Nhảy đến nội dung

Chọn lực và động lực

CHỌN LỰA VÀ ĐỘNG LỰC

          Để chuẩn bị cho một sứ vụ nào đó, người đang được trong chương trình đào tạo được đề nghị được trang bị những kiến thức nào đó thiết thực và cụ thể cho tương lai. Nặng nề nhất cho người được thụ huấn đó chính là ngoại ngữ. Kèm theo đó là văn hóa, sức khỏe, ý hướng ...

          Với tất cả những thao thức đó, những người đã, đang và vẫn còn phục vụ ước muốn có những tầng lớp kế thừa. Dĩ nhiên ước muốn, thao thức là một chuyện, còn trong thực tế thì là chuyện khác.

          Có lẽ, điều đầu tiên và then chốt nhất vẫn là chọn lựa. Giới trẻ lớn lên, được nhiều người và nhất là cha mẹ có lòng đạo đức muốn dâng hiến con mình cho Thiên Chúa để rồi đốc thúc. Thế nhưng rồi trong thực tế, giữa cuộc đời dấn thân và kham khổ, ngày hôm nay ít người tìm đến để tìm hiểu ơn gọi như ngày xưa. Có chăng thì cũng là những con số thật khiêm tốn.

          Giữa một thế giới thực dụng mà người ta vẫn thường buồn khi nói về thực trạng của đời tu được xem như cái nghề thì xem chừng càng khó. Khởi đi từ động lực không trong sáng dấn thân phục vụ cho Chúa qua người nghèo để rồi người ta vẫn đi, vẫn đến, vẫn tìm hiểu nhưng hình như không do động lực trong sáng nhưng vẩn đục lối sống thực dụng.

          Điều đầu tiên mà nhiều người dễ nhận thấy nhất cho các ứng sinh ngày hôm nay đó là chuyện chọn "bố". Để có pháo đài cho đường tu của mình, để không ai dám đụng đến mình, để bảo đảm cho ơn gọi của mình, ứng sinh thường tìm đến các bậc vị vọng để nhận làm ... bố. Ngược lại, các vị có thế giá trong Giáo Hội một chút thì muốn có "con" để nối dõi tông đường thế là đứng ra đỡ đầu hay có vị chấp nhận đỡ "đít" cũng được (nghĩa là người đó đã có bố rồi nhưng cũng muốn nhảy vào nên nhận làm bố nữa, bố nữa nữa).

          Bản thân bỉ nhân đã được gặp như thế trong cuộc đời. Có anh chàng đang đi tìm hiểu nơi dòng tu nọ. Anh không ngần ngại khai mình là có bố rồi bà xin nhận bỉ nhân làm bố nữa. Khi cậu bé nghe kể bỉ nhân không chức không quyền và ở cái noi gà ăn sỏi kiến ăn đá thì cậu bé dường như rút êm không hề sủi bọt.

          Cậu không xấu ! Những người tìm bố có thế giá trong xã hội không xấu. Chỉ vì bị méo mó trong suy nghĩ, trong chọn lựa để rồi đi tìm cho mình cha Quản Hạt, Cha Tổng, Cha Bề Trên, Cha Giáo hay cả Đức Cha để nhận làm bố.

          Trong thực tế, có một số vị nhận bố ... đẻ ngang hông. Có khi gần chịu chức hay chịu chức rồi mà thấy vị này vị kia mũ gậy thế giá thế là nhảy vào bố bố con con. Dĩ nhiên chả ai đến nói thẳng mặt cha đó rằng cha xôi thịt nhưng trong lòng ngươi ta không cảm mến hay trân quý đời tu của người đó nữa.

          Khởi đi từ lối suy nghĩ và lối sống thực dụng đó, đời tận hiến dần dần mất đi cái đẹp thuở ban đầu

          Nhớ lại ngày này tháng này cách đây một phần tư thế kỷ, bước chân đi tìm hiểu chả có ai bên mình. Hỏi thăm cha Xứ thì Cha bảo "Tôi hổng biết dòng, chỉ biết Triều thôi".

          Cụt hứng tự mày mò đi tu. Cuối cùng "vớ" được bà sơ hay bà sơ thương thấy thằng con côi cút nhận làm con cho đến mãi bây giờ. Mẹ chuẩn bị mừng Ngân Khánh khấn dòng thì con cũng tuổi đà xế bóng.

          Nhớ lại con đường ơn gọi của mình sao nhẹ nhàng, sao thênh thang quá. Cả khi lớn dần trong ơn gọi, phần không nịnh hót, phần không biết khéo nói để rồi đời nó dập dụi. Nhưng hình như dập dụi mà nó vui vì vẫn ngẩng cao đầu. Bạn nào hay thì cứ ném đá, thằng nhỏ xin hứng thôi.

          Cũng khởi đi từ sự sợ đi tu không được và cho về nên ngày hôm nay ứng sinh bằng mọi giá dựa. Được một cái là các bố cứ thế mà nhận làm con để rồi ngày ra trường các "công tử" chả biết để đi đâu. Đi đâu bây giờ khi cả đời cứ dựa và ngại khó. Thời ngồi ghế nhà trường được đưa đến những cái nơi gọi là khỉ ho cò gáy xem chừng ra ngán đến tận cổ để rồi đủ mọi cách từ sức khỏe đến khả năng và cuối cùng là khước từ.

          Nghe các bậc đàn anh nói lên thao thức về việc đào tạo những người trẻ để họ kế thừa môi trường đặc thù xem chừng ra quá khó. Giữa cái thế giới hưởng thụ mà lại đẩy lên cái vùng nếm trước sức nóng của luyện ngục thì chả ai đi. Mà nếu có đi thì cũng nhanh nhanh tìm cách rút vì đến nơi đây ở chả có sổ thu mà toàn có thấy sổ chi.

          Mà cũng khổ ! Ngay như gia đình hay từ ông bà cố và những người thân khi nghe con của mình đến ở vùng xa thì hình vui thì ít mà lo thì nhiều. Có khi chả có gì mang về làm quà cho cha mẹ mà cứ mỗi lần thấy cái mặt "đằng ấy" về là anh chị em lại móc hầu bao cho trước khi lên đường. Cái câu mà người ta hay đùa Tết này con không về chắc Mẹ buồn lắm mà con về chắc mẹ buồn hơn đúng cho những linh mục đang ở cái vùng sâu và xa. Đơn giản là thấy cái mặt "hắc ám" đó là cứ phải dúi dúi cho vài đồng bạc để lên đường sống với người nghèo.

          Nhìn về tương lai, lòng vẫn tin tưởng vào ơn Chúa Thánh Thần nhưng có gì đó nghẹn nghẹn và ngại nói bởi lẽ sống giữa thế giới thực dụng thì không ít thì nhiều những tâm hồn tận hiến cũng bị ảnh hưởng. Những ước mong những ai đã có ước nguyện dấn thân thì dấn thân trọn vẹn vì sứ vụ chứ đừng vì một lý do nào đó mà làm đục bẩn đi lý tưởng tự ban đầu.

Lm. Anmai CSsR

Tác giả: