“Con Hãy Theo Thầy”
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Xuân Hy Vọng
“CON HÃY THEO THẦY”
Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua đau khổ. Dù lớn hay bé, dù ảnh hưởng nhiều hay ít, thì nỗi đau ấy vẫn còn để lại vết hằn trong tâm khảm. Có thể nói, nỗi đau bị lừa dối, bị chối bỏ, bị ngoảnh mặt làm ngơ,…tác động và chi phối khá nhiều đến tính cách, cuộc sống của chúng ta. Mà giả sử nếu gặp lại người gây tổn thương cho ta, thì thông thường, trước sau gì chúng ta cũng sẽ nhắc lại nỗi đau ấy, tệ hơn trả đũa họ!
Tuy nhiên, bối cảnh gặp lại giữa Chúa Giê-su và Phê-rô (người đã chối Chúa ba lần) trên bờ hồ Ti-bê-ri-a sau khi Ngài sống lại diễn ra hoàn toàn khác biệt với cách con người chúng ta thường xử sự. Thay vì Chúa Giê-su nhắc lại lỗi lầm của Phê-rô, thì Ngài trao ban cơ hội hoán cải, cơ hội xác nhận cam kết, tuyên tín và cơ hội lãnh nhận sứ vụ trọng đại.
Nhưng trước đó, Chúa Giê-su Phục Sinh hết sức tinh tế, thấu hiểu tâm trạng bất an, lo âu, bồn chồn, cùng với sự mệt mỏi của Phê-rô và các môn đệ vì “cả đêm cực nhọc mà chẳng đánh bắt được con cá nào” (x. Ga 21, 3). Vả lại Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết, nên thân xác Ngài không còn phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa; Ngài hằng thấu tỏ, luôn đồng hành, nâng đỡ và ra tay hỗ trợ các môn đệ, những người bạn thân tín của Ngài. Ngài xoa dịu mọi nỗi nhọc nhằn về mặt thể lý cũng như tâm linh, “hãy thả lưới bên phải thuyền thì sẽ được” (Ga 21, 6). Hơn thế, khi chuẩn bị xong bữa điểm tâm, Ngài mời các môn đệ dùng, nuôi dưỡng chăm sóc, quan tâm họ như Ngài đã từng dưỡng nuôi, chỉ dạy, hướng dẫn họ bằng Lời hằng sống và chính Mình Máu Ngài, đặc biệt trong bữa tiệc ly, “các con hãy lại ăn” (Ga 21, 12) và “Chúa Giê-su lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Ngài cũng cho cá như thế” (Ga 21, 13).
Với cử chỉ thân thương, quen thuộc ấy, các môn đệ đã nhận ra chính là Thầy Giê-su, nên “không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ngài là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa” (Ga 21, 12). Thật vậy, Chúa Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết như Ngài tiên báo cho các môn đệ và những người phụ nữ thánh thiện hằng dõi theo bước chân Ngài. Chẳng những thế, Ngài phục sinh, nhưng không biến thành một con người khác biệt, Ngài vẫn gần gũi yêu thương, vẫn nhẹ nhàng dõi trông che chở, đồng hành với các môn đệ trong cuộc sống bình dị hằng ngày. Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa Giê-su Phục sinh hằng bên ta, chỉ dẫn, chăm sóc, nuôi dưỡng ta mỗi thời khắc, mỗi giây phút trong đời; dù lắm lúc chúng ta không nhận ra Ngài vì sự yếu đuối của bản thân, dù bao phen chúng ta khép kín, đóng chặt cửa lòng nên chưa nhìn thấy Ngài hiện diện nơi mỗi ngày sống. Ước gì, chúng ta được cảm nghiệm hơn tình thân của Chúa Phục sinh trong mọi khoảnh khắc đời mình!
Quay trở lại với cuộc hội thoại giữa Chúa Giê-su và Phê-rô sau khi dùng bữa sáng xong. Với sự tinh tế, nhạy cảm, thấu hiểu và đầy bao dung tha thứ của Chúa Giê-su, chúng ta thấy Phê-rô vẫn chân thành như con người của ông, vẫn thẳng thắn bộc trực, nhưng lần này đầy xác tín cậy trông hơn khi được hỏi cùng một câu: “Si-mon, con ông Gio-an, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (x. Ga 21, 15. 16. 17). Không chút do dự, đắn đo, và với tâm hồn đơn sơ, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Thầy mình, Phê-rô đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15. 16. 17). Chẳng vội vã, vội vàng như trước, kỳ này với lòng khiêm nhường sâu thẳm, câu trả lời của ông ẩn chứa niềm tín thác, cậy trông vào Chúa Giê-su: “…Thầy biết con yêu mến Thầy mà!” Nghĩa là Thầy biết con yếu đuối, vấp ngã, tội lỗi bao lần rồi, và Thầy cũng thấu tỏ tâm hồn, tấm lòng yêu mến của con dành trọn cho Thầy ra sao! Tuy nhiên, được hỏi đến lần thứ ba, Phê-rô có chút buồn rầu, có lẽ ông nghĩ ‘Thầy biết rõ con rồi mà sao vẫn hỏi đi hỏi lại một câu vậy!’ Phải chăng Phê-rô không mảy may hồi tưởng ba lần đã chối Chúa ư? Phải chăng chẳng nhớ đến ba lần nói không biết đến ông Giê-su trước mặt một người đầy tớ nữ sao? Lỗi lầm của Phê-rô là thế, nhưng Chúa Ki-tô Phục sinh chẳng đá xoáy vào sự vấp ngã ấy bằng cách trách móc, than phiền; trái lại, Ngài trao cơ hội ‘sửa sai’ cho ông, giúp ông xác tín, yêu mến Chúa, và đặt để sứ vụ cao trọng cho ông: “Hãy chăn dắt các chiên con..chiên mẹ của Thầy” (x. Ga 21, 15. 16. 17).
Sau cùng, Chúa Ki-tô Phục sinh gọi mời Phê-rô “con hãy theo Thầy” (Ga 21, 19), cụ thể bước theo con đường hy sinh, con đường khổ nạn, con đường bỏ mình, con đường vâng phục Thiên Chúa Cha, con đường ‘biến mình ra không’, con đường Thập giá, con đường yêu thương, con đường thứ tha…và con đường trở nên chứng nhân. Thật vậy, sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại ‘nẻo đường làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục sinh’ của Thánh Phê-rô và các Tông đồ một cách sống động dường nào! Dù bị ngăn cấm, nhưng các Ngài đã dõng dạc đáp lại: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” (Cv 5, 29). Dẫu bị ghét bỏ, đánh đập, bắt bớ, nhưng gương chứng nhân của Thánh Phê-rô và các Tông đồ để lại cho chúng ta là hậu duệ lẽ sống dám trở nên chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục sinh trong đời thường nhật, “Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Ngài!…Ra khỏi công nghị, lòng các ngài hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giê-su” (Cv 5, 32. 41). Các ngài tự hào được sống chứng tá cho Thầy Chí Thánh. Còn chúng ta thì sao?
Cầu nguyện:
Chúa nào nhớ lỗi chấp tội chúng con
Chẳng hề trách mắng, xoáy vào nỗi đau
Sẵn sàng tha thứ, nhân từ bấy lâu
Đỡ nâng, nâng đỡ con hèn cậy trông!
“Thầy biết rõ con yêu mến trong lòng”
Thế nên tuyên tín, thực hành chứa chan
Bước theo chân Chúa trung thành hân hoan
Trở nên chứng tá khiêm nhường thiết tha….Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng