ĐGH Gioan Phaol II mãi sống trong tâm hồn chúng ta
- T5, 03/04/2025 - 15:11
- Nguyễn Minh Sơn
ĐGH Gioan Phaol II mãi sống trong tâm hồn chúng ta

Hai mươi năm kể từ khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào ngày 2 tháng Tư năm 2005, một trong những cộng sự thân cận nhất của ngài cho biết vị giáo hoàng người Ba Lan vẫn sống mãi trong tâm hồn và ký ức của nhiều người, những người mà, đến hôm nay, vẫn cảm thấy gắn bó với ngài.
Đức Hồng y Stanisław Dziwisz, thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II trong gần bốn thập kỷ, đã nói với EWTN News trong một cuộc phỏng vấn tại Krakow rằng du khách đến thăm lăng mộ của thánh nhân tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô “không đến với vị giáo hoàng đã khuất, mà đến với vị giáo hoàng còn sống. Ngài sống trong tâm hồn, ngài sống trong ký ức.”
“Vẫn còn cuộc đối thoại giữa giáo hoàng và mọi người và những người ở bên ngài. Đây là cảm nhận của tôi,” vị hồng y 85 tuổi và cựu tổng giám mục của Krakow cho biết. “Ngài đã ra đi nhưng đồng thời vẫn ở lại với chúng ta … Mọi người vẫn giữ mãi hình ảnh ngài, nghiên cứu về ngài nữa.”
Đức Tổng Giám mục Thomas Wenski hạt Miami, song thân ngài là người Ba Lan, cho biết Đức Gioan Phaolô II đã thay đổi Ba Lan và thế giới.
“Thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay đang ở trong tình trạng như vậy, ít nhất là ở một số khía cạnh, là nhờ chứng tá của Đức Gioan Phaolô II,” Wenski nói với EWTN News tại Miami, “đặc biệt là khi ngài đến Ba Lan vào năm 1979 và truyền cảm hứng cho mọi người bằng cách nói ‘Đừng sợ’ và cầu xin Chúa Thánh Thần … thay đổi bộ mặt của vùng đất này, vùng đất Ba Lan này.”
Đức Hồng y Dziwisz lặp lại tình cảm này, ngài lưu ý rằng “nhiều thứ đã thay đổi trong Giáo hội và trên thế giới dưới ảnh hưởng của Đức Gioan Phaolô II và những hoạt động của ngài … Ngay tại Roma và trong Giáo hội, người ta tin rằng tương lai thuộc về chủ nghĩa Marx. Và Đức Giáo hoàng nói rằng tương lai thuộc về nhân quyền, thuộc về con người, thuộc về tự do của con người, chứ không phải thuộc về chế độ nô lệ mà Marx đã ban tặng.”
‘Chúng tôi muốn ở bên ngài’
“Tôi còn nhớ rằng sự ra đi của ngài không phải là sự ra đi vào lịch sử, vào kho lưu trữ,” Đức Hồng y Dziwisz nói. “Ngài làm việc và bạn có thể thấy điều đó. Mọi người chạy đến với Thiên Chúa nhờ ngài và nhận được nhiều ân sủng khác nhau.”
Đức Hồng y nhớ lại mọi người đã xúc động như thế nào khi họ nói lời tạm biệt với vị giáo hoàng người Ba Lan trong những ngày trước khi ngài trút hơi thở cuối cùng vào thứ Bảy, ngày 2 tháng Tư năm 2005: “Họ đã đến gần giáo hoàng, khóc lóc, hôn tay ngài và nói lời tạm biệt.”
“Đó là chiều thứ Bảy, ngày ngài ra đi và qua đời, Đứ Giáo hoàng mới yêu cầu đọc Kinh Thánh cho ngài nghe,” Đức Hồng y Dziwisz kể lại, ngài nhớ lại rằng một linh mục trong phòng của ngài “đã đọc Phúc Âm Thánh Gioan, chín chương. Và ngài đã nghe theo, ngài không nói gì cả, ngài chỉ theo và lắng nghe Phúc Âm. Ngài đã chuẩn bị (cho cái chết) một cách đơn giản, bằng cách đọc Kinh Thánh, ngài ý thức rằng mình sẽ ra đi.”
Khi đó, là một linh mục, Đức Hồng y Dziwisz đã ở bên cạnh Đức Gioan Phaolô II với tư cách là thư ký riêng của ngài kể từ năm 1966, khi vị giáo hoàng tương lai là tổng giám mục mới của Krakow. Ngài cho biết ngài và những người khác đã “mở cửa sổ một cách kín đáo” căn hộ của Đức Gioan Phaolô II, nơi ngài nằm hấp hối để ngài có thể nghe thấy tiếng nói của hàng ngàn người đang canh thức ở Công trường Thánh Phêrô bên ngoài.
“Để ngài có thể cảm thấy toại nguyện (khi biết) rằng có những người ở bên ngài,” Đức Hồng y Dziwisz giải thích. “Có một nhóm thanh thiếu niên rất đông đã cắm trại vào ngày thứ hai (ở Công trường Thánh Phêrô). Tôi nói với họ: ‘Các bạn sẽ về nhà.’ Họ nói: ‘Ngài đã ở cùng chúng con, vì vậy bây giờ chúng con muốn ở cùng ngài.’ Và thực sự là họ đã làm như vậy. Những người trẻ đã không bỏ rơi ngài cho đến phút cuối cùng.”
Umberto Civitarese, một nhân viên lâu năm của Đài phát thanh Vatican (nay là Vatican News), ông đã đưa tin chi tiết về triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, gồm nhiều chuyến tông du quốc tế của ngài, cho biết Đức Giáo hoàng “không bao giờ bỏ cuộc, ngài không bỏ cuộc, ngài đã xoay xở mọi thứ cho đến phút cuối cùng và ngài đã cố gắng bằng mọi cách để có mặt.”
Civitarese kể với EWTN News rằng ông nhớ một buổi đọc kinh Truyền Tin một hôm Chúa Nhật, khi Đức Gioan Phaolô II đến bên cửa sổ nhưng không thể nói được, nhưng “thế là đủ” cho đàn chiên của ngài đang chờ bên dưới. Mọi người “không mong đợi điều gì khác, chỉ cần nhìn thấy ngài là đủ,” ông nói thêm.
Ngay cả khi ngài bị bệnh, ngài vẫn hoạt động, Đức Hồng Dziwisz nói. “Ngài vẫn tỉnh táo hoàn hảo cho đến phút cuối, cho đến ngày và giờ cuối cùng.”
Vị hồng y người Ba Lan đã nghỉ hưu nhấn mạnh rằng ngay cả khi đau khổ, Đức Gioan Phaolô II không bao giờ phàn nàn: “Điều tôi biết là những gì ngài nói, rằng đau khổ có ý nghĩa. Đó là cách mà ngài tiếp cận.”
‘Một người hiệp nhất với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện’
“Ngay từ rất sớm, chúng tôi, không chỉ tôi, đã có ấn tượng rằng chúng tôi đang giao thiệp với một vị thánh,” Civitarese nói về trải nghiệm của ông và các đồng nghiệp với Đức Giáo hoàng. “Bởi vì tấm gương mà ngài nêu ra hàng ngày, theo tôi, vẫn là điều không thể bắt chước được.”
“Nhiều lần người ta hỏi nhưng người ta phải làm gì để trở thành một vị thánh? Và tôi biết, tôi hiểu — khi nhìn thấy ngài, vâng, từ việc noi theo tấm gương mà ngài đã nêu ra… sự cam kết mà ngài dành cho vai trò của mình, đặt ý nghĩa của việc trở thành giáo hoàng lên hàng đầu,” ngài lưu ý.
Đức Hồng y Dziwisz nói rằng “sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II là vì ngài là một người kết hợp với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.”
Civitarese đã thấy cam kết cầu nguyện này bằng hành động trong nhiều chuyến tông du quốc tế của ngài, khi sau một ngày rất dài, điều đầu tiên ngài làm là đến nhà nguyện của tòa khâm sứ mà ngài đang ở để cầu nguyện.
“Trong khi những người khác ( cùng đi với ngài) có thể đang thư giãn, có những người đang ăn, những người đang điện thoại, những người đang nghỉ ngơi, thì ngài lại đặt việc cầu nguyện lên hàng đầu,” kỹ thuật viên vô tuyến nói, đồng thời cho biết thêm rằng đây là những ký ức đã in sâu vào tâm trí ông và để lại ấn tượng lâu dài.
“Điều tôi nhớ nhất về ngài là sức lôi cuốn của ngài,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng khi bạn tiếp xúc với một người như vậy, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi một chút.”
Jos. Nguyễn Minh Sơn