Gia đình sống trong đức tin-cậy-mến * Nhờ Mẹ phó dâng cho Chúa
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Xuân Hy Vọng
GIA ĐÌNH SỐNG TRONG ĐỨC TIN-CẬY-MẾN
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Cứ mỗi lần sau lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được hân hoan cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Gia Thất. Nhìn vào Thánh Cả Giu-su, Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su Hài Đồng, chúng ta không khỏi bồi hồi suy xét, noi gương, học hỏi nơi gia đình Thánh Gia. Với bao nỗi gian truân khó khăn xoay quanh mỗi gia đình, cũng như vấn nạn về gia đình hiện nay, chúng ta không quên những niềm vui thường ngày trong gia đình, dù nhỏ bé đơn sơ, và đôi lúc khó nhận ra. Trên hết, là một gia đình, chúng ta càng xác tín và sống phó thác, cậy trông hơn, đặc biệt trong thời điểm hiện nay.
Như tại Việt Nam, mỗi khi đến lễ Tết Nguyên Đán, các giáo xứ ở Nhật Bản cũng đều chuẩn bị một câu chúc ngắn gọn xúc tích, có thể lấy từ Kinh Thánh, được làm phép trong Thánh lễ đầu năm dương lịch, sau đó phát cho mỗi người, và họ thường treo trước cửa phòng, trước cửa nhà hoặc một nơi nào đó trang nghiêm như nhắc nhở họ sống lời chúc ấy, cũng như chia sẻ thông điệp ấy suốt một năm. Với tinh thần ấy, giáo xứ con năm nay chọn câu: “Sống kiên vững trong đức tin-cậy-mến” (x. 1Cr 13, 13).
Với tất cả những gì chúng ta đang cảm nhận, lắng nghe, chứng kiến hằng ngày qua cuộc sống thường nhật, thiết nghĩ có lẽ khiến chúng ta lạc lối, hoảng sợ, thu mình và tệ hơn là thờ ơ, xa cách, nếu chúng ta không có đức tin, đức cậy, đức mến! Như ai trong chúng ta đều biết rõ, đây là ba nhân đức đối thần. Nói khác đi, chúng ta được lãnh nhận ba nhân đức này từ Thiên Chúa, chứ chẳng giống như mọi nhân đức tốt lành thánh thiện khác mà chúng ta có thể tập luyện, đắc thủ. Hơn nữa, vì là nhân đức được lãnh nhận từ Thiên Chúa, nên dù con người có thành công, giỏi dang, xuất chúng đến đâu cũng không thể nào tạo ra được.
Chính nhờ lòng tin vững mạnh vào Thiên Chúa, mà ông Áp-ram được đổi tên thành Áp-ra-ham, là cha của kẻ tin, và là tổ phụ của dân tộc đông đảo như sao trên trời, như cát bãi biển, “hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nỗi không”. Thiên Chúa lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”” (x. St 15, 5; Dt 11, 12). Vì ông đã tin Ngài, nên ông được kể là người công chính (x. St 15, 6). Chưa hết, tác giả thư gửi cho tín hữu Do Thái đã khẳng định: nhờ đức tin, mà ông Áp-ra-ham vâng nghe và ra đi như Chúa phán bảo, mặc dù ông không biết đích đến là đâu. Nhờ đức tin, khi bị thử thách sát tế đứa con duy nhất mà Thiên Chúa trao ban, Áp-ra-ham đã không ngần ngại thực hiện (x. Dt 11, 8. 17). Quả thật, đức tin đã khiến ông sống phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, dù không biết tương lai ra sao, không biết nơi sắp đến, thậm chí hy sinh chính người con mà Chúa trao ban. Có lẽ, những gì chúng ta cảm nghiệm và trải qua khác biệt với ông Áp-ra-ham, tuy nhiên, một điều chung nhất chính là đức tin, đức cậy và đức mến mà Thiên Chúa đã ân ban, đồng hành, nâng đỡ, nuôi dưỡng mọi lúc trong đời chúng ta.
Là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, chắc hẳn ông Si-mê-on và bà An-na cũng được thừa kế ân huệ sống tín thác, nhẫn nại chờ trông, đặt hết niềm hy vọng vào kế hoạch của Thiên Chúa “…được Thánh Thần linh báo cho biết: Ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Ki-tô” (x. Lc 2, 26), và “bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa” (Lc 2, 37). Nhờ vào đức tin không lay chuyển, đức cậy kiên vững, và lòng mến dạt dào, mà ông bà đã được tận mắt chứng kiến, tận tay ẵm bồng Đấng Cứu Độ, và tâm hồn hân hoan mừng vui, miệng lưỡi tung hô Thiên Chúa (x. Lc 2, 29-32). Mặc khác, hơn ai hết, gia đình Thánh Gia chính là mẫu gương sống trọn vẹn nhân đức tin-cậy-mến, tuy đoạn trình thuật Tin Mừng theo Thánh Lu-ca 2, 22-40 không nói chi tiết, chỉ mô tả lời tiên tri của ông Si-mê-on nói với Đức Ma-ri-a, và kết thúc với hai câu vỏn vẹn nhưng đầy ý nghĩa cho bối cảnh gia đình chúng ta hiện nay “Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về làng Na-da-rét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Ngài” (Lc 2, 39-40). Dù phải đối diện với cuộc sống đơn nghèo, bao nỗi truân chuyên, khó khăn, gian nan nơi làng quê Na-da-rét, nhưng Đức Mẹ và Thánh Giu-se đã luôn chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ, sống tin tưởng, phó thác, cậy trông, thực thi giới răn với cả lòng mến, chăm sóc, nuôi dạy Chúa Hài Đồng lớn lên kể cả về mặt thể lực, trí lực và đầy tràn ơn nghĩa với Chúa, cũng như trước mặt muôn người.
Cuộc sống gia đình chúng ta hiện nay, thời đại bây giờ biến chuyển nhanh chóng và khác xa với gia đình Thánh gia, nhưng một điều chung bất biến đó là vai trò của cha mẹ đối với con cái, mối quan tâm ân cần dạy dỗ con cái, và tình thân thắm thiết gần gũi của con cái với cha mẹ, cũng như của cha mẹ với con cái trong gia đình. Như gia đình Thánh Gia đã hết mực sống đức tin-cậy-mến dù cho hoàn cảnh nào, thì mỗi gia đình chúng ta nên noi theo, nỗ lực, hỗ trợ nhau trong tin yêu, hy vọng, và để Chúa làm trung tâm gia đình mình qua mọi sinh hoạt thường nhật. Được như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc lời kinh nguyện trong nghi thức làm phép nhà: “…Ðể khi ở trong nhà này, họ cảm thấy Chúa là nơi nương tựa; khi đi xa nhà này, họ vui mừng có Chúa là bạn đồng hành; và khi trở về nhà này, họ được Chúa hiện diện luôn mãi, cho đến ngày họ được hạnh phúc viên mãn trong nhà Cha nơi Chúa đã dọn sẵn cho họ…”.
Lạy Thánh Gia Na-da-rét
Dù cho cuộc sống giá rét đêm sương
Tâm hồn không chút vấn vương
Chẳng hề quên lãng yêu thương mỗi ngày.
Nguyện xin gia đình hăng say
Tin yêu-cậy-mến, thẳng ngay giữa đời.
Cõi lòng chan chứa rạng khơi
Mẹ cha nuôi dưỡng, hết lời bảo ban
Đoàn con ân cần chia san
Kính yêu cha mẹ, bình an sớm chiều. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
NHỜ MẸ PHÓ DÂNG CHO CHÚA
Ngày đầu năm mới, người người, nhà nhà cùng hoan hỷ chung vui chào đón nhiều điều tốt lành, thánh thiện đến với gia đình, đến với cộng đoàn, cũng như cho chính bản thân. Năm cũ đã qua, nhường bước cho năm mới với tinh thần phấn chấn, tươi tắn, với thái độ hoà nhã, yêu thương hơn. Và là những người con của Giáo Hội, chúng ta cùng khởi đầu tân niên với lễ trọng thể mừng kính Mẹ Thiên Chúa - Mẹ là Nữ vương Hoà bình, Mẹ vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ nhân loại, và Mẹ hằng thực hiện điều Chúa muốn.
Với lòng cảm tạ tri ân, tinh thần phó thác, dâng trót mọi sự trong niềm tin quan phòng của Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Ma-ri-a, chúng ta cùng nhau suy gẫm đôi điều về Lời Chúa hôm nay.
Chuyện kể rằng: một chàng thanh niên giàu có, sống bê tha và lắm tội lỗi, sau quảng đời ăn chơi truỵ lạc, cảm thấy chán nản, tuyệt vọng và ‘mỏi gối chồn chân’, tình cờ bước vào một ngôi nhà thờ Công giáo. Ngồi trước tượng Mẹ Ma-ri-a, nhưng anh không hề biết Mẹ là ai, không biết đọc kinh gì, không biết nói gì ngoài việc thản thốt: ‘Nếu quả thật Ngài hiện diện ở nơi đây, thì xin làm cho con trở nên một tín nhân!’ Bỗng dưng từ đâu, một làn gió mát thổi đến như thổi vào tâm hồn anh ta, và từ cung lòng sâu thẳm anh cảm nhận được sự bình an mà chưa từng nếm trải. Thời gian dài sau đó, anh đã hoàn lương, làm lại cuộc đời và xin gia nhập đạo Công giáo.
Câu chuyện kết thúc tuy giản đơn, nhưng quá trình thay đổi, hoán cải cuộc đời của chàng thanh niên trên dường như chẳng dễ dàng chút nào, nếu không có sự cầu bầu, nâng đỡ, chở che của Mẹ cũng như nỗi niềm quyết tâm của anh ta! Thánh Bô-na-ven-tu-ra đã phải thốt lên: ‘Chức làm Mẹ Thiên Chúa là ơn vĩ đại phi thường nhất mà Thiên Chúa có thể trao ban cho một loài thụ tạo…Ơn ấy Ngài đã ban cho Đức Ma-ri-a’ (‘to be the Mother of God is the greatest grace that can be conferred on a creature…but that he cannot exalt a creature more than by making her his Mother’/‘Quid mirabilius quam esse Dei Matrem?…majorem matrem quam matrem Dei non posset facere’ (trích Sách Thuyết giảng [Spec. B. V. lect.] 9, 10). Hơn thế, Thánh Tô-ma A-qui-nô nói thêm: ‘Tước vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a cao trọng hầu như vô cùng, vì Thiên Chúa không thể cất nhắc ai lên bậc tốt lành và cao sang hơn nữa. Chức Mẹ Thiên Chúa hầu như đã tới biên giới vô cùng’.
Quả thật, như Thánh Phao-lô xác quyết: “Khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con Ngài xuống thế, sinh làm con một người nữ và sống dưới chế độ luật Do thái để cứu chuộc những người sống dưới luật đó, hầu chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa” (Gl 4, 4-5). Thiên Chúa đã ưu ái một cách riêng cho Mẹ, đã cất nhắc Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, làm Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta nên học đòi nơi Mẹ biết “ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2, 19), biết sống vâng phục, tín thác và giao phó trọn vẹn cho Thiên Chúa để Ngài thực hiện những gì theo thánh ý. Sau cùng, sống chứng tá, trở nên khí cụ bình an, tình thương, lòng hoan hỷ vì Mẹ chính là Nữ vương Hoà bình như Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã viết: ‘Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế giới Hòa bình, ngõ hầu thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình phát sinh trong lòng nhiều người’ (Marialis Cultus, số 5).
Để khép lại bài chia sẻ này, xin mượn Lời Chúa trích sách Dân số (6, 24-26) để cùng với ông bà và anh chị em, chúng ta nguyện xin:
“Xin Chúa chúc lành cho chúng con,
và gìn giữ chúng con.
Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho chúng con,
và thương xót chúng con.
Xin Chúa ghé mặt lại cùng chúng con,
và ban bằng yên cho chúng con”. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng