ĐGH Leo XIV nói với người Công giáo Đông phương: Giáo hội cần các bạn
ĐGH Leo XIV nói với người Công giáo Đông phương: Giáo hội cần các bạn
Đức Thánh Cha Leo XIV chào đón những người Công giáo Đông phương đến Vatican bằng lời chào mừng Phục Sinh truyền thống, “Đức Kitô đã phục sinh! Ngài thực sự đã phục sinh!”
Phát biểu trước những tín hữu từ 23 Giáo hội sui iuris hiệp thông trọn vẹn với Roma, Đức Thánh Cha nói, “Các bạn thật quý giá trong anh mắt Thiên Chúa,” và ngài bày tỏ niềm vui khi được dành một trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của mình cho các tín hữu Đông phương.
“Khi nhìn các bạn,” ngài nói, “tôi nghĩ đến sự đa dạng về nguồn gốc, lịch sử vẻ vang của các bạn và những đau khổ cay đắng mà nhiều cộng đồng của các bạn đã phải chịu đựng hoặc tiếp tục chịu đựng.”
Đồng thời, ngài tái khẳng định “niềm tin của Đức Phanxicô rằng các Giáo hội Đông phương phải được ‘trân trọng và đánh giá cao vì những truyền thống tâm linh và trí tuệ độc đáo mà họ bảo tồn, và vì tất cả những gì họ phải nói với chúng ta về đời sống Kitô giáo, tính công đồng và phụng vụ’.”
Nhắc lại lời dạy của các Giáo hoàng tiền nhiệm, gồm cả Đức Leo XIII và Thánh Gioan Phaolô, Đức Thánh Cha Leo XIV nhấn mạnh tầm quan trọng của những truyền thống Đông phương, đặc biệt là phụng vụ.
Ngài cũng bày tỏ mối quan tâm đối với “nhiều anh chị em Đông phương” của chúng ta đã bị lưu đày khỏi quê hương của họ “và có nguy cơ mất không chỉ quê hương của họ,” mà còn cả bản sắc tôn giáo của họ.
Đức Thánh Cha Leo nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo tồn những nghi lễ Đông phương và yêu cầu Bộ các Giáo hội Đông phương “giúp xác định những nguyên tắc, chuẩn mực và hướng dẫn” hầu giúp các Giám mục La tinh hỗ trợ những người Công giáo Đông phương ở nước ngoài bảo tồn di sản của họ.
Giáo hội cần Đông phương
“Giáo hội cần các bạn!” Đức Thánh Cha Leo nói. “Sự đóng góp mà Kitô giáo Đông phương có thể mang lại cho chúng ta ngày nay là vô cùng to lớn,” ngài tiếp tục, chỉ ra nhu cầu khôi phục cảm giác huyền bí được thể hiện trong nững nghi thức phụng vụ Đông phương; tầm quan trọng của việc tái khám phá cảm giác về quyền tối thượng của Thiên Chúa và về sự huyền nhiệm; và nhu cầu “sám hối, ăn chay và khóc lóc vì tội lỗi của chính mình và của toàn nhân loại.”
“Điều quan trọng là các bạn phải bảo tồn những truyền thống của mình không được để suy yếu,” ngài nói.
Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh giá trị “thuốc” của các truyền thống tâm linh Đông phương kết hợp “kịch tính của sự đau khổ của con người với sự ngạc nhiên trước lòng thương xót của Thiên Chúa.”
“Ai hơn các bạn,” ngài hỏi, “có thể hát một bài ca hy vọng ngay cả giữa vực thẳm bạo lực.”
Tiếp nối sự công nhận của Đức Phanxicô đối với các cộng đồng Đông phương là “Giáo hội tử đạo,” Đức Thánh Cha Leo than thở về tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành ở những khu vực đa dạng như Đất Thánh, Ukraine, Trung Đông, Tigray và Kavkaz.”
“Vươn lên từ nỗi kinh hoàng này, từ vụ thảm sát rất nhiều người trẻ, điều đáng lẽ phải gây phẫn nộ vì mạng sống đang bị hy sinh nhân danh chinh phục quân sự, vang lên lời kêu gọi” vì hòa bình.
Ngài đã đưa ra lời kêu gọi, ngài nói, “không phải là lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng, mà là của chính Đức Kitô, người lặp lại, ‘Bình an cho các con!’”
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình này,” Đức Thánh Cha nói, “là sự hòa giải, tha thứ và lòng can đảm để lật sang trang mới và bắt đầu lại.”
Cam kết vì hòa bình
Đức Thánh Cha Leo XIV đã mạnh mẽ bày tỏ cam kết của mình “sẽ nỗ lực hết sức để hòa bình có thể chiến thắng,” ngài tái khẳng định sự sẵn lòng của Tòa Thánh trong việc làm mọi thứ có thể “để giúp đưa kẻ thù lại gần nhau, đối diện với nhau, để nói chuyện với nhau,” để đối thoại, “để mọi người ở khắp mọi nơi có thể tìm thấy hy vọng và phục hồi… phẩm giá của hòa bình.”
Kêu gọi trực tiếp đến người dân thế giới và các nhà lãnh đạo của họ, Đức Thánh Cha Leo đã đưa ra lời kêu gọi chân thành: “Chúng ta hãy gặp gỡ, hãy nói chuyện, hãy đàm phán!”
Ngài nhấn mạnh rằng “chiến tranh không bao giờ là điều không thể tránh khỏi” và kêu gọi ngừng sử dụng vũ khí, “những thứ không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm gia tăng vấn đề.”
Ngài tiếp tục cảm ơn Chúa vì tất cả những người đang “gieo hòa bình”, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Kitô giáo, “những người, trên hết là ở Trung Đông, vẫn kiên trì và ở lại quê hương của họ, chống lại sự cám dỗ bỏ rơi họ.”
Đức Thánh Cha khẳng định rằng cần phải trao cho những người Kitô giáo ở Đông phương “cơ hội, không chỉ trên lời nói, để ở lại quê hương của họ với tất cả các quyền cần thiết cho một cuộc sống an toàn.”
Nhắc lại một lần nữa rằng “Chúa Giêsu, Con của Công lý, đã xuất hiện” trên vùng đất của họ, ngài cảm ơn những Kitô hữu ở Đông phương “vì đã là ‘ánh sáng trên thế gian’” và khuyến khích họ “nổi bật vì đức tin, hy vọng và lòng bác ái, và không gì khác.”
Ngài kêu gọi các mục tử của các Giáo hội Đông phương thúc đẩy “cộng đồng có sự chính trực,” để cộng đồng của họ có thể trở thành “nơi của tình huynh đệ và đồng trách nhiệm.”
Đức Thánh Cha Leo XIV kết luận: “Ngày nay, hơn bao giờ hết, vẻ huy hoàng của Kitô giáo Đông phương đòi hỏi phải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và mọi khuynh hướng trái ngược với sự hiệp thông, để luôn trung thành trong sự vâng phục và làm chứng cho Tin Mừng.”
Jos. Nguyễn Minh Sơn