Nhảy đến nội dung

Đừng giả hình

Thứ Hai tuần XXI TN  

Mt 23, 13.15-22

ĐỪNG GIẢ HÌNH

Trang Tin Mừng hôm nay làm cho ta cảm nhận được có thể là chính ta vì Chúa Giêsu đã dám chọc thẳng vào khối u trầm kha của giới kinh sư – pharisêu Dothái, đó là thói giả hình; và cũng có lẽ trong trí độc giả sẽ xuất hiện tiếp theo, một liên tưởng từ bản văn đến cuộc sống, đến vấn đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội ngày nay, đó là chuyện xe chính chủ.

Thật thế, theo sự thường, không ai chịu nổi kẻ giả hình, hai mặt, trong lòng và ngoài miệng bất nhất; không một thường dân nào nể phục loại phụ mẫu chi dân mà bản thân thì phóng túng nhưng lại hết sức khắt khe với tha nhân. Còn với luật xe chính chủ, tuy chưa kín kẽ về nội dung và còn vụng về trong hình thức chế tài, nhưng cách nào đó, ngoài mục đích bình ổn trật tự giao thông và kiểm soát các phương tiện giao thông ; những nhà hữu trách vẫn muốn bảo vệ tính chân thật của sở hữu chủ và cổ võ cho ý thức trách nhiệm về các hành vi và việc chấp nhận tính pháp lý của hành vi nhân linh. 

Tuy nhiên, nếu đi tiếp, nếu tiếp tục dành giờ cho sứ điệp Tin Mừng hôm nay, nếu tiếp tục ở với Chúa trong những phút quý báu này, hẳn tôi, bạn và anh chị sẽ được Chúa mở đường hướng vào bên trong, vào bản thân ta hơn là nhìn ra xã hội hay nhìn về quá khứ; sẽ được Chúa gợi mở để ta nhìn rõ chuyện của mình hơn là chuyện của người, để có cơ hội điều chỉnh lối sống.

Trước hết, rất có thể là sự đụng chạm vào các tật bệnh đâu đó nơi những góc khuất đời ta khi nhận ra rằng: Chúa cũng đang than trách ta như đã từng than trách các kinh sư và pharisêu. Vì ta cũng từng vẽ ra những tiêu chuẩn, những điều kiện luân lý hoặc đức tin quá sức tha nhân, khiến họ ngã lòng bởi tưởng rằng Nước Trời sẽ mãi ở ngoài tầm với, ngoài khao khát phận người của họ; vì ta đã từng nhân danh Chúa, nhân danh Giáo Hội mà đòi hỏi người khác tuân giữ luật cặn kẽ, còn ta thì được miễn trừ; vì ta hăng hái phục vụ nhằm làm đầy túi tiền của ta và tôn vinh bản thân ta hơn là phục vụ Chúa và tìm vinh danh Chúa.

Có thể nói, đó là bệnh “đạo đức giả” mà Đức Giê-su muốn cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho con người thuộc mọi thời, trong đó có mỗi người chúng ta hôm nay, nhận ra. Và khi nhận ra, người ta đã bắt đầu bước vào hành trình chữa lành rồi.

“Đạo đức giả” mà Đức Giê-su nói tới không theo nghĩa chúng ta thường hiểu, nhưng là một thứ bệnh có nhiều biểu hiện phức tạp, khó nhận ra:

Biểu hiện thứ nhất. Đức Giê-su nói: “Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào” (c. 13). Người “đạo đức giả” là những người làm cho người khác không nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người và trong lịch sử đời mình, đó là từ chối tin nhận Đức Giê-su là đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.

Biểu hiện thứ hai. Người “đạo đức giả” là những nhọc công để làm cho một người theo đạo, nhưng sau đó, lại biến người này thành “con cái của hỏa ngục” (c. 15). Đó là hoán cải con người, không phải về với Thiện Chúa đích thật, nhưng là qui về nhưng quan niệm, hệ thống lí thuyết và thực hành của loài người hay của riêng mình.

Biểu hiện thứ ba. Người “đạo đức giả” là những người mù quáng (c. 16-22), khi dẫn người ta vào con đường phân biệt chi li về vấn đề lời thề, khi mà bất cứ lời nào được thốt ra cũng phải luôn luôn là chân thật trước mặt Thiên Chúa (5, 33-37).

Biểu hiện thứ tư. Những người “đạo đức giả” là những người làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân, nghĩa là tương quan với tha nhân, bỏ qua lòng thành tín, nghĩa là tương quan với Thiên Chúa. Như thế, họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh.

Biểu hiện thứ năm. Những người “đạo đức giả” là những người « rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ ». Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài. Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa với Chúa.

Chúa thúc đẩy, mời gọi ta đi về phía Ánh Sáng, đi về phía Sự Thật, đi về phía Tình Yêu để tìm lại căn tính Kitô hữu của mình, để tìm lại danh xưng Kitô hữu chính chủ bằng Con Đường của Tin Mừng, Con Đường Giêsu.

Trên Con Đường này, ta bắt gặp dấu chân của cộng đoàn Thexalônia qua thư của thánh Phaolô (1Tx 1, 1-5.8b-10): Các anh chị này đã dám từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa (x.1Tx 1,9). Đó là những ngẫu tượng mà ta đã nhận rõ mặt trong bài Tin Mừng trên đây qua lối sống của các kinh sư – phariêsu như: vô tâm, mù quáng, giả hình, ích kỷ, tham lam, mánh lới, mưu mẹo, ... 

Theo đó, ta dễ dàng hình dung diện mạo mới mà Chúa muốn ta mặc vào, là sống tin yêu phó thác, là mến Chúa người cách chân thành; là lời nói đi đôi với việc làm; là làm cho tha nhân điều ta muốn họ làm cho ta; là hăng say dấn thân tông đồ chỉ để làm vinh danh Chúa và đem Chúa đến, đem Nước Trời đến với những anh chị em đang khao khát kiếm tìm.

Ở nơi sâu thẳm hồn ta, chắc chắn Chúa đang ở đó, chắc chắn tiếng thì thầm của Chúa đang vang vọng và thôi thúc ta. Lúc này, một cách riêng tư, trong một cõi riêng tư dành cho Chúa, ta cùng khiêm cung chiêm ngắm, lắng nghe và can đảm đáp lại điều Chúa muốn từng người chúng ta làm để thực hành Lời Chúa, để sống Lời Chúa hôm nay.

Xưa kia Chúa đã than trách nhóm kinh sư và biệt phái giả hình. Ngày hôm nay ta tự nghĩ Chúa cũng đang than trách chính ta, vì ta cũng có những tật xấu như họ. Thật vậy, con vẫn thường khắt khe đòi buộc người khác phải tuân giữ luật Chúa, còn ta tự cho mình được miễn trừ. Thường ta vẫn dạy người ta phải sống Tin Mừng, đang khi cuộc sống của ta đầy dẫy những gương xấu. Có khi ta hăng hái làm các việc tông đồ, nhưng các việc làm của ta nhằm vinh danh cho chính ta hơn là cho Chúa. Ta không để cho Chúa Thánh Thần soi sáng khi suy gẫm Lời Chúa, mà lại tùy tiện giải thích theo ý riêng ta và có lợi cho ta. Xin Chúa xin thương tha thứ cho ta.

Tác giả: