Chiến tranh hay hòa bình? Sự lựa chọn luôn nằm trong tay chúng ta
Chiến tranh hay hòa bình? Sự lựa chọn luôn nằm trong tay chúng ta
Maoz Inon người Israel và Aziz Abu Sarah người Palestine là những nhà hoạt động vì hòa bình được biết đến với những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hòa giải và chung sống giữa các dân tộc của họ. Cuộc diện kiến của họ với Đức Thánh Cha Leo XIV vào tháng Năm năm 2025 sau cuộc diện kiến với Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2024 tại sự kiện “Đấu trường hòa bình” ở Verona, nơi họ nhận được cái ôm và sự động viên của ngài để tiếp tục cống hiến đời mình cho việc xây dựng những nhịp cầu nối
Chúng tôi là người Palestine và người Israel gìn giữ hòa bình đã chôn cất những người thân trong gia đình vì chiến tranh và bạo lực. Chúng tôi biết cái giá phải trả. Chúng tôi biết sức nặng không thể chịu đựng được của nó. Chúng tôi biết sự im lặng của tang tóc, nỗi đau của sự vắng mặt và sự tàn phá mà bạo lực để lại. Đây là lý do tại sao chúng tôi lên tiếng ngày hôm nay: để cầu xin hòa bình và nói một cách dứt khoát rằng những cuộc chiến này phải chấm dứt.
Cuộc chiến leo thang giữa Iran và Israel, cùng với số người chết và sự tàn phá tăng vọt ở Gaza, không chỉ đe dọa người dân trong khu vực của chúng tôi mà còn đe dọa lương tâm đạo đức của toàn thế giới. Quá nhiều người dân và gia đình vô tội bị cuốn vào cơn bão mà họ không lựa chọn. Tuy nhiên, những người có quyền lực vẫn tiếp tục lựa chọn chiến tranh.
Bạo lực không phải là dấu hiệu của sức mạnh. Đó là sự thất bại của trí tưởng tượng và sự lãnh đạo đạo đức. Chiến tranh là quyết định được đưa ra bởi những người đã cạn kiệt trí tuệ và lòng trắc ẩn. Nó phản ảnh sự bất tài và phá sản về mặt đạo đức. Những nhà lãnh đạo tiếp tục thúc đẩy ảo tưởng rằng bom đạn mang lại sự an toàn hoặc sự thống trị tạo ra hòa bình không nên được tin tưởng để định hình tương lai của chúng ta.
Và vì vậy chúng tôi nói: chúng tôi biết có một giải pháp thay thế. Chúng tôi là bằng chứng sống. Chúng tôi biết rằng tương lai của chúng tôi gắn liền với nhau và chúng tôi không phải là kẻ thù mãi mãi. Một con đường khác không chỉ khả thi mà còn là con đường đạo đức duy nhất.
Hơn một năm rưỡi qua, chúng tôi đã gặp nhiều người Iran tham gia công cuộc vì hòa bình của chúng tôi. Họ là những người bình thường, giống như chúng tôi, mong muốn chấm dứt bạo lực. Trong những ngày gần đây, khi chiến tranh leo thang, chúng tôi đã nhận được nhiều thông điệp hơn nữa từ người Iran ở Âu châu, Hoa Kỳ và ngay trong chính Iran. Họ đang cầu xin để chấm dứt chu kỳ hủy diệt. Tiếng nói của họ rất rõ ràng: họ không muốn cuộc chiến này.
Một thông điệp viết rằng:
“Từ Iran tôi viết thư cho các bạn, từ trái tim của một dân tộc hiểu được nỗi đau của chiến tranh, nhưng vẫn mơ về hòa bình. Tôi muốn cảm ơn bạn vì đã là tiếng nói của hy vọng, vì đã lên tiếng khi im lặng là điều dễ dàng hơn, và vì đã tin vào nhân loại khi cảm thấy thế giới đang sụp đổ.”
Chúng tôi không đơn độc. Chúng tôi không phải là thiểu số. Những tiếng nói hòa bình này tồn tại xuyên biên giới và chúng phải được khuếch đại.
Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng người dân Israel, Palestine và Iran không được định nghĩa bởi bạo lực. Cộng đồng của chúng tôi giàu lịch sử, khả năng phục hồi và sáng tạo. Nhưng ngày nay, sự sáng tạo đó đang bị xung đột tiêu diệt. Hãy tưởng tượng những gì chúng tôi có thể xây dựng, vẻ đẹp mà chúng tôi có thể mang lại cho thế giới, nếu chúng ta chuyển hướng sinh lực của mình hướng tới hòa bình.
Bây giờ là lúc để trỗi dậy. Tất cả chúng ta, những người tin vào công lý, bình đẳng, hòa giải và nhân phẩm phải trỗi dậy từ đống đổ nát do thất bại chính trị để lại. Chúng ta phải trỗi dậy theo tinh thần của những truyền thống đức tin chung của chúng ta—Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo—tất cả đều dạy về sự thiêng liêng của sự sống và sự cần thiết của hòa bình.
Thánh Kinh đã nói rõ ràng: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành những đứa con như vậy. Đức tin của chúng ta không phải là vũ khí. Đó là một cầu nối. Cây cầu đoàn kết chúng ta, chứ không phải chia rẽ chúng ta.
Đối với những người ở xa cuộc chiến này, dù ở Ý, Âu châu, Mỹ Latinh hay bất kỳ nơi nào khác, có thể cảm thấy nó xa vời. Nhưng đây là một ảo tưởng nguy hiểm. Như Martin Luther King Jr. đã nhắc nhở chúng ta, “Bất công ở bất kỳ đâu cũng là mối đe dọa đối với công lý ở mọi nơi.” Chiến tranh không bao giờ được ngăn chặn. Ngọn lửa của nó lan tràn qua biên giới, kéo thế giới đến gần hơn với thảm họa. Đây là cách thế giới đã từng vấp ngã vào chiến tranh trước đây.
Như Đức Thánh Cha Leo XIV đã nói với chúng tôi khi chúng tôi diện kiến ngài cách đây hai tuần:
“Vì con đường đến hòa bình liên quan đến tất cả mọi người và dẫn đến việc nuôi dưỡng những mối quan hệ đúng đắn giữa tất cả chúng sinh. Như Đức Gioan Phaolô II đã chỉ ra, Hòa bình là điều tốt đẹp không thể chia cắt, nó thuộc về tất cả mọi người hoặc không thuộc về ai cả.”
Chúng ta đã thấy những dấu hiệu cảnh báo. Từ Ấn Độ và Pakistan đến Bắc Triều Tiên, từ Gaza đến Sudan và Yemen, từ Ukraine và Nga đến Cộng hòa Dân chủ Congo. Mỗi cuộc xung đột đưa chúng ta đến bên bờ vực thẳm. Một số người tin rằng chiến tranh sẽ ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra. Nhưng lịch sử dạy chúng ta điều ngược lại. Mỗi cuộc chiến tranh khiến hòa bình trở nên mong manh hơn. Mỗi cuộc chiến tranh đưa chúng ta đến gần hơn với sự tàn phá hạt nhân.
Đó là lý do tại sao chúng tôi tin vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn. Không chỉ đối với Iran hay Israel, mà đối với tất cả những quốc gia. Không có lý do chính đáng nào về mặt đạo đức để bất kỳ quốc gia nào sở hữu vũ khí có khả năng hủy diệt sự sống trên Trái đất.
Mỗi ngày, nỗi đau khổ lại sâu sắc hơn. Gaza đang bị phá hủy. Bờ Tây phải đối mặt với tình trạng bạo lực chưa từng có. Những gia đình Israel và Iran sống dưới sự đe dọa liên tục của hoả tiễn và các cuộc oanh kích. Cuộc chiến này không cô lập; nó kết nối. Nó kết nối nỗi buồn với nỗi buồn, cái chết với cái chết. Nhưng chúng ta tin rằng chúng ta có thể kết nối hy vọng với hy vọng và nhân loại với nhân loại.
Chúng ta tức giận. Chúng ta sợ hãi. Sự tức giận và nỗi đau của chúng ta lại càng sâu sắc và mạnh mẽ như một lực lượng hạt nhân, và sẽ dễ dàng sử dụng sức mạnh đó để hủy diệt. Nhưng thay vào đó, chúng ta quyết định biến chúng thành ánh sáng. Chúng ta chuyển cơn thịnh nộ, nỗi sợ hãi và đau buồn của mình thành một thứ gì đó thiêng liêng: thành ngoại giao, hàn gắn và hòa bình.
Chúng ta không trung lập. Chúng ta không phải là nạn nhân vô tư. Chúng ta là nhân chứng. Chúng ta là những người sống sót. Chúng ta lên tiếng bây giờ vì chúng ta biết chính xác chiến tranh mang lại điều gì. Và nó không bao giờ là hòa bình lâu dài.
Nhưng chúng ta cũng biết một điều khác: chúng ta luôn có quyền hành.
Chúng ta có thể tìm cách trả thù, hoặc chúng ta có thể chấp nhận hòa giải. Chúng ta có thể tuân theo logic của vũ khí hoặc logic của ngoại giao. Chúng ta có thể vẫn là tù nhân của lịch sử, hoặc chúng ta có thể định hình một tương lai mới.
Chúng ta lên tiếng ngày hôm nay với tư cách là những người có đức tin. Không phải vì đức tin miễn trừ chúng ta khỏi trách nhiệm, mà vì đức tin đòi hỏi điều đó. Đức tin thực sự không thụ động. Nó hành động. Nó xây dựng. Nó bảo vệ sự sống.
Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với chúng ta vào năm ngoái tại Arena di Pace ở Verona;
“Hòa bình sẽ không bao giờ nảy sinh từ sự ngờ vực, những bức tường hay vũ khí chĩa vào nhau. Thánh Phaolô đã nói, ‘Gieo nhân nào gặt quả nấy’. Chúng ta đừng gieo rắc cái chết, sự hủy diệt hay nỗi sợ hãi. Hãy gieo hy vọng!”
Chúng tôi cam kết với tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô và sẽ chọn gieo hy vọng và làm việc vì hòa bình ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất.
Jos. Nguyễn Minh Sơn (Vatican News)