Nhảy đến nội dung

Giêsu ơi! Sao Chúa cứ mãi lặng thinh?

    GIÊSU! SAO CHÚA LẶNG THINH       Trần Mỹ Duyệt       (Mến tặng những tâm hồn yêu mến Thánh Giá. Cách riêng các nữ tu Phấn, Mỹ, Thanh Thủy, Thùy Trang, Xuân Trang, Jennifer, Cát Lê, và Yên Vân là những người tôi quen biết và rất quí mến).           Giây phút êm đềm nhất, hạnh phúc nhất đối với tôi là những lúc một mình trên chiếc ghế đá ngoài vườn, hay được thu mình trong một góc nhỏ của thánh đường. Ôi thật là hạnh phúc. Cái hạnh phúc không đến từ những sa hoa, lộng lẫy và mời gọi của đời thường. Cái hạnh phúc không đến từ những lời chúc tụng, ngợi khen của bạn bè, người thân. Cái hạnh phúc không đến từ những thành đạt mà tôi có trên cuộc đời. Nhưng là hạnh phúc mà ở đó, tôi được một mình lặng thinh để hòa mình và để cảm được cái thinh lặng của Chúa đang treo mình trên Thập Tự Giá!       Mà Giêsu ơi! Sao Chúa cứ mãi lặng thinh?! Có phải cái đau đớn khổ hình đã làm cho Chúa trở thành vô cảm, mất hết cảm xúc không nghe được những tiếng la ó, thách thức và khiêu khích của nhóm người đã đóng đinh Chúa: “Hắn đã cứu được kẻ khác nhưng lại không cứu được mình. Nếu hắn là vua Isareal thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng ta tin” (Mt 27:42).       Hẹp hòi gì mà Chúa không xuống khỏi thập giá một lần để những kẻ đang nhạo báng Chúa kia được sáng mắt. Hành động xuống khỏi thập giá ấy biết đâu lại chẳng củng cố thêm đức tin cho nhiều người trong đó có cả con nữa. Tại sao chỉ một việc nhỏ nhoi nhưng đem lại mối lợi lớn như vậy mà Chúa không làm, lại cứ ở yên trên thập giá để nghe bọn lộng ngôn chế nhạo! Và kết quả là cho đến hôm nay sau hơn 2000 năm cái chết nhục nhã ấy, số người chế nhạo Chúa vẫn nhiều còn những kẻ tin theo chỉ là con số ít ỏi!       Phải chăng Chúa đang muốn dành thời gian để chính mình tan biến vào sự im lặng của Chúa Cha để hiểu được cái chết ê chề, nhục nhã, rất đớn đau của chính mình, và để hoàn thành Thánh Ý ấy? Hay Chúa muốn giữ im lặng để cho cái chết của mình, cho cuộc khổ nạn của mình được đi sâu vào tâm hồn những ai sẽ tìm kiếm, và sẽ bước đi theo dấu chân của Chúa.       Nhưng dù là lý do gì đi nữa, sự im lặng của Chúa vẫn là một sự im lặng nhiệm mầu. Một sự im lặng mà mỗi lần ngồi một mình trong thánh đường, ngước nhìn lên Thánh Giá con lại thấy có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, nhất là những lúc tâm hồn con gặp thử thách. Những lúc mà những tiếng la lối, ồn ào của thế giới chung quanh con đang chế nhạo, đang thách thức, và đang thôi thúc con “Ngon thì làm đi. Bộ ngán hả. Người ta ai cũng vậy mà, sao lại tự làm khổ mình?! ”.  “Tài lắm mà. Có giỏi thì làm đi để cho người khác nể!” Hoặc “Làm gì mà nhịn miệng làm thinh để cho người ta coi thường, lấn lướt!”. Những lúc như vậy, nhiều lần con cũng muốn xuống khỏi thập giá cuộc đời. Hơn nữa, con còn muốn mình sẽ xuống khỏi thập giá rồi đến tát cho những kẻ đang chế nhạo con mỗi tên một cái sau đó lại lên thập giá tiếp. Tát cho chúng chừa cái thói khiêu khích, thách đố. Xuống khỏi thập giá rồi lên để cho chúng biết là mình ngon, mình có giá, mình hơn người khác!       Trong nhiều trường hợp khi gặp khó khăn và thử thách, con không chỉ muốn lăm le xuống khỏi thập giá, mà còn muốn vất luôn thập giá nữa. Nhiều lần con đã thưa với Chúa: “Thôi Chúa ơi! Đủ rồi, con không muốn thập giá này nữa. Có cách nào Chúa thay thế cho con bằng một thập giá khác dễ vác và nhẹ nhàng hơn một chút được không?” Những lúc như vậy con suy nghĩ, nói năng và hành động như những kẻ hùa theo để nhạo báng Chúa, để làm cho sự im lặng của Chúa trên thập giá bị khấy động. Nhưng cũng trong sự im lặng tuyệt đối ấy, con nghe như có tiếng Chúa đang nói nhỏ vào tai con: “Này con. Đã là thập giá thì không có cái nào đẹp cả. Và nếu đã là thập giá thì đương nhiên phải nặng và khó vác. Thập giá cha mang đã đè bẹp cha ba lần trước khi cha vác nó lên được đến đỉnh núi Sọ.”       Cám ơn sự im lặng của Chúa. Cám ơn Chúa đã không xuống khỏi thập giá. Chúa đã trả lời cho những kẻ nhạo báng và thách thức Chúa bằng cuộc nhập thể, bằng 30 năm sống ẩn dật, và bằng 3 năm rao giảng ngược xuôi. Chúa đã trả lời cho những kẻ chế nhạo Chúa và cho toàn nhân loại bằng những phép lạ, bằng những lời giảng dậy, và bằng chính cuộc khổ nạn và cái chết. Chúa không im lặng, không chấp nhận thách thức nhưng trong âm thầm, sâu lắng tiếng nói của Chúa vẫn đang vang vọng trong lòng và trong tâm hồn của con người. Một tiếng nói tình thương có khả năng mở ra chân trời hạnh phúc cho tất cả những ai tin nhận và đón Chúa vào cuộc đời của mình. Chúa không chịu chết để được đời ca tụng như một anh hùng không sợ chết. Chúa không xuống khỏi thập giá để cho những kẻ thù phải khiếp vía mà nể phục. Toma a’Kempis đã hiểu và đã cảm được sự im lặng này, và vì thế qua những kinh nghiệm về đau khổ, về hiểu lầm, vị thầy chiêm niệm này đã không muốn giải thích hoặc than thở, vì càng cải chính và tìm cách bào chữa thì sự hiểu lầm càng thêm sâu rộng, trầm trọng, và càng mất đi ý nghĩa của hy sinh. Và Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã học được bài học im lặng ấy, nên mỗi khi gặp hiểu lầm, Têrêsa chỉ biết tự nói với lòng mình: “Có nhiều chuyện chỉ sau này trên Thiên Đàng mới được sáng tỏ”. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã nhìn đau khổ như một “mầu nhiệm”. Mầu nhiệm dính liền với thập giá của Chúa. Mà đã là mầu nhiệm thì những hiểu lầm kia, những thử thách kia, những thất bại kia, những bệnh tật kia, những lời vu khống, mạ lỵ kia, những bất tài, bất lực kia, hay bất cứ những gì khiến cho con người phải đau khổ dù là thể xác hay tinh thần đều khó hiểu trước con mắt tự nhiên. Chỉ trong tận cùng sâu thẳm của mầu nhiệm cứu độ, và chỉ khi nào con người biết nhìn ngắm, biết chấp nhận thập giá Chúa Kitô, lúc ấy sự im lặng của Thánh Giá mới giúp khám phá ra ý nghĩa những đau khổ ấy.            Giêsu ơi! Tại sao Chúa không xuống khỏi thập giá. Và tại sao Chúa không lên tiếng khi bị người đời chế nhạo, thách thức? Câu trả lời là “Tại vì cha yêu con”. Xin Chúa cho con trong cuộc sống và giữa những lúc gặp đau thương thử thách cũng biết ngước mắt nhìn lên Thánh Giá Chúa và thưa “Vì con yêu Chúa”, với nụ cười thật xinh. Xin Mẹ Maria, Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân thánh giá, giúp con thêm nghị lực, can đảm và đầy lòng tin tưởng cậy trông như Mẹ.           Lễ Suy Tôn Thánh Giá,   14 tháng 9 năm 2013    
Tác giả: