Nhảy đến nội dung

Ăn để sống hay sống để ăn?

Chúa Nhật VI QN Năm B

Ăn để sống hay sống để ăn

Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (x.1Cor 10,31).

  Vậy ta phải ăn thế nào, uống thế nào và làm thế nào để tôn vinh Thiên Chúa bây giờ? Để tôn vinh Thiên Chúa, ta phải ăn, phải uống và phải làm để sống; chứ không phải sống để ăn, để uống và để làm.

  Ông bà ta nói: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Và tương tự ta cũng có thể nói, uống để sống chứ không phải sống để uống; làm để sống chứ không phải sống để làm.

Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Ta cùng phân tích câu này. Câu này rất hay và rất có ý nghĩa. Mục đích hai vế của câu thật khác nhau và thật rõ ràng. Một đàng “để sống”; một đàng là “để ăn”. Là con người, muốn sống ta phải ăn, không ăn ta sẽ không làm được gì và sẽ chết. Thế nhưng mục đích của ta là gì, “để sống” hay “để ăn”.

  Nếu mục đích của ta là “Để sống”, thì ta phải ăn điều độ; ta phải ăn gì, ăn bao nhiêu thì được, thì tốt cho sức khỏe của ta thì ta ăn; chứ không phải bạ cái gì cũng ăn; ăn xả láng, ăn vô độ. Ta “Ăn để sống”, nên SỐNG là quan trọng chứ không phải là ĂN. Điều đó có nghĩa là ta phải ăn làm sao cho ta có sức khỏe tốt và không bệnh tật. Ta ăn sao cho ta sảng khoái và có nhiều bổ dưỡng cho cơ thể. Ta ăn sao cho ta sống vui, sống khỏe và sống lâu. Đó mới là nói về sự sống của cơ thể thôi.

  Ta còn có sự sống linh hồn nữa, nên ta cũng phải cho linh hồn ta ăn nữa. Vì ta sống đâu chỉ có thân xác, mà còn có đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng nữa. Chính đời sống tinh thần và đời sống thiêng liêng mới nâng phẩm giá của ta lên, phẩm giá của một con người. Nếu không, ta sẽ ăn như con vật. Có nghĩa là “Sống để mà ăn”.

“Sống để ăn”, thì sẽ giành giựt nhau mà ăn, ăn bẩn, ăn hớt; ai chết thì chết, tôi ăn cái đã. Như thế, như thánh Phao-lô nói: “Chúa của ta là cái bụng”. Ăn là nhất; cứ có ăn là được; ăn cho no, ăn cho đã. Điều đó sẽ kéo con người của ta xuống, chứ không nâng ta lên. Sống để ăn như thế, sớm muộn gì thì ta cũng béo phì và sinh bệnh thôi.

Bởi đó ta phải chăm lo cho đời sống tinh thần và đời sống thiêng liêng của ta nữa, để có sự thăng bằng, có sự quân bình và thăng hoa. Về đời sống tinh thần, ta có thể thích đọc sách, chơi thể thao, nghe nhạc, xem phim, xem tin tức, vv…..hay sưu tầm, học hỏi những điều hay, ý đẹp của người xưa, người nay; của người này người nọ, để ta có thêm nhiều kiến thức, có được nhiều những kinh nghiệm sống.

   Về đời sống thiêng liêng, đời sống tôn giáo, đời sống đức tin, ta cũng phải lo tài bồi. Ta phải lo học hỏi, đào sâu những gì ta tin. Ta đọc sách đạo; đọc Thánh Kinh; đọc hạnh các thánh; ta đọc các bài suy niệm; ta cầu nguyện, ta đi dâng lễ; ta nguyện gẫm, vv….

  Chỉ con người mới có khả năng thưởng thức cái hay, cái đẹp và cái ngon. Con vật không có khả năng này, chúng chỉ theo bản năng, sống để ăn và ăn xong rồi chết và chết là hết. Bởi thế, dù biết chết chúng vẫn cứ lao vào mà ăn. Con người của ta thì không, dù có chết cũng không ăn; để chết một cách anh hùng, chết một cách anh dũng. Vì ta ăn để sống; ta có sự sống tinh thần, sự sống thể xác và sự sống linh hồn. Chết không phải là hết.

  Nếu ta ĂN như thế, là ta Ăn để sống. Không những thế, mà ta còn ĂN để tôn vinh Thiên Chúa nữa.

  Uống cũng vậy. Nhất là uống rượu và uống bia. Ta cũng phải uống cho có điều độ. Uống rượu cho khỏe; uống bia cho dễ tiêu hóa; uống rượu, uống bia trong những bữa tiệc mừng, nhưng đừng để say xỉn; bỏ bê công việc; đừng có phá làng, phá xóm và nhất là đừng để mất lý trí mà làm những việc không nên làm.

  Ta uống để sống chứ không phải sống để uống và ta uống để tôn vinh Thiên Chúa. Bởi đó, ta phải uống cho có chừng, có mực, kẻo có hại cho cơ thể cũng như làm mất phẩm giá của mình. Nhất là trong việc lái xe. Say xỉn dễ gây ra tại nạn chết người và chết cả mình.

  Làm việc cũng thế. Ta làm để sống chứ không sống để làm. Nên ta đừng vì tiền mà làm đầu tắt mặt tối; làm đêm làm ngày. Làm việc cũng có giờ có giấc. Có làm để lo lắng cho thân xác mình thì ta cũng phải làm việc cho linh hồn mình nữa. Ta làm việc bổn phận và làm nghề nghiệp của mình để có của nuôi thân, nuôi gia đình và để phát huy tài năng mình nữa.

  Ta có sáu ngày để làm việc và ngày Chúa Nhật ta nên nghỉ ngơi để cầu nguyện, đi tham dự Thánh Lễ. Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, nên ta phải dành cho Chúa. Đi tham dự Thánh lễ là ta tỏ lòng hiếu thảo đối với Chúa, Đấng đã ban cho ta suốt một tuần biết bao ơn lành. Nên ta đi tham dự Thánh lễ để thờ phượng Chúa là Chúa của ta; để ta ca khen Chúa, để ta cảm tạ Chúa và để ta xin ơn Chúa cho một tuần mới của ta. Ta vừa được nghỉ ngơi về phần xác, lại được bồi bổ về tinh thần. Thế không tốt cho ta lắm sao.

  Rồi một ngày ta có 24 tiếng, ta hãy dành một phút cầu nguyện ban sáng, khi thức dậy, để cảm tạ Chúa đã ban cho ta một đêm ngon giấc và xin Chúa thánh hóa ngày sống mới của ta. Một phút cho việc cầu nguyện trước khi đi ngủ, để ta cám ơn Chúa vì những gì tốt đẹp trong ngày và xin Chúa thứ tha những lầm lỗi ta đã phạm.

  Thế là ta đã làm việc trong Chúa, trong tình thương của Chúa, để nuôi sống thân xác ta, để nuôi dưỡng linh hồn ta và để tôn vinh Thiên Chúa. Để tôn vinh Thiên Chúa, ta phải làm việc cho đoàng hoàng, đâu ra đó. Ta làm cách hăng say, ta làm trong phấn khởi, nhiệt tình; ta làm những điều tốt, điều hay; ta làm trong yêu thương và công bằng; ta làm trong công minh và chính trực; ta làm với con tim, khối óc và đôi bàn tay của mình. Ta làm trong kiên trì và khiêm nhường; ta làm để phục vụ và giúp đỡ, vv…

Là con người, ta phải ăn, phải uống, phải làm, nhưng ta ăn, ta uống, ta làm để sống chứ không sống để ta ăn, ta uống, ta làm. Ta ăn, ta uống, ta làm không chỉ cho chính ta mà còn cho người khác và còn để tôn vinh Thiên Chúa nữa. Ta không chỉ để cho ta có một thân xác cường tráng, khỏe mạnh mà còn để cho ta nên thánh nên thiện nữa.

  Vậy ta hãy nhớ lời thánh Phao-lô dạy, để “dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. Điều đó có nghĩa là ta ăn, ta uống, ta làm để sống chứ ta không sống để mà ăn, để mà uống, để mà làm. Ta hãy nhớ điều đó và thực thi trong cuộc sống của mình. Ta sẽ có một cuộc đời thanh thản, vui tươi và hạnh phúc.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: