Nhảy đến nội dung

Sổ tay Tân Phúc Âm hóa gia đình và gia tộc

  • T3, 28/01/2025 - 01:31
  • admin1

GIÁO PHẬN QUI NHƠN
BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH VÀ BAN MỤC VỤ VĂN HÓA

 

SỔ TAY
TÂN PHÚC ÂM HÓA
GIA ĐÌNH VÀ GIA TỘC

 


 

IMPRIMATUR

Qui Nhơn, ngày 01 tháng 12 năm 2013

X Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Giám mục giáo phận Qui Nhơn

 

Tủ sách Nước Mặn 09

 

*********************

 

SÁCH VÀ TRUYỀN GIÁO

 

Mừng lễ Thánh Gia, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả bốn phương quyển còn lại trong bốn quyển sách vừa phát hành, tựa đề “SỔ TAY TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH VÀ GIA TỘC”. Năm “tân phúc âm hóa cuộc sống gia đình” đã trôi vào dĩ vãng nhưng sứ mạng cũng như những khó khăn của các gia đình vẫn còn đó. Mời đọc quyển sách bắt đầu từ phần II, để đi ngay vào những gợi ý cụ thể.

Quý độc giả cũng có thể tìm đọc cả 4 quyển tại:    

http://gpquinhon.org/qn/news/Gia-dinh/So-tay-Tan-Phuc-Am-Hoa-Gia-Dinh-31...

http://gpquinhon.org/qn/news/muc-vu/Hon-nhan-va-dao-hieu-3143/#.VI-SS9KsW-k

http://gpquinhon.org/qn/download/van-hoa/50-nam-tho-cung-to-tien/

http://gpquinhon.org/qn/download/tu-duc/Sua-duc-tin-va-nhung-cau-tam-niem/

http://thanhlinh.net/node/81904 (50 bài ru em mp3)

Đang khi đưa các file sách ảo lên mạng chúng tôi xin được chia sẻ đôi lời về sách in trên giấy.

Trong viễn cảnh truyền giáo và đào tạo người, sách in trên giấy vẫn còn cần thiết. Khi đọc trên mạng, ta thường có xu hướng lướt thật nhanh, còn khi dán mắt vào trang sách in, ta thường tập trung chú ý nhiều hơn, dễ đào sâu hơn. Khi một người bắt đầu ôm một quyển sách đạo nghiền ngẫm và được ơn đức tin, ta có quyền hy vọng đức tin của người ấy sẽ sâu xa và mãnh liệt hơn những người không đọc sách hoặc chỉ lướt trên mạng. Nhờ đào sâu và nghiền ngẫm, cảm nghiệm của người ấy cũng sâu đậm hơn và khả năng chia sẻ Tin mừng cũng sắc sảo hơn. Việc đào tào các tài năng trẻ và các ơn gọi trẻ cũng tương tự.

Khi tặng sách, chúng ta noi gương sự quảng đại của Chúa nơi dụ ngôn người gieo giống. Ba phần tư đầu của việc gieo vãi kể như vất đi, chỉ một phần tư cuối là sinh hoa kết quả. Môn đệ không hơn Thầy, nếu cứ 10 quyển lại có một quyển được đọc nghiêm túc thì cũng may mắn lắm rồi. Tuy nhiên đức tin và nhiệt tình nẩy nở nơi một người đủ đáng giá hơn cả hàng trăm quyển sách bị phí phạm.

Chúng ta cũng cần học hỏi và chạy đua với một kinh nghiệm Phật giáo: Ấn tống. Từ “ấn tống” gồm hai chữ ấn = in và tống = tặng. Sách Phật có những chương dài nói về lợi ích của việc in sách tặng không, chẳng những ích lợi cho công cuộc “hoằng pháp” (tương đương với “loan báo Tin mừng” của ta) mà còn đem lại cho người ấn tống rất nhiều ơn ích cụ thể trong cuộc sống.

Đôi khi tôi chợt nghĩ, chắc phải trao đổi với anh em Phật tử để tìm thêm một thuật ngữ mới có nghĩa là “thuê đọc sách”, ai đọc sách sẽ được thưởng. Đây không phải là chuyện đùa. Số người chịu đọc sách ngày càng hiếm hoi. Các giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu muốn có được những ơn gọi tốt, một tầng lớp trí trẻ năng động và giàu nhiệt tình loan Tin mừng, cần cấp tốc mở những “hội thi đọc sách”

Trên trang “Triết học Đường phố” có bài viết được chú ý nhiều của một tác giả ẩn danh tựa đề "Tủ rượu của người Việt và tủ sách của người Do Thái”. Tác giả ghi lại nhận xét của Giáo sư Chu Hảo, một học giả gạo cội của Việt Nam và đang là Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức. Ông và nhà xuất bản Tri Thức hiện đang dịch và phát hành các đầu sách tinh hoa của nhân loại nhằm giới thiệu và lan tỏa các giá trị, tư tưởng tiến bộ của nhân loại đến với người Việt. Thế nhưng, một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam lại tiêu thụ chưa đầy 1.000 cuốn sách loại này, trong khi đó tại Nhật Bản thời cải cách Minh Trị – Thiên Hoàng (1866-1869), 30 triệu dân Nhật lại tiêu thụ tới hàng trăm ngàn cuốn sách tinh hoa ấy!!! Giáo sư Chu Hảo nói tiếp: Thế nhưng các loại sách tình cảm hời hợt, thậm chí kích dục lại có số lượng tiêu thụ 5000 – 10000 cuốn ở Việt Nam. “Văn hóa đọc của người Việt hiện nay quá kém.” – vị giáo sư kết luận.

Tiếp đó, tác giả bài báo so sánh thêm:

Ở các nước Âu – Mỹ, lấy ví dụ ở Pháp hiện nay, trung bình một người dân Pháp đọc tới 20 cuốn sách mỗi năm, đối với người dân sống ở thành phố, tầng lớp tri thức, con số đó lên tới 30-50 cuốn mỗi năm (Nguyễn Hương, bài “Người Việt ít đọc sách: Cần những chính sách để thay đổi toàn diện”).

Ở một quốc gia gần hơn trong cộng đồng ASEAN, đó là Malaysia, số lượng sách được đọc trên đầu người là 10-20 cuốn/người/năm (2012, số liệu từ ông Trần Trọng Thành, công ty sách điện tử Aleeza).

Và ở Việt Nam, theo con số do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố ngày 12/04/2013 ngay trước thềm sự kiện “Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc”, số lượng sách một người Việt đọc trong một năm là… 0,8 cuốn, nghĩa là người Việt Nam đọc chưa đầy 1 cuốn sách trong 1 năm!!! (http://www.triethocduongpho.com/2014/01/12/)

Câu hỏi chúng tôi muốn nêu lên cho các mục tử và cộng đồng Dân Chúa là: Số lượng sách một người Việt đọc trong một năm là… 0,8 cuốn, còn số lượng sách một người Công giáo Việt Nam đọc trong một năm là… ??? Có đến 0,8 cuốn chăng?

Một nhóm giáo lý viên đế tận nhà giới thiệu sách Công giáo cho các gia đình, cả lịch Công giáo. Có những người đã mua sách ủng hộ. Họ trả tiền sòng phẳng rồi gửi sách lại: “Các bạn muốn đưa cho ai đọc thì đưa, để đây rồi cũng bỏ uổng chứ không ai đọc đâu!”

Sáu năm trước, chúng tôi kêu gọi mỗi giáo xứ tổ chức một quầy phát hành sách. Sáu năm sau vẫn chưa có giáo xứ nào hưởng ứng, chúng tôi xoay sang cổ võ mỗi giáo hạt một phòng bán sách, phục vụ mỗi tuần hai ngày. Thế nhưng xem chừng rồi cũng chẳng có ai hưởng ứng. Hiện nay đang là năm tân phúc âm hóa cuộc sống giáo xứ, rồi sang năm sẽ đến năm tân phúc âm hóa cuộc sống xã hội. Ta tha hồ kêu gọi nhưng đám người đọc sách đang trên đà tuyệt chủng thì e rằng tất cả rồi cũng chẳng đi tới đâu.

Xin chúc mọi người và chúc cả bản thân tôi một Năm mới 2015 tràn đầy hạnh phúc trong Chúa và có cảm hứng để đọc thêm một vài quyển sách, và hơn nữa, có được sự quảng đại và can đảm để lên một kế hoạch tặng sách nhằm loan báo Tin mừng.

Lm TRĂNG THẬP TỰ

***************************


 

LỜI GIỚI THIỆU

Trong khung cảnh trước và sau ngày khai mạc Năm Đức Tin (11.10.2012), Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII tại Rôma, từ ngày 7 đến 28 tháng 10 năm 2012, với chủ đề: “Tân Phúc-âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”.

Tân Phúc-âm-hóa là rao giảng Tin Mừng bằng nhiệt tình mới, với những phương pháp mới và những cách diễn tả mới, cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Cuộc Tân Phúc-âm-hóa phải bắt đầu từ mỗi gia đình công giáo là Hội Thánh thu nhỏ, nhờ đó mỗi Kitô hữu tái khám phá và làm mới lại đức tin của mình, đổi mới cuộc sống theo tinh thần Phúc Âm, để có thể ra đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ khác một cách hăng say và có hiệu quả.

Vì thế, trong năm 2014 này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi mọi người Công giáo Việt Nam cùng nhau phúc-âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy các gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng.[1] Cũng trong năm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ triệu tập một Thượng Hội Đồng đặc biệt về gia đình, từ ngày 5 đến 18 tháng 10, với chủ đề: “Các thách đố mục vụ của gia đình trong bối cảnh Tân Phúc-âm-hóa”.

Việc Tân Phúc-âm-hóa đòi buộc mỗi gia đình công giáo không những phải là những cộng đoàn cầu nguyện, phục vụ sự sống, mà còn phải gia tăng đức ái để trở thành những cộng đoàn yêu thương kiểu mẫu, trong đó mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa, và cuối cùng phải trở thành những cộng đoàn tham gia vào sứ vụ phúc-âm-hóa của Giáo Hội.[2]

Để giúp các gia đình công giáo thực hiện công cuộc Tân Phúc-âm-hóa, Ban Mục Vụ Gia Đình và Ban Mục Vụ Văn Hóa của Giáo Phận Qui Nhơn xin gửi đến các gia đình quyển SỔ TAY TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH VÀ GIA TỘC gồm 2 phần. Phần I với tựa đề “Mối bận tâm hiện nay của Hội Thánh về gia đình”, gồm những văn bản hướng dẫn của các vị chủ chăn. Phần II với tựa đề “Một số chỉ dẫn thực hành”, gồm 54 đề tài cụ thể được biên soạn ngắn gọn dựa theo giáo huấn của Hội Thánh và được tập hợp thành 3 đề mục: “Gia đình giáo dục”, “Gia đình sống đạo” và “Gia đình truyền giáo”.

Tôi trân trọng giới thiệu quyển sổ tay này với các gia đình như một nỗ lực nhỏ bé nhằm giúp các gia đình thực hiện việc Tân Phúc-âm-hóa chính mình, để trở thành những cộng đoàn sống đức tin và truyền bá đức tin trong môi trường sống của mình.

             Qui Nhơn, Chúa nhật I Mùa Vọng, 01.12.2013

             X Matthêô Nguyễn Văn Khôi

             Giám mục giáo phận Qui Nhơn

 


[1] Xem HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 2013 gửi cộng đồng Dân Chúa (10.10.2013), số 5.

[2] Xem Thư chung 2013, số 6.

Danh mục: