ĐGH Phanxicô tuyên bố kiến trúc sư Antoni Gaudí là ‘Đấng Đáng Kính’
- T4, 16/04/2025 - 04:00
- Nguyễn Minh Sơn
ĐGH Phanxicô tuyên bố kiến trúc sư Antoni Gaudí là ‘Đấng Đáng Kính’

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố kiến trúc sư người Tây Ban Nha Antoni Gaudí là “Đấng đáng kính”, đưa nhà thiết kế của Vương cung Thánh đường Sagrada Familia mang tính biểu tượng của Barcelona tiến thêm một bước đến chức thánh.
Vatican đã công bố vào ngày 14 tháng Tư rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức công nhận ‘nhân đức anh hung” của Gaudí, một bước quan trọng trong tiến trình phong thánh. Hai phép lạ được cho là do Gaudí cầu bầu hiện là điều kiện tiên quyết để ông được phong thánh.
Được mệnh danh là “Kiến trúc sư của Chúa”, Gaudí qua đời vào năm 1926 ở tuổi 73. Là một nhân vật hàng đầu trong kiến trúc hiện đại và đương nhiên, ông được biết đến nhiều nhất với vai trò thiết kế Vương cung Thánh đường Sagrada Familia, một vương cung thánh đường đồ sộ vẫn đang được xây dựng sau hơn 140 năm kể từ khi công trình bắt đầu.
Vương cung thánh đường này, với những ngọn tháp đặc biệt và sự pha trộn giữa phong cách Gothic và hiện đại, đã trở thành một trong những nhà thờ được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Nó đã được Đức Giáo hoàng Benedictô XVI thánh hiến thành một Vương cung thánh đường nhỏ vào năm 2010. Tại lễ cung hiến, Đức Giáo hoàng Benedictô đã ca ngợi Gaudí vì đã kết hợp thiên nhiên, Kinh Thánh và phụng vụ theo cách “giúp xây dựng ý thức con người của chúng ta một cách xuất sắc, neo giữ trong thế giới nhưng vẫn mở ra với Chúa, được Chúa Kitô soi sáng và thánh hóa.”
Mặc dù ban đầu không sùng đạo, Gaudí được cho là đã trải qua một cuộc cải đạo tâm linh trong khi làm việc tại Sagrada Familia. Khi công trình xây dựng Vương cung thánh đường tiến triển, Gaudí trở nên nổi tiếng với việc ăn chay, khổ hạnh và tận tụy với Chúa. Trong 14 năm cuối đời, ông đã cống hiến hết mình cho Vương cung thánh đường và từ chối mọi nhiệm vụ khác. Ông bị một chiếc xe điện đâm ở Barcelona vào ngày 7 tháng Sáu năm 1926, khi đang đi bộ đến tòa giải tội và qua đời ba ngày sau đó.
Gaudí được chôn cất trong hầm mộ của Sagrada Familia. Trong ba mặt tiền chính của Vương cung thánh đường, chỉ có Mặt tiền Chúa giáng sinh được hoàn thành trong thời gian ông còn sống. Mặt tiền Khổ nạn được xây dựng sau đó dựa trên thiết kế của ông, và Mặt tiền Vinh quang vẫn chưa hoàn thành.
Vương cung Thánh đường này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới, năm 2026, đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày mất của Gaudí.
Những nỗ lực thúc đẩy quá trình phong thánh cho ông bắt đầu vào năm 1992, do một nhóm giáo dân Công giáo lãnh đạo. Vatican chính thức mở tiến trình phong thánh vào năm 2003. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô được cho là đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thúc đẩy tiến trình này, ngài gọi Gaudí là “một bậc thần nghiệm vĩ đại”, theo Hiệp hội phong chân phước cho Antoni Gaudí.
Sắc lệnh hôm thứ Hai của Đức Thánh Cha được đưa ra sau cuộc gặp Đức Hồng y Marcello Semeraro, người đứng đầu Bộ Phong thánh của Vatican, trong bối cảnh Đức Thánh Cha đang hồi phục sau cơn bạo bệnh.
Phép lạ, tử đạo và đức tính anh hùng
Trong cùng một sắc lệnh, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công nhận một phép lạ được cho là của Eliswa Vakayil (1831–1913), một nữ tu người Ấn Độ sau này được gọi là Mẹ Eliswa của Đức Trinh Nữ Maria, đã thành lập Hội dòng Cát Minh bản địa đầu tiên dành cho phụ nữ ở Kerala vào năm 1866.
Trước khi bước vào đời sống tu trì, Vakayil đã kết hôn và có một cô con gái tên là Anna. Sau khi chồng bà đột nhiên lâm bệnh và qua đời khi con gái bà mới 18 tháng tuổi, Vakayil đã dành trọn cuộc đời để cầu nguyện và phục vụ trong im lặng.
Cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa hơn một thập kỷ sau đó, Vakayil cảm thấy được kêu gọi hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa. Con gái bà là Anna và em gái bà cảm thấy được truyền cảm hứng để tham gia cùng bà và ba thành viên trong gia đình đã chính thức được tiếp nhận vào dòng Cát Minh bốn năm sau đó.
Phép lạ được công nhận này mở đường cho việc phong chân phước cho Vakayil.
Đức Thánh Cha cũng công nhận sự tử đạo của linh mục truyền giáo người Ý, Cha Nazareno Lanciotti, ngài đã bị giết ở Ba Tây vào năm 2001. Lanciotti đã dành 30 năm làm công tác truyền giáo gần biên giới Bolivia của Ba Tây, thành lập một bệnh viện, một viện dưỡng lão, một trường học, một tiểu chủng viện và 57 cộng đồng tôn giáo nông thôn, nơi ngài thiết lập nghi lễ tôn thờ Thánh Thể hàng ngày.
Lanciotti nổi tiếng với việc phản đối bất công, gồm cả nạn buôn bán ma túy và bóc lột, được cho là đã biến ngài thành mục tiêu. Vào ngày 11 tháng Hai năm 2001, hai kẻ tấn công đeo mặt nạ đã đột nhập vào nhà xứ và bắn ngài. Ông đã chết 11 ngày sau khi tha thứ cho những kẻ tấn công mình.
Vatican công nhận cái chết của ngài là tử đạo, trích dẫn cả sự tha thứ của ngài đối với những kẻ giết người và bản chất có chủ đích của vụ giết người. Việc phong chân phước cho ngài hiện có thể được tiến hành, mặc dù việc phong thánh sẽ đòi hỏi một phép lạ được xác nhận. Với sự công nhận về sự tử đạo của ngài, Lanciotti hiện có thể được phong chân phước, nhưng một phép lạ được cho là do sự chuyển cầu của ngài vẫn là điều cần thiết để ngài được phong thánh.
Ngoài Gaudí, Vatican cũng công nhận đức tính anh hùng của ba linh mục nữa: Canon Petrus Joseph Triest (1760–1836) người Bỉ, Cha Agostino Cozzolino (1928–1988) người Ý và Cha Angelo Bughetti (1877–1935).
Jos. Nguyễn Minh Sơn