Nhảy đến nội dung

Can đảm đứng lên và trở về

CAN ĐẢM ĐỨNG LÊN VÀ TRỞ VỀ

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã qua quen thuộc với dụ ngôn Người cha nhân hậu trong Tin mừng hôm nay. Thế nhưng mỗi lần nghe lại là một lần nảy sinh cảm xúc. Có khi thật xúc động với nỗi đau của người cha thương nhớ con trai của mình. Có khi thật bất bình với người con cả vì thái độ nóng giận của anh. Và đôi khi lại tìm thấy chính bản thân trong cả hai người con...

Không sao cả, đó là cảm xúc. Và cảm xúc là chân thực. Tuy nhiên, chúng ta cần phải điều chỉnh cảm xúc mình để có thể tìm ra thánh ý Thiên Chúa. Nếu vậy, hôm nay tôi muốn thưa gì với Ngài?

Chuyện gia đình là chuyện muôn thuở. Thế nhưng người con thứ đúng thật là ngỗ ngược, cha còn sống mà đòi phân chia tài sản là chưa đúng. Tuổi trẻ tài cao, vai dài sức rộng không tự tìm kế mưu sinh để tồn tại mà chọn cách ăn xài hoang phí là đáng trách. Thế nhưng, chí ít anh ta cũng có lòng hối cải, cũng còn cảm xúc để nhớ về cha của mình, nhớ về nơi mình được sinh ra: “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta lại ở đây chết đói! Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công của cha vậy.” (Lc 15, 18-19) Nghĩa là anh còn cảm nhận được lòng nhân hậu của cha trong cách đối xử với người làm.

Còn cảm nhận được sự thiện là một lương tâm còn lành mạnh, trong sáng. Người không còn phân biệt đúng sai, tốt xấu mới là kẻ đáng trách. Tuy động lực trở về của anh không phải vì cha mà chỉ là vì chính anh, chính nhu cầu tồn tại của bản thân đã khiến anh quay về. Nhưng điểm son của anh chính là chỉ cầu xin, chỉ mong ước được làm người làm công cho cha. Thái độ nghênh ngang, ngáo ngược khi trước của anh đã mất. Anh đã biết hối lỗi, đã ý thức nhận ra cái sai của mình và mong được cải thiện.

Từ vị trí làm con, giờ đây anh chỉ xin làm người công, cho dù có vì mục đích gì chăng nữa thì đây cũng là một hành động đẹp, biểu lộ sự hối hận và nhận lỗi, sự khiêm tốn. Anh không chỉ thấy mình có lỗi với cha nhưng anh còn biết mình đã có lỗi với trời. Cái lỗi to lớn làm người bất hiếu và tráng tác. Anh cũng không hề dám xin chuộc lỗi bằng việc phục hồi phẩm giá làm con, nhưng chỉ là xin cho được cái ăn để tồn tại bằng chính sức lực của mình. Tại vì nơi mái nhà này, cha anh đã cho mọi người được ăn no mặc ấm. Đối với anh, đó là đủ.

Đôi khi chúng ta dễ dàng bỏ qua những giá trị trân quí để đi tìm những giá trị vật chất mau qua chóng tàn. Đôi khi chúng ta đánh đổi cả một lý tưởng chỉ vì những ước muốn nhỏ nhoi. Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa. Có những chọn lựa sai lầm nhưng cũng có những chọn lựa đúng đắn. Chọn lựa nào cũng phải trả giá và mất mát. Nhưng chọn lựa tổn thương người khác để bản thân được hạnh phúc là chọn lựa tàn nhẫn nhất. Chọn lựa tổn thương người khác để che giấu sự thật của bản thân là chọn lựa đê hèn.

Nếu như được chọn lựa, hãy chọn lựa hạnh phúc, không vì bản thân nhưng là cho Thiên Chúa và tha nhân được hạnh phúc. Đó mới là chọn lựa quảng đại và cao thượng. Tôi thích trở thành người cao thượng và quảng đại. Tuy tôi mất mát, tuy phải hy sinh nhưng bù lại tôi thấy mình cao cả và kiên cường biết bao nhiêu. Càng đứng vững trước giông bão tôi càng thấy tim mình đổ máu, trán mình tuôn mồ hôi, mắt mình cay xè nhưng đôi môi luôn nở một nụ cười bất khuất.

Hình ảnh người cha trong Tin mừng thì khỏi phải bàn tới. Đó là hình ảnh rất quen thuộc về tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta. Ngài tạo dựng, Ngài khai sinh ra thế giới này không phải để hủy diệt nhưng là để yêu thương và tha thứ. Thế nên, ai đó trong lòng còn mang những mối thù hận, những cay cú phải trả thù, trả đũa thì nên dừng lại. Dừng lại để học lấy cách yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ cần chúng ta hối hận, chỉ cần chúng ta trở về cho dù với mục đích chưa được tốt lành thì Ngài đã vui mừng đón nhận. Ngài cũng không chấp nhất lỗi lầm to, nhỏ mà chúng ta đã gây ra, chỉ là Ngài hạnh phúc bởi vì chúng ta biết quay trở về.

Ai đã từng đợi người ấy mới thấu hiểu cảm giác hạnh phúc như thế nào của người cha hôm nay. Ai đã từng chờ người ấy mới cảm nghiệm được sự vui sướng khi tìm thấy. Cái hạnh phúc ấy lớn hơn lỗi lầm của họ. Một khi đã chờ đã đợi là người ta chấp nhận tha thứ, là người ta còn yêu thương. Một khi không yêu không hận, người ta sẽ chả chờ chả đợi. Thế nên, người cha đâu màng tới chuyện cỏn con của người con gây ra mà chỉ quan tâm đến việc lớn là điều mình cần nay đã thành hiện thực.

“Cha coi đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào dám trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15, 29-30) Người con cả đáng trách lại trở nên bất hạnh vì anh ở cạnh cha nhưng không có được tấm lòng của cha. Anh cũng chả hiểu cảm xúc của cha là gì. Nếu như anh không đặt nặng vấn đề vật chất, nếu như anh có tình yêu thương thực sự thì có lẽ anh đã đồng cảm với cha của mình, thì có lẽ anh cũng cùng nhịp cảm xúc với cha trong việc trông mong người em trở về. Điều gì đã khiến anh bất hạnh? Có phải vì trái tim của anh không biết yêu thương hay tại bởi vì anh quan tâm vật chất hơn là tình yêu thương và sự tha thứ. Có lẽ là cả hai, chỉ vì ích kỉ!

Người cha có thực sự hà khắc như lời trách móc của người con trưởng không hay chỉ là cảm xúc nông cạn của anh. Có lẽ anh sống gần cha nhưng chả hiểu gì về cha của mình hay không hiểu hết nỗi lòng của cha. Có lẽ cha anh không phải là người ít nói nhưng sống thiên về hành động. Có lẽ cha anh là người tôn trọng con cái của mình. Khi em xin chia tài sản, cha đã chia. Vậy có lẽ, người anh chưa bao giờ xin cha cho bê béo, thì lấy đâu cha cổ võ cho việc con tiệc tùng với bạn bè.

Người cha không hà khắc như vậy vì với ông: “Tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc 15, 31)

Người cha không hề hà khắc vì mới nhìn thấy con từ xa ông đã chạy ra hôn lấy hôn để và chẳng một lời trách móc, còn vội vàng sai bảo người làm lấy quần áo đẹp, nhẫn đẹp cho cậu và mở tiệc ăn mừng... (Lc 15, 20-24) để phục hồi nhân phẩm và vị trí của người con của gia chủ.

Tôi là ai trong ba mẫu người đàn ông hôm nay? Tôi là kẻ ngỗ ngược tráng tác hay tôi là kẻ ích kỉ hèn nhất? Tôi là người cha nhâu hậu hay là người đàn ông hà khắc thiên vị? Ngày nay có biết bao nhiêu vụ đổ máu trong gia đình cũng vì phân chia tài sản, cũng vì của cải. Làm cha mẹ không tế nhị, không khéo léo, không công bằng nên con cái bất phục và xâu xé lẫn nhau. Bất hạnh cũng là từ ở môi trường gia đình. Làm cha mẹ là làm gương sáng, sống yêu thương và công bằng để bớt đi những cám cảnh đáng tiếc.

Vậy còn tôi, tôi là ai trong ngôi nhà của Thiên Chúa? Tôi là người con nào của Ngài? Có lẽ là cả hai. Trong cả 3 hình mẫu trên, tôi có đủ. Khi thì thật hoang đàng, tội lỗi, khi thì thật ích kỉ, hẹp hòi, ghen tỵ, khi thì thật quảng đại, thứ tha. Không sao cả, đơn giản đó chính là con người. Nhưng quan trọng là tôi biết trở về, cho dù là về với mục đích gì. Chỉ cần tôi trở về với ngôi nhà của Thiên Chúa. Ở nơi ấy chắc chắn thật ấm áp vì được tha thứ và thương yêu, được no đủ và sung sướng vì Thiên Chúa thật giàu có và vĩ đại.

Lạy Chúa, Tin mừng hôm nay dạy con rất nhiều bài học nhưng bài học cần thiết nhất chính là bài học của sự yêu thương và tha thứ, của sự trở về. Nếu như con hiểu được rằng Thiên Chúa đang chờ đợi con mỏi mòn như người cha hôm nay thì con có đứng lên và trở về ngay không. Xin giúp con hiểu rằng Thiên Chúa đang chờ đợi mình hằng ngày từng giây từng phút. Xin giúp con can đảm đứng lên và trở về...

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

Danh mục: