Chúc lành chứ đừng nguyền rủa - Sự vô sinh và Mầu nhiệm đau khổ.
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lại Thế Lãng
Chúc lành chứ đừng nguyền rủa
The Word Among Us – Lại Thế Lãng chuyển ngữ
Nhiều gia đình có truyền thống cầu nguyện trước bữa ăn, cầu xin Chúa chúc lành cho họ, chúc lành cho thức ăn và chúc lành cho thời gian họ ở bên nhau.
Có bao nhiêu người trong chúng ta, khi một người nào đó làm điều gì đó để giúp chúng ta, chúng ta đáp lại bằng cách nói: "Xin Chúa ban phước lành cho bạn"?
Những ví dụ này là tất cả những cách mà chúng ta cầu xin Chúa ban phước lành cho những người trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng có một mặt khác của phương trình này.
Đã bao nhiêu lần, sau khi chúng ta cảm thấy mình bị đối xử bất công, chúng ta có ước muốn điều ác với ai đó? Đó có lẽ không phải là một lời nguyền rủa cụ thể, nhưng chúng ta đang sử dụng thuật ngữ "lời nguyền rủa" theo cách tương tự như Thánh Phaolô khi ông nói với tín hữu Rôma "chúc lành chứ đừng nguyền rủa" (Rm 12:14). Theo nghĩa này, những "lời nguyền rủa" này có xu hướng liên quan đến những suy nghĩ hoặc lời nói tiêu cực và gây tổn thương cho người khác.
Lời nói quan trọng. Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng khi bạn suy nghĩ hoặc nói theo cách này, bạn có thể cảm thấy hài lòng trong giây lát, nhưng sự tiêu cực không giải quyết được gì? Trên thực tế, những suy nghĩ và lời nói tiêu cực như thế này chỉ có tác dụng đầu độc bầu không khí và làm suy yếu mối quan hệ.
Sự thật là, suy nghĩ và lời nói của chúng ta rất quan trọng. Chúng có một chiều kích tâm linh cũng như một khía cạnh xã hội và tâm lý.
Chúa Giêsu đã dạy rằng điều trong lòng chúng ta là nghiêm trọng—trong một số trường hợp, cũng nghiêm trọng như những hành động chúng ta thực hiện. Ví dụ Ngài nói với các môn đệ của mình rằng chỉ đơn giản là thích thú với những ý nghĩ dâm dục đã là hình thức ngoại tình và cần sự ăn năn và lòng thương xót Chúa (Mt 5: 27-28). Đó cũng là lý do tại sao Thánh Pholô kêu gọi tín hữu Côrintô bắt tư tưởng của họ phải đầu hàng và khiến họ vâng phục Chúa Kitô (2 Cr 10: 5).
Về lời nói, Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta rằng chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi lời chúng ta nói ra (Mt 12:36). Ngay cả tác giả thánh vịnh cũng cẩn thận không nói lên sự cay đắng hay thất vọng bên trong mình, vì sợ rằng những lời nói của ông sẽ có tác động tiêu cực đến con cái Thiên Chúa (Tv 73:15). Cuối cùng, Thánh Giacôbê cảnh báo chúng ta không được lạm dụng miệng lưỡi để nguyền rủa hoặc nói xấu người khác (Gc 3: 8-12).
Để chúng ta không trở nên quá lo lắng về mọi thứ hiện lên trong tâm trí hoặc ngoài miệng, chúng ta nên cẩn thận không để cho điều này đi quá xa. Chúng ta biết rằng chúng ta nên tránh nghĩ hoặc nói xấu người khác, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là mỗi lời nói sơ suất mà chúng ta thốt ra đều thả ra một con quỷ. Thay vì thế, chính là dòng suy nghĩ và lời nói tiêu cực đều đặn có tiềm năng lớn nhất của việc gây tổn hại thiêng liêng. Đó là lý do tại sao các đoạn Kinh thánh và các ví dụ trên cảnh báo chúng ta rằng chúng ta phải cố gắng chấm dứt bất cứ điều gì tiêu cực nằm trong lòng chúng ta hoặc tìm cách thỏa mãn trong lời nói của chúng ta.
Canh giữ tâm hồn và miệng lưỡi. Tất cả những lời cảnh báo này cho chúng ta biết rằng những suy nghĩ tiêu cực và những lời nói gây tổn thương của chúng ta có khả năng mở ra cánh cửa cho cái ác. Thậm chí có thể là khi chúng ta nói điều ác chống lại người khác, chúng ta cho ma quỷ cơ hội quấy rối cả người mà chúng ta đang "nguyền rủa" và cả chính chúng ta nưa. Những "lời nguyền rủa phán xét" này hoạt động như thế nào? Hãy xem một số ví dụ.
Thất vọng về cuộc hôn nhân của mình, Tom liên tục tự hỏi mình, "Tại sao vợ tôi không thể giống như Susan, người hàng xóm của chúng tôi?"
Với những căng thẳng nghiêm trọng giữa người chủ và nhân viên, những chuyện ngồi lê đôi mách, bôi nhọ và những lời nói hoặc suy nghĩ làm giảm uy tín làm cho nơi làm việc trở nên tồi tệ.
Tức giận vì điểm số thấp liên tục của con mình, một người mẹ có thói quen cằn nhằn. "Con không thể học được gì phải không?".
Như danh sách này cho thấy, những suy nghĩ và lời nói tiêu cực đang ở xung quanh chúng ta. Không có gì lạ khi nghe mọi người sử dụng những lời nguyền rủa và cử chỉ thô thiển để trút giận. Tất cả sự tiêu cực này có khả năng làm ngược lại hoàn toàn với phước lành mà chúng ta đã nói ở trên. Với người mà chúng ta mở cánh cửa dẫn đến ân sủng của Thiên Chúa - và Ngài đáp ứng. Và với người kia, chúng ta mở ra cánh cửa cho sự quấy rối của Satan—và thật đáng buồn, nó cũng đáp ứng.
Khi thảo luận về các chủ đề như lời nguyền rủa và sự giải thoát, chúng ta cần phải rõ ràng rằng chúng ta không nói về việc quỷ ám thực sự. Đó là lĩnh vực của một nhà trừ tà chính thức hoạt động nhân danh Giáo hội. Những "lời nguyền rủa" mà chúng ta đang xem xét — và rất phổ biến trên thế giới — là những trường hợp ảnh hưởng của ma quỷ, không phải quỷ ám.
Marie và Rita. Ở tuổi bốn mươi tám, Marie là một người phụ nữ khá xinh đẹp, tuy nhiên mãi mãi cảm thấy chán nản về vẻ bề ngoài của mình. Chị ấy không nghĩ rằng mình hấp dẫn, và niềm tin này đã cướp đi sự tự tin của chị ấy—không những về ngoại hình mà còn về nhiều tài năng của chị ấy. Một buổi tối nọ, sau khi một đồng nghiệp nhận xét thẳng thừng về mái tóc của chị khiến Marie phải lo lắng một lần nữa, chồng chị nhận ra rằng chị cần cầu nguyện cũng như chị cần những lời an ủi và khuyến khích của anh.
Khi hai người họ cầu nguyện, Chúa Thánh Thần đã đưa đến tâm trí Marie một sự cố từ khi chị còn học trung học. Hơn ba mươi năm trước, chị tình cờ nghe thấy một số bạn cùng lớp nói: "Cô ấy có một cái mũi to và khuôn mặt đầy mụn nhọt. Người con trai nào muốn đi chơi với cô ấy?"
Khi nhớ lại cảnh này, Marie lại cảm thấy đau đớn và xấu hổ mà những lời này gây ra cho chị và cách chị tưởng tượng cả trường cảm thấy về chị. Chị cũng nhận ra rằng những lời này, được thốt ra hơn ba mươi năm trước, đã trở thành nguồn gốc chính của sự lo lắng của chị bất cứ khi nào chị trở nên chán nản về vẻ bề ngoài của mình.
Trong khi họ tiếp tục cầu nguyện, cả Marie và chồng chị đều cảm thấy rằng thái độ của chị về bản thân có thể chỉ là một phần của vấn đề. Họ cảm thấy rằng có thể có một thế lực xấu xa cũng làm phiền chị, khiến chị bị ràng buộc với hình ảnh bản thân tiêu cực này. Sau khi Marie tập trung sức mạnh để tha thứ cho các bạn cùng lớp, chị cảm thấy như thể một gánh nặng đã được trút bỏ khỏi vai chị. Marie cảm thấy nhẹ nhàng, và theo thời gian, chị dần dần ngừng nhìn mình theo cách hạ thấp mà chị đã trở nên quá quen thuộc. Sau một vài tháng, và qua lời cầu nguyện kiên định với chồng, chị đã trải qua một sự thay đổi đáng kể đối với hình ảnh của bản thân mình.
Rita, một bà mẹ hai con, đã ly hôn được bốn năm. Đó là một cuộc chia ly cay đắng, khi chồng chị giáng xuống chị những lời buộc tội và đổ lỗi hoàn toàn cho cuộc hôn nhân thất bại của họ. Sự căng thẳng tinh thần trong lời nói của chồng chị dần dần khiến Rita mệt mỏi. Rita đã chịu đựng nhiều tháng trầm cảm và xấu hổ trước khi chị tìm được can đảm để tham dự Thánh lễ chữa lành hàng tháng tại giáo xứ của mình.
Lần đầu tiên linh mục cầu nguyện cho Rita, ông nói rằng chị cần sự giải thoát tâm linh cũng như sự chữa lành đi kèm với thời gian. Khi vị linh mục và các thành viên trong nhóm mục vụ cầu nguyện với Rita, họ cũng thay phiên nhau đọc các đoạn trong Kinh thánh nói về quyền năng của Chúa Giêsu để giải cứu dân ngài khỏi điều ác — những đoạn như Gioan 10:10; Luca 10:18-19; Êphêsô 2:4-6; và Côlôsê 2: 13-15. Công bố sự thật về chiến thắng ma quỷ của Chúa Giêsu, họ khuyến khích Rita đặt niềm tin của mình vào thập giá và đón nhận chiến thắng đó cho chính mình. Họ cũng yêu cầu Rita tha thứ cho chồng cũ. Trong khi chị ấy nói những lời thương xót, Rita biết rằng vết thương của chị vẫn còn quá sâu để tha thứ cho chồng chị hoàn toàn. Sau khoảng hai mươi phút cầu nguyện, nhóm quyết định dừng lại và cầu nguyện lại với chi một tuần sau đó.
Trong suốt ba buổi cầu nguyện nữa, Rita bắt đầu mỉm cười trở lại, và tinh thần của chị bắt đầu trỗi dậy. Tâm hồn đau khổ của chị bắt đầu được chữa lành khi chị được giải thoát khỏi sự khổ não đang đè bẹp chị xuống. Rita cuối cùng đã nói với linh mục chánh xứ của mình, "Trong nhiều tháng, con thức dậy với cảm giác như thể mình là một người thất bại hoàn toàn. Con nghĩ rằng con không xứng đáng với tình yêu thương của Thiên Chúa và rằng con đã một tay hủy hoại cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, sau những lần cầu nguyện, con cảm thấy những ý nghĩ và lời buộc tội này tan biến. Con dần dần cảm thấy nhẹ nhõm trước tất cả những hình ảnh tiêu cực và đau đớn đã xoay quanh trong tâm trí con quá lâu".
Nói Lời Chúc Lành. Hãy kiên trì canh chừng tâm hồn và miệng lưỡi của bạn. Một cách tuyệt vời để làm điều đó là đặt tấm lòng và tâm trí của bạn vào những thứ "thanh khiết", "đáng yêu" và "nhân từ" (Pl 4: 8), hãy nhớ rằng "Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. (Ga 1: 5). Và hãy tận dụng Bí tích Hòa giải có thể hàn gắn trái tim bạn và Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tất cả chúng ta bằng Bánh Sự sống.
**************
Sự vô sinh và Mầu nhiệm đau khổ.
Tác giả: Francine Fritsch Gikow – Lại Thế Lãng chuyển ngữ
Bạn có tin vào phép lạ không? Tôi tin. Sau nhiều năm vô sinh, giờ đây tôi là mẹ của hai đứa con—một đứa được nhận làm con nuôi, và đứa kia do tôi sinh ra. Cả hai đứa con của tôi đều là phép lạ. Con gái nuôi của tôi là một món quà kỳ diệu từ một người mẹ ruột. Con trai tôi là một phép lạ từ cơ thể chúng tôi, được thụ thai trong quá trình xin nhận nuôi đứa con thứ hai. Tôi vui mừng trước những điều ngạc nhiên tuyệt vời này từ Thiên Chúa! Đồng thời, tôi cũng rất biết ơn về cách mạnh mẽ Chúa đã làm trong cuộc sống của tôi trong những năm vô sinh trước những phép lạ này. Những suy tư dưới đây là nỗ lực của tôi để bày tỏ những bài học quan trọng mà Chúa đã dạy tôi trong lúc có sự mất mát, cô đơn và đau đớn đó.
"Bà có ít hơn năm phần trăm cơ hội mang thai — và điều đó không có nghĩa là sinh ra một đứa trẻ còn sống."
Tôi sẽ không bao giờ quên những lời đó. Đó là sự kết thúc của cuộc tìm kiếm một đứa con ruột của chúng tôi, nhưng cũng là khởi đầu của cuộc tìm kiếm sự hiểu biết tâm linh của tôi.
Hãy sinh sôi nảy nở. Giống như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, chồng tôi và tôi cho rằng chúng tôi có thể có con. Khi bắt đầu cuộc hôn nhân, chúng tôi tập trung vào sự nghiệp. Sau đó là thời gian để có con, và lần đầu tiên, những kế hoạch tốt nhất của chúng tôi đã trở nên tồi tệ.
Chúng tôi chờ đợi con cái, nhưng chúng đã không đến. Chúng tôi đã cố gắng để tạo hóa tham gia vào tiến trình đó. Chúng tôi thậm chí còn sử dụng kiến thức của mình về thời kỳ có khả năng sinh sản để tận dụng cơ hội của mình — nhưng không có kết quả. Chúng tôi đã thất vọng, tức giận và chán nản.
Chúng tôi đã chứng kiến khi bạn bè mang thai khá dễ dàng; Chúng tôi đứng bên cạnh khi có người phàn nàn về khả năng sinh sản của họ. Đi dự tiệc mừng cho đồng nghiệp sắp sinh con là vô cùng đau đớn. Vì cả hai chúng tôi đều ở độ tuổi từ ba mươi đến giữa ba mươi, hầu hết mọi người đều cho rằng chúng tôi có định hướng nghề nghiệp và đã chọn từ bỏ việc có con. Chúng tôi đã nhận được những ý kiến về "sự lựa chọn bạn đã thực hiện." Các thành viên trong gia đình đã cho chúng tôi những gợi ý về con cái trong nhiều năm, và thậm chí còn có một số áp lực. Ít ai biết rằng chúng tôi cũng thất vọng như họ.
Ngay cả đức tin dường như chống lại chúng tôi. Khi tôi mở Kinh Thánh ra, tôi thấy những lời khuyên dạy phải "sinh sôi nảy nở." Các tài liệu của Vatican II và các thông điệp của Giáo hoàng thảo luận về ơn gọi hôn nhân chứa đầy những mô tả về gia đình như là bối cảnh để nuôi dạy con cái. Một vài đề cập đến các cặp vợ chồng không có con dường như là cái tốt hạng hai: Nếu Thiên Chúa không ban cho bạn con cái, thì hãy tìm cách khác để chia sẻ trong việc nuôi dạy con cái. Bất cứ nơi nào chúng tôi nhìn, chúng tôi đều phải đối mặt với việc không thể sinh con.
"Tại sao lại là chúng tôi?" Nhưng vô sinh cũng là một cuộc khủng hoảng cá nhân. Cảm giác tội lỗi, bất cập, bất lực, hình ảnh của bạn về bản thân như một người hoàn chỉnh và có nhiệm vụ — tất cả đều bị nghi ngờ. Tức giận là một phản ứng phổ biến: "Làm sao Thiên Chúa có thể tàn nhẫn đến mức ngăn cản chúng tôi có con? Tại sao lại là chúng tôi?"
Tôi đã không nhận ra mình đã tức giận như thế nào cho đến khi tôi đi xưng tội. Cha giải tội của tôi giải thích rằng Thiên Chúa không muốn có những điều xấu xảy ra: Chúng chỉ xẩy ra. Những gì Thiên Chúa làm, cha nói, là chúng ta trở nên gần gũi hơn với Ngài và lớn lên trong tình yêu dành cho Ngài qua bất cứ điều gì xảy ra. Tôi không hoàn toàn hiểu ý của vị linh mục vào thời điểm đó, tôi đã loại bỏ nó trong tâm trí của mình.
Sau đó, tôi phát hiện ra Hannah trong Kinh thánh. Đây là một người phụ nữ ở phía sau của chính trái tim tôi! Tấm lòng của bà đã tan vỡ bởi vì, như tác giả đã nói, "Chúa đã làm cho bà không sinh sản được”. (1 Sm 1:5). Vô cùng đau khổ, Hannah đã cùng chồng đi thờ phượng Chúa. Bà đã khóc một cách cay đắng khi cầu nguyện và tỏ ra rối loạn đến nỗi Êli, thầy tư tế, đã buộc tội bà say rượu! Khi Hannah đối mặt và sửa chữa những nghi ngờ của Eli bằng cách mô tả sự dằn vặt của bà, Êli cũng đã cầu nguyện cho bà. Ngày hôm đó, Hannah trở về nhà trong bình an.
Tìm kiếm sự bình an. Tôi đồng cảm với Hannah vì tôi cũng tìm kiếm sự bình an. Giống như bà ấy, tôi đã khóc, tôi đã cầu nguyện, tôi đã mặc cả với Chúa: "Nếu con làm điều này cho Chúa, Ngài sẽ ban cho con một đứa con chứ?"
Trong trường hợp của Hannah, câu chuyện có một kết thúc có hậu: Cuối cùng bà đã sinh được một đứa con trai, Samuel. Và tôi nhận thấy rằng bà không phải là người phụ nữ duy nhất trong Kinh Thánh có được kinh nghiệm này. Trên thực tế, nó bắt đầu xuất hiện với tôi rằng những ví dụ của Kinh thánh về sự vô sinh đã chỉ ra việc sinh con như một phần thưởng cho sự công chính. Sarah vợ của Ápraham và mẹ của Isaac; Rebekah vợ của Isaac và mẹ của Jacob và Esau; Rachel vợ của Jacob và mẹ của Joseph và Benjamin; Êlisabet vợ của Zacaria và là mẹ của Gioan Tẩy giả—tất cả những người phụ nữ này đều vô sinh. Tất cả cuối cùng đã trở thành mẹ của những người con trai nổi tiếng.
Mặc dù tôi có thể đồng cảm với nỗi thống khổ mà những người phụ nữ này đã cảm thấy, nhưng tôi cảm thấy bị tổn thương khi nghĩ rằng họ dường như được tưởng thưởng cho sự thánh thiện của họ. Không phải tôi cũng đang cố gắng sống một cuộc sống tốt sao? Tôi thậm chí còn cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi nhiều hơn.
Tình yêu và nỗi đau. Cuộc đấu tranh của tôi với sự vô sinh đã khiến tôi đối mặt với thực tế là tôi không kiểm soát được cuộc sống của mình. Đó là một trải nghiệm mới. Là một người phụ nữ có nghề nghiệp và học thức, tôi đã quen với trách nhiệm. Tôi biết cách giải quyết vấn đề và tìm cách hoàn thành công việc. Tại nơi làm việc, tôi có thể làm cho mọi thứ xảy ra!
Tuy nhiên, sự vô sinh không theo quy tắc của nơi làm việc. Trong lĩnh vực này của cuộc sống, tôi cảm thấy bất lực, dễ bị tổn thương và không thể vạch ra hướng đi của riêng mình. Học cách thừa nhận và chấp nhận thực tế này là rất đau đớn.
Cuối cùng, như tôi thấy, đó là một ân sủng lớn lao. Trong sự yếu đuối của tôi, lòng tự trọng và tính kiêu ngạo của tôi đã bị lột bỏ và tôi trở nên cởi mở với Chúa. Tôi bắt đầu cậy dựa vào Thiên Chúa trong lời cầu nguyện để đưa tôi vượt qua cuộc khủng hoảng này. Và Thiên Chúa đã thông qua.
Khi đời sống cầu nguyện của tôi trở nên sâu sắc hơn, tôi từ từ bắt đầu hiểu ý nghĩa và mục đích của tất cả những đau khổ của mình. Tôi nhận ra rằng tôi đã được kết hợp với Chúa Kitô trên thập giá. Một đêm nọ, khi tôi nằm trên giường, tôi nhận ra:
Rồi chúng ta nhận thức được mầu nhiệm đau khổ,
Kinh nghiệm về sự chuộc tội—nỗi đau đớn đó có nghĩa là tình yêu thương.
Để chia sẻ nỗi đau khổ của Chúa Kitô và sự chia sẻ của Ngài trong chúng ta,
Là ý nghĩa của nỗi đau,
Nỗi đau ở đó.
Cuối cùng, tôi đã tìm thấy sự bình yên với sự vô sinh và trở nên hòa giải với nó. Tôi tin rằng chìa khóa là chấp nhận rằng tôi không kiểm soát được cuộc sống của mình: Thiên Chúa kiểm soát. Một khi tôi hiểu điều này, tôi có thể hướng về Thiên Chúa với hy vọng rằng Ngài sẽ dạy tôi phải làm gì. Đó là tùy thuộc vào Ngài!
Bởi vì nó đã kéo tôi đến gần Chúa hơn, tôi thậm chí có thể nói rằng sự vô sinh đã trở thành một ơn lành. Đó là nghịch lý của phúc âm—sức mạnh trong sự yếu đuối, niềm vui trong nỗi buồn phiền, chiến thắng trong thảm kịch. Qua cuộc đấu tranh với sự vô sinh, tôi đã học cách kết hợp mình với Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Ngài, đặc biệt là qua Bí tích Thánh Thể. Kể từ thời điểm đó, mỗi ngày trong Thánh lễ, tôi đã kết hợp những nỗi buồn và đau khổ của mình, cũng như niềm vui của tôi với Chúa Kitô trên thập giá.
Công việc tìm kiếm cho sự hiểu biết của tôi đã làm sáng tỏ mầu nhiệm đau khổ. Tôi đã học cách đặt sự vô sinh của mình lên thập giá của Chúa Kitô và trở nên hiệp nhất với Ngài. Tôi tưởng tượng ra khuôn mặt của Ngài dịu dàng nhìn tôi từ cây thập giá, và tôi biết tôi không đơn độc. Nỗi đau đớn của tôi đã được chia sẻ—với Đấng đã trải qua nỗi đau đớn lớn lao hơn nhiều. Với tình yêu của Ngài, sau cùng nỗi đau dường như không bao la như vậy, và tôi đã tìm thấy sự bình an tuyệt vời.