3 bài tĩnh tâm Mùa Chay 2025
- T2, 14/04/2025 - 16:06
- Lm Anmai, CSsR
ÂN SỦNG CỦA CHÚA LỚN HƠN TỘI LỖI CHÚNG TA
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
Bấy giờ, Đức Giêsu đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng giữa rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Họ nói thế nhằm thử Người để có cớ tố cáo. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, Người ngẩng lên và bảo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ đứng ở giữa.
Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Chúng ta nghe Thánh Phaolô nói: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” Lời này thật lạ lùng: tội lỗi đầy tràn, nhưng ân sủng Chúa còn lớn hơn. Thánh Gioan cũng nói: “Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta.”
Chúng ta nhìn vào thực trạng tội lỗi của mình. Có khi chúng ta không thấy, nhưng tội lỗi lan tràn không chỉ trong cá nhân mà còn khắp mặt đất. Ngày nay, người ta ngại nói về tội lỗi.
Thái độ của con người ngày nay rất liều lĩnh, dám vượt qua “vùng cấm địa.” Ví dụ, trong đời sống gia đình, vợ chồng có thể cãi vã, nhưng ngoại tình là “vùng cấm địa.”không được vượt qua. Nếu vượt, mọi thứ sẽ đổ vỡ.
Trong mối quan hệ với Chúa, con người cũng đã vượt qua “vùng cấm địa.”. Kinh Thánh kể rằng Chúa cho con người tự do làm mọi sự, nhưng cấm ăn trái cây biết thiện ác – đó là lằn ranh đỏ. Tuy nhiên, Adam và Eva đã vượt qua, ăn trái cấm, và mọi sự đổ vỡ.
Vượt qua “vùng cấm địa.”là gì? Là tự cho mình quyền quyết định điều gì tốt, điều gì xấu, thay vì để Chúa định đoạt. Ngày nay, người ta định nghĩa lại: điều họ thích thì cho là tốt, điều không thích thì cho là xấu. Tệ hơn, họ quyết định theo số đông. Nhiều quốc gia cho phép điều này, điều kia chỉ vì dư luận đồng ý.
Ví dụ, Đức Tổng Giám Mục Pierre d’Ornellas, trưởng ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Pháp, từng kể rằng Tổng thống Pháp Macron thừa nhận Giáo hội có lý khi phản đối thụ thai nhân tạo, nhưng họ vẫn quyết định theo số đông. Đó là vượt qua lằn ranh đỏ.
Hậu quả là tiêu chuẩn luân lý trở nên rối loạn. Người ta đòi công nhận hôn nhân đồng tính, ly dị, tham nhũng, nói dối, xúc phạm nhau trên mạng xã hội… như chuyện bình thường, vì “ai cũng làm vậy.”
Hơn nữa, sau khi Adam và Eva ăn trái cấm, Chúa lo sợ họ ăn thêm trái cây sự sống, nên đuổi họ khỏi vườn Êđen. Nhưng con cháu họ – chúng ta – đã vượt qua lằn ranh đỏ để “hái trái sự sống,” tức tự cho mình quyền quyết định về sự sống.
Sự sống là thiêng liêng, nhưng người ta coi như đồ vật, đối tượng kỹ thuật. Chiến tranh, phá thai, thụ thai trong ống nghiệm, trợ tử… đều là những hành động vượt qua lằn ranh đỏ. Hậu quả là nhân loại chìm trong tội lỗi, mất hạnh phúc, mất bình an.
Chúng ta dần mất ý thức về tội lỗi. Tội lỗi như chiếc áo trắng bị bẩn lâu ngày, ta quen dần và không còn thấy bẩn nữa.
Trong Tin Mừng, Chúa nói: “Ai vô tội thì ném đá trước.” Ngày xưa, mọi người bỏ đi vì nhận ra mình có tội. Nhưng ngày nay, nhiều người vẫn đứng lại, không ý thức mình có tội, vẫn phán xét, ném đá nhau trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta không thất vọng. Ở đâu tội lỗi lan tràn, ân sủng Chúa càng chứa chan. Người Kitô hữu đặt niềm hy vọng nơi Chúa. Ngay từ khi Adam và Eva phạm tội, Chúa đã hứa cứu chuộc. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, chỉ biết tha thứ.
Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, người cha không chờ con xin lỗi mà đã tha thứ từ trước. Khi người con hoang đàng trở về, cha đã sẵn sàng áo mới, nhẫn, giày, và con bê béo để mừng con trở lại.
Trên thánh giá, Chúa tha thứ ngay lập tức cho kẻ trộm lành: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Chúa tha thứ dứt khoát, không trì hoãn.
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.” Chúa sai Con Một đến để đền tội cho chúng ta. Vì thế, chúng ta không bao giờ được thất vọng.
Thiên Chúa không kết án. Hỏa ngục không phải do Chúa tạo ra để nhốt chúng ta. Chúa chỉ tạo nên thiên đàng, ánh sáng, hạnh phúc. Hỏa ngục là do chúng ta tự tạo khi rời xa Chúa.
Ví dụ, một đứa trẻ bẩn thỉu muốn ôm mẹ, nhưng không thể vì nó quá bẩn. Khi chúng ta phạm tội, rời xa Chúa, đến lúc đối diện với Ngài, chúng ta sẽ thấy Ngài là ánh sáng, hạnh phúc, nhưng không thể đến gần vì chính chúng ta đã chọn con đường khác. Đó là hỏa ngục – sự đau khổ vì khao khát Chúa mà không thể đến được.
Cẩn thận với chiến thuật của Satan:
Lừa chúng ta nghĩ mình không có tội. Chúng ta dễ ảo tưởng mình đạo đức, không thấy lỗi lầm. Nhưng trong ánh sáng Chúa, chúng ta sẽ thấy mình đầy tội.
Trước khi phạm tội, Satan nói: “Không sao đâu, cứ làm đi.” Chúng ta dễ liều lĩnh, nghĩ rằng phạm tội rồi sẽ xưng tội là xong.
Sau khi phạm tội, Satan khiến ta khó nhận ra tội, biện minh, hoặc thất vọng, nghĩ rằng Chúa không tha thứ.
Chúng ta phải đặt mình trong ánh sáng Chúa, nhận ra tội lỗi, khiêm tốn sám hối, chạy đến với lòng thương xót của Ngài.
Sám hối không chỉ là từ bỏ tội lỗi, mà còn là làm lại cuộc đời mới. Chúng ta được tạo dựng để làm con cái Chúa, hướng đến sự sống đời đời. Đó là niềm hy vọng lớn lao.
Adam và Eva đã đánh mất hạnh phúc vì một quả táo. Chúng ta cũng dễ chạy theo những thứ tầm thường – tiền bạc, quyền lực, dục vọng – mà quên niềm hy vọng cao cả.
Thánh Phaolô khuyên: “Hãy giữ vững niềm hy vọng anh chị em đang có.” Chúa nói với người phụ nữ ngoại tình: “Hãy về và đừng phạm tội nữa.”
Tác giả Thư Do Thái dạy: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua, đôi mắt đăm đăm nhìn lên Đức Giêsu.” Sám hối là đổi đời, hướng về Chúa, không rời mắt khỏi Ngài.
Chúng ta phải siêng năng đọc Lời Chúa, chầu Thánh Thể, làm bổn phận với Chúa đồng hành. Nếu không, chúng ta dễ bỏ cuộc, như những con chó sói chạy theo mà không thấy mục tiêu. Chỉ con sói thấy con mồi mới chạy đến cùng.
Chúng ta phải thấy Chúa Giêsu, thấy tình yêu Ngài, thấy cùng đích đời mình, để chạy đến cùng mà không bỏ cuộc.
Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ý thức về tội lỗi, thanh tẩy chúng ta, và ban lòng yêu mến để bước theo Ngài trung kiên, giữ vững niềm hy vọng.
+++++++++++++++++
VƯỢT QUA ĐAU KHỔ
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 24,13-35)
Cũng trong ngày ấy, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc bàn tán, chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ bị ngăn cản, không nhận ra Ngài.
Ngài hỏi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một người tên là Clêôpa trả lời: “Chắc ông là người duy nhất ở Giêrusalem mà không biết những chuyện đã xảy ra mấy hôm nay.” Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét, người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Ngài để bị án tử hình và đóng đinh vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay đã là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người phụ nữ trong nhóm chúng tôi làm chúng tôi kinh ngạc. Họ ra mộ từ sáng sớm, không thấy xác Ngài đâu, về còn nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Ngài vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ và thấy sự việc đúng như các bà nói, nhưng chính Ngài thì họ không thấy.”
Bấy giờ, Đức Giêsu nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật chậm tin vào lời các ngôn sứ. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Ngài sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho họ những điều liên quan đến Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh.
Khi gần tới làng, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn. Họ nài nỉ: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.” Ngài mới vào ở lại với họ. Khi đồng bàn, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Ngài, nhưng Ngài biến mất.
Họ bảo nhau: “Dọc đường, khi Ngài nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay về Giêrusalem, gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp. Những người này bảo: “Chúa đã trỗi dậy thật và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai môn đệ thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh.
Đó là Lời Chúa.
Chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình. Chúng ta có tội, nhưng đã vượt qua “lằn ranh đỏ” và trông cậy vào Chúa. Chúa yêu thương, tha thứ cho chúng ta hoàn toàn. Chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Chúa. Chắc chắn Ngài tha tội cho chúng ta, miễn là chúng ta mở lòng đón nhận.
Tiếp tục chúng ta nói về khía cạnh thứ hai: sự đau khổ. Trong cuộc đời, ai trong anh chị em không biết khổ là gì? Chắc chỉ có người giàu sang may ra mới không khổ, còn tất cả chúng ta đều chịu đau khổ. Vậy đứng trước đau khổ, chúng ta có thái độ thế nào? Chắc chắn là chúng ta hy vọng. Nhưng niềm hy vọng ở đây không chỉ là mong hôm nay khổ, ngày mai sẽ đổi sang tình huống khác. Không phải chỉ là cảm xúc tâm lý, mà là niềm tin, hy vọng, cậy trông vào Chúa.
Quan trọng hơn, chúng ta thấy sự cần thiết của đau khổ. Đau khổ không phải ngẫu nhiên. Như các môn đệ Emmau ngày xưa, họ thất vọng, nhưng Chúa đến, giải thích và nói: “Phải qua đau khổ mới đến vinh quang.”
Mời anh chị em đứng để lắng nghe Lời Chúa.
Có lẽ đôi khi chúng ta tự hỏi: “Tại sao Chúa phải chịu đau khổ? Tại sao Chúa chịu chết? Sao Chúa không chọn con đường cứu độ nào nhàn hơn, để chúng con cũng đỡ vất vả?” Chúa chọn con đường thánh giá, và chúng ta cũng phải theo Ngài trên con đường ấy. Khổ quá!
Qua đoạn Tin Mừng, chính Chúa Giêsu đã giải thích: từ ông Môsê qua các tiên tri, cả kế hoạch cứu độ được định sẵn. Thánh giá không phải chuyện bất đắc dĩ, không phải vì Chúa “dại” hay không đủ khôn ngoan. Nếu Chúa “khôn” hơn, có lẽ Ngài chẳng chết đâu? Không, kế hoạch của Chúa là như vậy: phải qua thánh giá mới đến vinh quang.
Các môn đệ ban đầu không hiểu, nhưng khi được Chúa giải thích, họ nhận ra: Chúa Giêsu chịu chết, chiến thắng sự chết, chiến thắng đau khổ, chiến thắng tội lỗi, và sống lại. Đó là niềm hy vọng Kitô giáo của chúng ta: qua đau khổ mới đến vinh quang. Đau khổ không phải bất đắc dĩ, mà là con đường chúng ta phải đi. Nhưng kết thúc của nó rất tươi sáng, đẹp hơn những gì chúng ta tưởng tượng.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp đau khổ. Có những đau khổ do chính mình gây ra:
Vội vàng, chạy xe không nhìn trước nhìn sau, té gãy tay gãy chân, mất mạng. Đừng trách Chúa, tại mình!
Uống rượu, nóng nảy, đánh nhau, bị thương. Cũng tại mình!
Những đau khổ này, muốn hết thì phải sửa mình: bình tĩnh hơn, yêu thương hơn. Nhưng đôi khi, chúng ta muốn làm điều tốt mà không làm được; muốn tránh điều xấu, nhưng cứ sa vào. Không chỉ chúng ta, thánh Phaolô cũng từng than: “Điều lành tôi muốn, tôi không làm; điều xấu tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19). Vậy thì chúng ta cầu nguyện, hy vọng, cậy trông vào ơn Chúa để được giúp sức.
Nhưng cũng có những đau khổ khác mà chúng ta không hiểu được. Nó bỗng dưng ập đến, không lý giải nổi. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra rằng những đau khổ ấy có thể mang lại lợi ích lớn hơn, một ân huệ mà ta chưa thấy.
Người ta kể rằng, ở Luân Đôn, trước sảnh nhà thờ chính tòa Westminster, có một họa sĩ vẽ một bức tranh rất đẹp. Ông say mê ngắm tác phẩm của mình. Vì bức tranh lớn, ông phải lùi dần để nhìn toàn cảnh. Ông lùi mãi, lùi mãi, đến sát mép dàn giáo mà không hay biết, vẫn mải mê chiêm ngưỡng. Nếu hét lên cảnh báo, ông có thể hoảng hồn, ngã xuống.
Người phụ tá nghĩ ra cách: cầm nắm bột màu, ném vào bức tranh. Phản ứng tự nhiên của họa sĩ là lao tới để bảo vệ tác phẩm. Nhờ vậy, ông không ngã. Phải “phá” bức tranh để cứu mạng ông.
Thưa anh chị em, có những đau khổ cũng như vậy. Nó xảy ra để cứu chúng ta khỏi tai họa khác.
Như thánh Phaolô, trên đường đi bắt bớ các Kitô hữu ở Đamas, ông ngã ngựa. Tôi nghĩ ông hăng quá nên ngã, chứ không phải Chúa bắt ngã. Nhưng Chúa nhân cơ hội đó để mặc khải cho ông. Ngã ngựa thì đau, lại bị mù mắt. Nhưng nhờ ngã ngựa, Chúa chinh phục ông, khiến ông không tiếp tục bắt bớ, giam cầm các Kitô hữu. Đau khổ ấy cứu ông khỏi sự dữ, mang lại lợi ích lớn hơn.
Có những đau khổ khác trở thành hiến tế, mang lại ơn cứu độ, như sự đau khổ của Chúa Giêsu. Đau khổ, cái chết chẳng ai muốn. Nó không tốt đẹp gì. Nhưng Chúa biến cái xấu thành cái tốt.
Giống như ly nước chanh, chỉ có chanh thì chua, chẳng ai uống nổi. Không lẽ đổ đi? Không, thêm chút đường vào, thành nước chanh đường, ngon hơn cả chanh, hơn cả đường. Chúa làm như vậy. Đời chúng ta có đau khổ, tội lỗi, đủ thứ. Nhưng Chúa đem tình yêu đến, bỏ vào đau khổ, khiến mọi sự nên tốt đẹp. Thánh giá là thế: đau khổ, cái chết chẳng ai muốn, nhưng Chúa đặt tình yêu vào đó, biến nó thành hy lễ cứu độ.
Điều tôi muốn chia sẻ tối nay là chúng ta phải xác tín và tín thác hoàn toàn vào kế hoạch kỳ diệu của Chúa quan phòng.
Tại sao phải tín thác? Vì chúng ta chỉ thấy một khúc đường, thấy đau khổ, thấy xấu xa, tệ hại. Nhưng Chúa thấy cả con đường dài, thấy cái chung kết tươi đẹp. Lịch sử nhân loại, cuộc đời mỗi người, lịch sử Giáo hội đều có những giờ phút đêm tối, đau khổ, xen lẫn ánh sáng, hạnh phúc. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa dẫn dắt chúng ta trên những nẻo đường tốt nhất.
Tất cả những gì tốt nhất, Chúa sẽ dẫn đến. Đau khổ chỉ là một giai đoạn, một cách Chúa thanh luyện chúng ta để đón nhận hồng ân, một tương lai tốt đẹp.
Trong lời nguyện lễ kính thánh Giuse, có câu: “Lạy Chúa, Chúa dẫn chúng con đi trên những nẻo đường chúng con không bao giờ nghĩ tới.” Thánh Giuse đã được dẫn như thế. Chúa cũng dẫn mỗi người chúng ta trên những con đường mà ta không ngờ tới, nhưng Ngài thấy rõ.
Anh chị em nhớ câu chuyện ông Giuse ở Ai Cập không? Không phải thánh Giuse, mà là Giuse, con út của ông Giacóp. Ông có 12 anh em. Giuse có ơn đặc biệt: mơ những giấc chiêm bao. Ông mơ thấy mình vượt trên anh em – 12 bó lúa, bó của ông lớn nhất. Các anh ghen ghét. Một hôm, ông được cha sai đi thăm các anh đang chăn chiên ngoài đồng. Họ nhận ra: “Thằng này muốn làm vua chúng ta hả?” Thế là bắt ông, định giết, nhưng rồi bán cho đoàn lái buôn sang Ai Cập làm nô lệ.
Ở Ai Cập, Giuse bị tù, tăm tối, đau khổ, tưởng chừng không còn tương lai. Nhưng trong tù, ông vẫn mơ. Ông thấy Ai Cập sẽ có 7 năm được mùa, rồi 7 năm mất mùa. Vua Pharaô nghe, thử áp dụng: tích trữ lương thực trong 7 năm được mùa. Quả nhiên, 7 năm mất mùa đến. Nhờ lương thực dự trữ, Giuse được giải phóng, trở thành tể tướng, phân phát lương thực cứu dân.
Trong lúc đó, ở quê nhà Cana, gia đình ông Giacóp đói khổ. Các anh của Giuse được sai xuống Ai Cập mua lúa. Họ không nhận ra Giuse, nhưng ông nhận ra các anh. Các anh lo sợ: “Chết rồi, nó trả thù mình!” Nhưng Giuse nói: “Các anh đừng sợ. Chính vì muốn cứu các anh, cứu gia đình mình mà Chúa đã sai em xuống Ai Cập trước.”
Khi bị bán làm nô lệ, bị tù, Giuse đâu thấy gì ngoài đau khổ, tăm tối? Nhưng sau này, ông nhận ra: Chúa đưa ông xuống Ai Cập để chuẩn bị một tương lai tươi sáng, cứu cả gia đình. Không có đau khổ quá khứ, không có hiện tại tốt đẹp ấy.
Chúng ta thấy khi sự dữ qua đi, nhìn lại, ta mới thấy bàn tay Chúa quan phòng. Đứng trước đau khổ, đừng vội than trách. Chúng ta chưa hiểu, nhưng Chúa đang dẫn ta trên những nẻo đường tốt nhất.
Chúa luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Đau khổ chỉ là giai đoạn thanh luyện để nhận hồng ân lớn hơn. Như thánh Phaolô nói: “Những gì Chúa ban vượt gấp trăm ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin, dám nghĩ tới.” (x. Ep 3,20).
Chúng ta thường nghĩ “tốt” là thân xác thoải mái, ăn ngon, mặc đẹp, đời sống cá nhân sung sướng. Nhưng Chúa muốn cái tốt lớn hơn:
Không chỉ tốt cho đời này, mà cả đời sau.
Không chỉ tốt cho thân xác, mà cả linh hồn.
Không chỉ tốt cho cá nhân ta, mà cả cho người khác.
Tình thương của Chúa bao trùm tất cả, mà ta thường không thấy.
Trong Cựu Ước, khi dân Do Thái được giải thoát khỏi Ai Cập, họ đi từ Ai Cập lên đất hứa Cana. Có con đường ngắn, đi thẳng qua xứ Philistin, chỉ vài tháng là tới. Nhưng Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa không dẫn họ theo con đường ấy, dù nó gần hơn. Vì nếu đi đường này, họ phải chiến đấu với dân Philistin, dễ hối hận và quay lại Ai Cập.”
Thay vào đó, Chúa dẫn họ đi vòng qua sa mạc, đường xa hơn, nhưng yên bình, không phải đánh nhau. Trong sa mạc, dân thiếu thốn: không nước, không thức ăn. Nhưng Chúa quan phòng: cho manna, chim cút, nước chảy từ tảng đá. Dân Do Thái kêu trách, không hiểu rằng đây là con đường tốt nhất.
Chúng ta cũng vậy. Ta nghĩ đời mình phải thế này, thế kia mới là hạnh phúc. Nhưng Chúa dẫn ta trên con đường tốt nhất. Hãy tin tưởng và hy vọng.
Mỗi người được Chúa cho một kế hoạch riêng. Qua đau khổ, bình an, hạnh phúc, khó khăn, mục tiêu của Chúa là gì? Rẽ một con đường đi vào trái tim chúng ta. Chúa chinh phục trái tim ta. Khi cảm nhận được tình yêu của Ngài, ta sẽ thốt lên: “Chúa dẫn con đi mà con không biết.”
Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Đừng bao giờ thất vọng. Các thánh khuyên:
Trong đau khổ, nhớ lại những giờ phút hạnh phúc. Chúa đã ban hạnh phúc, Ngài sẽ ban tiếp.
Trong hạnh phúc, nhớ chuẩn bị đón đau khổ sắp tới.
Hạnh phúc, đau khổ đều là con đường Chúa mở để đi vào trái tim ta.
Đứng trước đau khổ, hãy bình thản. Ngay cả người không tin Chúa cũng cố vượt qua số phận. Người khuyết tật, cụt tay, cụt chân, vẫn học vi tính, làm giám đốc công ty. Họ không than thân trách phận, mà sống lạc quan.
Trong gia đình, chúng ta đối mặt với bệnh tật, tính tình vợ chồng, cha mẹ con cái, nghèo khó, bệnh lâu năm. Có những đau khổ bỗng dưng ập đến: tai nạn, động đất – như ở Myanmar cách đây hai tuần, hơn 3.000 người chết, bao công trình sụp đổ.
Hãy bình thản đón nhận đau khổ. Chắc chắn Chúa ban ơn để ta vượt qua hoang mang, thất vọng. Hãy tin tưởng, phó thác vào Ngài.
Các tông đồ khi được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng, họ chịu bao đau khổ: bách hại, đánh đòn, tù đày. Thánh Phaolô đi truyền giáo, chịu gian khổ khắp nơi. Nhưng các ngài tin tưởng, như hai môn đệ Emmau trong Tin Mừng. Họ nhận ra: Chúa Giêsu đã sống lại, là Đấng hằng sống, luôn ở bên cạnh.
Dù bị tù, bị đánh, các tông đồ vẫn xông pha với niềm tin: Đức Kitô phục sinh ở bên họ. Đó là niềm hy vọng của người Kitô hữu: Chúa Giêsu đã chiến thắng, không còn gì phải sợ.
Vậy chúng ta hãy cầu nguyện, trình bày với Chúa: “Lạy Chúa, con đau khổ quá, xin giải thoát con. Nếu đẹp lòng Chúa, xin cho con khỏi chén đắng này.” Như Chúa Giêsu, đứng trước cái chết, Ngài cũng sợ, buồn, lo lắng, đổ mồ hôi máu. Đau khổ của ta còn nhẹ lắm, chưa đến mức ấy.
Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha.” (Mt 26,39).
Thư Do Thái nói: “Chúa Giêsu cầu nguyện như thế và đã được nhậm lời.” Nhậm lời thế nào? Chúa Cha có cho Ngài khỏi chết không? Không. Chúa Giêsu vẫn bị bắt, bị đánh, bị treo trên thập giá. Vậy nhậm lời ở chỗ nào?
Chỗ này: Chúa Cha không ban điều Chúa Giêsu xin, mà ban điều lớn hơn, cao đẹp hơn. Cái chết của Ngài là cần thiết để mang ơn cứu độ. Chúa Cha cho Ngài sống lại, mở ra sự sống mới, vượt lên thân xác đau khổ, dẫn đến tương lai tươi sáng. Đó mới là điều quý giá.
Chúng ta thường chỉ nghĩ đến sự sống phần xác. Nhưng Chúa Cha nghĩ xa hơn, ban điều lớn hơn những gì ta tưởng. Hãy tin tưởng, cậy trông vào Ngài.
Chúa Giêsu nói: “Con Người phải trải qua đau khổ để đến vinh quang.” (x. Lc 24,26). Tất cả chúng ta cũng vậy. Thánh Phaolô khẳng định: “Những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 8,18).
Vậy hãy tận dụng đau khổ, dâng lên Chúa Cha như hiến tế, như Chúa Giêsu đã dâng cái chết của Ngài. Dâng đau khổ với lòng yêu mến, tin tưởng, cậy trông, như bỏ đường vào ly nước chanh, để nó trở thành ly nước chanh đường, mang ơn cứu độ.
Trong gia đình, có những người chồng, người vợ chịu đau khổ triền miên vì nhau, cha mẹ khổ vì con, con khổ vì cha mẹ. Họ muốn thoát, nhưng không thoát được. Vợ chồng mà rời nhau thì vượt “lằn ranh đỏ”, đâu dễ? Ở lại thì chịu khổ.
Nhưng những người ấy âm thầm dâng đau khổ, kết hợp với thánh giá Chúa, để cầu xin bình an, hạnh phúc cho gia đình. Chúa nhậm lời. Có khi ta không thấy ngay, nhưng hãy tin rằng: mọi đau khổ, nếu biết dâng lên Chúa, sẽ trở thành nguồn ân phúc cho gia đình, Giáo hội, xã hội.
Đừng ngồi gậm nhấm hiện tại. Hãy vươn lên tầm nhìn cao hơn, xa hơn. Chúng ta xin Chúng cho chúng ta ơn can đảm để thay đổi những gì có thể thay đổi; ơn chấp nhận những gì không thể thay đổi; và ơn phân định để biết điều nào thay đổi được, điều nào không.”
Có những thứ thay đổi được, cần can đảm để thay đổi. Có những thứ không đổi được, cần can đảm chấp nhận. Khó nhất là phân định: cái nào đổi được, cái nào không? Phải xin ơn Chúa để biết. Khi phân định được, ta sẽ đón nhận những gì không đổi được, bỏ “đường” vào, để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúa dẫn ta trên những nẻo đường tốt nhất. Ta không thấy, nhưng Ngài thấy. Qua đau khổ, nhìn lại, ta sẽ nhận ra bàn tay Chúa.
Cụ thể, đừng bao giờ kêu trách Chúa, đừng than phiền, đừng buông xuôi. Luôn phấn đấu, cố gắng. Chúa Phục Sinh ở bên ta. Nếu buông xuôi, ta sẽ lây lan tinh thần thất vọng cho người xung quanh.
Hãy sống tích cực, dù trong hoàn cảnh đau thương. Chu toàn bổn phận hằng ngày, làm điều tốt nhất có thể, trông cậy vào Chúa, sống vui tươi, lạc quan, bình an.
Xin Chúa cho chúng ta hiểu ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Không ai chạy trốn được đau khổ. Càng trốn, càng khổ thêm. Hãy làm chủ tình hình, vượt lên số phận, biến cuộc đời mình thành ân phúc.
++++++++++++++++++
LAN TỎA NIỀM HY VỌNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 7,36-50)
Một người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa tại nhà mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Ngài đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Ngài, khóc nức nở, lấy nước mắt tưới ướt chân Ngài, rồi lấy tóc mình lau khô, hôn chân Ngài và xức dầu thơm lên.
Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Ngài liền nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, một thứ người tội lỗi!” Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông.” Ông thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.”
Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ 500 quan tiền, một người nợ 50. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Ngài nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi và lấy tóc mình lau khô. Ông chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô liu ông cũng không xức lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm xức lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng chứng là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”
Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ, những người đồng bàn nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Chúng ta vừa nghe một đoạn Tin Mừng hết sức đặc biệt, độc đáo và cảm động. Chúng ta thấy, trong câu chuyện này có hai loại người: một bên là người tội lỗi, nổi tiếng trong thành, có thể làm nghề gì đó không tốt, như mãi dâm chẳng hạn; còn bên kia là những người Pharisêu, những người được coi là đạo đức.
Và rồi theo câu chuyện Tin Mừng chúng ta vừa nghe thì ai tốt hơn ai? Chắc chắn chúng ta thấy rõ rồi. Không phải những người Pharisêu, những người mà xã hội cho là đạo đức, và chính họ cũng nghĩ mình đạo đức. Nhưng qua diễn tiến câu chuyện, chính những người tội lỗi biết sám hối mới là người tốt, người có thiện chí, người có hy vọng và yêu mến Chúa thật sự.
Những người Pharisêu tìm cách đè bẹp người khác, không muốn họ gặp gỡ Chúa Giêsu. Trong khi Chúa Giêsu muốn nâng người phụ nữ tội lỗi lên, thì họ lại muốn đè chị ấy xuống.
Trong năm Thánh này, chúng ta đang suy gẫm về niềm hy vọng. Chúa là Đấng khơi dậy niềm hy vọng nơi mỗi người chúng ta. Và chúng ta noi gương Chúa để khơi dậy và gieo rắc niềm hy vọng cho những người xung quanh.
Chúa khơi dậy niềm hy vọng như thế nào?
Ngay từ khởi thủy, khi Ađam và Evà phạm tội, dù Chúa có phạt, có đuổi họ ra khỏi vườn Êđen, nhưng Ngài đã hứa sẽ cứu độ loài người. Chúa không bỏ rơi con người, Ngài cho họ niềm hy vọng.
Khi tội lỗi lan tràn khắp mặt đất, đến độ phải có trận đại hồng thủy, Chúa vẫn để lại gia đình ông Nôê và hứa sẽ không bao giờ có trận lụt như vậy nữa.
Suốt thời Cựu Ước, dù dân Do Thái và loài người phạm tội, Thiên Chúa vẫn sai các ngôn sứ đến để khơi dậy niềm hy vọng, mong chờ Đấng Cứu Thế.
Ngay cả trong những giờ phút bi đát nhất, như khi dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon, thành Giêrusalem bị phá hủy, mất nước, Chúa vẫn nâng đỡ họ để hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Rồi đến Chúa Giêsu, như chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng, Ngài đến để khai mạc thời gian ân sủng, nâng cao phẩm giá con người. Chúa không bao giờ đè bẹp chúng ta, nhưng nâng chúng ta lên để được tham dự vào sự sống của Ngài, trở thành con cái Chúa, sống sung mãn, dồi dào.
Năm nay là Năm Thánh, thời gian của ân sủng. Nhưng thực ra, từ khi Chúa Giêsu sinh ra cho đến tận thế, tất cả là thời gian ân sủng. Khi Chúa vào hội đường Nadarét, Ngài đọc đoạn tiên tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.” Năm hồng ân, Năm Thánh, bắt đầu từ đó và kéo dài mãi mãi.
Chúa đã làm gì khi đến trần gian? Ngài chữa lành người đau ốm, kẻ nghèo đói, người tàn tật, người phong cùi, người bị quỷ ám. Chúa nâng họ dậy. Thái độ của Chúa luôn là tha thứ, khích lệ, nâng đỡ. Ngài nhìn con người với ánh mắt tích cực, không bao giờ tiêu cực.
Người phụ nữ trong Tin Mừng, nổi tiếng tội lỗi, bị mọi người trù dập, loại trừ. Nhưng Chúa nhìn thấy điểm tích cực nơi chị: tình yêu mến. Chị dám đổ bình dầu thơm, khóc lóc, xức chân Chúa. Chúa bênh vực chị trước mặt những người tự cho là công chính, mở ra cho chị một tương lai tươi sáng.
Chúa không bao giờ vùi dập, đè bẹp, loại trừ ai. Ngài không để ai thất vọng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tội lỗi đến đâu, bi đát đến đâu. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, vì nó rất quan trọng: Chúa không bao giờ vùi dập một con người!
Thánh Mátthêu trích sách Isaia: “Cây lau bị dập, Ngài không nỡ bẻ gãy; tim đèn leo lét, Ngài không nỡ dập tắt.” Cây lau yếu ớt, dập rồi, tưởng chừng không đứng lên được, vậy mà Chúa không bẻ gãy. Tim đèn chỉ còn leo lét khói, Chúa không dập tắt. Ngài luôn tìm thấy niềm hy vọng nơi mỗi con người, khơi dậy thiện chí để họ nên tốt hơn.
Đối với tội nhân, Chúa tha thứ và khơi dậy thiện chí để họ đứng dậy. Chúa nói: “Ta không kết tội con. Con hãy về và đừng phạm tội nữa.” Lời nói ấy khích lệ biết bao!
Với người phụ nữ Samaria, sống một cuộc đời chẳng mấy ý nghĩa, năm đời chồng, Chúa vẫn kiên nhẫn ngồi nói chuyện, không sợ tai tiếng. Ngài cảm thông, khích lệ, nâng đỡ, để cuối cùng chị tin vào Ngài.
Người phụ nữ bị còng lưng 18 năm, tuyệt vọng, bị xua đuổi vì hôm ấy là ngày Sabát, Chúa vẫn quan tâm, chữa lành, bênh vực.
Trẻ em, người thấp kém, người thu thuế, Chúa luôn quan tâm, bênh vực, nâng họ dậy, nói những lời khích lệ, đem lại niềm vui, cảm hứng, không bao giờ chê bai, đè bẹp, hay tỏ ra thất vọng.
Tha thứ mở ra tương lai tươi sáng
Chúng ta thấy lòng tha thứ của Chúa không thay đổi được quá khứ. Người phụ nữ trong Tin Mừng đã sống cuộc đời tội lỗi, điều đó là lịch sử, không thể xóa đi. Nhưng sự tha thứ của Chúa mở ra một tương lai tươi sáng, biến đổi cuộc đời chị.
Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người cha tha thứ cho đứa con hoang đàng, không chờ nó xin lỗi. Nếu người cha không tiếp nhận, đứa con sẽ bỏ đi tiếp. Nhưng vì được tha thứ, yêu thương, nó trở thành người con ngoan, sống cuộc đời hoàn thiện hơn.
Một vài ví dụ khác:
Sĩ quan Rôma, người ngoại đạo, xin Chúa chữa lành đứa đầy tớ. Ông nói: “Thầy chỉ cần nói một lời, đầy tớ tôi sẽ khỏi.” Chúa khen: “Tôi chưa thấy ai trong Israel có lòng tin mạnh mẽ như người này.” Dù là người ngoại, Chúa vẫn nhìn thấy điểm tích cực và khen ngợi.
Maria Mađalêna, bị bảy quỷ ám, một con người xấu xa, yếu nhược. Vậy mà sau khi được Chúa chữa lành, Ngài giao cho chị nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh trước cả các tông đồ.
Phêrô, người chối Chúa ba lần. Sau khi sống lại, Chúa cho ông cơ hội chuộc lỗi: “Simon, con có mến Thầy không?” Và Ngài trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên. Chúa dám đặt niềm hy vọng nơi Phêrô, và ông không bao giờ phản bội nữa, sống chết vì Thầy.
Phaolô, kẻ bách hại các Kitô hữu, được Chúa chọn làm khí cụ loan báo Tin Mừng. Nhờ cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, Phaolô hăng say truyền giáo, chịu bao gian khổ, sống chết vì Chúa.
Những ví dụ này cho thấy Chúa yêu thương chúng ta, khơi dậy niềm hy vọng, đánh thức những khả năng tiềm ẩn trong mỗi người. Khi cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, chúng ta phát huy niềm hy vọng để phục vụ Ngài và anh chị em.
Chúng ta làm gì để khơi dậy niềm hy vọng?
Giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta đã nhận được niềm hy vọng từ Chúa, giờ hãy khơi dậy niềm hy vọng nơi những người xung quanh, trong cộng đoàn, gia đình, khu xóm, công ty, giáo xứ.
Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta thực thi 14 mối thương người:
Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết.
Chúng ta có nhiều cơ hội để đáp ứng những nhu cầu thể xác, đem niềm hy vọng cho người nghèo khổ. Tôi rất vui khi biết trong thành phố, giáo phận chúng ta, có nhiều người làm việc bác ái. Có những nhóm âm thầm phát thực phẩm ở quận 8, Bình Chánh, hay gom góp ve chai để giúp người nghèo. Dù không vĩ đại, nhưng sự quan tâm ấy khơi dậy niềm hy vọng.
Mẹ Têrêsa Calcutta kể rằng, có lần bà mang ít gạo cho một gia đình nghèo. Người trong nhà chia sẻ ngay một phần gạo cho nhà hàng xóm cũng đang đói. Mẹ Têrêsa nói: “Người nghèo thương nhau lắm.” Ai trong chúng ta cũng có thể chia sẻ, dù chỉ một chút, để lan tỏa niềm hy vọng.
Có những nhóm nấu cháo ở bệnh viện, phát cơm không đồng, chăm lo cho người khuyết tật, người câm điếc, người bệnh. Nhu cầu trong xã hội rất nhiều. Chúng ta được Chúa thương xót, hãy khơi dậy niềm hy vọng cho anh chị em.
Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người, răn bảo kẻ mê muội, khuyên bảo kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, tha thứ cho người xúc phạm, chịu đựng người làm phiền, cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết.
Chúng ta cũng quan tâm đến đời sống tinh thần. Có những đoàn thể, như Legio Mariae, thường xuyên thăm viếng, an ủi, động viên, chia sẻ, cảm thông, gieo rắc niềm hy vọng.
Làm sao để khơi dậy niềm hy vọng trong cộng đoàn?
Trong cộng đoàn – gia đình, giáo xứ, khu xóm, công ty – chắc chắn có những cá nhân phạm tội, có tật xấu, có quan điểm khác nhau. Làm sao để thăng tiến cộng đoàn và gieo rắc niềm hy vọng?
Chúng ta trở lại dụ ngôn người cha nhân hậu. Người cha mở tiệc ăn mừng vì đứa con hoang đàng trở về. Nhưng người con cả không chịu vào, giận dỗi: “Con ở với cha bao năm, cha chẳng cho con con bê để ăn mừng. Còn thằng đó phung phí tài sản, bây giờ về, cha lại mở tiệc!” Tin Mừng để ngỏ: người con cả có vào không? Nếu không vào, đứa con thứ có ở lại không? Có khi nó lại bỏ đi.
Người cha tha thứ, đứa con thứ biết nhận lỗi, nhưng người con cả – người công chính – lại không chấp nhận em mình, lên án nó.
Chúa kể dụ ngôn này để trả lời những người Pharisêu và luật sĩ, khi họ lẩm bẩm: “Tại sao ông này ăn uống với người tội lỗi?” Người con cả chính là họ – những người tự cho mình công chính, muốn xua đuổi, không chấp nhận người tội lỗi.
Đứng trước thực tế trong cộng đoàn – tội lỗi, tật xấu, khác biệt – chúng ta phản ứng thế nào? Có hai cách:
Phản ứng tiêu cực:
Nổi nóng, giận hờn, kết án, giống Pharisêu ngày xưa.
Bạo lực: mắt đền mắt, răng đền răng, anh đánh tôi, tôi đánh lại; anh chửi tôi, tôi chửi lại.
Loại trừ: trong giáo xứ, công ty, gia đình, đẩy người có tội ra ngoài.
Làm lơ, không thèm nói chuyện, cũng là tiêu cực.
Nói xấu, rêu rao, nhất là trên mạng xã hội. Tạo phe nhóm, đòi người khác cũng phải lên án theo mình. Tự cho mình quyền xét đoán, nghĩ mình công chính, thánh thiện, để vùi dập người khác.
Những điều này không khơi dậy niềm hy vọng, mà làm tan nát cuộc đời người ta.
Phản ứng tích cực:
Noi gương Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương kẻ thù, chúc lành cho người nguyền rủa, cầu nguyện cho kẻ vu khống.” (Lc 6,27-28). Anh chơi xấu tôi, tôi chơi tốt với anh.
Chúa nói: “Nếu các ngươi chỉ chào hỏi người chào mình, làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì có gì hơn người ngoại?” Người Kitô hữu phải sống khác, yêu thương như Chúa, mới là con cái Ngài.
Đừng kết án, chỉ trích, nhai đi nhai lại chuyện cũ. Hãy quên quá khứ, như Chúa quên tội chúng ta. Chúa thánh thiện còn quên, sao chúng ta cứ nhớ để kết án, loại trừ người khác?
Ba nguyên tắc theo Tin Mừng để khơi dậy niềm hy vọng:
Xét mình trước:
Chúa nói: “Ai vô tội thì ném đá trước đi.” (Ga 8,7). Hãy lấy cái xà khỏi mắt mình trước, rồi mới lấy cái rác trong mắt người khác. Đừng buông thả với mình, nhưng khắt khe với người khác. Xét mình trước, rồi mới nói.
Kiên nhẫn:
Trong dụ ngôn cỏ lùng, người chủ bảo: “Cứ để cỏ lùng mọc chung với lúa cho đến mùa gặt.” Chúa là Đấng thánh thiện, không thể chung sống với tội lỗi, vậy mà Ngài kiên nhẫn, để cỏ lùng lại.
Chúng ta muốn xây dựng giáo hội thánh thiện, nhưng không thể tiêu diệt người tội lỗi. Thánh thiện không phải là loại trừ họ, mà là chịu đựng, gánh vác, chấp nhận nhau. Giáo hội thánh thiện không phải vì không ai phạm tội, nhưng vì chúng ta biết sám hối, biết chờ đợi nhau hoán cải, cùng nên thánh.
Sửa lỗi trong tình huynh đệ:
Chúa dạy: “Nếu anh em có chuyện với nhau, hãy đến gặp riêng, chỉ mình ngươi với người ấy.” (Mt 18,15). Kín đáo, âm thầm. Nếu không nghe, mới rủ thêm vài người bạn để nhắc nhở, vẫn kín đáo. Đừng đưa lên mạng, đừng rêu rao.
Ai giao cho chúng ta quyền làm quan tòa xét xử nhau? Đức Giáo Hoàng còn nói: “Tôi là ai mà dám xét đoán người khác?” Vậy chúng ta là ai mà dám phê phán, chửi bới người ta?
Làm sao để khơi dậy niềm hy vọng?
Tha thứ và chấp nhận nhau:
Tha thứ không thay đổi quá khứ, nhưng mở ra tương lai tươi sáng.
Có câu chuyện về hai cha xứ:
Một cậu bé giúp lễ làm vỡ bình rượu. Cha xứ bợp tai, mắng cậu. Cậu khóc, bỏ nhà thờ, bố mẹ cũng xa giáo xứ. Sau này, cậu trở thành người chống đối Giáo hội.
Một cậu bé khác cũng làm vỡ bình rượu. Cha xứ nhẹ nhàng hỏi: “Con có sao không? Rượu đổ có dính áo không? Lần sau cẩn thận nhé.” Cậu bé cảm nhận được yêu thương, gắn bó với nhà thờ, sau này trở thành linh mục, giám mục, rồi hồng y – Hồng y Fulton Sheen, người đang được điều tra để phong chân phước.
Hai thái độ, hai kết quả khác nhau.
Trong gia đình, đừng đè bẹp con cái bằng lời lẽ tiêu cực: “Mày lớn lên chỉ đi ăn cướp!” Hãy khơi dậy niềm hy vọng, nói lời tích cực để chúng tự tin.
Trong giáo xứ, đừng đòi đổi cha xứ vì ngài có khuyết điểm. Hãy chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau.
Nói lời tích cực, khích lệ:
Tránh chê bai, chỉ trích. Hãy khen ngợi, khám phá cái hay, cái tốt của nhau, tạo niềm vui và cảm hứng.
Có người thích chê: trang trí Giáng sinh, chuẩn bị Tuần Thánh vất vả, vậy mà bị chê vài câu, mọi người mất hứng. Hãy khen ngợi, khích lệ để người khác muốn phục vụ.
Trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ con cái, hãy khám phá điều tích cực. Đừng về nhà chê nồi canh mặn, mà không biết vợ hôm đó bị bệnh, cố gắng nấu ăn dù mệt. Hãy cảm thông, khen ngợi để lan tỏa niềm vui.
Lan tỏa niềm vui:
Mỗi sáng, soi gương, tập cười để thấy mình dễ thương. Ra đường, nở nụ cười với người khác, họ sẽ cười lại, và niềm vui lan tỏa.
Có bà mẹ kể: sáng nào con bà cũng dậy trễ, bà mắng, con khóc, bỏ ăn, ra đường trong tâm trạng buồn bã. Bà lo con gặp tai nạn, phải cầu nguyện cho nó. Nếu bà khích lệ thay vì mắng, đứa con sẽ vui vẻ, lan tỏa niềm vui đến công ty, đến mọi người.
Sử dụng mạng xã hội đúng cách:
Đừng dùng mạng xã hội để kết án, bạo lực, kéo bè kéo cánh, vùi dập người khác. Hãy lan tỏa niềm vui, tình yêu thương, chia sẻ điều tốt, khích lệ bằng lời tích cực.
Chúa nói: “Các ngươi đong bằng đấu nào, sẽ bị đong lại bằng đấu ấy.” (Mt 7,2). Hãy cẩn thận, đừng nghiêm khắc, chê bai, tẩy chay nhau. Đó không phải tinh thần Kitô hữu.
Chúng ta là những người được Chúa gieo rắc niềm hy vọng. Dù tội lỗi, dù đau khổ, chúng ta vẫn hy vọng vào Chúa. Vậy hãy trở thành sứ giả của niềm hy vọng, gieo rắc niềm hy vọng cho những người xung quanh.
Trong những ngày tĩnh tâm này, chúng ta đã nhận được nhiều ánh sáng từ Chúa. Hãy tạ ơn Ngài và quyết tâm:
Không phạm tội, tin tưởng vào Chúa.
Không kêu trách, nhưng phó thác cho Ngài.
Gieo rắc niềm hy vọng cho mọi người.
Xin Chúa ban muôn ơn lành cho anh chị em trong Tuần Thánh này, trong suốt Năm Thánh, và suốt cả cuộc đời.