Nhảy đến nội dung

Hiến chương thành lập Hội Thánh

HIẾN CHƯƠNG THÀNH LẬP HỘI THÁNH (Chúa Nhật CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG)

Trong bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 4/6/2017 tại đền thánh Phê-rô, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã giải thích ý nghĩa của lễ Ngũ tuần qua những biểu tượng đọc thấy trong các bài Sách Thánh: “Lễ phụng vụ mà chúng ta mừng hôm nay quen được gọi là “Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống”, hay nói tắt là “lễ Hiện xuống”. Trong nguyên ngữ Hy-lạp và La-tinh, danh xưng là “Ngũ tuần” (Pentecostes), nghĩa là 50 ngày, bắt nguồn từ lịch phụng vụ của người Do Thái. Năm mưoi ngày sau lễ Vượt qua tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập, người Do Thái mừng lễ Ngũ tuần kỷ niệm việc Chúa thiết lập giao ước trên núi Si-nai. Trong Tân Ước, sách Tông đồ công vụ đã gắn biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống với lễ Ngũ Tuần, diễn ra năm mươi ngày sau khi Chúa Phục sinh. Khi chú giải đoạn văn này, các giáo phụ đã ví biến cố như là việc ban hành Hiến chương thành lập Hội Thánh; trong đó quy định các nhân tố của Giáo hội tiên khởi (các Tông đồ) được phái đến muôn dân, rao giảng Tin mừng qua các ngôn ngữ của các dân tộc.” (nguồn: Đài Vatican).

Với Đức Ki-tô, khi nói về Chúa Thánh Thần, thì Người lại nói đó là ngọn lửa: Sau khi kể dụ ngôn “Hãy canh thức chờ chủ về” (Lc 12, 35-48), Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49). Tuy rằng ngọn lửa ấy luôn hiện diện trong Đức Giê-su, trong tất cả những Lời dạy và việc làm của Người, nhưng chưa có dịp “bùng lên” như Người mong muốn. Phải chờ tới ngày Lễ Ngũ Tuần, ngọn lửa ấy mới thực sự bùng lên thành những lưỡi lửa đậu trên đầu các Tông đồ “từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2, 1-5).

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-23) trình thuật việc Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ vào ngày thứ nhất trong tuần. Cứ thử tưởng tượng đang có mặt tại nơi các môn đệ Chúa tề tựu, sẽ thấy nét mặt người nào cũng đầy ưu tư. Họ vừa chứng kiến một biến cố kinh hoàng làm tan biến mọi hy vọng. Thôi, thế là hết, giấc mộng được làm Tả Hữu Thừa tướng của Vua Giê-su (Ông Gio-an và ông Gia-cô-bê xin được ngồi bên tả bên hữu Đức Vua Giê-su – Mc 10, 35-40) đã hoàn toàn tan biến, vì Người đã chịu chết nhục nhã trên thập giá, xác Người lại do chính bản thân mình táng trong hang đá! Những cuộc hiện ra của Chúa dường như vẫn chưa đủ để giúp họ được hăng hái và xác tín vào sứ mệnh Người muốn họ thi hành. Họ vẫn còn sợ hãi đến nỗi khóa chặt cửa và sống trong một bầu khí thinh lặng nặng nề. Sự hiện diện của Mẹ Ma-ri-a ở giữa họ là chiếc phao cuối cùng để họ bám víu.

Mọi người đang chờ đợi “sự bất ngờ” từ trời đến! Và quả thực “sự bất ngờ” đã đến dưới hình thức “tiếng động như tiếng gió mạnh” và “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa”. Ai cũng nghe được tiếng động ấy và lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một, không trừ một ai. Tiếng động và lưỡi lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần, Tình yêu của Thiên Chúa, Thần Khí của Đức Ki-tô. Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các môn đệ. Người đã lấy tình yêu để đốt cháy mọi sợ hãi, và lấy tiếng động của gió mạnh để thay thế sự yên lặng nặng nề đang làm tê liệt cộng đoàn đức tin bé nhỏ. Người giúp họ hăng hái nhiệt thành đáp lại mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thi Thầy cũng sai anh em”. Thế là cánh cửa đã bị khóa chặt vì sợ hãi nay mở tung ra. Trước mặt dân chúng (không chỉ cư dân tại Giê-ru-sa-lem và những người Do Thái sùng đạo từ các dân thiên hạ trở về, mà cả những dân ngoại thuộc các nước chung quanh), các môn đệ Chúa không chút sợ hãi và lên tiếng rao giảng. “Đám đông kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông đồ nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2, 6). Mọi sự hoàn toàn đổi mới.

Có một vấn nạn: Chúa Giê-su đã ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay từ khi Người mới sống lại, vậy tại sao mãi tới 50 ngày sau (vào ngày Lễ Ngũ Tuần) Chúa Thánh Thần mới thực sự đến với các Tông đồ? Sở dĩ vậy, vì Thiên Chúa muốn mạc khải cho loài người biết mọi việc Người làm đểu thể hiện tình yêu vô bờ bến của Người đối với nhân loại. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng chỉ cần phán một lời thì tất cả tội lỗi của loài người sẽ được tha thứ hết, nhưng như thế thì con người – vì được tự do và với sự hiểu biết hạn chế, bất toàn – sẽ không thể hiểu được ân sủng vô cùng cao quý ấy, và chắc chắn sẽ tiếp tục sai lầm, tiếp tục sống đời tội lỗi một cách vô tư. Hoá cho nên tất cả những sự kiện – từ biến cố Giáng Sinh đến cuộc khổ nạn, rồi phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Giê-su đều được thể hiện một cách cụ thể, để con người thấy tận mắt (thực mục sở thị) mà tin vào Thiên Chúa. Đến như vậy mà loài người vẫn còn không ít những kẻ hoài nghi, không tin. Vậy đó! Vì thế, nên vẫn rất cần thiết cho các môn đệ và cho tất cả mọi người một ngày Lễ Ngũ Tuần vậy.

Sách Xuất hành có viết về Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước: “Đó là lễ tế Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn." (Xh 12, 27). Vì được Thiên Chúa thương giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, và ban cho mười giới luật để đóng ấn giao ước giữa Chúa và dân của Người (trên núi Si-nai), nên dân Ít-ra-en đã mừng biến cố này hết sức long trọng vào đúng ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua. Vì thế, ngày này được gọi là lễ Ngũ Tuần (“Pentecost”: ngày thứ 50). Bước sang thời kỳ Tân Ước, thì cuộc vượt qua khổ nạn, chiến thắng sự chết và sống lại hiển vinh của Chúa Ki-tô cũng đúng vào dịp mừng Lễ Vượt Qua và 50 ngày sau (vào đúng Lễ Ngũ Tuần) thì biến cố hiện xuống của Đức Thánh Linh xảy ra. Biến cố ấn tượng và hết sức lạ lùng này được Sách Công vụ Tông Đồ tường thuật lại một cách rất thuyết phục:

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” Sự kiện lạ lùng xảy ra khiến đám đông dân chúng hiện diện ”sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!" (Cv 2, 1-4.7-11).

Kinh Thánh nói đến Chúa Thánh Thần bằng nhiều danh xưng như: Thần Khí, Thần Chân Lý, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Đấng Bảo Trợ… (xc. Giáo lý HTCG số 691-693). Vì là Ngôi Ba Thiên Chúa kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Con, nên Thánh Thần đã hiện diện cả trong Cựu Ước và Tân Ước, suốt dọc quá trình lịch sử cứu độ từ khởi nguyên đến tận cùng. Ngay từ tạo thiên lập địa, Thánh Thần đã hiện diện trong công trình sáng tạo vũ trụ và trong con người của Thiên Chúa ("Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước." – St 1, 1-2; "ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật." – St 2, 7-8).

Thời kỳ Cựu Ước cũng vậy, Thánh Thần luôn hiện diện bên dân Chúa và với các ngôn sứ trong mọi trường hợp, điển hình như "Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi.” (1Sm 16, 1-13); "Thần khí của ông Ê-li-a đã ngự xuống trên ông Ê-li-sa." (2V 2, 15). Không chỉ có sách Sa-mu-en và sách Các Vua như vừa dẫn, mà hầu hết các sách Cựu Ước đều trình thuật những sự kiện chứng minh có sự tác động rất mạnh của Thánh Thần vào những việc Thiên Chúa thực hiện thông qua các ngôn sứ, tư tế hay các vua: Thánh Thần là Đấng ban sự sống thể lý cho con người (G 33, 4); là Đấng phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần (Ed 37, l4); là Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất (G 34, 14-15). Thánh Thần còn là Tác giả các sách Cựu Ước mà các ngôn sứ chỉ là người ghi chép lại sự linh hứng của Người (Dcr 7, 12; Mk 3, 8; Nkm 9, 30.29).

Đến thời Tân Ước thì phải nói một điều Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong tất cả mọi sự kiện diễn ra trên trái đất, cụ thể là nơi vùng đất được tuyển chọn (It-ra-en). Chính Đức Giê-su cũng luôn luôn nhắc đến vai trò đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng chính là Thiên Chúa vì "Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4, 24). Không những Đức Ki-tô giảng dạy cho các môn đệ hiểu về sức mạnh và sự cần thiết của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng; mà chính Người cũng luôn chịu sự tác động của Thánh Linh khi Người chịu phép rửa tại sông Gio-đan (Mt 3, 13-17), khi Người được Thần Khi dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4, 1-11), khi Người giảng dạy (Mt 10, 19-20 ; Ga 7, 38-39 ; Ga 14, 16-18 ; Ga 15, 26 ; Ga 16, 7-8...) và thậm chí cả khi Người chịu chết trên thập tự (diễn tả giây phút từ trần của Đức Giê-su, Thánh sử Gio-an viết là “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” – Ga 19, 30), rồi sống lại hiển vinh ("Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết." – Rm 8, 11).

Còn đối với Giáo hội, thì Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào? Ngay từ khi Chúa Giê-su thiết lập Hội Thánh thì Chúa Thánh Thần đã hoạt động thông qua Đức Ki-tô (mỗi khi Người chào các môn đệ, Người đều nói “Bình an cho anh em” hay “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”, sự bình an đó chính là Chúa Thánh Thần vậy; hoặc cũng có khi Người nói thẳng: ”Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” – Ga 20, 21-23). Tuy nhiên phải đến ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần mới thực sự hiện xuống trên các thánh Tông đồ.

Vì thế, Lễ Hiện Xuống là ngày khởi đầu cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội, là “Sinh Nhật” của Hội Thánh Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông đồ trở nên những người can đảm, những người thông hiểu Kinh Thánh và nhớ lại các điều Chúa Giê-su đã giảng dạy, đặc biệt là ân sủng “vẫn nói tiếng Ga-li-lê quê hương của mình, nhưng người nghe lại nghe thành tiếng nói bản xứ của họ”. Các Tông đồ không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái” (Ga 20, 19); nhưng bắt đầu rao giảng cho dân chúng đang tụ họp chung quanh nơi các ngài ở (Cv 2, 14…) và đã có nhiều người ăn năn sám hối và xin chịu Phép Rửa để gia nhập Hội Thánh Chúa (Cv 2, 41).

Có thể nói trong cuộc tử nạn của Chúa Giê-su thì các Tông đồ cũng chết theo Người. Sự sợ hãi, co cụm vào nhau không dám hoạt động, khiến cho môi trường sinh hoạt của các Tông đồ mất hết sinh khí và chỉ giới hạn trong một gian phòng nhỏ đóng kín các cửa. Nhưng khi Chúa Phục Sinh và nhất là từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống thì sinh khí bùng phát, các Tông đồ như được từ cõi chết cùng sống lại với Đức Ki-tô. Đúng là Giáo hội tiên khởi đã cùng chết với Đức Ki-tô và được tái sinh bởi Thần Khí Thiên Chúa vậy.

Vì thế mới coi ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là ngày sinh của Giáo hội (“Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8, 11). Từ ngày đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc truyền giáo của Giáo hội tiếp tục phát triển và cho đến ngày nay, Giáo hội đã hiện diện trên khắp năm châu bốn biển, đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho mọi người, để “ai tin thì sẽ được cứu rỗi” (Mc 16, 16…). Qua dòng thời gian, Chúa Thánh Thần vẫn luôn đồng hành và chở che Giáo hội qua “mọi cơn gian nan thử thách!”, qua bao cuộc “bách hại” khủng khiếp.

Như vậy thì Đức Thánh Linh luôn hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi thời điểm, còn nói Chúa Thánh Thần hiện xuống chỉ là cách nói nhằm làm sáng tỏ sự thật về Ngôi Ba Thiên Chúa. Đó là Đấng Thánh, là Thần Khi Sự Thật luôn kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Con trong mọi công trình của Thiên Chúa (từ sáng tạo vũ trụ và con người, đến hồng ân cứu độ, từ khởi nguyên tới tận cùng). Một cách cụ thể, khi nòi Chúa Thánh Thần hiện xuống, là để miêu tả hình ảnh thật (Chim Bồ Câu, Lưỡi Lửa, Ánh Sáng…) từ trời cao bay xuống đậu trên những vật thể hữu hình, và đó cũng chính là những mạc khải của Thiên Chúa để con người hiểu được mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ôi! Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh! Chúa đã ban Thánh Thần cho Giáo hội ngay từ ngày mới thiết lập và cũng nhờ thế mà Giáo hội ngày nay đã hiện diện trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những người biết và tin vào Thiên Chúa trên thế giới vẫn còn là thiểu số. Xin Chúa thương ban cho chúng con được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để chúng con được như các Tông đồ thủa xưa tái sinh trong Thần Khí mà vững bước trên con đường loan báo Tin Mừng, đem Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc của cuộc đời con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen. Alleluia! Alleluia!

JM. Lam Thy ĐVD.

Tác giả: