Đức Giáo Hoàng của lòng thương xót - Sứ Điệp Lòng Thương Xót
- T5, 24/04/2025 - 16:25
- Phạm Văn Trung
ĐỨC GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Andrea Tornielli, Tổng biên tập của chúng tôi suy ngẫm về sự nhấn mạnh của Đức Giáo hoàng Phanxicô về lòng thương xót, vốn đã trở thành chủ đề cơ bản trong suốt 12 năm trị vì của ngài.
“Lòng thương xót của Chúa là sự giải thoát và hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta sống vì lòng thương xót, và chúng ta không thể sống thiếu lòng thương xót. Đó là không khí mà chúng ta hít thở. Chúng ta quá nghèo để đặt ra bất kỳ điều kiện nào. Chúng ta cần tha thứ, vì chúng ta cần được tha thứ.”
Nếu có một thông điệp đặc trưng nhất trong triều đại Giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Phanxicô và chắc chắn sẽ còn tồn tại, thì đó chính là thông điệp về lòng thương xót.
Đức Giáo hoàng đã đột ngột qua đời vào sáng Thứ Hai Phục Sinh, sau khi ban phước lành Urbi et Orbi cuối cùng vào Ngày Phục Sinh từ ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sau đó đi vòng cuối qua đám đông để ban phép lành và chào mừng họ.
Vị Giáo Hoàng người Argentina đầu tiên trong lịch sử Giáo hội đã đề cập đến nhiều chủ đề, đặc biệt là về việc ngài quan tâm đến người nghèo, tình anh em, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và lời nói “không” kiên quyết và vô điều kiện của ngài đối với chiến tranh.
Nhưng trọng tâm của thông điệp của ngài, thông điệp chắc chắn có tác động lớn nhất, là lời kêu gọi rao giảng về lòng thương xót, chính xác là sự gần gũi và dịu dàng của Thiên Chúa đối với những ai nhận ra nhu cầu được Ngài giúp đỡ.
Ngài nói: Lòng thương xó là “không khí chúng ta hít thở”, nghĩa là đó là thứ chúng ta cần nhất, nếu không có nó thì không thể sống được.
Toàn bộ triều đại giáo hoàng của Jorge Mario Bergoglio đều được thực hiện dưới ngọn cờ của thông điệp này, đó là trái tim của Kitô giáo.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên vào ngày 17 tháng 3 năm 2013 tại cửa sổ căn hộ giáo hoàng mà ngài sẽ không bao giờ sống ở đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về tính trung tâm của lòng thương xót, nhắc lại lời của một phụ nữ lớn tuổi đến xưng tội với ngài khi ngài mới được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Buenos Aires: “Thiên Chúa tha thứ mọi sự... Nếu Chúa không tha thứ mọi sự, thế giới này sẽ không tồn tại.”
Vị Giáo Hoàng đến “từ tận cùng trái đất” không thay đổi giáo lý của truyền thống Kitô giáo hai ngàn năm tuổi, mà chỉ đơn giản đặt lòng thương xót vào trung tâm của giáo huấn theo một cách mới, qua đó thay đổi nhận thức của nhiều người về Giáo hội Công giáo.
Ngài đã làm chứng cho khuôn mặt mẹ hiền của một Giáo hội cúi mình trước những người đang đau khổ, đặc biệt là những người bị tổn thương bởi tội lỗi.
Ngài đã cho thấy một Giáo hội thực hiện bước đầu tiên hướng đến tội nhân, giống như Chúa Giêsu đã làm ở Giêricô, mời chính Ngài đến nhà của Giakêu bị khinh miệt và xa lánh, không yêu cầu điều gì, không có điều kiện tiên quyết. Và chính vì Giakêu lần đầu tiên cảm thấy mình được nhìn nhận và yêu thương theo cung cách này mà ông nhận ra tội lỗi của chính mình, tìm thấy trong ánh mắt của Vị Thầy đến từ Nadarét động lực để hoán cải.
Hai ngàn năm trước, nhiều người đã sửng sốt khi thấy Chúa bước vào nhà người thu thuế ở Giêricô.
Trong nhiều năm qua, nhiều người đã cảm thấy phẫn nộ trước những cử chỉ chào đón và gần gũi của Vị Giáo Hoàng người Argentina đối với mọi hạng người, đặc biệt là đối với những người “không ai ưa” và tội nhân.
Trong bài giảng trong một trong những Thánh lễ buổi sáng của mình vào tháng 4 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Có bao nhiêu người trong chúng ta có lẽ đáng bị lên án! Và điều đó là công bằng. Nhưng Thiên Chúa tha thứ! Bằng cách nào? Bằng tình yêu thương xót vốn không xóa bỏ tội lỗi: chỉ có sự tha thứ của Thiên Chúa mới xóa bỏ tội lỗi, trong khi lòng thương xót vượt xa hơn thế. Giống như bầu trời: chúng ta nhìn lên bầu trời, rất nhiều ngôi sao, nhưng khi mặt trời mọc vào buổi sáng với rất nhiều ánh sáng, các ngôi sao không còn được nhìn thấy nữa. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng vậy: một ánh sáng lớn lao của tình yêu, của sự dịu dàng, bởi vì Thiên Chúa tha thứ không phải bằng một sắc lệnh, mà bằng một sự vuốt ve trìu mến.”
Andrea Tornielli, Tổng biên tập Vatican News
21 tháng 4 năm 2025
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
SỨ ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Trong cuốn sách The Church of Mercy – Giáo Hội của Lòng Thương Xót - do Đức Giáo Hoàng Phaxicô viết, độc giả được tận mắt chứng kiến tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng về tin mừng của niềm hy vọng và lòng thương xót của Kitô giáo. Hôm nay chúng tôi rất vui được chia sẻ đoạn trích này từ cuốn sách.
Tôi luôn bị ấn tượng khi đọc lại dụ ngôn về người cha nhân từ; dụ ngôn đó gây ấn tượng với tôi vì nó luôn mang lại cho tôi hy vọng lớn lao. Hãy nghĩ đến người con trai út ở trong nhà cha, được yêu thương; nhưng anh ta lại muốn phần thừa kế của mình. Anh ta bỏ đi, tiêu hết mọi thứ, chạm đáy vực thẳm, nơi anh ta không thể xa cha hơn nữa. Nhưng khi anh ta ở mức thấp nhất, anh ta nhớ hơi ấm của ngôi nhà cha và anh ta quay trở lại. Còn người cha? Ông đã quên đứa con trai chưa? Không, không bao giờ. Ông ở đó, ông nhìn thấy đứa con trai từ xa; ông đã đợi anh ta từng giờ từng ngày. Đứa con trai luôn ở trong trái tim người cha, mặc dù anh ta đã rời xa ông, mặc dù anh ta đã phung phí toàn bộ gia tài thừa kế, sự tự do của mình. Người cha, với sự kiên nhẫn, tình yêu, hy vọng và lòng thương xót, chưa bao giờ ngừng nghĩ về anh ta, và ngay khi nhìn thấy anh ta vẫn còn ở xa, ông chạy ra đón anh ta và ôm anh ta bằng sự dịu dàng, sự dịu dàng của Thiên Chúa, không một lời trách móc: con trai ông đã trở về! Và đó là niềm vui của người cha. Trong cái ôm dành cho con trai mình là tất cả niềm vui này: anh ấy đã trở về! Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta; Ngài không bao giờ mệt mỏi. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn đầy thương xót này của Thiên Chúa để chúng ta có thể lấy lại sự tin tưởng, hy vọng - luôn luôn! Một nhà thần học vĩ đại người Đức, Romano Guardini, đã nói rằng Thiên Chúa đáp lại sự yếu đuối của chúng ta bằng sự kiên nhẫn của Ngài, và đây là lý do cho sự tin tưởng, hy vọng của chúng ta (xem Glaubenserkenntnis [Würzburg, 1949], tr. 28). Nó giống như một cuộc đối thoại giữa sự yếu đuối của chúng ta và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa; đó là một cuộc nói chuyện mang lại cho chúng ta hy vọng, mà nếu chúng ta có cuộc nói chuyện đó.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một điều nữa: sự kiên nhẫn của Thiên Chúa phải khơi dậy nơi chúng ta lòng can đảm để trở về với Ngài, bất kể cuộc sống của chúng ta có bao nhiêu lỗi lầm và tội lỗi. Chúa Giêsu bảo Tôma đặt tay vào vết thương ở tay, ở chân và ở cạnh sườn Ngài. Chúng ta cũng có thể bước vào vết thương của Chúa Giêsu; chúng ta thực sự có thể chạm vào Ngưà. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta lãnh nhận các bí tích với đức tin. Thánh Bênađô, trong một bài giảng hay, đã nói: “Qua các vết thương của Chúa Giêsu, tôi có thể nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương” (Đệ Nhị Luật 32:13), “Hãy nếm và xem Thiên Chúa tốt lành nhường bao!” (Nói về sách Diễm ca 61:4). Chính nơi đó, trong các vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta thực sự được an toàn; ở đó, chúng ta gặp được tình yêu vô biên của trái tim Ngài. Tôma hiểu điều này. Thánh Bênađô tiếp tục hỏi: Nhưng tôi có thể trông cậy vào điều gì? Công trạng của riêng tôi sao? Không phải thế. “Công nghiệp của tôi là lòng thương xót của Chúa. Tôi không thiếu công nghiệp chừng nào Ngài vẫn giàu lòng thương xót. Nếu lòng thương xót của Chúa nhiều vô kể, tôi cũng sẽ dư dật công nghiệp” (61:5). Điều này rất quan trọng: lòng can đảm để tin vào lòng thương xót của Chúa Giêsu, tin vào sự kiên nhẫn của Ngài, luôn tìm nơi ẩn náu trong những vết thương tình yêu của Ngài. Thánh Bênađô thậm chí còn tuyên bố, “Vậy thì sao nếu lương tâm tôi cắn rứt vì tôi mắc nhiều tội lỗi? Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội (Rm 5:20)” (đd 61:5).
Có lẽ ai đó trong chúng ta ở đây đang nghĩ, Tội lỗi của tôi quá lớn, tôi xa Chúa như người con thứ trong dụ ngôn; sự nghi ngờ của tôi giống như của Tôma. Tôi không có can đảm để quay lại, để tin rằng Chúa có thể chào đón tôi và tin rằng Ngài đang chờ đợi tôi, trong số tất cả mọi người. Nhưng Thiên Chúa thực sự đang chờ đợi bạn; Ngài chỉ yêu cầu bạn can đảm để đến với Ngài. Đã bao nhiêu lần trong sứ vụ mục tử của tôi, tôi đã nghe nói rằng, “Cha ơi, con nhiều tội lỗi quá?” Và tôi luôn luôn phải nài xin họ, “Đừng sợ, hãy đến với Ngài, Ngài đang chờ đợi bạn, Ngài sẽ lo liệu mọi việc.” Chúng ta nghe nhiều lời đề nghị từ thế giới chung quanh mình; nhưng thay vào đó, hãy đón nhận lời đề nghị của Chúa: lời đề nghị của Ngài là sự âu yếm của tình yêu. Đối với Thiên Chúa, chúng ta không phải là những con số, chúng ta quan trọng; thực sự chúng ta là điều quan trọng nhất đối với Ngài. Ngay cả khi chúng ta là tội nhân, chúng ta vẫn là những gì gần gũi nhất với trái tim Ngài.
Biên tập viên dotMagis
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung