Nhảy đến nội dung

Biến đổi

Suy niệm Chúa nhật II Mùa Chay

BIẾN ĐỔI (Mt 17,1-9)

Trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao, Người đã đàm đạo với hai nhân vật uy thế của Cựu Ước về cuộc thương khó và cái chết ô nhục trên thánh giá Người phải chịu. Trong cuộc đàm đạo đó, Chúa Giêsu đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, đón nhận cuộc thương khó và chịu chết trên thánh giá để cứu độ nhân loại. Nên Chúa Cha đã lên tiếng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng lời Người" (Mt 17, 6).

Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên một ngọn núi cao, một nơi cách xa thế tục, tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của người đời. Ở đó "Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người" (Mt 17, 2-3). Dung nhan của Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục của Người trắng tinh như ánh sáng. Đó là dấu Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ biết về màu nhiệm của Người. Ngày Người chỗi dậy từ cõi chết thân xác của Người được biến đổi trở thành sáng láng và tinh tuyền. Các môn đệ được chiêm ngưỡng Thầy mình biến đổi hình dạng, được tận mắt chứng kiến vinh quang của Ngài. Cảnh tượng ấy đã làm các môn đệ phấn khởi, họ thấy vinh quang đàng sau cảnh nhục nhã, khải hoàn bên kia cảnh đau khổ, vương miện bên kia thập giá. Các ông ngây ngất và vô cùng sung sướng, nên ông Phêrô đã phải thốt lên: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay". Phêrô muốn kéo dài giây phút huy hoàng ấy, ông muốn ở lại mãi với ánh vinh quang rực rỡ. Nên ông đề nghị ngay với Chúa: "Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." (Mt 17, 4). Ông Mô-sê và Ê-li-a đại diện cho lề luật và các ngôn sứ, là những người phát ngôn của Cựu Ước. Hai ông Mô-sê và Ê-li-a đã được Thiên Chúa dẫn lên núi thánh để các ông được chiêm ngưỡng vinh quang và trở thành những chứng nhân của Thiên Chúa (x. Xh 33, 18-23; 1V 19, 9-13). Các tông đồ cũng được Chúa Giêsu dẫn lên núi và tại đó Chúa Giêsu đã biểu lộ vinh quang của Người cho họ. Người cho các ông được nếm trước sự phục sinh của Người. Qua đó, để củng cố niềm tin cho các môn đệ, giúp các ông hiểu và đón nhận cuộc khổ nạn của Chúa.

Trước khi nhận thấy vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn còn mơ hồ chưa biết rõ về Người. Các ông đang mơ ước một Đấng Thiên Sai theo nghĩa thế gian. Do đó, khi đi theo Chúa và nhất là khi nghe loan báo về cuộc khổ nạn của Người ở Giêrusalem thì các ông bàng hoàng, chao đảo và vô cùng thất vọng. Nhưng giờ đây, trên núi Tabor các ông các ông bắt đầu nhận ra người cách hoàn toàn mới mẻ, với "vẻ vinh quang tươi sáng và tràn đầy sức sống thần linh". Hơn thế nữa, các ông còn được nghe tiếng Chúa Cha phán với mình từ trong đám mây: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng lời Người" (Mt 17, 6). Tiếng phán ra từ đám mây, đây là dấu chứng hùng hồn nhất, vĩ đại nhất cho biết Ðức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, mà mọi người phải tin tưởng và vâng phục. Chính Chúa Cha trực tiếp giới thiệu Con Yêu Dấu của mình, không có lời chứng nào giá trị hơn lời của Thiên Chúa Cha. Cảm nhận đó Thánh Phêrô đã ghi lại như sau: "Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người" (1Pr 1, 16-18).

"...Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt chúng ta vinh quang của Chúa Kitô, báo trước cuộc phục sinh và loan báo sự thần hóa con người. Cộng đoàn Kitô ý thức mình được dẫn lên núi cao như các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để tái đón nhận, trong Chúa Kitô, với tư cách là con cái trong Chúa Con, món quà Ân Sủng của Chúa Kitô: "Này là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Hãy nghe lời Người" (câu 5). Đó là một lời mời gọi hãy tránh xa sự ồn ào của cuộc sống thường nhật để ngụp lặn trong sự hiện diện của Thiên Chúa: Ngài muốn thông truyền cho chúng ta hằng ngày một Lời thấu vào tận thẳm sâu tinh thần chúng ta, trong đó ta phân biệt thiện và ác (Xc Dt 4,12) và củng cố ý chí theo Chúa". (trích Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Biển Đức 16)

Chúa biến hình vinh hiển sáng láng giúp chúng ta hy vọng sau cuộc chiến cam go với ba thù là: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Khi chiến thắng thân xác chúng ta cũng được vinh hiển sáng láng như Chúa. Chúng ta được biến đổi từ con người tối tăm, yếu đuối, tội lỗi trở nên con người sáng láng hoàn hảo; biến đổi con người ích kỷ, tham lam thành con người quảng đại sẵn sàng yêu thương tha thứ và giúp đỡ mọi người; biến đổi từ một con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu luôn tin tưởng cậy trông phó thác vào Chúa.

Trên đây mới chỉ là điều chúng ta hy vọng, muốn điều đó trở thành hiện thực, chúng ta hãy vâng nghe lời Chúa Giêsu dạy, như Chúa Cha đã giới thiệu: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng lời Người" (Mt 17, 6). Chúng ta cùng lên núi thánh để gặp gỡ Chúa, chiêm ngưỡng Chúa. Chúng ta hãy tránh xa thế tục, những ồn ào huyên náo, những bom chen kèn cựa, những ý nghĩ xấu xa, những lời nói cay độc mỉa ai, những ánh mắt lạnh lùng xa lạ, những việc làm đen tối thiếu tình thương. Mà luôn noi gương Chúa Giêsu vâng theo thánh ý Chúa Cha mọi đàng, biết chấp nhận những đau khổ trong cuộc sống và vác thập giá để theo Chúa, để sau cuộc đời này chúng ta cũng được vinh hiển sáng láng như dung nhan của Chúa trên núi, như thân xác Chúa sau cuộc thương khó và cái chết trên thập giá đã được phục sinh vinh hiển.

Jos Hồng Ân

Tác giả: