Ai là chủ ? - Chủ động kiếm tìm
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Văn Nghĩa
AI LÀ CHỦ: BÌNH SÀNH HAY THỢ GỐM ?
(Thứ Năm sau Chúa Nhật I TN – 1Sm 4,1-11; Mc 1,40-45)
Dòng lịch sử cho chúng ta thấy hiện tượng đời sống tâm linh là nét riêng có của loài người. Theo chiều kích này thì người ta có thể nói: “con người là sinh vật có “tín ngưỡng - tôn giáo”. Vào thời đại sơ khai khi đối diện với các mảnh lực của thiên nhiên thì con người ít nhiều mặc lấy tâm tình sợ hãi. Vị thế nảy sinh nhiều hình thức kính tôn, sùng bái bằng các lễ vật dâng tạ, có khi bằng cả mạng sống con người. Bên cạnh đó việc xây đền đài, tạc tượng ảnh thần minh cũng dần phát sinh. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Có lễ vật lấy lòng thần minh thì muốn chiếm luôn lòng của thần đã hưởng lộc của mình. Tạc tượng ảnh thần minh và xây đền cho thần ngự thì lại dần muốn “nhốt” thần, sở hữu thần và điều khiển thần.
Chước cám dỗ này hiện rõ trong lịch sử dân được tuyển chọn, Israel. Khi Môisen lên núi thì dân đã yêu cầu Aaron tạc tượng con bê vàng. Không phải dân Chúa đan tâm bỏ Chúa mà đi thờ bò vàng. Thực ra họ muốn làm một cái ngai để Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa đã ngự trên cái ngai “con bò vàng” này thì họ sẽ nắm giữ được Thiên Chúa và dĩ nhiên sẽ điều khiển được Người theo ý họ. Sau khi vào hứa địa dân Chúa lại sử dụng hòm bia thánh và qua đó muốn buộc Thiên Chúa phải phục vụ cho lợi ích của họ. Hai người con của tư tế Hêli là Ophni và Phinê dù cũng là hàng tư tế nhưng thiếu phẩm hạnh. Lần kia khi giao chiến với quân Philitinh, hai ông đem hòm bia thánh ra trận, một cách nào đó muốn bắt Thiên Chúa đánh giặc cho mình. Ai ngờ quân Israel hôm ấy thảm bại và mất luôn cả hòm bia thánh vào tay quân Philitinh (x.1Sm 4,1-11).
Chiếc bình sành mà muốn làm chủ người thợ gốm là chước cám dỗ muôn thuở của kiếp người. Là tạo vật thì phải thần phục Đấng Sáng Tạo. Thế mà khi các lễ nghi, kinh kệ ra đời, khi các đền đài được xây, khi các ảnh tượng được làm thì con người dễ lầm tưởng rằng mình đã nắm được các thần minh. Luật Cựu Ước cấm dân Chúa không được tạc vẽ hình tượng Thiên Chúa là tránh cho dân khỏi rơi vào chước cám dỗ này. Chúa Giêsu đã từng căn dặn là khi cầu nguyện chớ có nhiều lời như bà con lương dân hay anh chị em khác đạo vì họ lầm tưởng rằng đọc đủ đầy các kinh kệ thì thần mình phải thực hiện ý nguyện của mình (x.Mt 6,7).
Bài Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Nhật I mùa Thường Niên tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người phung cùi (x.Mc 1,40-45). Lời van xin của người phung cùi với Chúa Giêsu thật đẹp: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. “Nếu Ngài muốn”, một lời tuyên xưng đức tin thật rõ ràng. Người phung cùi nhìn nhận Chúa Giêsu mới thực sự là người chủ có quyền năng và không ai có thể bắt Người làm những gì nếu Người không muốn.
Ranh giới giữa việc xin Chúa ban ơn lành và việc bắt Chúa ban ơn lành quả thật rất mỏng manh. Một lòng đạo đức mà thiếu ý thức và sự trưởng thành thì sự lấn ranh rất dễ xảy ra. Điều đáng cẩn trọng hơn, đó là nhiều tâm tình phó thác những tưởng rằng tốt nhưng thực ra là lỗi “đức trông cậy”, vì thụ động, quá ỉ lại, vi lười biếng hoặc sợ hãi mà chờ hoặc bắt Thiên Chúa phải ra tay. Vẫn có đó nhiều lời than thở như trách cứ: “Tại sao Chúa lại để cho sự dữ lan tràn? Tại sao nhiều kẻ độc tài, gian ác vẫn nhởn nhơ?” Nhưng Thiên Chúa sẽ trả lời: “Ta đã dựng nên ngươi. Ngươi là chiếc bình sành. Ta là người thợ gốm. Hãy làm điều Ta muốn! ”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
***********
CHỦ ĐỘNG KIẾM TÌM
(Thứ Tư sau Chúa Nhật I TN – 1Sm 3,1-10.19-20; Mc 1,29-39)
Kitô hữu chúng ta dưới ánh sáng lời mạc khải tin nhận rằng để sống và hành động tốt đẹp thì phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con biết việc phải làm…” là lời kinh mà hầu như ai cũng thuộc. Tuy nhiên điều chúng ta cần lưu ý là cách thế kiếm tìm thánh ý Chúa. Có thể phân việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa thành hai loại đó là thụ động và chủ động.
Bài đọc thứ nhất trích sách Samuel tường thuật chuyện trẻ Samuel được Thiên Chúa trực tiếp tỏ bày thánh ý của Người và Samuel lắng nghe, đón nhận (1Sm 3,1-10). “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Hình thức Thiên Chúa phán trước và Samuel lắng nghe có thể xếp vào loại “thụ động”. Hình thức này xem ra khá phổ biến trong Giáo hội Công giáo. Bề trên truyền, bề dưới nhận. Bề trên phán, bề dưới tuân theo. Đã từng một thời người ta gọi là “đức vâng phục” khi bề trên bảo gì thì làm nấy, thậm chí đã có thời được minh họa cách quá khích là biểu trồng chuối ngược cũng trồng! Vâng phục cách thụ động xem ra chưa thực sự trưởng thành nếu không muốn nói có nhiều trường hợp là rất “ấu trĩ”. Và dĩ nhiên khi thiếu sự trưởng thành thì tinh thần trách nhiệm bị hạn chế rất nhiều.
Bài Tin Mừng tường thuật một ngày hoạt động của Chúa Giêsu. Đến thăm nhà ông Simon, Chúa Giêsu chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ ông và chữa lành cho dân chúng những chứng bệnh khác nhau và xua trừ nhiều quỷ (x.Mc 1,29-34). Sáng sớm hôm sau, khi trời còn tối, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện để kết hiệp với Cha trên trời và để nhận biết thánh ý của Cha. Chúa Giêsu chủ động tìm kiếm thánh ý Chúa Cha. Tính chủ động thể hiện qua hành vi đi bước trước. Và trong cách thế kiếm tìm cách chủ động thì thánh ý Thiên Chúa không đến với chúng ta cách mình nhiên rõ ràng như trường hợp Thiên Chúa phán với Samuel mà thường là bàng bạc, mặc nhiên như trong trường hợp Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu phải là người quyết định. Dù dân chúng đi tìm Chúa Giêsu và muốn níu kéo Người ở lại thì Chúa Giêsu đã cương quyết: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,28).
Khi chúng ta tự quyết định tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa cách chủ động thì luôn kèm theo tinh thần trách nhiệm. Đây là thái độ sống của người con cái trưởng thành. Sống với tinh thần trách nhiệm quả là không dễ. Chính vì thế mà có đó nhiều người thích nhận được thánh ý Thiên Chúa cách minh nhiên rõ ràng, cách riêng qua ý của bề trên. Quả thật đã làm bề trên thì cũng thích bề dưới vâng lời cách thụ động kiểu “bảo gì, làm nấy”, “sai đâu, đi đó”. Và phải chăng bề dưới cũng bị cám dỗ vâng phục cách thụ động vì một phần được tiếng là ngoan ngoãn nhưng đằng sau đó là sự thiếu trưởng thành, sợ phải gánh lấy trách nhiệm!
Đức Maria là một mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về điều này. Khởi đầu đón nhận lời thiên sứ truyền nhưng vẫn chủ động vì khi chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi thiên sứ: “sự ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện phu thê!” (Lc 1,34). Và Tin Mừng tường thuật sau đó Mẹ đã tích cực chủ động kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa qua nhiều lần thấy các dữ kiện trong cuộc sống thì hằng “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x.Lc 2,19.51). Chúng ta thân thưa với Thiên Chúa: “Abba”. Nhưng Thiên Chúa lại muốn chúng ta sống như những người con trưởng thành, chủ động tìm kiếm ý Cha trên trời và tích cực thực hiện trong tinh thần trách nhiệm. Các nhà tu đức cho chúng ta hay muốn biết ai là người chủ động tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa thì hãy xem họ có chuyên chăm cầu nguyện và cầu nguyện cách cá vị, lâu giờ như thế nào. Và sau khi cầu nguyện, phân định thì quyết ngay việc mình phải làm hay nên làm.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột