurrection. This is recalled by the assembly's acclamation following the consecration: "We proclaim your resurrection". The Eucharistic Sacrifice makes present not only the mystery of the Saviour's passion and death, but also the mystery of the resurrection which crowned his sacrifice. It is as the living and risen One that Christ can become in the Eucharist the "bread of life" (Jn 6:35, 48), the "living bread" (Jn 6:51). Saint Ambrose reminded the newly-initiated that the Eucharist applies the event of the resurrection to their lives: "Today Christ is yours, yet each day he rises again for you".20 Saint Cyril of Alexandria also makes clear that sharing in the sacred mysteries "is a true confession and a remembrance that the Lord died and returned to life for us and on our behalf".21

 

15. The sacramental re-presentation of Christ's sacrifice, crowned by the resurrection, in the Mass involves a most special presence which-in the words of Paul VI-"is called 'real' not as a way of excluding all other types of presence as if they were 'not real', but because it is a presence in the fullest sense: a substantial presence whereby Christ, the God-Man, is wholly and entirely present".22 This sets forth once more the perennially valid teaching of the Council of Trent: "the consecration of the bread and wine effects the change of the whole substance of the bead into the substance of the body of Christ our Lord, and of the whole substance of the wine into the substance of his blood. And the holy Catholic Church has fittingly and properly called this change transubstantiation".23 Truly the Eucharist is a mysterium fidei, a mystery which surpasses our understanding and can only be received in faith, as is often brought out in the catechesis of the Church Fathers regarding this divine sacrament: "Do not see-Saint Cyril of Jerusalem exhorts-in the bread and wine merely natural elements, because the Lord has expressly said that they are his body and his blood: faith assures you of this, though your senses suggest otherwise".24

 

Adoro te devote, latens Deitas, we shall continue to sing with the Angelic Doctor. Before this mystery of love, human reason fully experiences its limitations. One understands how, down the centuries, this truth has stimulated theology to strive to understand it ever more deeply.

 

These are praiseworthy efforts, which are all the more helpful and insightful to the extent that they are able to join critical thinking to the "living faith" of the Church, as grasped especially by the Magisterium's "sure charism of truth" and the "intimate sense of spiritual realities" 25 which is attained above all by the saints. There remains the boundary indicated by Paul VI: "Every theological explanation which seeks some understanding of this mystery, in order to be in accord with Catholic faith, must firmly maintain that in objective reality, independently of our mind, the bread and wine have ceased to exist after the consecration, so that the adorable body and blood of the Lord Jesus from that moment on are really before us under the sacramental species of bread and wine".26

 

16. The saving efficacy of the sacrifice is fully realized when the Lord's body and blood are received in communion. The Eucharistic Sacrifice is intrinsically directed to the inward union of the faithful with Christ through communion; we receive the very One who offered himself for us, we receive his body which he gave up for us on the Cross and his blood which he "poured out for many for the forgiveness of sins" (Mt 26:28). We are reminded of his words: "As the living Father sent me, and I live because of the Father, so he who eats me will live because of me" (Jn 6:57). Jesus himself reassures us that this union, which he compares to that of the life of the Trinity, is truly realized. The Eucharist is a true banquet, in which Christ offers himself as our nourishment. When for the first time Jesus spoke of this food, his listeners were astonished and bewildered, which forced the Master to emphasize the objective truth of his words: "Truly, truly, I say to you, unless you eat the flesh of the Son of Man and drink his blood, you have no life within you" (Jn 6:53). This is no metaphorical food: "My flesh is food indeed, and my blood is drink indeed" (Jn 6:55).

 

17. Through our communion in his body and blood, Christ also grants us his Spirit. Saint Ephrem writes: "He called the bread his living body and he filled it with himself and his Spirit...

 

He who eats it with faith, eats Fire and Spirit... Take and eat this, all of you, and eat with it the Holy Spirit. For it is truly my body and whoever eats it will have eternal life".27 The Church implores this divine Gift, the source of every other gift, in the Eucharistic epiclesis. In the Divine Liturgy of Saint John Chrysostom, for example, we find the prayer: "We beseech, implore and beg you: send your Holy Spirit upon us all and upon these gifts... that those who partake of them may be purified in soul, receive the forgiveness of their sins, and share in the Holy Spirit".28 And in the Roman Missal the celebrant prays: "grant that we who are nourished by his body and blood may be filled with his Holy Spirit, and become one body, one spirit in Christ".29 Thus by the gift of his body and blood Christ increases within us the gift of his Spirit, already poured out in Baptism and bestowed as a "seal" in the sacrament of Confirmation.

 

18. The acclamation of the assembly following the consecration appropriately ends by expressing the eschatological thrust which marks the celebration of the Eucharist (cf. 1 Cor 11:26): "until you come in glory". The Eucharist is a straining towards the goal, a foretaste of the fullness of joy promised by Christ (cf. Jn 15:11); it is in some way the anticipation of heaven, the "pledge of future glory".30 In the Eucharist, everything speaks of confident waiting "in joyful hope for the coming of our Saviour, Jesus Christ".31 Those who feed on Christ in the Eucharist need not wait until the hereafter to receive eternal life: they already possess it on earth, as the first-fruits of a future fullness which will embrace man in his totality. For in the Eucharist we also receive the pledge of our bodily resurrection at the end of the world: "He who eats my flesh and drinks my blood has eternal life, and I will raise him up at the last day" (Jn 6:54). This pledge of the future resurrection comes from the fact that the flesh of the Son of Man, given as food, is his body in its glorious state after the resurrection. With the Eucharist we digest, as it were, the "secret" of the resurrection. For this reason Saint Ignatius of Antioch rightly defined the Eucharistic Bread as "a medicine of immortality, an antidote to death".32

 

19. The eschatological tension kindled by the Eucharist expresses and reinforces our communion with the Church in heaven. It is not by chance that the Eastern Anaphoras and the Latin Eucharistic Prayers honour Mary, the ever-Virgin Mother of Jesus Christ our Lord and God, the angels, the holy apostles, the glorious martyrs and all the saints. This is an aspect of the Eucharist which merits greater attention: in celebrating the sacrifice of the Lamb, we are united to the heavenly "liturgy" and become part of that great multitude which cries out: "Salvation belongs to our God who sits upon the throne, and to the Lamb!" (Rev 7:10). The Eucharist is truly a glimpse of heaven appearing on earth. It is a glorious ray of the heavenly Jerusalem which pierces the clouds of our history and lights up our journey.

 

20. A significant consequence of the eschatological tension inherent in the Eucharist is also the fact that it spurs us on our journey through history and plants a seed of living hope in our daily commitment to the work before us. Certainly the Christian vision leads to the expectation of "new heavens" and "a new earth" (Rev 21:1), but this increases, rather than lessens, our sense of responsibility for the world today.33 I wish to reaffirm this forcefully at the beginning of the new millennium, so that Christians will feel more obliged than ever not to neglect their duties as citizens in this world. Theirs is the task of contributing with the light of the Gospel to the building of a more human world, a world fully in harmony with God's plan.

 

Many problems darken the horizon of our time. We need but think of the urgent need to work for peace, to base relationships between peoples on solid premises of justice and solidarity, and to defend human life from conception to its natural end. And what should we say of the thousand inconsistencies of a "globalized" world where the weakest, the most powerless and the poorest appear to have so little hope! It is in this world that Christian hope must shine forth! For this reason too, the Lord wished to remain with us in the Eucharist, making his presence in meal and sacrifice the promise of a humanity renewed by his love. Significantly, in their account of the Last Supper, the Synoptics recount the institution of the Eucharist, while the Gospel of John relates, as a way of bringing out its profound meaning, the account of the "washing of the feet", in which Jesus appears as the teacher of communion and of service (cf. Jn 13:1-20). The Apostle Paul, for his part, says that it is "unworthy" of a Christian community to partake of the Lord's Supper amid division and indifference towards the poor (cf. 1 Cor 11:17-22, 27-34).34

 

Proclaiming the death of the Lord "until he comes" (1 Cor 11:26) entails that all who take part in the Eucharist be committed to changing their lives and making them in a certain way completely "Eucharistic". It is this fruit of a transfigured existence and a commitment to transforming the world in accordance with the Gospel which splendidly illustrates the eschatological tension inherent in the celebration of the Eucharist and in the Christian life as a whole: "Come, Lord Jesus!" (Rev 22:20).


Chapter Two
The Eucharist Builds the Church

 

21. The Second Vatican Council teaches that the celebration of the Eucharist is at the centre of the process of the Church's growth. After stating that "the Church, as the Kingdom of Christ already present in mystery, grows visibly in the world through the power of God",35 then, as if in answer to the question: "How does the Church grow?", the Council adds: "as often as the sacrifice of the Cross by which 'Christ our pasch is sacrificed' (1 Cor 5:7) is celebrated on the altar, the work of our redemption is carried out. At the same time in the sacrament of the Eucharistic bread, the unity of the faithful, who form one body in Christ (cf. 1 Cor 10:17), is both expressed and brought about".36

 

A causal influence of the Eucharist is present at the Church's very origins. The Evangelists specify that it was the Twelve, the Apostles, who gathered with Jesus at the Last Supper (cf. Mt 26:20; Mk 14:17; Lk 22:14). This is a detail of notable importance, for the Apostles "were both the seeds of the new Israel and the beginning of the sacred hierarchy".37 By offering them his body and his blood as food, Christ mysteriously involved them in the sacrifice which would be completed later on Calvary. By analogy with the Covenant of Mount Sinai, sealed by sacrifice and the sprinkling of blood,38 the actions and words of Jesus at the Last Supper laid the foundations of the new messianic community, the People of the New Covenant.

 

The Apostles, by accepting in the Upper Room Jesus' invitation: "Take, eat", "Drink of it, all of you" (Mt 26:26-27), entered for the first time into sacramental communion with him. From that time forward, until the end of the age, the Church is built up through sacramental communion with the Son of God who was sac- rificed for our sake: "Do this is remembrance of me... Do this, as often as you drink it, in remembrance of me" (1 Cor 11:24-25; cf. Lk 22:19).

 

22. Incorporation into Christ, which is brought about by Baptism, is constantly renewed and consolidated by sharing in the Eucharistic Sacrifice, especially by that full sharing which takes place in sacramental communion. We can say not only that each of us receives Christ, but also that Christ receives each of us. He enters into friendship with us: "You are my friends" (Jn 15:14). Indeed, it is because of him that we have life: "He who eats me will live because of me" (Jn 6:57). Eucharistic communion brings about in a sublime way the mutual "abiding" of Christ and each of his followers: "Abide in me, and I in you" (Jn 15:4).

 

By its union with Christ, the People of the New Covenant, far from closing in upon itself, becomes a "sacrament" for humanity,39 a sign and instrument of the salvation achieved by Christ, the light of the world and the salt of the earth (cf. Mt 5:13-16), for the redemption of all.40 The Church's mission stands in continuity with the mission of Christ: "As the Father has sent me, even so I send you" (Jn 20:21). From the perpetuation of the sacrifice of the Cross and her communion with the body and blood of Christ in the Eucharist, the Church draws the spiritual power needed to carry out her mission. The Eucharist thus appears as both the source and the summit of all evangelization, since its goal is the communion of mankind with Christ and in him with the Father and the Holy Spirit.41

 

23. Eucharistic communion also confirms the Church in her unity as the body of Christ. Saint Paul refers to this unifying power of participation in the banquet of the Eucharist when he writes to the Corinthians: "The bread which we break, is it not a communion in the body of Christ? Because there is one bread, we who are many are one body, for we all partake of the one bread" (1 Cor 10:16-17). Saint John Chrysostom's commentary on these words is profound and perceptive: "For what is the bread? It is the body of Christ. And what do those who receive it become? The Body of Christ - not many bodies but one body. For as bread is completely one, though made of up many grains of wheat, and these, albeit unseen, remain nonetheless present, in such a way that their difference is not apparent since they have been made a perfect whole, so too are we mutually joined to one another and together united with Christ".42 The argument is compelling: our union with Christ, which is a gift and grace for each of us, makes it possible for us, in him, to share in the unity of his body which is the Church. The Eucharist reinforces the incorporation into Christ which took place in Baptism though the gift of the Spirit (cf. 1 Cor 12:13, 27).

 

The joint and inseparable activity of the Son and of the Holy Spirit, which is at the origin of the Church, of her consolidation and her continued life, is at work in the Eucharist. This was clearly evident to the author of the Liturgy of Saint James: in the epiclesis of the Anaphora, God the Father is asked to send the Holy Spirit upon the faithful and upon the offerings, so that the body and blood of Christ "may be a help to all those who partake of it ... for the sanctification of their souls and bodies".43 The Church is fortified by the divine Paraclete through the sanctification of the faithful in the Eucharist.

 

24. The gift of Christ and his Spirit which we receive in Eucharistic communion superabundantly fulfils the yearning for fraternal unity deep- ly rooted in the human heart; at the same time it elevates the experience of fraternity already present in our common sharing at the same Eucharistic table to a degree which far surpasses that of the simple human experience of sharing a meal. Through her communion with the body of Christ the Church comes to be ever more profoundly "in Christ in the nature of a sacrament, that is, a sign and instrument of intimate unity with God and of the unity of the whole human race".44

 

The seeds of disunity, which daily experience shows to be so deeply rooted in humanity as a result of sin, are countered by the unifying power of the body of Christ. The Eucharist, precisely by building up the Church, creates human community.

 

25. The worship of the Eucharist outside of the Mass is of inestimable value for the life of the Church. This worship is strictly linked to the celebration of the Eucharistic Sacrifice. The presence of Christ under the sacred species reserved after Mass-a presence which lasts as long as the species of bread and of wine remain 45-derives from the celebration of the sacrifice and is directed towards communion, both sacramental and spiritual.46 It is the responsibility of Pastors to encourage, also by their personal witness, the practice of Eucharistic adoration, and exposition of the Blessed Sacrament in particular, as well as prayer of adoration before Christ present under the Eucharistic species.47

 

It is pleasant to spend time with him, to lie close to his breast like the Beloved Disciple (cf. Jn 13:25) and to feel the infinite love present in his heart. If in our time Christians must be distinguished above all by the "art of prayer",48 how can we not feel a renewed need to spend time in spiritual converse, in silent adoration, in heartfelt love before Christ present in the Most Holy Sacrament? How often, dear brother and sisters, have I experienced this, and drawn from it strength, consolation and support!

 

This practice, repeatedly praised and recommended by the Magisterium,49 is supported by the example of many saints. Particularly outstanding in this regard was Saint Alphonsus Liguori, who wrote: "Of all devotions, that of adoring Jesus in the Blessed Sacrament is the greatest after the sacraments, the one dearest to God and the one most helpful to us".50 The Eucharist is a priceless treasure: by not only celebrating it but also by praying before it outside of Mass we are enabled to make contact with the very wellspring of grace. A Christian community desirous of contemplating the face of Christ in the spirit which I proposed in the Apostolic Letters Novo Millennio Ineunte and Rosarium Virginis Mariae cannot fail also to develop this aspect of Eucharistic worship, which prolongs and increases the fruits of our communion in the body and blood of the Lord.

 

1"In the course of the day the faithful should not omit visiting the Blessed Sacrament, which in accordance with liturgical law must be reserved in churches with great reverence in a prominent place. Such visits are a sign of gratitude, an expression of love and an acknowledgment of the Lord's presence": Paul VI, Encyclical Letter Mysterium Fidei (3 September 1965): AAS 57 (1965), 771.


Chapter Three
The Apostolicity of the Eucharist and of the Church

 

26. If, as I have said, the Eucharist builds the Church and the Church makes the Eucharist, it follows that there is a profound relationship between the two, so much so that we can apply to the Eucharistic mystery the very words with which, in the Nicene-Constantinopolitan Creed, we profess the Church to be "one, holy, catholic and apostolic". The Eucharist too is one and catholic. It is also holy, indeed, the Most Holy Sacrament. But it is above all its apostolicity that we must now consider.

 

27. The Catechism of the Catholic Church, in explaining how the Church is apostolic-founded on the Apostles-sees three meanings in this expression. First, "she was and remains built on 'the foundation of the Apostles' (Eph 2:20), the witnesses chosen and sent on mission by Christ himself".51 The Eucharist too has its foundation in the Apostles, not in the sense that it did not originate in Christ himself, but because it was entrusted by Jesus to the Apostles and has been handed down to us by them and by their successors. It is in continuity with the practice of the Apostles, in obedience to the Lord's command, that the Church has celebrated the Eucharist down the centuries.

The second sense in which the Church is apostolic, as the Catechism points out, is that "with the help of the Spirit dwelling in her, the Church keeps and hands on the teaching, the 'good deposit', the salutary words she has heard from the Apostles".52 Here too the Eucharist is apostolic, for it is celebrated in conformity with the faith of the Apostles. At various times in the two-thousand-year history of the People of the New Covenant, the Church's Magisterium has more precisely defined her teaching on the Eucharist, including its proper terminology, precisely in order to safeguard the apostolic faith with regard to this sublime mystery. This faith remains unchanged and it is essential for the Church that it remain unchanged.

 

28. Lastly, the Church is apostolic in the sense that she "continues to be taught, sanctified and guided by the Apostles until Christ's return, through their successors in pastoral office: the college of Bishops assisted by priests, in union with the Successor of Peter, the Church's supreme pastor".53 Succession to the Apostles in the pastoral mission necessarily entails the sacrament of Holy Orders, that is, the uninterrupted sequence, from the very beginning, of valid episcopal ordinations.54 This succession is essential for the Church to exist in a proper and full sense.

 

The Eucharist also expresses this sense of apostolicity. As the Second Vatican Council teach- es, "the faithful join in the offering of the Eucharist by virtue of their royal priesthood",55 yet it is the ordained priest who, "acting in the person of Christ, brings about the Eucharistic Sacrifice and offers it to God in the name of all the people".56 For this reason, the Roman Missal prescribes that only the priest should recite the Eucharistic Prayer, while the people participate in faith and in silence.57

 

29. The expression repeatedly employed by the Second Vatican Council, according to which "the ministerial priest, acting in the person of Christ, brings about the Eucharistic Sacrifice",58 was already firmly rooted in papal teaching.59 As I have pointed out on other occasions, the phrase in persona Christi "means more than offering 'in the name of' or 'in the place of' Christ. In persona means in specific sacramental identification with the eternal High Priest who is the author and principal subject of this sacrifice of his, a sacrifice in which, in truth, nobody can take his place".60 The ministry of priests who have received the sacrament of Holy Orders, in the economy of salvation chosen by Christ, makes clear that the Eucharist which they celebrate is a gift which radically transcends the power of the assembly and is in any event essential for validly linking the Eucharistic consecration to the sacrifice of the Cross and to the Last Supper. The assembly gathered together for the celebration of the Eucharist, if it is to be a truly Eucharistic assembly, absolutely requires the presence of an ordained priest as its president. On the other hand, the community is by itself incapable of providing an ordained minister. This minister is a gift which the assembly receives through episcopal succession going back to the Apostles. It is the Bishop who, through the Sacrament of Holy Orders, makes a new presbyter by conferring upon him the power to consecrate the Eucharist. Consequently, "the Eucharistic mystery cannot be celebrated in any community except by an ordained priest, as the Fourth Lateran Council expressly taught".61

 

30. The Catholic Church's teaching on the relationship between priestly ministry and the Eucharist and her teaching on the Eucharistic Sacrifice have both been the subject in recent decades of a fruitful dialogue in the area of ecumenism. We must give thanks to the Blessed Trinity for the significant progress and convergence achieved in this regard, which lead us to hope one day for a full sharing of faith. Nonetheless, the observations of the Council concerning the Ecclesial Communities which arose in the West from the sixteenth century onwards and are separated from the Catholic Church remain fully pertinent: "The Ecclesial Communities separated from us lack that fullness of unity with us which should flow from Baptism, and we believe that especially because of the lack of the sacrament of Orders they have not preserved the genuine and total reality of the Eucharistic mystery. Nevertheless, when they commemorate the Lord's death and resurrection in the Holy Supper, they profess that it signifies life in communion with Christ and they await his coming in glory".62

 

The Catholic faithful, therefore, while respecting the religious convictions of these separated brethren, must refrain from receiving the communion distributed in their celebrations, so as not to condone an ambiguity about the nature of the Eucharist and, consequently, to fail in their duty to bear clear witness to the truth. This would result in slowing the progress being made towards full visible unity. Similarly, it is unthinkable to substitute for Sunday Mass ecumenical celebrations of the word or services of common prayer with Christians from the aforementioned Ecclesial Communities, or even participation in their own liturgical services. Such celebrations and services, however praiseworthy in certain situations, prepare for the goal of full communion, including Eucharistic communion, but they cannot replace it.

 

The fact that the power of consecrating the Eucharist has been entrusted only to Bishops and priests does not represent any kind of belittlement of the rest of the People of God, for in the communion of the one body of Christ which is the Church this gift redounds to the benefit of all.

 

31. If the Eucharist is the centre and summit of the Church's life, it is likewise the centre and summit of priestly ministry. For this reason, with a heart filled with gratitude to our Lord Jesus Christ, I repeat that the Eucharist "is the principal and central raison d'être of the sacrament of priesthood, which effectively came into being at the moment of the institution of the Eucharist".63

 

Priests are engaged in a wide variety of pastoral activities. If we also consider the social and cultural conditions of the modern world it is easy to understand how priests face the very real risk of losing their focus amid such a great number of different tasks. The Second Vatican Council saw in pastoral charity the bond which gives unity to the priest's life and work. This, the Council adds, "flows mainly from the Eucharistic Sacrifice, which is therefore the centre and root of the whole priestly life".64 We can understand, then, how important it is for the spiritual life of the priest, as well as for the good of the Church and the world, that priests follow the Council's recommendation to celebrate the Eucharist daily: "for even if the faithful are unable to be present, it is an act of Christ and the Church".65 In this way priests will be able to counteract the daily tensions which lead to a lack of focus and they will find in the Eucharistic Sacrifice-the true centre of their lives and ministry-the spiritual strength needed to deal with their different pastoral responsibilities. Their daily activity will thus become truly Eucharistic.

 

The centrality of the Eucharist in the life and ministry of priests is the basis of its centrality in the pastoral promotion of priestly vocations. It is in the Eucharist that prayer for vocations is most close- ly united to the prayer of Christ the Eternal High Priest. At the same time the diligence of priests in carrying out their Eucharistic ministry, together with the conscious, active and fruitful participation of the faithful in the Eucharist, provides young men with a powerful example and incentive for responding generously to God's call. Often it is the example of a priest's fervent pastoral charity which the Lord uses to sow and to bring to fruition in a young man's heart the seed of a priestly calling.

 

32. All of this shows how distressing and irregular is the situation of a Christian community which, despite having sufficient numbers and variety of faithful to form a parish, does not have a priest to lead it. Parishes are communities of the baptized who express and affirm their identity above all through the celebration of the Eucharistic Sacrifice. But this requires the presence of a presbyter, who alone is qualified to offer the Eucharist in persona Christi. When a community lacks a priest, attempts are rightly made somehow to remedy the situation so that it can continue its Sunday celebrations, and those religious and laity who lead their brothers and sisters in prayer exercise in a praiseworthy way the common priesthood of all the faithful based on the grace of Baptism. But such solutions must be considered merely temporary, while the community awaits a priest.

 

The sacramental incompleteness of these celebrations should above all inspire the whole community to pray with greater fervour that the Lord will send labourers into his harvest (cf. Mt 9:38). It should also be an incentive to mobilize all the resources needed for an adequate pastoral promotion of vocations, without yielding to the temptation to seek solutions which lower the moral and formative standards demanded of candidates for the priesthood.

 

33. When, due to the scarcity of priests, non- ordained members of the faithful are entrusted with a share in the pastoral care of a parish, they should bear in mind that - as the Second Vatican Council teaches - "no Christian community can be built up unless it has its basis and centre in the celebration of the most Holy Eucharist".66 They have a responsibility, therefore, to keep alive in the community a genuine "hunger" for the Eucharist, so that no opportunity for the celebration of Mass will ever be missed, also taking advantage of the occasional presence of a priest who is not impeded by Church law from celebrating Mass.


Chapter Four
The Eucharist and Ecclesial Communion

 

34. The Extraordinary Assembly of the Synod of Bishops in 1985 saw in the concept of an "ecclesiology of communion" the central and fundamental idea of the documents of the Second Vatican Council.67 The Church is called during her earthly pilgrimage to maintain and promote communion with the Triune God and communion among the faithful. For this purpose she possesses the word and the sacraments, particularly the Eucharist, by which she "constantly lives and grows" 68 and in which she expresses her very nature. It is not by chance that the term communion has become one of the names given to this sublime sacrament.

 

The Eucharist thus appears as the culmination of all the sacraments in perfecting our communion with God the Father by identification with his only-begotten Son through the working of the Holy Spirit. With discerning faith a distinguished writer of the Byzantine tradition voiced this truth: in the Eucharist "unlike any other sacrament, the mystery [of communion] is so perfect that it brings us to the heights of every good thing: here is the ultimate goal of every human desire, because here we attain God and God joins himself to us in the most perfect union".69 Precisely for this reason it is good to cultivate in our hearts a constant desire for the sacrament of the Eucharist. This was the origin of the practice of "spiritual communion", which has happily been established in the Church for centuries and recommended by saints who were masters of the spiritual life. Saint Teresa of Jesus wrote: "When you do not receive communion and you do not attend Mass, you can make a spiritual communion, which is a most beneficial practice; by it the love of God will be greatly impressed on you".70

 

35. The celebration of the Eucharist, however, cannot be the starting-point for communion; it presupposes that communion already exists, a communion which it seeks to consolidate and bring to perfection. The sacrament is an expression of this bond of communion both in its invisible dimension, which, in Christ and through the working of the Holy Spirit, unites us to the Father and among ourselves, and in its visible dimension, which entails communion in the teaching of the Apostles, in the sacraments and in the Church's hierarchical order. The profound relationship between the invisible and the visible elements of ecclesial communion is constitutive of the Church as the sacrament of salvation.71 Only in this context can there be a legitimate celebration of the Eucharist and true participation in it. Consequently it is an intrinsic requirement of the Eucharist that it should be celebrated in communion, and specifically maintaining the various bonds of that communion intact.

 

36. Invisible communion, though by its nature always growing, presupposes the life of grace, by which we become "partakers of the divine nature" (2 Pet 1:4), and the practice of the virtues of faith, hope and love. Only in this way do we have true communion with the Father, the Son and the Holy Spirit. Nor is faith sufficient; we must persevere in sanctifying grace and love, remaining within the Church "bodily" as well as "in our heart"; 72 what is required, in the words of Saint Paul, is "faith working through love" (Gal 5:6).

 

Keeping these invisible bonds intact is a specific moral duty incumbent upon Christians who wish to participate fully in the Eucharist by receiving the body and blood of Christ. The Apostle Paul appeals to this duty when he warns: "Let a man examine himself, and so eat of the bread and drink of the cup" (1 Cor 11:28). Saint John Chrysostom, with his stirring eloquence, exhorted the faithful: "I too raise my voice, I beseech, beg and implore that no one draw near to this sacred table with a sullied and corrupt conscience. Such an act, in fact, can never be called 'communion', not even were we to touch the Lord's body a thousand times over, but 'condemnation', 'torment' and 'increase of punishment'".73

 

Along these same lines, the Catechism of the Catholic Church rightly stipulates that "anyone conscious of a grave sin must receive the sacrament of Reconciliation before coming to communion".74 I therefore desire to reaffirm that in the Church there remains in force, now and in the future, the rule by which the Council of Trent gave concrete expression to the Apostle Paul's stern warning when it affirmed that, in order to receive the Eucharist in a worthy manner, "one must first confess one's sins, when one is aware of mortal sin".75

 

37. The two sacraments of the Eucharist and Penance are very closely connected. Because the Eucharist makes present the redeeming sacrifice of the Cross, perpetuating it sacramentally, it naturally gives rise to a continuous need for conversion, for a personal response to the appeal made by Saint Paul to the Christians of Corinth: "We beseech you on behalf of Christ, be reconciled to God" (2 Cor 5:20). If a Christian's conscience is burdened by serious sin, then the path of penance through the sacrament of Reconciliation becomes necessary for full participation in the Eucharistic Sacrifice.

 

The judgment of one's state of grace obviously belongs only to the person involved, since it is a question of examining one's conscience. However, in cases of outward conduct which is seriously, clearly and steadfastly contrary to the moral norm, the Church, in her pastoral concern for the good order of the community and out of respect for the sacrament, cannot fail to feel directly involved. The Code of Canon Law refers to this situation of a manifest lack of proper moral disposition when it states that those who "obstinately persist in manifest grave sin" are not to be admitted to Eucharistic communion.76

 

38. Ecclesial communion, as I have said, is likewise visible, and finds expression in the series of "bonds" listed by the Council when it teaches: "They are fully incorporated into the society of the Church who, possessing the Spirit of Christ, accept her whole structure and all the means of salvation established within her, and within her visible framework are united to Christ, who governs her through the Supreme Pontiff and the Bishops, by the bonds of profession of faith, the sacraments, ecclesiastical government and communion".77

 

The Eucharist, as the supreme sacramental manifestation of communion in the Church, demands to be celebrated in a context where the outward bonds of communion are also intact. In a special way, since the Eucharist is "as it were the summit of the spiritual life and the goal of all the sacraments",78 it requires that the bonds of communion in the sacraments, particularly in Baptism and in priestly Orders, be real. It is not possible to give communion to a person who is not baptized or to one who rejects the full truth of the faith regarding the Eucharistic mystery. Christ is the truth and he bears witness to the truth (cf. Jn 14:6; 18:37); the sacrament of his body and blood does not permit duplicity.

 

39. Furthermore, given the very nature of ecclesial communion and its relation to the sacrament of the Eucharist, it must be recalled that "the Eucharistic Sacrifice, while always offered in a particular community, is never a celebration of that community alone. In fact, the community, in receiving the Eucharistic presence of the Lord, receives the entire gift of salvation and shows, even in its lasting visible particular form, that it is the image and true presence of the one, holy, catholic and apostolic Church".79 From this it follows that a truly Eucharistic community cannot be closed in upon itself, as though it were somehow self-sufficient; rather it must persevere in harmony with every other Catholic community.

 

The ecclesial communion of the Eucharistic assembly is a communion with its own Bishop and with the Roman Pontiff. The Bishop, in effect, is the visible principle and the foundation of unity within his particular Church.80 It would therefore be a great contradiction if the sacrament par excellence of the Church's unity were celebrated without true communion with the Bishop. As Saint Ignatius of Antioch wrote: "That Eucharist which is celebrated under the Bishop, or under one to whom the Bishop has given this charge, may be considered certain".81 Likewise, since "the Roman Pontiff, as the successor of Peter, is the perpetual and visible source and foundation of the unity of the Bishops and of the multitude of the faithful",82 communion with him is intrinsically required for the celebration of the Eucharistic Sacrifice. Hence the great truth expressed which the Liturgy expresses in a variety of ways: "Every celebration of the Eucharist is performed in union not only with the proper Bishop, but also with the Pope, with the episcopal order, with all the clergy, and with the entire people. Every valid celebration of the Eucharist expresses this universal communion with Peter and with the whole Church, or objectively calls for it, as in the case of the Christian Churches separated from Rome".83

 

40. The Eucharist creates communion and fosters communion. Saint Paul wrote to the faithful of Corinth explaining how their divisions, reflected in their Eucharistic gatherings, contradicted what they were celebrating, the Lord's Supper. The Apostle then urged them to reflect on the true reality of the Eucharist in order to return to the spirit of fraternal communion (cf. 1 Cor 11:17- 34). Saint Augustine effectively echoed this call when, in recalling the Apostle's words: "You are the body of Christ and individually members of it" (1 Cor 12: 27), he went on to say: "If you are his body and members of him, then you will find set on the Lord's table your own mystery. Yes, you receive your own mystery".84 And from this observation he concludes: "Christ the Lord... hallowed at his table the mystery of our peace and unity. Whoever receives the mystery of unity without preserving the bonds of peace receives not a mystery for his benefit but evidence against himself".85

 

41. The Eucharist's particular effectiveness in promoting communion is one of the reasons for the importance of Sunday Mass. I have already dwelt on this and on the other reasons which make Sunday Mass fundamental for the life of the Church and of individual believers in my Apostolic Letter on the sanctification of Sunday Dies Domini.86 There I recalled that the faithful have the obligation to attend Mass, unless they are seriously impeded, and that Pastors have the corresponding duty to see that it is practical and possible for all to fulfil this precept.87 More recently, in my Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte, in setting forth the pastoral path which the Church must take at the beginning of the third millennium, I drew particular attention to the Sunday Eucharist, emphasizing its effectiveness for building communion. "It is"-I wrote-"the privileged place where communion is ceaselessly proclaimed and nurtured. Precisely through sharing in the Eucharist, the Lord's Day also becomes the Day of the Church, when she can effectively exercise her role as the sacrament of unity".88

 

42. The safeguarding and promotion of ecclesial communion is a task of each member of the faithful, who finds in the Eucharist, as the sacrament of the Church's unity, an area of special concern. More specifically, this task is the particular responsibility of the Church's Pastors, each according to his rank and ecclesiastical office. For this reason the Church has drawn up norms aimed both at fostering the frequent and fruitful access of the faithful to the Eucharistic table and at determining the objective conditions under which communion may not be given. The care shown in promoting the faithful observance of these norms becomes a practical means of showing love for the Eucharist and for the Church.

 

In considering the Eucharist as the sacrament of ecclesial communion, there is one subject which, due to its importance, must not be overlooked: I am referring to the relationship of the Eucharist to ecumenical activity. We should all give thanks to the Blessed Trinity for the many members of the faithful throughout the world who in recent decades have felt an ardent desire for unity among all Christians. The Second Vatican Council, at the beginning of its Decree on Ecumenism, sees this as a special gift of God.89 It was an efficacious grace which inspired us, the sons and daughters of the Catholic Church and our brothers and sisters from other Churches and Ecclesial Communities, to set forth on the path of ecumenism.

 

Our longing for the goal of unity prompts us to turn to the Eucharist, which is the supreme sacrament of the unity of the People of God, in as much as it is the apt expression and the unsurpassable source of that unity.90 In the celebration of the Eucharistic Sacrifice the Church prays that God, the Father of mercies, will grant his children the fullness of the Holy Spirit so that they may become one body and one spirit in Christ.91 In raising this prayer to the Father of lights, from whom comes every good endowment and every perfect gift (cf. Jas 1:17), the Church believes that she will be heard, for she prays in union with Christ her Head and Spouse, who takes up this plea of his Bride and joins it to that of his own redemptive sacrifice.

 

43. Precisely because the Church's unity, which the Eucharist brings about through the Lord's sacrifice and by communion in his body and blood, absolutely requires full communion in the bonds of the profession of faith, the sacraments and ecclesiastical governance, it is not possible to celebrate together the same Eucharistic liturgy until those bonds are fully re-established. Any such concelebration would not be a valid means, and might well prove instead to be an obstacle, to the attainment of full communion, by weakening the sense of how far we remain from this goal and by introducing or exacerbating ambiguities with regard to one or another truth of the faith. The path towards full unity can only be undertaken in truth. In this area, the prohibitions of Church law leave no room for uncertainty,92 in fidelity to the moral norm laid down by the Second Vatican Council.93

 

I would like nonetheless to reaffirm what I said in my Encyclical Letter Ut Unum Sint after having acknowledged the impossibility of Eucharistic sharing: "And yet we do have a burning desire to join in celebrating the one Eucharist of the Lord, and this desire itself is already a common prayer of praise, a single supplication. Together we speak to the Father and increasingly we do so 'with one heart'".94

 

44. While it is never legitimate to concelebrate in the absence of full communion, the same is not true with respect to the administration of the Eucharist under special circumstances, to individual persons belonging to Churches or Ecclesial Communities not in full communion with the Catholic Church. In this case, in fact, the intention is to meet a grave spiritual need for the eternal salvation of an individual believer, not to bring about an intercommunion which remains impossible until the visible bonds of ecclesial communion are fully re-established.

This was the approach taken by the Second Vatican Council when it gave guidelines for responding to Eastern Christians separated in good faith from the Catholic Church, who spontaneously ask to receive the Eucharist from a Catholic minister and are properly disposed.95 This approach was then ratified by both Codes, which also consider-with necessary modifications-the case of other non-Eastern Christians who are not in full communion with the Catholic Church.96

 

45. In my Encyclical Ut Unum Sint I expressed my own appreciation of these norms, which make it possible to provide for the salvation of souls with proper discernment: "It is a source of joy to note that Catholic ministers are able, in certain particular cases, to administer the sacraments of the Eucharist, Penance and Anointing of the Sick to Christians who are not in full communion with the Catholic Church but who greatly desire to receive these sacraments, freely request them and manifest the faith which the Catholic Church professes with regard to these sacraments. Conversely, in specific cases and in particular circumstances, Catholics too can request these same sacraments from ministers of Churches in which these sacraments are valid".97

 

These conditions, from which no dispensation can be given, must be carefully respected, even though they deal with specific individual cases, because the denial of one or more truths of the faith regarding these sacraments and, among these, the truth regarding the need of the ministerial priesthood for their validity, renders the person asking improperly disposed to legitimately receiving them. And the opposite is also true: Catholics may not receive communion in those communities which lack a valid sacrament of Orders.98

 

The faithful observance of the body of norms established in this area 99 is a manifestation and, at the same time, a guarantee of our love for Jesus Christ in the Blessed Sacrament, for our brothers and sisters of different Christian confessions-who have a right to our witness to the truth-and for the cause itself of the promotion of unity.


Chapter Five
The Dignity of the Eucharistic Celebration

 

46. Reading the account of the institution of the Eucharist in the Synoptic Gospels, we are struck by the simplicity and the "solemnity" with which Jesus, on the evening of the Last Supper, instituted this great sacrament. There is an episode which in some way serves as its prelude: the anointing at Bethany. A woman, whom John identifies as Mary the sister of Lazarus, pours a flask of costly ointment over Jesus' head, which provokes from the disciples-and from Judas in particular (cf. Mt 26:8; Mk 14:4; Jn 12:4)-an indignant response, as if this act, in light of the needs of the poor, represented an intolerable "waste". But Jesus' own reaction is completely different. While in no way detracting from the duty of charity towards the needy, for whom the disciples must always show special care-"the poor you will always have with you" (Mt 26, 11; Mk 14:7; cf. Jn 12:8)-he looks towards his imminent death and burial, and sees this act of anointing as an anticipation of the honour which his body will continue to merit even after his death, indissolubly bound as it is to the mystery of his person.

 

The account continues, in the Synoptic Gospels, with Jesus' charge to the disciples to prepare carefully the "large upper room" needed for the Passover meal (cf. Mk 14:15; Lk 22:12) and with the narration of the institution of the Eucharist. Reflecting at least in part the Jewish rites of the Passover meal leading up to the singing of the Hallel (cf. Mt 26:30; Mk 14:26), the story presents with sobriety and solemnity, even in the variants of the different traditions, the words spoken by Christ over the bread and wine, which he made into concrete expressions of the handing over of his body and the shedding of his blood. All these details are recorded by the Evangelists in the light of a praxis of the "breaking of the bread" already well-established in the early Church. But certainly from the time of Jesus on, the event of Holy Thursday has shown visible traces of a liturgical "sensibility" shaped by Old Testament tradition and open to being reshaped in Christian celebrations in a way consonant with the new content of Easter.

 

 

47. Like the woman who anointed Jesus in Bethany, the Church has feared no "extravagance", devoting the best of her resources to expressing her wonder and adoration before the unsurpassable gift of the Eucharist. No less than the first disciples charged with preparing the "large upper room", she has felt the need, down the centuries and in her encounters with different cultures, to celebrate the Eucharist in a setting worthy of so great a mystery. In the wake of Jesus' own words and actions, and building upon the ritual heritage of Judaism, the Christian liturgy was born. Could there ever be an adequate means of expressing the acceptance of that self-gift which the divine Bridegroom continually makes to his Bride, the Church, by bringing the Sacrifice offered once and for all on the Cross to successive generations of believers and thus becoming nourishment for all the faithful? Though the idea of a "banquet" naturally suggests familiarity, the Church has never yielded to the temptation to trivialize this "intimacy" with her Spouse by forgetting that he is also her Lord and that the "banquet" always remains a sacrificial banquet marked by the blood shed on Golgotha. The Eucharistic Banquet is truly a "sacred" banquet, in which the simplicity of the signs conceals the unfathomable holiness of God: O sacrum convivium, in quo Christus sumitur! The bread which is broken on our altars, offered to us as wayfarers along the paths of the world, is panis angelorum, the bread of angels, which cannot be approached except with the humility of the centurion in the Gospel: "Lord, I am not worthy to have you come under my roof " (Mt 8:8; Lk 7:6).

 

 

48. With this heightened sense of mystery, we understand how the faith of the Church in the mystery of the Eucharist has found historical expression not only in the demand for an interior disposition of devotion, but also in outward forms meant to evoke and emphasize the grandeur of the event being celebrated. This led progressively to the development of a particular form of regulating the Eucharistic liturgy, with due respect for the various legitimately constituted ecclesial traditions. On this foundation a rich artistic heritage also developed. Architecture, sculpture, painting and music, moved by the Christian mystery, have found in the Eucharist, both directly and indirectly, a source of great inspiration.

 

Such was the case, for example, with architecture, which witnessed the transition, once the historical situation made it possible, from the first places of Eucharistic celebration in the domus or "homes" of Christian families to the sol- emn basilicas of the early centuries, to the imposing cathedrals of the Middle Ages, and to the churches, large and small, which gradually sprang up throughout the lands touched by Christianity. The designs of altars and tabernacles within Church interiors were often not simply motivated by artistic inspiration but also by a clear understanding of the mystery. The same could be said for sacred music, if we but think of the inspired Gregorian melodies and the many, often great, composers who sought to do justice to the liturgical texts of the Mass. Similarly, can we overlook the enormous quantity of artistic production, ranging from fine craftsmanship to authentic works of art, in the area of Church furnishings and vestments used for the celebration of the Eucharist?

 

It can be said that the Eucharist, while shaping the Church and her spirituality, has also powerfully affected "culture", and the arts in particular.

 

49. In this effort to adore the mystery grasped in its ritual and aesthetic dimensions, a certain "competition" has taken place between Christians of the West and the East. How could we not give particular thanks to the Lord for the contributions to Christian art made by the great architectural and artistic works of the Greco-Byzantine tradition and of the whole geographical area marked by Slav culture? In the East, sacred art has preserved a remarkably powerful sense of mystery, which leads artists to see their efforts at creating beauty not simply as an expression of their own talents, but also as a genuine service to the faith. Passing well beyond mere technical skill, they have shown themselves docile and open to the inspiration of the Holy Spirit.

 

The architectural and mosaic splendours of the Christian East and West are a patrimony belonging to all believers; they contain a hope, and even a pledge, of the desired fullness of communion in faith and in celebration. This would presuppose and demand, as in Rublëv's famous depiction of the Trinity, a profoundly Eucharistic Church in which the presence of the mystery of Christ in the broken bread is as it were immersed in the ineffable unity of the three divine Persons, making of the Church herself an "icon" of the Trinity.

 

Within this context of an art aimed at expressing, in all its elements, the meaning of the Eucharist in accordance with the Church's teaching, attention needs to be given to the norms regulating the construction and decor of sacred buildings. As history shows and as I emphasized in my Letter to Artists,100 the Church has always left ample room for the creativity of artists. But sacred art must be outstanding for its ability to express adequately the mystery grasped in the fullness of the Church's faith and in accordance with the pastoral guidelines appropriately laid down by competent Authority. This holds true both for the figurative arts and for sacred music.

 

50. The development of sacred art and liturgical discipline which took place in lands of ancient Christian heritage is also taking place on continents where Christianity is younger. This was precisely the approach supported by the Second Vatican Council on the need for sound and proper "inculturation". In my numerous Pastoral Visits I have seen, throughout the world, the great vitality which the celebration of the Eucharist can have when marked by the forms, styles and sensibilities of different cultures. By adaptation to the changing conditions of time and place, the Eucharist offers sustenance not only to individuals but to entire peoples, and it shapes cultures inspired by Christianity.

 

It is necessary, however, that this important work of adaptation be carried out with a constant awareness of the ineffable mystery against which every generation is called to measure itself. The "treasure" is too important and precious to risk impoverishment or compromise through forms of experimentation or practices introduced without a careful review on the part of the competent ecclesiastical authorities. Furthermore, the centrality of the Eucharistic mystery demands that any such review must be undertaken in close association with the Holy See. As I wrote in my Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia, "such cooperation is essential because the Sacred Liturgy expresses and celebrates the one faith professed by all and, being the heritage of the whole Church, cannot be determined by local Churches in isolation from the universal Church".101

 

51. All of this makes clear the great responsibility which belongs to priests in particular for the celebration of the Eucharist. It is their responsibility to preside at the Eucharist in persona Christi and to provide a witness to and a service of communion not only for the community directly taking part in the celebration, but also for the universal Church, which is a part of every Eucharist. It must be lamented that, especially in the years following the post-conciliar liturgical reform, as a result of a misguided sense of creativity and adaptation there have been a number of abuses which have been a source of suffering for many. A certain reaction against "formalism" has led some, especially in certain regions, to consider the "forms" chosen by the Church's great liturgical tradition and her Magisterium as non-binding and to introduce unauthorized innovations which are often completely inappropriate.

 

I consider it my duty, therefore to appeal urgently that the liturgical norms for the celebration of the Eucharist be observed with great fidelity. These norms are a concrete expression of the authentically ecclesial nature of the Eucharist; this is their deepest meaning. Liturgy is never anyone's private property, be it of the celebrant or of the community in which the mysteries are celebrated. The Apostle Paul had to address fiery words to the community of Corinth because of grave shortcomings in their celebration of the Eucharist resulting in divisions (schismata) and the emergence of factions (haireseis) (cf. 1 Cor 11:17-34). Our time, too, calls for a renewed awareness and appreciation of liturgical norms as a reflection of, and a witness to, the one universal Church made present in every celebration of the Eucharist. Priests who faithfully celebrate Mass according to the liturgical norms, and communities which conform to those norms, quietly but eloquently demonstrate their love for the Church. Precisely to bring out more clearly this deeper meaning of liturgical norms, I have asked the competent offices of the Roman Curia to prepare a more specific document, including prescriptions of a juridical nature, on this very important subject. No one is permitted to undervalue the mystery entrusted to our hands: it is too great for anyone to feel free to treat it lightly and with disregard for its sacredness and its universality.


Chapter Six
At the School of Mary, "Woman of the Eucharist"

 

52. If we wish to rediscover in all its richness the profound relationship between the Church and the Eucharist, we cannot neglect Mary, Mother and model of the Church. In my Apostolic Letter Rosarium Virginis Mariae, I pointed to the Blessed Virgin Mary as our teacher in contemplating Christ's face, and among the mysteries of light I included the institution of the Eucharist.102 Mary can guide us towards this most holy sacrament, because she herself has a profound relationship with it.

 

At first glance, the Gospel is silent on this subject. The account of the institution of the Eucharist on the night of Holy Thursday makes no mention of Mary. Yet we know that she was present among the Apostles who prayed "with one accord" (cf. Acts 1:14) in the first community which gathered after the Ascension in expectation of Pentecost. Certainly Mary must have been present at the Eucharistic celebrations of the first generation of Christians, who were devoted to "the breaking of bread" (Acts 2:42).

 

But in addition to her sharing in the Eucharistic banquet, an indirect picture of Mary's relationship with the Eucharist can be had, beginning with her interior disposition. Mary is a "woman of the Eucharist" in her whole life. The Church, which looks to Mary as a model, is also called to imitate her in her relationship with this most holy mystery.

 

 

53. Mysterium fidei! If the Eucharist is a mystery of faith which so greatly transcends our understanding as to call for sheer abandonment to the word of God, then there can be no one like Mary to act as our support and guide in acquiring this disposition. In repeating what Christ did at the Last Supper in obedience to his command: "Do this in memory of me!", we also accept Mary's invitation to obey him without hesitation: "Do whatever he tells you" (Jn 2:5). With the same maternal concern which she showed at the wedding feast of Cana, Mary seems to say to us: "Do not waver; trust in the words of my Son. If he was able to change water into wine, he can also turn bread and wine into his body and blood, and through this mystery bestow on believers the living memorial of his passover, thus becoming the 'bread of life'".

 

54. In a certain sense Mary lived her Eucharistic faith even before the institution of the Eucharist, by the very fact that she offered her virginal womb for the Incarnation of God's Word. The Eucharist, while commemorating the passion and resurrection, is also in continuity with the incarnation. At the Annunciation Mary conceived the Son of God in the physical reality of his body and blood, thus anticipating within herself what to some degree happens sacramentally in every believer who receives, under the signs of bread and wine, the Lord's body and blood.

 

As a result, there is a profound analogy between the Fiat which Mary said in reply to the angel, and the Amen which every believer says when receiving the body of the Lord. Mary was asked to believe that the One whom she conceived "through the Holy Spirit" was "the Son of God" (Lk 1:30-35). In continuity with the Virgin's faith, in the Eucharistic mystery we are asked to believe that the same Jesus Christ, Son of God and Son of Mary, becomes present in his full humanity and divinity under the signs of bread and wine.

 

"Blessed is she who believed" (Lk 1:45). Mary also anticipated, in the mystery of the incarnation, the Church's Eucharistic faith. When, at the Visitation, she bore in her womb the Word made flesh, she became in some way a "tabernacle"-the first "tabernacle" in history-in which the Son of God, still invisible to our human gaze, allowed himself to be adored by Elizabeth, radiating his light as it were through the eyes and the voice of Mary. And is not the enraptured gaze of Mary as she contemplated the face of the newborn Christ and cradled him in her arms that unparalleled model of love which should inspire us every time we receive Eucharistic communion?

 

55. Mary, throughout her life at Christ's side and not only on Calvary, made her own the sacrificial dimension of the Eucharist. When she brought the child Jesus to the Temple in Jerusalem "to present him to the Lord" (Lk 2:22), she heard the aged Simeon announce that the child would be a "sign of contradiction" and that a sword would also pierce her own heart (cf. Lk 2:34-35). The tragedy of her Son's crucifixion was thus foretold, and in some sense Mary's Stabat Mater at the foot of the Cross was foreshadowed. In her daily preparation for Calvary, Mary experienced a kind of "anticipated Eucharist"-one might say a "spiritual communion"-of desire and of oblation, which would culminate in her union with her Son in his passion, and then find expression after Easter by her partaking in the Eucharist which the Apostles celebrated as the memorial of that passion.

 

What must Mary have felt as she heard from the mouth of Peter, John, James and the other Apostles the words spoken at the Last Supper: "This is my body which is given for you" (Lk 22:19)? The body given up for us and made present under sacramental signs was the same body which she had conceived in her womb! For Mary, receiving the Eucharist must have somehow meant welcoming once more into her womb that heart which had beat in unison with hers and reliving what she had experienced at the foot of the Cross.

 

56. "Do this in remembrance of me" (Lk 22:19). In the "memorial" of Calvary all that Christ accomplished by his passion and his death is present. Consequently all that Christ did with regard to his Mother for our sake is also present. To her he gave the beloved disciple and, in him, each of us: "Behold, your Son!". To each of us he also says: "Behold your mother!" (cf. Jn 19: 26-27).

 

Experiencing the memorial of Christ's death in the Eucharist also means continually receiving this gift. It means accepting-like John-the one who is given to us anew as our Mother. It also means taking on a commitment to be conformed to Christ, putting ourselves at the school of his Mother and allowing her to accompany us. Mary is present, with the Church and as the Mother of the Church, at each of our celebrations of the Eucharist. If the Church and the Eucharist are inseparably united, the same ought to be said of Mary and the Eucharist. This is one reason why, since ancient times, the commemoration of Mary has always been part of the Eucharistic celebrations of the Churches of East and West.

 

57. In the Eucharist the Church is completely united to Christ and his sacrifice, and makes her own the spirit of Mary. This truth can be understood more deeply by re-reading the Magnificat in a Eucharistic key. The Eucharist, like the Canticle of Mary, is first and foremost praise and thanksgiving. When Mary exclaims: "My soul magnifies the Lord and my spirit rejoices in God my Saviour", she already bears Jesus in her womb. She praises God "through" Jesus, but she also praises him "in" Jesus and "with" Jesus. This is itself the true "Eucharistic attitude".

 

At the same time Mary recalls the wonders worked by God in salvation history in fulfilment of the promise once made to the fathers (cf. Lk 1:55), and proclaims the wonder that surpasses them all, the redemptive incarnation. Lastly, the Magnificat reflects the eschatological tension of the Eucharist. Every time the Son of God comes again to us in the "poverty" of the sacramental signs of bread and wine, the seeds of that new history wherein the mighty are "put down from their thrones" and "those of low degree are exalted" (cf. Lk 1:52), take root in the world. Mary sings of the "new heavens" and the "new earth" which find in the Eucharist their anticipation and in some sense their programme and plan. The Magnificat expresses Mary's spirituality, and there is nothing greater than this spirituality for helping us to experience the mystery of the Eucharist. The Eucharist has been given to us so that our life, like that of Mary, may become completely a Magnificat!


Conclusion

 

58. Ave, verum corpus natum de Maria Virgine! Several years ago I celebrated the fiftieth anniversary of my priesthood. Today I have the grace of offering the Church this Encyclical on the Eucharist on the Holy Thursday which falls during the twenty-fifth year of my Petrine ministry. As I do so, my heart is filled with gratitude. For over a half century, every day, beginning on 2 November 1946, when I celebrated my first Mass in the Crypt of Saint Leonard in Wawel Cathedral in Krakow, my eyes have gazed in recollection upon the host and the chalice, where time and space in some way "merge" and the drama of Golgotha is re-presented in a living way, thus revealing its mysterious "contemporaneity". Each day my faith has been able to recognize in the consecrated bread and wine the divine Wayfarer who joined the two disciples on the road to Emmaus and opened their eyes to the light and their hearts to new hope (cf. Lk 24:13-35).

 

Allow me, dear brothers and sisters, to share with deep emotion, as a means of accompanying and strengthening your faith, my own testimony of faith in the Most Holy Eucharist. Ave verum corpus natum de Maria Virgine, vere passum, immolatum, in cruce pro homine! Here is the Church's treasure, the heart of the world, the pledge of the fulfilment for which each man and woman, even unconsciously, yearns. A great and transcendent mystery, indeed, and one that taxes our mind's ability to pass beyond appearances. Here our senses fail us: visus, tactus, gustus in te fallitur, in the words of the hymn Adoro Te Devote; yet faith alone, rooted in the word of Christ handed down to us by the Apostles, is sufficient for us. Allow me, like Peter at the end of the Eucharistic discourse in John's Gospel, to say once more to Christ, in the name of the whole Church and in the name of each of you: "Lord to whom shall we go? You have the words of eternal life" (Jn 6:68).

 

 

59. At the dawn of this third millennium, we, the children of the Church, are called to undertake with renewed enthusiasm the journey of Christian living. As I wrote in my Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte, "it is not a matter of inventing a 'new programme'. The programme already exists: it is the plan found in the Gospel and in the living Tradition; it is the same as ever. Ultimately, it has its centre in Christ himself, who is to be known, loved and imitated, so that in him we may live the life of the Trinity, and with him transform history until its fulfilment in the heavenly Jerusalem".103 The implementation of this programme of a renewed impetus in Christian living passes through the Eucharist.

 

Every commitment to holiness, every activity aimed at carrying out the Church's mission, every work of pastoral planning, must draw the strength it needs from the Eucharistic mystery and in turn be directed to that mystery as its culmination. In the Eucharist we have Jesus, we have his redemptive sacrifice, we have his resurrection, we have the gift of the Holy Spirit, we have adoration, obedience and love of the Father. Were we to disregard the Eucharist, how could we overcome our own deficiency?

 

60. The mystery of the Eucharist-sacrifice, presence, banquet-does not allow for reduction or exploitation; it must be experienced and lived in its integrity, both in its celebration and in the intimate converse with Jesus which takes place after receiving communion or in a prayerful moment of Eucharistic adoration apart from Mass. These are times when the Church is firmly built up and it becomes clear what she truly is: one, holy, catholic and apostolic; the people, temple and family of God; the body and bride of Christ, enlivened by the Holy Spirit; the universal sacrament of salvation and a hierarchically structured communion.

 

The path taken by the Church in these first years of the third millennium is also a path of renewed ecumenical commitment. The final decades of the second millennium, culminating in the Great Jubilee, have spurred us along this path and called for all the baptized to respond to the prayer of Jesus "ut unum sint " (Jn 17:11). The path itself is long and strewn with obstacles greater than our human resources alone can overcome, yet we have the Eucharist, and in its presence we can hear in the depths of our hearts, as if they were addressed to us, the same words heard by the Prophet Elijah: "Arise and eat, else the journey will be too great for you" (1 Kg 19:7). The treasure of the Eucharist, which the Lord places before us, impels us towards the goal of full sharing with all our brothers and sisters to whom we are joined by our common Baptism. But if this treasure is not to be squandered, we need to respect the demands which derive from its being the sacrament of communion in faith and in apostolic succession.

 

By giving the Eucharist the prominence it deserves, and by being careful not to diminish any of its dimensions or demands, we show that we are truly conscious of the greatness of this gift. We are urged to do so by an uninterrupted tradition, which from the first centuries on has found the Christian community ever vigilant in guarding this "treasure". Inspired by love, the Church is anxious to hand on to future generations of Christians, without loss, her faith and teaching with regard to the mystery of the Eucharist. There can be no danger of excess in our care for this mystery, for "in this sacrament is recapitulated the whole mystery of our salvation".104

 

61. Let us take our place, dear brothers and sisters, at the school of the saints, who are the great interpreters of true Eucharistic piety. In them the theology of the Eucharist takes on all the splendour of a lived reality; it becomes "contagious" and, in a manner of speaking, it "warms our hearts". Above all, let us listen to Mary Most Holy, in whom the mystery of the Eucharist appears, more than in anyone else, as a mystery of light. Gazing upon Mary, we come to know the transforming power present in the Eucharist. In her we see the world renewed in love. Contemplating her, assumed body and soul into heaven, we see opening up before us those "new heavens" and that "new earth" which will appear at the second coming of Christ. Here below, the Eucharist represents their pledge, and in a certain way, their anticipation: "Veni, Domine Iesu!" (Rev 22:20).

 

In the humble signs of bread and wine, changed into his body and blood, Christ walks beside us as our strength and our food for the journey, and he enables us to become, for everyone, witnesses of hope. If, in the presence of this mystery, reason experiences its limits, the heart, enlightened by the grace of the Holy Spirit, clearly sees the response that is demanded, and bows low in adoration and unbounded love.

 

Let us make our own the words of Saint Thomas Aquinas, an eminent theologian and an impassioned poet of Christ in the Eucharist, and turn in hope to the contemplation of that goal to which our hearts aspire in their thirst for joy and peace:

Bone pastor, panis vere,

Iesu, nostri miserere...

Come then, good Shepherd, bread divine,

Still show to us thy mercy sign;

Oh, feed us, still keep us thine;

So we may see thy glories shine

in fields of immortality.

O thou, the wisest, mightiest, best,

Our present food, our future rest,

Come, make us each thy chosen guest,

Co-heirs of thine, and comrades blest

With saints whose dwelling is with thee.

Given in Rome, at Saint Peter's, on 17 April, Holy Thursday, in the year 2003, the Twenty- fifth of my Pontificate, the Year of the Rosary.

 

______________________________________________________________


Notes

1Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 11.

2Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Ministry and Life of Priests Presbyterorum Ordinis, 5.

3Cf. John Paul II, Apostolic Letter Rosarium Virginis Mariae (16 October 2002), 21: AAS 95 (2003), 19.

4This is the title which I gave to an autobiographical testimony issued for my fiftieth anniversary of priestly ordination.

5Leonis XIII P.M. Acta, XXII (1903), 115-136.

6AAS 39 (1947), 521-595.

7AAS 57 (1965), 753-774.

8AAS 72 (1980), 113-148.

9Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Constitution Sacrosanctum Concilium, 47: "... our Saviour instituted the Eucharistic Sacrifice of his body and blood, in order to perpetuate the sacrifice of the Cross throughout time, until he should return".

10Catechism of the Catholic Church, 1085.

11Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 3.

12Cf. Paul VI, Solemn Profession of Faith, 30 June 1968, 24: AAS 60 (1968), 442; John Paul II, Apostolic Letter Dominicae Cenae (24 February 1980), 12: AAS 72 (1980), 142.

13Catechism of the Catholic Church, 1382.

14Catechism of the Catholic Church, 1367.

15In Epistolam ad Hebraeos Homiliae, Hom. 17,3: PG 63, 131.

16Cf. Ecumenical Council of Trent, Session XXII, Doctrina de ss. Missae Sacrificio, Chapter 2: DS 1743: "It is one and the same victim here offering himself by the ministry of his priests, who then offered himself on the Cross; it is only the manner of offering that is different".

17Pius XII, Encyclical Letter Mediator Dei (20 November 1947): AAS 39 (1947), 548.

18John Paul II, Encyclical Letter Redemptor Hominis (15 March 1979), 20: AAS 71 (1979), 310.

19Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 11.

20De Sacramentis, V, 4, 26: CSEL 73, 70.

21In Ioannis Evangelium, XII, 20: PG 74, 726.

22Encyclical Letter Mysterium Fidei (3 September 1965): AAS 57 (1965), 764.

23Session XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Chapter 4: DS 1642.

24Mystagogical Catecheses, IV, 6: SCh 126, 138.

25Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 8.

26Solemn Profession of Faith, 30 June 1968, 25: AAS 60 (1968), 442-443.

27Sermo IV in Hebdomadam Sanctam: CSCO 413/Syr. 182, 55.

28Anaphora.

29Eucharistic Prayer III.

30Solemnity of the Body and Blood of Christ, Second Vespers, Antiphon to the Magnificat.

31Missale Romanum, Embolism following the Lord's Prayer.

32Ad Ephesios, 20: PG 5, 661.

33Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 39.

34"Do you wish to honour the body of Christ? Do not ignore him when he is naked. Do not pay him homage in the temple clad in silk, only then to neglect him outside where he is cold and ill-clad. He who said: 'This is my body' is the same who said: 'You saw me hungry and you gave me no food', and 'Whatever you did to the least of my brothers you did also to me' ... What good is it if the Eucharistic table is overloaded with golden chalices when your brother is dying of hunger. Start by satisfying his hunger and then with what is left you may adorn the altar as well": Saint John Chrysostom, In Evangelium S. Matthaei, hom. 50:3-4: PG 58, 508-509; cf. John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 31: AAS 80 (1988), 553-556.

35Dogmatic Constitution Lumen Gentium, 3.

36Ibid.

37Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Missionary Activity of the Church Ad Gentes, 5.

38"Moses took the blood and threw it upon the people, and said: 'Behold the blood of the Covenant which the Lord has made with you in accordance with all these words'" (Ex 24:8).

39Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 1.

40Cf. ibid., 9.

41Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Life and Ministry of Priests Presbyterorum Ordinis, 5. The same Decree, in No. 6, says: "No Christian community can be built up which does not grow from and hinge on the celebration of the most holy Eucharist".

42In Epistolam I ad Corinthios Homiliae, 24, 2: PG 61, 200; Cf. Didache, IX, 4: F.X. Funk, I, 22; Saint Cyprian, Ep. LXIII, 13: PL 4, 384.

43PO 26, 206.

44Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 1.

45Cf. Ecumenical Council of Trent, Session XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Canon 4: DS 1654.

46Cf. Rituale Romanum: De sacra communione et de cultu mysterii eucharistici extra Missam, 36 (No. 80).

47Cf. ibid., 38-39 (Nos. 86-90).

48John Paul II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 32: AAS 93 (2001), 288.

49"In the course of the day the faithful should not omit visiting the Blessed Sacrament, which in accordance with liturgical law must be reserved in churches with great reverence in a prominent place. Such visits are a sign of gratitude, an expression of love and an acknowledgment of the Lord's presence": Paul VI, Encyclical Letter Mysterium Fidei (3 September 1965): AAS 57 (1965), 771.

50Visite al SS. Sacramento e a Maria Santissima, Introduction: Opere Ascetiche, Avellino, 2000, 295.

51No. 857.

52Ibid.

53Ibid.

54Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter Sacerdotium Ministeriale (6 August 1983), III.2: AAS 75 (1983), 1005.

55Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 10.

56Ibid.

57Cf. Institutio Generalis: Editio typica tertia, No. 147.

58Cf. Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 10 and 28; Decree on the Ministry and Life of Priests Presbyterorum Ordinis, 2.

59"The minister of the altar acts in the person of Christ inasmuch as he is head, making an offering in the name of all the members": Pius XII, Encyclical Letter Mediator Dei (20 November 1947): AAS 39 (1947), 556; cf. Pius X, Apostolic Exhortation Haerent Animo (4 August 1908): Acta Pii X, IV, 16; Pius XI, Encyclical Letter Ad Catholici Sacerdotii (20 December 1935): AAS 28 (1936), 20.

60Apostolic Letter Dominicae Cenae (24 February 1980), 8: AAS 72 (1980), 128-129.

61Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter Sacerdotium Ministeriale (6 August 1983), III.4: AAS 75 (1983), 1006; cf. Fourth Lateran Ecumenical Council, Chapter 1, Constitution on the Catholic Faith Firmiter Credimus: DS 802.

62Second Vatican Ecumenical Council, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 22.

63Apostolic Letter Dominicae Cenae (24 February 1980), 2: AAS 72 (1980), 115.

64Decree on the Life and Ministry of Priests Presbytero- rum Ordinis, 14.

65Ibid., 13; cf. Code of Canon Law, Canon 904; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 378.

66Decree on the Ministry and Life of Priests Presbytero- rum Ordinis, 6.

67Cf. Final Report, II.C.1: L'Osservatore Romano, 10 December 1985, 7.

68Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 26.

69Nicolas Cabasilas, Life in Christ, IV, 10: SCh 355, 270.

70Camino de Perfección, Chapter 35.

71Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on Some Aspects of the Church Understood as Communion Communionis Notio (28 May 1992), 4: AAS 85 (1993), 839-840.

72Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 14.

73Homiliae in Isaiam, 6, 3: PG 56, 139.

74No. 1385; cf. Code of Canon Law, Canon 916; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 711.

75Address to the Members of the Sacred Apostolic Penitentiary and the Penitentiaries of the Patriarchal Basilicas of Rome (30 January 1981): AAS 73 (1981), 203. Cf. Ecumenical Council of Trent, Sess. XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Chapter 7 and Canon 11: DS 1647, 1661.

76Canon 915; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 712.

77Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 14.

78Saint Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q. 73, a. 3c.

79Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on Some Aspects of the Church Understood as Communion Communionis Notio (28 May 1992), 11: AAS 85 (1993), 844.

80Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 23.

81Ad Smyrnaeos, 8: PG 5, 713.

82Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 23.

83Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on Some Aspects of the Church Understood as Communion Communionis Notio (28 May 1992), 14: AAS 85 (1993), 847.

84Sermo 272: PL 38, 1247.

85Ibid., 1248.

86Cf. Nos. 31-51: AAS 90 (1998), 731-746.

87Cf. ibid., Nos. 48-49: AAS 90 (1998), 744.

88No. 36: AAS 93 (2001), 291-292.

89Cf. Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 1.

90Cf. Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 11.

91"Join all of us, who share the one bread and the one cup, to one another in the communion of the one Holy Spirit": Anaphora of the Liturgy of Saint Basil.

92Cf. Code of Canon Law, Canon 908; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 702; Pontifical Council for the Promotion of Christian Unity, Ecumenical Directory, 25 March 1993, 122-125, 129-131: AAS 85 (1993), 1086-1089; Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter Ad Exsequendam, 18 May 2001: AAS 93 (2001), 786.

93"Divine law forbids any common worship which would damage the unity of the Church, or involve formal acceptance of falsehood or the danger of deviation in the faith, of scandal, or of indifferentism": Decree on the Eastern Catholic Churches Orientalium Ecclesiarum, 26.

94No. 45: AAS 87 (1995), 948.

95Decree on the Eastern Catholic Churches Orientalium Ecclesiarum, 27.

96Cf. Code of Canon Law, Canon 844 §§ 3-4; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 671 §§ 3-4.

97No. 46: AAS 87 (1995), 948.

98Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 22.

99Code of Canon Law, Canon 844; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 671.

100Cf. AAS 91 (1999), 1155-1172.

101No. 22: AAS 92 (2000), 485.

102Cf. No. 21: AAS 95 (2003), 20.

103No. 29: AAS 93 (2001), 285.

104Saint Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q. 83, a. 4c.