Nhảy đến nội dung

Tranh luận công giáo về chết não - Lý do phải đi lễ

TRANH LUẬN CÔNG GIÁO VỀ CHẾT NÃO

Ý tưởng sử dụng các tiêu chuẩn thần kinh để xác định cái chết của bệnh nhân đã từng là một lĩnh vực gây tranh cãi trong một thời gian. Việc sử dụng nó có ý nghĩa nặng nề đối với các quyết định chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là liên quan việc hiến tạng. Trong tông huấn Evangelium Vitae (Tin Mừng về Sự Sống), Đức Gioan Phaolô II đã viết rằng việc hiến tạng là điều đáng khen ngợi khi “được thực hiện một cách hợp đạo đức.” Cụm từ cuối cùng đó chính là điều làm phức tạp thêm vấn đề sử dụng chết não làm tiêu chuẩn cho cái chết. Tóm lại, hành động lấy nội tạng của bệnh nhân không thể khiến bệnh nhân tử vong. Như vậy, nếu định nghĩa của chúng ta về chết não là không đầy đủ và bệnh nhân đáp ứng các tiêu chuẩn đã nêu vẫn còn sống thì việc lấy nội tạng để cấy ghép sẽ khiến họ tử vong.

Các tiêu chuẩn hiện tại để xác định chết não đến từ UDDA (Uniform Determination of Death Act – Luật Xác Định Cái Chết Giống Nhau), do Hội Nghị Ủy Viên Quốc Gia về Luật Thống Nhất của các bang soạn thảo năm 1980. Luật nêu rõ: “Một cá nhân (1) ngừng hoạt động không thể đảo ngược các chức năng tuần hoàn và hô hấp, hoặc (2) ngừng không thể đảo ngược tất cả các chức năng của toàn bộ não, bao gồm cả cuống não, là chết. Việc xác định cái chết phải được thực hiện theo các tiêu chuẩn y tế được chấp nhận.”

Một số bang đã mau chóng thông qua luật này, mặc dù sự bất đồng chính kiến vẫn tồn tại và tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã được khơi lại sau khi các đề xuất sửa đổi luật và thay đổi tiêu chuẩn bắt đầu được lưu hành. Một đề xuất như vậy khuyến nghị rằng “thay vì yêu cầu ‘sự ngừng không thể đảo ngược của tất cả các chức năng của toàn bộ não, bao gồm cả cuống não,’ thay vào đó UDDA nên yêu cầu ‘tổn thương não dẫn đến vĩnh viễn mất (a) khả năng nhận thức, (b) khả năng khả năng thở tự nhiên, và (c) phản xạ của cuống não’.”

Thoạt đầu sự khác biệt ở đây có vẻ nhỏ hoặc thậm chí không đáng kể, nhưng nhìn sâu hơn vào ngụ ý sẽ thấy sự thay đổi rõ ràng đối với các tiêu chuẩn vốn đã gây tranh cãi. Kể từ khi UDDA được áp dụng rộng rãi, đã có một số trường hợp bệnh nhân tiếp tục biểu hiện một số chức năng cơ thể sau thời điểm có thể được tuyên bố là chết não. Jahi McMath có lẽ là trường hợp nổi bật nhất (bệnh nhân được tuyên bố là chết não vẫn tiếp tục sống và thậm chí đã bước qua tuổi dậy thì). Vùng dưới đồi (hypothalamus), phần não chịu trách nhiệm điều chỉnh hormone, rõ ràng vẫn còn hoạt động trong trường hợp đó và những trường hợp khác. Khi đó, câu hỏi được đặt ra là: Nếu phần não này vẫn tiếp tục hoạt động thì làm sao não có thể chết được?

Các nhà đạo đức của Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học Quốc Gia Công Giáo đưa ra một cái nhìn tổng quát thông tin về các vấn đề có trong những thay đổi được đề nghị này, nhưng điểm mấu chốt là nhiều người cảm thấy các đề nghị này không phù hợp trong nỗ lực thu hẹp tiêu chuẩn tuyên bố chết não. Thay vì đảm bảo rằng tất cả các bộ phận của não đã ngừng hoạt động (điều mà nhiều người cảm thấy hành động ban đầu ngụ ý là cần thiết), những thay đổi được đề xuất giới hạn tiêu chuẩn ở ba khía cạnh (ý thức, nhịp thở tự phát và phản xạ não). Tuy nhiên, không phải tất cả những người Công giáo trung thành đều đồng ý rằng có vấn đề, và các bên được nêu gương bởi hai nhóm và các tuyên bố bằng văn bản của họ.

Tháng 2-2024, Joseph M. Eble, John A. Di Camillo và Peter J. Colosi đã xuất bản bài báo “Catholics United on Brain Death and Organ Donation ” (Người Công Giáo Liên Kết Về Cái Chết Não và Hiến Tạng), trong đó họ mô tả các hướng dẫn hiện tại không đầy đủ và cảnh báo rằng bất kỳ thay đổi nào sẽ chỉ tạo ra hướng dẫn xác định chết não kém chặt chẽ hơn. Họ lưu ý rằng mặc dù chức năng vùng dưới đồi thường bị bỏ qua theo các hướng dẫn hiện hành, nhưng các đề xuất mới hoàn toàn không giải quyết được vấn đề về chức năng vùng dưới đồi. Thay vì xác định xem chức năng vùng dưới đồi có thể hiện sự sống lâu dài hay không, các đề nghị loại bỏ phần não này khỏi việc xem xét. Do đó, họ gợi ý rằng “không có kỳ vọng hợp lý nào mà các hướng dẫn hiện tại sẽ được sửa đổi… theo cách bảo đảm sự chắc chắn về mặt đạo đức đối với cái chết.” Tuyên bố này được ký bởi hơn một trăm thần học gia Công giáo và các chuyên gia y tế.

Ở phía bên kia của vấn đề, Jason T. Eberl, Michael Olson, Becket Gremmels và nhiều người khác đã gửi ý kiến của riêng họ trong một bài báo có tiêu đề “The Danger of Turning ‘Brain Death’ and Organ Donation into Culture War Issues” (Nguy Cơ Biến ‘Chết Não’ và Hiến Tạng Thành Các Vấn Đề Chiến Tranh Văn Hóa). Bài báo này không đồng tình với một số sự kiện và đặc điểm được đưa ra trên báo Catholic United và lưu ý rằng truyền thống lâu đời về việc Công giáo ủng hộ hiến tạng sau khi chết đã được xác định. Nó đề cập sự tồn tại dai dẳng của chức năng vùng dưới đồi, đưa ra một lập luận thuyết phục chống lại ý kiến cho rằng nó chỉ ra rằng bệnh nhân vẫn còn sống. Họ lưu ý rằng trong nhiều trường hợp, các phần khác của não có thể bị phá hủy không thể phục hồi trong khi lưu lượng máu đến vùng dưới đồi vẫn tồn tại. Tương tự, vùng dưới đồi có thể được cắt bỏ mà không gây tử vong cho bệnh nhân. Điều này dường như gợi ý rằng chức năng của nó không quan trọng đối với sự sống theo nghĩa chặt chẽ nhất.

Nhìn chung, cả hai bên dường như đều có công và xuất phát từ chỗ trung thành với giáo huấn Công giáo. Nhược điểm của họ nằm ở cả cách trình bày lẫn nhu cầu rõ ràng của họ để thể hiện sự chắc chắn trong các quyết định của mình. Như Eberl và cộng sự lưu ý, người Công giáo không thống nhất quan điểm về việc xác định chết não. Trong khi nhiều người đã ký vào bản tuyên bố, nhiều người khác rất được kính trọng trong lĩnh vực thần học và y học đã có cơ hội ký và từ chối. Không nghi ngờ nữa, còn nhiều điều cần phải thảo luận. Vì vậy, tôi thấy cách trình bày của Eberl và cộng sự không kém phần chính xác khi viện đến cụm từ “chiến tranh văn hóa.”

Không nghi ngờ nữa, ngụ ý là chúng ta nên tránh chính trị hóa y học, và ở một khía cạnh nào đó, có lẽ ông ấy đúng. Nhưng thực tế là, chúng ta đang xem xét một cuộc tranh cãi về việc liệu chúng ta đang cứu sống một cách vị tha qua việc lấy nội tạng vô hại từ một người đã chết hay đang thực hiện một tính toán vị lợi để giết một bệnh nhân không có khả năng tự vệ để cứu người khác. Là người Công giáo, chúng ta không có nghĩa vụ phải ngồi lại với nhau và xác định điều nào đúng hay sao? Nếu đó là trường hợp thứ hai, và xã hội của chúng ta đang giết chết nhân danh sự chăm sóc sức khỏe, chẳng phải đó là một cuộc chiến văn hóa đáng chiến đấu hay sao?

BRENDAN LYONS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

************

LÝ DO PHẢI ĐI LỄ

Dù bạn 8 tuổi hay 80 tuổi, có lẽ vào một thời điểm nào đó trong đời, bạn đã phải vật lộn với câu hỏi: “Tại sao phải đi lễ?”

Đôi khi bạn có thể cảm thấy không muốn đi lễ. Bạn có thể không thích âm nhạc hoặc bài giảng trong giáo xứ. Bạn có thể nghĩ Thánh Lễ nhàm chán. Bạn có thể cảm thấy như thể giáo xứ không chào đón bạn. Bạn có thể cố gắng tự thuyết phục rằng bạn có thể cầu nguyện tốt ở ngoài trời hoặc trong sự thoải mái tại nhà mình.

Mặc dù bạn biết rằng tham dự Thánh Lễ là điều tốt, nhưng bạn có thể tự khuyên mình không nên đi lễ bằng cách tập trung vào những điều tiêu cực. Lúc đầu, bạn có thể cảm thấy hơi tội lỗi, nhưng cuối cùng, bạn có thể biện minh cho quyết định của mình bằng cách tự thuyết phục rằng bạn quá bận, quá mệt mỏi, quá buồn chán hoặc quá thất vọng. Khi điều đó xảy ra, bạn đã bỏ lỡ món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể.

Nếu bạn không muốn tham dự Thánh Lễ, đây là 10 lý do chính đáng để bạn đi lễ:

1. THIÊN CHÚA YÊU CẦU CHÚNG TA THÁNH HÓA MỘT NGÀY. Ngài yêu cầu chúng ta dành một ngày để tập trung lại về thể lý, tinh thần và tâm linh. Chúng ta đang sống trong một thế giới trần tục, đi lễ giúp chúng ta nhìn mọi thứ từ một viễn cảnh khác. Chúng ta bắt đầu nhận thấy trong sâu thẳm con người mình rằng Chúa đang nắm quyền. Chúng ta có thể buông bỏ chương trình của riêng mình vì chúng ta biết rằng Chúa sẽ truyền cảm hứng, hướng dẫn và củng cố chúng ta cho tuần tới.

2. CHÚA GIÊSU BAN CHO CHÚNG TA MÓN QUÀ CHÍNH NGÀI. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta đang làm những gì Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải làm. Đó là mệnh lệnh yêu thương và được Thiên Chúa yêu thương. Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta trong Lời Chúa mà chúng ta nghe và trong sự Hiện Diện Thật của Ngài, được ban cho chúng ta qua Thánh Thể khi hiệp lễ.

3. CHÚNG TA CẦN TRỞ THÀNH MỘT PHẦN CỦA CỘNG ĐỒNG. Khi cùng nhau tham dự Thánh Lễ để cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta đáp ứng nhu cầu sâu sắc bên trong mình là được hiệp thông với người khác. Các giáo dân khác – dù chúng ta không biết tất cả – đều hỗ trợ, xác định và động viên chúng ta về nỗ lực sống sứ điệp Tin Mừng. Họ giúp chúng ta thấy rằng chúng ta không đơn độc, rằng tất cả chúng ta đều là một phần của Nhiệm Thể Đức Kitô.

4. THIÊN CHÚA CÓ MỘT THÔNG ĐIỆP ĐẶC BIỆT DÀNH CHO CHÚNG TA. Khi lắng nghe các bài đọc, bài giảng và lời cầu nguyện trong Thánh Lễ, Thiên Chúa nói với chúng ta một cách đặc biệt. Chúng ta nên kết thúc mỗi Thánh Lễ với ít nhất một cảm hứng sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta một cách nào đó. Chúng ta chỉ cần chú ý và cởi mở với những gì Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta.

5. CHÚNG TA CẦN NÓI CHUYỆN VỚI CHÚA. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta thưa chuyện với Chúa qua tiếng hát, qua những câu đáp và lời cầu nguyện chung cũng như lời cầu nguyện riêng từ sâu thẳm trái tim. Trong Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội cầu xin Chúa những gì chúng ta cần, hứa với Ngài rằng chúng ta sẽ làm những gì Ngài muốn chúng ta làm, và tạ ơn Ngài vì nhiều hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta.

6. MỌI NGƯỜI CẦN LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚNG TA. Chúng ta có thể cầu nguyện cho người khác bất cứ lúc nào, nhưng khi cầu nguyện cho người khác trong Thánh Lễ, chúng ta cầu nguyện một cách đặc biệt. Sẽ không có vấn đề gì nếu những người khác xa cách chúng ta bởi khoảng cách hoặc bởi cái chết. Thánh Lễ quy kết chúng ta lại với nhau trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, và chúng ta trở thành sự hiệp thông của các thánh. Đó là một phần chiều kích vũ trụ của Thánh Lễ kết hợp trời và đất bằng cách vượt qua thời gian và không gian.

7. CHÚNG TA CẦN ĐỨNG LÊN VÌ NHỮNG GÌ CHÚNG TA TIN. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là giao thoa văn hóa. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội đứng lên và tuyên bố những điều chúng ta tin một cách công khai. Chúng ta thừa nhận rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu, tin vào Chúa Thánh Thần, tin vào Giáo hội Công giáo, tin vào sự hiệp thông của các thánh, tin vào sự tha tội và tin vào sự sống sau khi chết. Đó là lời tuyên bố mạnh mẽ về lòng trung thành và là cơ hội để chúng ta tái cam kết.

8. CHÚNG TA CẦN THỪA NHẬN MÌNH SAI LẦM. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội ôn lại tuần vừa qua. Chúng ta thừa nhận mình đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót – việc đã làm và chưa làm. Chúng ta tìm kiếm sự tha thứ và tin chắc rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Trước khi rước lễ, chúng ta thừa nhận mình không xứng đáng và cầu xin Thiên Chúa chữa lành chúng ta. Đi lễ giúp chúng ta củng cố quyết tâm sống đạo đức.

9. CHÚNG TA CẦN NGHI THỨC TRONG CUỘC SỐNG. Thánh Lễ là một nghi thức, có nghĩa là qua việc lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện, các động tác và việc thánh hóa bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được đào tạo, kỷ luật và an ủi. Sự “giống nhau” của Thánh Lễ đưa chúng ta đi theo hành trình tâm linh – ngay cả khi chúng ta “cảm thấy” không muốn cầu nguyện. Sự “giống nhau” của nghi lễ cho phép chúng ta được biến đổi ở mức độ tâm hồn – ngay cả khi chúng ta không biết điều gì đang xảy ra.

10. CHÚNG TA CẦN TRẢI NGHIỆM ĐIỀU GÌ ĐÓ LỚN LAO HƠN CHÍNH MÌNH. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta chia sẻ sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Khi dâng cuộc sống bình thường của mình cho Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, chúng ta bước vào kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa dành cho thế giới. Chúng ta được Thánh Thể củng cố và được sai đi vào thế giới để đem sứ điệp Tin Mừng đến cho mọi người. Thánh Lễ đem lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của chúng ta, cho chúng ta cảm giác về số phận và đem lại sự bình an mà thế giới không thể đem lại. Thánh Lễ giúp chúng ta phát triển cảm giác kỳ diệu và ngạc nhiên, giúp chúng ta thấy rằng có điều gì đó lớn lao hơn chính chúng ta.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thay đổi thái độ về việc đi lễ? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt đầu nghĩ Thánh Lễ là thời gian trong ngày mà bạn có thể kết nối với Chúa và với người khác một cách đặc biệt? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tập trung vào những điều bạn thích ở giáo xứ mình thay vì những điều bạn không thích? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ưu tiên cho Thánh Lễ?

Tác động của những thái độ tích cực đó có thể khiến bạn ngạc nhiên đấy!

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Tác giả: