Nhảy đến nội dung

Chậm xét đoán, nhanh xét mình

CHẬM XÉT ĐOÁN, NHANH XÉT MÌNH

Nhớ lại lúc trước khi mới nhận nhiệm sở, một đôi vợ chồng trẻ vào và tâm sự với tôi. Cô vợ nhanh nhảu chào hỏi, rồi đi thẳng vào vấn đề:

  • Cha ơi, sao dạo từ khi con lập gia đình, con hay có những cảm giác khó chịu mỗi lúc gặp chồng con về nhà, không chịu vệ sinh mà cứ ngồi phệt xuống với chiếc máy di động?

Tôi mỉm cười, thay vì trả lời, tôi hỏi lại chị:

  • Thế, con mới biết điều này sau khi lập gia đình, hay đã biết tính chồng con như vậy lúc mới yêu?

  • Dạ, con đã biết khi chúng con yêu nhau được hai ba năm rồi ạ!

  • Vậy, khi thành gia thất rồi, chồng con cũng cảm thấy ‘vỡ mộng’ ở nơi con điều gì chăng?

  • Thưa cha, không chỉ ít, mà nhiều nữa là đàng khác…hic hic…

Cộng đoàn phụng vụ thân mến! Trong đời sống gia đình, đặc biệt nơi cuộc sống hôn nhân, chúng ta trải nghiệm vô vàn những biến cố như trên. Dĩ nhiên, có thể không hoàn toàn giống, nhưng tình tiết chính vẫn hệ tại do xu hướng: chúng ta dễ thấy những điều không hay, chưa tốt…nơi người khác, hơn là nhìn vào bản thân, rồi nhận ra vô vàn thiếu sót của mình. Lời Chúa hôm nay không nói trực tiếp về việc ‘chớ xét đoán để khỏi bị xét đoán’ (x. Mt 7, 1), nhưng mở ra cho chúng ta biết nguyên do vì sao chúng ta dễ sa lầy vào thói quen ‘xét đoán người khác, trước khi xét mình’, hoặc ‘dễ dàng đưa ra lời bình phẩm người khác, hơn là nhận xét và đánh giá bản thân’. Tắt một lời, chúng ta nên rèn giũa, tập luyện và nỗ lực sống theo khuôn vàn thước ngọc ‘chậm xét đoán, nhanh xét mình’, hoặc ‘xét mình trước khi xét đoán’.

Thật vậy, rất chí lý khi tác giả sách Huấn Ca dạy rằng: “Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy…Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người” (Hc 27, 4. 8). Một trong vô số điểm khác biệt giữa con người và con vật, đó là tiếng nói, giọng nói. Từ khi lọt lòng mẹ, con trẻ được nuôi dưỡng, được tập ăn, tập nói…Và khi bập bẹ, bé gọi ‘ba’ (papa), ‘má’ (mama); lớn dần lên, bé biết nói chuyện, dùng lời nói để kết nối với mọi người. Kỹ năng sử dụng ngôn từ, câu chữ này được trau dồi hằng ngày trên trường lớp, trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn, giáo xứ. Tuy nhiên, cũng chính với lời nói (do bất cẩn, do không nghĩ suy chín chắn, hay vô tâm…) mà chúng ta rơi vào tình cảnh làm tổn thương, đau lòng người khác, đay nghiến, cáu xé tha nhân, và nhất là xét đoán người khác. Đúng như lời tác giả sách Huấn Ca đã chỉ ra: “Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy” (Hc 27, 6). Theo lẽ thường tình thì không thể biết chắc chắn hoàn toàn tư tưởng người khác nếu chỉ dựa trên lời nói; nhưng qua lời nói như một cách tham khảo, chúng ta cũng biết ít nhiều về tư tưởng người nói, vì chưng “Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra” (Lc 6, 45).

Chính vì thế, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có giọng nói, biết dùng lời nói, ngôn từ để truyền tải, diễn đạt, biểu lộ tư tưởng, tâm tư, tình cảm,… của bản thân. Đồng thời, chúng ta cũng phải nỗ lực rèn luyện, giũa rèn câu chữ, ngôn từ, kiểm soát suy nghĩ, hành vi, và đặc biệt dành nhiều thời gian để xét mình hơn là xét đoán tha nhân. Không ít người hỏi: Vì sao chúng ta lại dễ dàng xét đoán, đánh giá người khác? Câu trả lời rất đơn giản, bởi lẽ chúng ta không xét mình, chúng ta ít dùng thời gian/chưa dùng thời gian, tệ hơn là không muốn dành thời gian để suy xét, để nhìn lại bản thân, để xét mình; do đó, chúng ta dễ bị rơi vào ‘xa lộ’ xét đoán tha nhân! Hơn nữa, mỗi lúc chúng ta chú trọng, để tâm trí vào việc đánh giá, xét đoán người khác, thì chắc chắn không còn thời gian để nhìn lại bản thân, để xét mình nữa. Thái độ này tương tự như hình ảnh mà Đức Giê-su đưa ra trong bài Tin Mừng hôm nay: “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh (chị) em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?” (Lc 6, 41). Chẳng cần giải thích, giữa “cái (cọng) rác [hoặc “cái dằm”] và cái đà [hoặc “cái xà”]”, ai ai trong chúng ta đều biết cái nào lớn hơn cái nào, cái nào chiếm chỗ nhiều hơn cái nào, cái nào che lấp cái nào! Vả lại, làm sao chúng ta có thể nhìn thấy ‘cọng rơm/cọng rác/cái diềm/cái dằm’ nhỏ trong mắt anh chị em, trong khi mắt của chúng ta bị ‘cái đà hay cái xà to tướng’ che khuất? Theo lý lẽ tự nhiên, chúng ta trước tiên phải nhờ anh chị em lấy ‘cái đà/cái xà’ đang che lấp đôi mắt mình ra, rồi sau đó, với đôi mắt tinh tường, chúng ta mới có thể giúp anh chị em lấy ‘cọng rác/cái dằm’ trong mắt họ ra chứ! Hoặc chúng ta phải làm theo trình tự như Đức Giê-su nêu ra cụ thể: “…hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh (chị) em ngươi” (Lc 6, 42).

Thật sự, chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo cả! Một điều khá thú vị là hiện nay trên hành tinh xanh với 7,7 tỉ dân, hơn 206 quốc gia lớn nhỏ và hơn 6.500 ngôn ngữ tuy khác nhau, nhưng đều có cùng chung một thành ngữ “Không ai là hoàn hảo”/“Nhân vô thập toàn” (“No one is perfect”, 誰も完璧ではありません、Personne n'est parfait, Nemo est perfectus, Nessuno è perfetto, Nadie es perfecto,…). Đã là con người ‘chân đạp đất, đầu đội trời’, thì ai ai cũng có thể mắc sai lầm, có lỗi, không lớn thì nhỏ, không nặng thì nhẹ; nên, không một ai là không cần được chấn chỉnh, sửa mình cả! Vì vậy, hiểu được điều này, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông với lỗi lầm của anh chị em, như chúng ta cũng mong muốn anh chị hiểu và thông cảm, giúp đỡ chúng ta mỗi khi mắc sai lầm. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ ý thức mình là người cần được chấn chỉnh trước tiên. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ dành thời gian xét mình hơn là đánh giá, xét đoán tha nhân. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ nhanh xét mình, chậm xét đoán. Tuy nhiên, để khắc ghi và cụ thể hoá điều này, tiên vàn “chúng ta cảm tạ Chúa Cha, vì đã được chiến thắng, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (x. 1Cr 15, 57). Tiếp đến, khắc sâu trong tâm khảm lời dạy của Thánh Phao-lô Tông Đồ: “…anh (chị) em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh (chị) em không phải là uổng phí trong Chúa” (1Cr 15, 58). Và rồi nỗ lực, cộng tác với ơn Chúa hằng ngày, sống một cách cụ thể, chứ không chỉ để điều này trong tâm trí, trong tâm tư như một mớ kiến thức hay một tá/một rổ lý thuyết ‘vô hồn bất toại’, bằng cách: xét mình, nhìn lại bản thân, đọc lại ngày sống thường xuyên khi vui cũng như lúc buồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết con

Hầu cảm thông bao lời nỉ non

Chất chứa nơi con tim bao người

Cùng chia sớt với tấm lòng son. Amen!


Lm. Xuân Hy Vọng

Tác giả: