ĐHY Koch bác bỏ lập trường cực đoan của những người theo chủ nghĩa truyền thống và tiến bộ về Công đồng Vatican II
- T3, 11/02/2025 - 15:50
- Nguyễn Minh Sơn
ĐHY Koch bác bỏ lập trường cực đoan của những người theo chủ nghĩa truyền thống và tiến bộ về Công đồng Vatican II
Trong bài phát biểu nhận bằng tiến sĩ danh dự do Đại học Công giáo Valencia trao tặng, Đức Hồng y Kurt Koch đã bác bỏ lập trường cực đoan của những người theo chủ nghĩa tiến bộ và truyền thống liên quan đến Công đồng Vatican II.
Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo đã phản ảnh trong bài phát biểu của mình về sự căng thẳng giữa hai phần thiết yếu của Công đồng Vatican II: lòng trung thành với nguồn mạch và lòng trung thành với các dấu chỉ của thời đại.
Đối với vị hồng y, “mối quan hệ giữa hai chiều kích này luôn là đặc điểm của Giáo hội, nhưng sự căng thẳng đã trở nên gay gắt hơn theo một cách mới sau Công đồng Vatican II.”
Đối mặt với sự lưỡng phân này này, Đức Hồng y Koch lập luận rằng “ngoài chủ nghĩa tuân thủ thế tục và chủ nghĩa chính thống ly khai, cần phải tìm kiếm con đường thứ ba trong đức tin Công giáo, điều mà công đồng đã chỉ ra cho chúng ta.”
Theo vị tổng trưởng, cả những người được gọi là tiến bộ và những người theo chủ nghĩa truyền thống đều “coi Công đồng Vatican II là một sự rạn nứt, mặc dù theo những cách đối lập.” Đối với nhóm trước, sự rạn nứt xảy ra sau công đồng, trong khi nhóm sau hiểu rằng nó xảy ra trong thời gian đó.
Theo quan điểm này, Đức Hồng y cho rằng “hai lập trường cực đoan rất gần nhau, chính xác là vì họ không diễn giải Công đồng Vatican II trong truyền thống chung của Giáo hội.”
Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng y Koch đã nhắc lại, liên quan đến quan điểm truyền thống chỉ tập trung vào các nguồn, rằng Đức Giáo hoàng Benedictô XVI đã tuyên bố rằng “quyền lực giáo huấn của Giáo hội không thể bị đóng băng vào năm 1962.”
Nguy cơ thế tục trong Giáo hội
Mặt khác, “nếu chỉ nhấn mạnh vào ‘aggiornamento’ (cập nhật), thì có nguy cơ là việc mở cửa Giáo hội ra thế giới, mà công đồng mong muốn và đạt được, sẽ trở thành sự điều chỉnh vội vàng những nền tảng của đức tin theo tinh thần của thời đại hiện đại,” Đức Hồng y lưu ý.
“Nhiều luồng tư tưởng trong giai đoạn hậu công đồng đã hướng về thế giới đến mức họ không nhận thấy những xúc tu của tinh thần hiện đại hoặc đánh giá thấp tác động của nó,” vị hồng y nhận xét, “vì vậy cái gọi là sự cải đạo sang thế gian không khiến men Tin Mừng thấm nhuần vào xã hội hiện đại nhiều hơn mà thay vào đó dẫn đến sự đồng nhất rộng rãi của Giáo hội với thế giới.”
Đề xuất của Koch đối với cả hai lập trường mà ngài coi là gây rối loạn như nhau là “khôi phục sự cân bằng lành mạnh trong mối quan hệ giữa đức tin và Giáo hội một mặt và thế giới mặt khác”.
Theo quan điểm của ngài, nếu Giáo hội không thể bị nhầm lẫn với thế giới, thì “bản sắc ban đầu của đức tin và Giáo hội không được định nghĩa theo cách tách biệt chính nó khỏi thế giới theo cách cực đoan.”
Theo nghĩa này, ngài nói thêm rằng cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới đương đại “không được khiến đức tin và Giáo hội thích nghi với thế giới theo cách thế tục, từ bỏ bản sắc của mình một cách nguy hiểm.”
Cải cách Giáo hội có nghĩa là gì?
Đối với vị Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo, cải cách Giáo hội không thể bao hàm “một sự thay đổi về bản chất” mà bao gồm “việc loại bỏ những gì không chân thực” thông qua quá trình thanh lọc Giáo hội “dựa trên nguồn gốc của nó,” để “hình thức của một Giáo hội duy nhất mà Đức Kitô mong muốn có thể trở nên hữu hình trở lại.”
“Đối với công đồng, sự trung thành với nguồn gốc của nó và sự phù hợp với thời đại không đối lập với nhau. Thay vào đó, công đồng muốn công bố đức tin Công giáo theo cách vừa trung thành với cội nguồn của nó vừa phù hợp với thời đại, để có thể truyền đạt chân lý và vẻ đẹp của đức tin cho con người ngày nay, để họ có thể hiểu và chấp nhận nó như một sự hỗ trợ cho cuộc sống của họ,” ngài nhấn mạnh.
Đối với vị hồng y, “Công đồng không tạo ra một Giáo hội mới phá vỡ truyền thống, cũng không hình thành một đức tin khác, mà đúng hơn là hướng đến việc đổi mới đức tin và một Giáo hội được đổi mới trên cơ sở tinh thần của sứ điệp Kitô giáo đã được mặc khải một lần và mãi mãi và được truyền lại trong truyền thống sinh động của Giáo hội.”
Nguyễn Minh Sơn