Cuộc gặp gỡ lạ lùng - Bản chất của luật mới…
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Huệ Minh
Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
St 23:1-4,19; Tv 106:1-2,3-4,4-5; Mt 9:9-13
Cuộc gặp gỡ lạ lùng
Chính thánh Mátthêu, là người thu thuế, đã thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi ông làm môn đệ Ngài. Tuy là người tội lỗi, khi được Chúa kêu gọi ông đã đi theo Ngài không chút do dự. Việc gọi Mátthêu và việc Chúa Giêsu ăn uống đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, cho thấy Ngài tỏ lòng ưu ái đối với họ. Những người Biệt phái thắc mắc và chỉ trích Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã trả lời bằng cách nêu rõ sứ mệnh của Ngài là sứ mệnh của một Lương y, một vị Mục tử nhân hiền, luôn yêu thương săn sóc những con chiên đau ốm và bị thương.
Tin Mừng hôm nay kể chuyện Chúa Giê su gọi Thánh Mátthêu, một người thu thuế, bị người đời khinh ghét, nhưng lại được Chúa Giêsu chọn làm tông đồ. Thanh danh những người thu thuế đang bị “khinh khi”, vì họ cộng tác với người La mã, và làm giàu trên xương máu của dân nghèo. Hạng người này thông thường khá giàu có...
Giờ đây, Chúa Giêsu lại kêu gọi một người trong bọn họ, mà ai cũng nghi ngại, để bổ sung cho nhóm dân chài bên bờ hồ đã được kêu gọi. Người đang thành lập một nhóm khá ‘li kỳ’. Dầu sao, thì truyền thống vẫn cho Mát-thêu là tác giả Tin Mừng thứ nhất. Khi Chúa Giêsu bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Hình như ngay tức khắc, không chút trì hoãn, ông đã từ bỏ tất cả. Thật là quá mạo hiểm đối với một người giàu có! Nhưng muốn theo Chúa Giêsu, người ta phải ‘mạo hiểm thế đó’. Chẳng bao giờ có gì là “đảm bảo an toàn” 100% đâu! Bao giờ cũng phải có phần ‘liều lĩnh’ đấy! “Các bạn trẻ muốn đi theo ‘ơn gọi’ phải nhớ điều này nhé!”
Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đã làm một chuyện có vẻ rất nguy hiểm, đó là Ngài dám thu nhận một người thu thuế tên là Matthêu làm môn đệ. Điều này có thể kích động lòng giận dữ của dân chúng cũng như giới lãnh đạo tôn giáo Do thái. Vẫn biết đó là điều nguy hiểm, nhưng Chúa vẫn làm. Với tấm lòng rộng mở, đầy tràn tình thương và sự chân thành, Chúa đã khơi gợi nơi Matthêu niềm khao khát hướng thiện, chứ không để ông ngụp lặn mãi trong tiền tài vật chất vốn đã bị pha trộn với gian dối, tội lỗi và sự nhơ nhuốc.
Sau đó, để minh chứng niềm vui vì ‘được Chúa gọi’, Mát-thêu còn mở tiệc ăn mừng, và cũng để chia tay với các bạn đồng nghiệp. Thật là một ‘ơn huệ’ ‘nhưng không’! Đúng vậy, tất cả các ‘ơn gọi tông đồ’ đều là ơn ban ‘nhưng không’. Vì chẳng có ai có công trạng hoặc xứng đáng được tham dự vào công việc của Nước Trời! Và chẳng có ai làm được việc gì cho Nước Trời, nếu không có bàn tay Chúa trợ giúp! Vì thế, tất cả chúng ta, dù làm công tác gì trong cộng đoàn phục vụ Giáo xứ, hay trong Giáo Hội, thì cũng phải luôn luôn nhớ mình chỉ là “đầy tớ vô dụng” mà thôi!
Chúa Giêsu còn nói “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi “người tội lỗi”. Ở đây ta lại khám phá ra một điều ‘lý thú’ nữa: Ai được Chúa ‘kêu gọi’ làm ‘việc gì’, còn phải nhớ ‘điều quan trọng’ nữa: Mình chính ‘là kẻ tội lỗi’, nên được ‘Chúa kêu gọi’! Vậy mà nhiều khi người ta lại nghĩ ngược lại: cứ tưởng mình là người thánh thiện, nên Chúa gọi, thậm chí cả các Đấng các Bậc cũng nghĩ thế. ‘Kiêu ngạo’ đến thế thì thôi!
Tin Mừng cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.
Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.
Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
St 27:1-5,15-29; Tv 135:1-2,3-4,5-6; Mt 9:14-17
Bản chất của luật mới…
Nhân cơ hội giải thích cho những người Pharisêu lý do vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.
Trong cựu ước Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và Israel là nàng dâu.
Như thế khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng: Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố Người chính là Thiên Chúa đã đến giữa lòng nhân loại. Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể) đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.
Việc ăn chay phải gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu. Do đó lúc Người vui thì con người phải chia vui với Người. Khi Người khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Người chết thì con người phải cùng chấp nhận chịu chết với Người. Khi Người sống lại thì con người cũng cùng sống lại với Người.
Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Người chính là chàng rể Chúa Cha sai đến kết hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.
Câu hỏi mà các môn đệ của ông Gioan hỏi Chúa Giêsu hôm nay, tương tự với câu hỏi trước đó của những người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu ở câu 11. Những người Biệt Phái đã hỏi các môn đệ của Chúa Giêsu, "Tại sao thầy các ông lại ăn với những người thu thuế và tội lỗi ?" Bây giờ các môn đệ của ông Gioan hỏi Chúa Giêsu : "Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?" Hai câu hỏi đại diện cho hai quan điểm của sự thánh thiện đạo đức. Một quan điểm cho rằng người ta không thể cùng ăn uống đồng bàn với người tội lỗi, một quan điểm khác cho rằng người ta phải ăn chay theo luật trong mọi thời điểm.
Với câu hỏi của các môn đệ ông Gioan, Chúa Giêsu dùng ba hình ảnh khác nhau để trả lời cho họ, đồng thời Ngài giải thích lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay như các môn đệ của ông Gioan và người Pharisêu.
Hình ảnh đầu tiên mà Chúa Giêsu đã sử dụng là Ngài đã áp dụng thuật ngữ "Tân lang" dành cho Ngài. Nếu Chúa Giêsu là "Tân lang", các môn đệ của Ngài là "những người bạn của Tân Lang", những người được gọi đến với Ngài là cô dâu, thì việc ăn chay vào lúc có Ngài quả thật không phù hợp. Lý do mà những người Biệt Phái và các môn đệ của Gioan ăn chay là bởi vì họ đang mong đợi ngày Chúa sẽ đến như chàng rể đến. Họ đang chay tịnh để chờ đợi ngày Chúa sẽ đến khôi phục lại Israel vì họ không tin rằng lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện qua Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là "Tân lang" nghĩa là Ngài cho biết Ngài là Thiên Chúa, Đấng phải đến, đã đến !
Chúa Giêsu còn đưa ra hai hình ảnh minh họa tiếp theo về sự khác biệt giữa việc ăn chay của người Pharisêu và các môn đệ của Ngài, bằng cách cho thấy sự khác biệt căn bản giữa Giao Ước Cũ và Mới. Với hai hình ảnh minh họa này, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến trọng tâm câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra bởi những người Biệt Phái và các môn đệ của Gioan. Không phải việc giảng dạy và mục vụ của Chúa Giêsu chỉ là một chút thay đổi luật, giống như một miếng vá mới trên tấm áo cũ là hệ thống luật hiện hành của Do Thái giáo. Không phải Ngài chỉ đến để chỉ đổ nội dung của Giao Ước Mới vào hình thức cũ của Cựu Ước như rượu mới trong bầu da cũ.
Chúa Giêsu cho họ biết, Ngài đã dẫn những ai muốn theo Ngài đi vào một thế giới hoàn toàn mới. Hình ảnh vải mới vá vào áo cũ, rượu mới đổ vào bầu da cũ, cũng giống như hình ảnh một linh kiện mới được gắn vào để nâng cấp máy tính cũ, một lớp sơn mới sơn lên một mảng tường của ngôi nhà cũ… Tất cả những thứ đó chỉ là những vá víu không hoàn chỉnh. Chúa Giêsu đến mang theo một bộ mặt mới, một tinh thần mới trong việc giữ luật. Ngài trả lời cho những người chất vấn Ngài rằng, họ không thể ép Ngài và các môn đệ của Ngài đi vào hệ thống tinh thần của luật cũ.
Áp dụng đoạn Tin Mừng cho chúng ta ngày hôm nay là gì ? Chúng ta ăn chay là bởi vì chúng ta đang sống giữa hai lần Chúa đến. Chúng ta không ăn chay như những người Biệt Phái và các môn đệ của ông Gioan đã làm trong thời Chúa Giêsu. Chúng ta ăn chay bởi vì chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Hôn Phu của chúng ta đã đến để khai mở vương quốc của Ngài, và chúng ta háo hức chờ đón Ngài đến một lần nữa trong vinh quang.