Nhảy đến nội dung

Khắc khoải lúc hoàng hôn

KHẮC KHOẢI LÚC HOÀNG HÔN

Một lần hân hạnh được gặp hai người Việt kiều trong một bữa ăn. Dù không quen lắm nhưng cũng cố gắng bắt chuyện...may ra! Để rồi viết mấy mấy dòng suy tư này.

Hai ông bà cụ Việt Kiều năm nào cũng về thăm quê. Dù tuổi đã cao nhưng các cụ vẫn còn khỏe lắm. Mỗi lần về thăm quê hương, tôi thấy hình như họ khỏe ra. Tinh thần phấn khởi và lòng tràn ngập niềm vui sướng khi nhìn thấy quê cha đất tổ, nhìn thấy làng xóm quê hương đổi mới nhiều, điều ấy làm họ vui nên khỏe ra. Hơn nữa điều chính yếu muốn nói ở đây là các cụ được hưởng một bầu không khí của gia đình, làng xóm Việt Nam dạt dào tình cảm. Cũng như văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam khác xa với nơi các cụ đang sinh sống. Hai cụ thèm khát những điều ấy lắm nên năm nào cũng phải về thăm quê hương một lần, có khi hai lần.

Tôi không quen biết các cụ bao nhiêu, mà chỉ thấy vậy. Rồi nghe dư luận nên biết thêm về các cụ. Là một trong những người Việt Kiều yêu nước, thương dân bởi đã từng trải qua giai đoạn đói khổ 1945 ngày xưa. Vì thế, lần nào về các cụ cũng giúp đỡ cho nơi này nơi kia nhiều lắm, nhất là những tổ chức nhân đạo, từ thiện….Các cụ bảo, trẻ lang thang bụi đời ở bên Mỹ chẳng thiếu nhưng hễ cứ trông thấy đó là đứa trẻ người Việt Nam thì thương lắm ; coi chúng như con ruột của mình vậy. Tôi hiểu được tấm lòng và tình cảm của các cụ lớn lao làm sao.

Trao đổi thêm lại được biết rõ hơn về những thao thức và lòng gắn bó của các cụ với quê hương thế nào. Vô tình, tôi hỏi đúng điểm nhạy cảm nhất làm các cụ rơi lệ. Tôi lo ngại và cũng xúc động theo. Rồi tôi hiểu ngay rằng đây là lý do khiến các cụ thường xuyên về Việt Nam chơi.

79 tuổi rồi mà mấy năm nay cứ về Việt Nam đều đều quả là…liều mạng! Phải có mơ ước hay nhu cầu gì lớn lắm mới vậy chứ. Đúng thế. Người ta vẫn bảo: già rồi hay tủi thân lắm. Tôi chưa già mà cũng hay tủi thân huống chi tâm lý người già. Các cụ khóc vì bên ấy luôn thiếu tình cảm con cháu, gia đình, làng xóm, quê hương. Khung cảnh và hình tượng của những phạm vi này đôi khi cũng có nhưng không có cái hồn làm người ta buồn tủi là đúng. Cứ nghe các cụ kể thì biết ngay : một ngày ăn 4 – 5 bữa đủ thứ trên đời. Con cháu đi làm ghé siêu thị mua một lúc đầy đủ đồ ăn cho 2, 3 ngày thậm chí một tuần về bỏ tủ lạnh ăn dần. Hai thân già ở nhà trông coi nhà cửa tha hồ ăn uống tự do. Thiếu kêu điện thoại lấy về nữa. Suốt ngày quanh quẩn nhà cửa ăn uống, ăn uống nhà cửa. Đến tối mới thấy mặt mũi mấy đứa cháu nội ngoại đi học về. Thường nó cũng chẳng tha thiết ông bà bao nhiêu nên vất cặp sách là lao đầu vào trò chơi, máy tính…Có đứa ở nhà trường luôn một tuần lễ mới về nhà một lần. Riết rồi chẳng thèm nói chuyện với ông bà, cha mẹ. Có khi quên luôn tiếng Việt! Tóm lại chỉ còn thế giới cô đơn của hai cụ già gần tám mươi cứ ngày ngày ra ra vào vào trong căn nhà lầu kín cổng cao tường ấy thôi. Nếu muốn thấy cảnh quê hương Việt Nam thì xem phim, đọc truyện hay đi…xem triển lãm! Nhưng mấy khi con cháu còn giờ đâu mà đưa các cụ đi xem triển lãm. Tôi lại hỏi thử xem các cụ thực hiện những chuyến về Việt Nam liên tục thì như thế nào. Các cụ kể tiếp: phải ra yêu cầu cho đứa lớn đứa bé. Mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm phải có nhiệm vụ chi cho các cụ bao nhiêu tiền để ăn riêng, trông coi con cháu, nhà cửa,….Số tiền ấy các cụ dành dụm trong một năm để trang trải cho chuyến về thăm Việt Nam và làm những việc bác ái tùy ý thích. Nhìn chung khoản này thì con cháu để cho các cụ tự do, bởi trông thấy các cụ còn khỏe làm mừng rồi. Hơn nữa, không “trả lương” đều đều cho các cụ như thế, đi thuê người ngoài còn chết nữa, rồi hai cụ bỏ đi đâu?

Có lẽ các cụ già Việt Nam sống bên ấy đều chịu chung một “số phận” giống như cái cảnh bị “giam lỏng” trong nhà tù vậy. Làm sao các cụ chẳng chán. Làm sao mà không cảm thấy nhớ và khao khát một khung cảnh gia đình của Việt Nam : cái nôi đã sinh ra các cụ ngày xưa. Nếu các cụ có ước mơ được về chết ở Việt Nam cũng là đúng thôi. Quy luật nước chảy về nguồn mà. Hình ảnh về hai cụ tượng trưng cho tầng lớp các cụ cao niên, và tượng trưng cho tất cả con người VN chúng ta.

Người ta sống trên đời khi mang theo những thao thức, ấp ủ những dự tính nếu thực hiện được thì sướng lắm. Tôi rất hiểu và thông cảm với tâm trạng của các cụ. Quê hương mình dù sao vẫn còn nghèo đói và lạc hậu lắm so với các nước phương Tây. Nhưng không phải vì thế mà người Việt Nam mình chỉ biết khát khao và chờ đợi nguồn vật chất của các nước giầu có đưa về qua những anh chị em Việt kiều. Như vậy, hóa ra người Việt Nam ta chỉ biết đón nhận mà không có cái gì cho đi sao. Có chứ. Người VN mình cho đi cái lớn hơn, giá trị hơn, cần thiết hơn, độc đáo hơn mà người phương Tây đang thiếu hay chưa thể có được đó là tình cảm nói chung và tình cảm gia đình nói riêng. Chả thế mà hai cụ đã sống rất lâu năm bên Mỹ cứ phải về VN thuờng xuyên để lấy…tình cảm mang đi mà sống! Người VN có cái hay ở chỗ đó. Đấy cũng là điểm son của cả dân tộc mình đã có từ bao đời nay.

Khung cảnh gia đình đã làm rung động trái tim con người có khi khắc khoải bồn chồn đến nỗi phải đi vòng trái đất để tìm về. Tương quan tình cảm con người đã làm người ta phải day dứt khôn nguôi đến nỗi phải đi tìm như một lẽ sống trong cuộc đời. Giá trị của mảnh đất đã tạo nên tính chất linh thiêng bất tử như hồn sống của tạo vật. Hình tượng quê hương đã ngấm sâu vào trong máu thịt khiến người ta phải đi tìm trong mọi lãnh vực. Ngôn ngữ dân tộc đã tạo nên nếp sống quen thuộc nhưng cũng đánh động tới tầng sâu thẳm nhất của ý thức. Văn hóa dân tộc đã khoác lên con người như một loại trang điểm để tạo nên tính chất riêng biệt và độc đáo của cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Sau cùng, tuổi tác là cái gì cũng chi phối rất mạnh mẽ tới cách sống, nếp nghĩ và cái nhìn của con người tạo ra một động lực thúc đẩy đôi khi là phi thường hoặc mầu nhiệm nữa.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn