Nhảy đến nội dung

Bài Học Nhân Bản

BÀI HỌC NHÂN BẢN

(CN 22 TN-C; Lc 14. 1,7-14)

Tin mừng thánh Luca cho thấy vào “một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người”. (Lc 14,1)

Đức Giêsu ngồi quan sát, Ngài thấy rõ những vị khách được mời, ai cũng chọn cỗ nhất, như người Việt Nam nói đó là mâm trên, là chỗ trang trọng lịch sự, dành cho những vị khách quý. Nhưng khách dự tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca kể lại, ai cũng muốn chọn cho mình chỗ nhất, lịch sự nhất, trang trọng nhất, cỗ ngon nhất, vì họ nghĩ chỉ có họ là người quan trọng nhất … Người Pharisêu thường hay kiêu hãnh. Họ luôn tìm vinh dự trước mặt người đời. Họ thích được chào hỏi nơi công cộng, thích được ca tụng chỗ đông người.

Thấy chướng tai gai mắt, Chúa Giêsu lên tiếng dạy họ một bài học về đời sống nhân bản, đó là phải luôn biết tôn trọng và coi người khác trọng hơn mình. Hơn nữa muốn được người khác tôn trọng mình, thì trước hết mình phải tôn trọng người khác, phải biết khiêm tốn trong mọi lãnh vực của cuộc sống, từ cung cách đi đứng, ăn mặc, cách đối xử với mọi người nhất là ở những nơi công cộng, chốn đông người:  “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (Lc 14, 8-9). Chúa Giêsu không dùng từ bị đuổi, Chúa dùng cách nói tế nhị hơn ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’. Đúng hơn là bị đuổi khỏi chỗ danh dự, khi đã bị đuổi xuống thì thật là xấu hổ, mất mặt với bàn dân thiên hạ, bị mọi người chê cười, lúc đó chỉ có cách tìm đến kẽ nẻ mà chui xuống lòng đất để che giấu mặt đi thôi.

Trong đời sống hàng ngày vẫn còn có biết bao kẻ kiêu ngạo tự cho mình là hơn người, tự cho mình là nhất thiên hạ. Kẻ kiêu ngạo coi trời bằng vung, coi thiên hạ bằng nửa con mắt, ăn nói khiếm nhã, ngang ngược, cư xử thiếu lễ độ. Tướng cầm quân ra trận mà kiêu ngạo tất sẽ bại bại. Những kẻ chức trọng quyền cao, những người có vàng đầy két, bạc đầy rương, ngân phiếu có hàng tỉ mà kiêu ngạo cũng sẽ bị mọi người coi thường, sẽ phải gặp cái kết đáng xấu hổ như những người được mời đi dự tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay kể lại, cứ chọn cỗ nhất mà ngồi để rồi bị đuổi khỏi chỗ danh dự để dành chỗ cho người quan trọng hơn mình. Thật không có cái nhục nào hơn khi bị đuổi, bị thiên hạ chê cười.

Chúa không chỉ dạy cách để khỏi bị đuổi, khỏi bị xấu hổ trước mặt thiên hạ, Chúa còn dạy cách xử thế để được mọi người tôn trọng, được vinh dự ở nơi công cộng, chốn đông người: “khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,10-11).

Trên đời chẳng ai ưa, chẳng ai tôn trọng những kẻ sống thiếu nhân bản, kiêu ngạo, tự cao, tự đại, tự cho mình là giỏi, cho mình là hay, việc gì mình làm phải là tốt nhất, lời nói của mình lúc nào cũng hay nhất, cái gì của mình cũng đẹp nhất, chỉ có mình là nhất, mình đáng được ngồi chỗ danh dự nhất, đáng được mọi người chào hỏi nơi công cộng, thích oai, luôn hãnh diện về bản thân mình, luôn muốn thể hiện cái tôi của mình trước mặt mọi người, chạy theo cái danh hão, coi người khác chỉ là cỏ rác, là thứ bỏ đi, thấy người khác hơn mình thì khó chịu, hậm hực, nói xấu, dèm pha, dè bỉu, chê bai khích bác, tìm cách hạ uy tín của họ. Đúng như người đời đã nói: “hơn người thì kiêu, mà kém người thì ghen”.

 Kẻ thù lớn nhất của con người chính là tự kiêu, tự phụ, khi con người hoàn toàn đặt niền tin tưởng vào sức mạnh của khối óc, của đôi tay mình, thì đó cũng chính là lúc nó đi vào chỗ tự hạ thấp uy tín của mình, tự huỷ diệt chính mình, tự đào hố chôn mình.

Không chỉ người đời chê ghét và xa tránh kẻ kiêu ngạo, Chúa còn ghét cay ghét đắng, vì kẻ kiêu ngạo là chống lại Thiên Chúa, Chúa diệt trừ hết phường kiêu ngạo: "Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51). Đó là lời Đức Maria đã cảnh báo con người về tính tự phụ, lòng kiêu căng, chỉ biết cậy dựa vào danh vọng, của cải và sức lực của mình, thì con người tự chuốc lấy tủi nhục, đau khổ và tuyệt vọng, như kẻ chọn cỗ nhất để ngồi, rồi bị ông chủ đuổi xuống để nhường chỗ cho người quan trọng hơn, lúc đó sẽ bị xấu hổ, bẽ mặt trước mặt bàn dân thiên hạ.

Kinh Thánh khuyên người ta có thái độ khiêm nhu trong quan hệ xã giao (x. Cn 25, 6-7), thái độ này hợp với tinh thần của Tin Mừng. Những người khiêm tốn nhận biết thân phận yếu đuối và những giới hạn của mình, biết mình chỉ là không trước mặt Chúa, nhìn nhận người khác quan trọng hơn mình, đáng được hưởng sự ưu đãi hơn mình, nên đã chọn chỗ cuối mà ngồi, khi ông chủ nhận thấy đó là người quan trọng, sẽ đến mời lên chỗ nhất, lúc ấy được vinh dự trước mặt mọi người. Vì “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa được mời đi dự tiệc, Ngài thấy những kẻ cũng được mời cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên Chúa đã kể một dụ ngôn về việc “khi được mời đi ăn cưới đừng ngồi vào cỗ nhất…” (Lc 14, 7-11). Qua đó Chúa Giêsu dạy cho ta bài học về cách sống nhân bản, cùng cho biết tác hại của lối sống thiếu nhân bản, tính tự phụ, lòng kiêu căng. Ngài cũng chỉ cho biết giá trị đích thực đời sống nhân bản, đức “khiêm nhường”: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuông sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11).

Lạy Chúa, chúng con là những kẻ tự phụ kiêu căng, luôn chạy theo tiền tài, danh vọng, địa vị, chỉ tìm tư lợi, tự coi mình là quan trọng, là giỏi, là hay, là tốt, là đẹp, khinh thường anh em đồng loại, những người nông thôn quê mùa, nhất là những người nghèo hèn, những người cô đơn tàn tật. Chúng con đã và đang tranh dành địa vị, tranh dành nhau chỗ ngồi, cãi lộn với nhau vì miếng ăn hơn thiệt. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con loại bỏ những tính mê nết xấu, lòng tự cao tự đại, nhìn nhận mình chỉ là không không trước mặt Chúa và biết tôn trọng hết thảy mọi người.

Jos. Hồng Ân

Tác giả: