Nhảy đến nội dung

Rất ủi an - Kiên trì

RẤT ỦI AN

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói đến sự tàn phá và mất mát! Bài đọc Đaniel nói đến sự chia cắt giữa các quốc gia; Tin Mừng nói đến sự sụp đổ của Giêrusalem và các hiện tượng dữ. Nhưng qua đó, ‘rất ủi an’, Chúa Giêsu dạy chúng ta, “Đừng sợ!”.

Giấc mơ của Nabucôđônôsor được Đaniel giải thích, tiên báo sự chia cắt lãnh thổ các nước; và sau đó, “Đức Chúa Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác… đến muôn đời nó sẽ đứng vững”. Đaniel đang nói tiên tri về một Vương Quốc mới mà Đức Kitô, Con Thiên Chúa sẽ thiết lập. Để từ đó, thần dân Ngài có thể “Muôn ngàn đời ca tụng suy tôn” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về số phận mai ngày của Giêrusalem, một trong bảy kỳ quan thế giới vào thời Ngài, “Sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào!”. Theo nghĩa đen, điều này đã xảy ra năm 70. Ngài còn nói đến các hỗn loạn: tiên tri giả, chiến tranh, động đất, nạn đói và ôn dịch, với “Những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời”. Tại sao Chúa Giêsu nói tiên tri về những điều này?

“Cuộc sống không phải là một bát anh đào!”. Trước bao biến động, Kitô hữu dễ bị cám dỗ để sợ hãi, tức giận hay tuyệt vọng. Chúa Giêsu không cố ý làm chúng ta sợ hãi, cũng không muốn ai trở nên lầm lạc khi những sự việc đó xảy ra. Ngài nói, “Coi chừng kẻo bị lừa gạt!”, và “Đừng sợ!”. Thế giới hôm nay tỏ ra hỗn loạn, lừa dối, lạm dụng, tai tiếng, xung đột và những thứ tương tự hơn bao giờ hết; cũng thế, những mâu thuẫn gia đình, bất ổn dân sự hoặc thậm chí, chia rẽ trong Hội Thánh trở nên gay gắt. ‘Rất ủi an!’, Chúa Giêsu muốn chúng ta cố giữ lấy bình an và tuyệt đối tin cậy vào Ngài giữa bao hỗn mang.

Một người cha và đứa con gái đang đi dạo giữa một thảo nguyên bát ngát. Bỗng từ xa, một đám cháy bùng lên, trời nổi gió. Người cha nhận ra rằng, lửa sẽ sớm nuốt chửng hai cha con. Ông lập tức chạy quanh, gom cỏ khô và phóng hoả đốt cháy một góc thảo nguyên. Lửa đến, hai cha con đã ở trong phần đất đã cháy. Cô gái kết sức hoảng sợ, nhưng người cha trấn an, “Đừng sợ, lửa không thể đến được. Chúng ta đang ở trong vùng an toàn!”.

Anh Chị em,

“Chúng ta đang ở trong vùng an toàn!”. Trước bao bi thảm và tàn phá, thái độ của Kitô hữu là biết mình “đang ở trong vùng an toàn!”. Lý do, Thiên Chúa ở cùng chúng ta; và điều này giúp chúng ta không bị choáng ngợp bởi các biến cố. Theo Đức Phanxicô, “Đó là thời điểm để làm chứng, chúng ta không thể tiếp tục làm nô lệ cho sợ hãi và lo lắng; thay vào đó, được kêu gọi gắn kết với lịch sử, ngăn chặn sức mạnh huỷ diệt của sự dữ, với niềm tin rằng, hành động tốt lành của Thiên Chúa luôn đi kèm với sự dịu dàng quan phòng ‘rất ủi an’ của Ngài. Đây là dấu hiệu hùng hồn cho thấy Vương Quốc của Thiên Chúa đang đến gần, tức là hiện thực hoá thế giới như Ngài mong muốn. Chính Ngài, Đấng nắm giữ mọi sự tồn tại, cũng là Đấng biết rõ mục đích cuối cùng của mọi sự và các biến động!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con choáng ngợp trước các biến cố. Và ngay cả ngày tận thế của con có ập xuống, cái chết, con vẫn biết mình đang ở trong vùng an toàn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***********

KIÊN TRÌ

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.

Eliza, 16 tuổi, kết hôn với một thợ may 20 tuổi; anh chưa từng đến trường! Với nhiều người, học vấn của anh là một thất bại; với Eliza thì không! Cô dạy anh đọc, viết và đánh vần. Những ngày đó thật khó khăn nhưng chồng cô tỏ ra là người học nhanh, học giỏi, đến nỗi nhiều năm sau, đắc cử tổng thống! Câu chuyện về tổng thống thứ 17 của Hoa Kỳ - Andrew Johnson và đệ nhất phu nhân Eliza - minh hoạ cho sức mạnh của sự kiên trì! “Bằng sự kiên trì, con ốc sên đã vào được tàu!” - C. H. Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị! ‘Câu chuyện dài’ “Con ốc sên vào được tàu” gợi hứng cho chúng ta dừng lại với ‘câu nói ngắn’ nhưng khá sâu sắc của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.

Tại sao sự kiên trì lại quan trọng đến thế? Tại sao sự cứu rỗi của mỗi người lại tuỳ thuộc vào việc thực hành nhân đức này? Môn đệ không trọng hơn Thầy, và nếu Chúa Giêsu là dấu chỉ của sự mâu thuẫn, thì các môn đệ của Ngài, nhất thiết cũng phải như vậy. Đó là những người hăng hái trong cuộc chiến chống lại kẻ thù tâm hồn - như thánh Josemaria Escriva nói - “Một cuộc chiến đẹp đẽ nhất vì bình an và tình yêu”. Vòng nguyệt quế nào cũng có giá của nó, con đường dẫn tới thiên đàng không hề dễ. Đó là lý do tại sao nếu không có ‘kiên trì’, nhân đức dũng cảm căn bản, thì những ý định tốt đẹp của chúng ta sẽ không có kết quả. ‘Kiên trì’ là một phần của dũng cảm!

Sự ‘kiên trì’, ở mức độ tối đa, được thực hiện tại thập giá. Đây là lý do tại sao nó mang lại tự do bằng cách cho phép bạn và tôi làm chủ bản thân thông qua tình yêu. Lời hứa của Chúa Giêsu thật rõ ràng, “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”. Vì lẽ, điều cứu chúng ta chính là tình yêu. Chính sức mạnh của tình yêu mang lại cho mỗi người sự ‘kiên trì’ và vui vẻ chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa. Sức mạnh tình yêu này, ngay từ giây phút đầu tiên đã làm đảo lộn - như xảy ra trên thập giá - ý chí tội nghiệp của con người!

Anh Chị em,

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”. Thánh Grêgôriô Cả nói, “Kiên trì là gốc rễ và là nhân đức bảo vệ mọi đức tính. Nó cốt ở việc thanh thản chịu đựng những điều xấu xa đến từ người khác và chịu đựng mà không oán giận kẻ gây ra chúng!”. Đức Phanxicô thì nói, “Kiên trì là ân sủng mà chúng ta phải cầu xin. Chủ nghĩa chiến thắng, ‘thắng nhanh’, không phải là Kitô giáo. Hành trình mỗi ngày trước sự hiện diện của Cha là con đường của Chúa Kitô. Chúng ta cũng hãy ‘kiên trì’ từng ngày đi trên con đường mang tên Ngài!”. Như vậy, kiên trì không phải là cam chịu; nhưng vượt xa cam chịu. Thậm chí nhiều hơn thế! Nó không liên quan gì đến thái độ khắc kỷ. ‘Kiên trì’ giúp hiểu rằng, thập giá - trước nỗi đau - thực chất là tình yêu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường thích ‘đánh nhanh, thắng nhanh’. Giúp con bền bỉ khiêm tốn như con ốc sên, để một ngày nào đó, con lần tới được con tàu “Thánh Thiện!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)  

Tác giả: