Khí và Lửa Chúa Thánh Thần
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- AM Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2016 (Ga 20, 19-23)
Khí và Lửa Chúa Thánh Thần
Một buổi sáng nọ, vào tháng ba, năm 1957, người ta đưa một người thanh niên, có vẻ là học sinh hay cán bộ gì đó, đến xin tôi làm phép xức dầu cho anh. Anh ta yếu, không còn đi lại được. Khi làm phép xức dầu sau hết cho anh, tôi biết anh là thanh niên lao động từ Cộng sản… Câu chuyện tưởng thế là xong. Nhưng, y như mọi khi. Một tháng sau, tôi bị gọi ra Viện Kiểm sát nhân dân làm việc. Tôi được ngồi trên một ghế đẩu, tức là ghế các bị cáo quen ngồi, không có tựa.
- Ông có làm phép đạo cho anh này không (tôi không nhớ tên)
Tôi thưa: Có.
- Khi làm phép thì ông đã nói thế nào?
- Điều này luật đạo chúng tôi không được phép nói.
- Ông phải nói, vì đây là pháp luật đòi hỏi.
- Tôi không được phép nói, vì luật chúng tôi dạy rằng: Khi giải tội thì không bao giờ được nói điều người ta nói với tôi, dù có phải chết cũng không được nói. Đó là bí mật tòa giải tội, chúng tôi phải giữ với giá mạng sống của chúng tôi.
Họ cứ hỏi đi hỏi lại mãi, tôi vẫn chỉ thưa có một câu:
-Tôi không được phép nói.
Rồi họ hỏi hàng mấy chục câu vu vơ, trong đó có câu quan trọng:
-Ông có tôn trọng chính quyền không?
-Có. Luật đạo chúng tôi dạy vậy. (Chúng tôi nhấn mạnh)
Cả một ngày thẩm vấn, chỉ có lời hỏi đáp đó là đàng hoàng.
Ông Viện Trưởng đọc lại biên bản để tôi ký. Khi đọc đến câu: ông có tôn trọng “chính quyền” không? Thì ông ta lại hỏi: ông có tôn trọng luật pháp nhà nước không? Tôi ngắt lời ông ngay và nói: Lúc trước, ông không hỏi tôi thế. Nếu ông hỏi tôi “có tôn trọng luật pháp không, thì tôi thưa khác”
-Ông thưa khác thế nào?
-Nếu ông hỏi có tôn trọng chính quyền, thì tôi thưa có và không điều kiện. Vì luật đạo dạy dù chính quyền là thế nào đi nữa, cũng phải tôn trọng. (Chúng tôi nhấn mạnh). Còn nếu hỏi: Có tôn trong luật pháp nhà nước không, thì tôi thưa khác.
-Thưa thế nào? Rồi ông ta giơ cao cuốn Hiến Pháp lên: Đây luật pháp nhà nước, dù là Tổng thống, dù là Chủ tích nước cũng phải tuân theo. Và ông ta trịnh trọng hơn nữa, hỏi dằn từng tiếng: Ông có tuân theo luật pháp nhà nước không?
Tôi cũng trịnh trọng và dằn từng tiếng: Tôi tôn trọng luật pháp nhà nước, khi luật pháp đó không ngược đạo lý chúng tôi.
Ông ta lại nói to hơn và dằn từng tiếng: Đây! Pháp luật nhà nước! Ông có tôn trọng không?
Tôi cũng trân trọng và dằn từng tiếng: Tôi tôn trọng khi luật pháp đó không có gì đi ngược với đạo lý chúng tôi. Còn nếu có điều gì ngược với đạo lý chúng tôi, lương tâm tôi không buộc phải theo.
-Thế nào là không hợp với lương tâm? Tôi ví dụ:
-Ngày xưa vua chúa ra luật cấm đạo, thì dù có chết cũng không tuân luật vua. Đó là cái chết của các Thánh Tử Đạo chúng tôi đó.
Ông Viện Trưởng không còn gì mà nói. Tôi cũng thế. Thế là cuộc họp được giải tán. Mục đích cuộc gặp gỡ chỉ là để chỉnh huấn, răn đe, nhưng không ngờ lại biến sang cuộc tranh luận. Và như thế là chưa đạt mục đích. Ông cho tạm ngừng, để có cuộc gặp gỡ sau vào ngày mai.
Hôm sau, giọng diễn ra khác hẳn. Không còn là cuộc tranh luận, nhưng là xét xử. Lần này quang cảnh xảy ra như một phiên tòa. Có bàn ghế ông Thẩm phán, Thư ký. Người tố cáo không là ai khác, mà là bố ông Rò, chuyên tố cáo. Con ông làm cán bộ tại Ủy ban Mặt Trận trước cửa nhà thờ Nam Định. Ông tố cáo cha Trọng xuyên tạc chính sách, phản động, làm tay sai cho Mỹ Diệm. Sau đó, bọn tay sai ngồi quanh phụ họa, xỉ vả, bầy đặt nhăng nhít, nào là Mỹ Ngụy cài lại, nào là lên tòa giảng xuyên tạc chính sách nhà nước. Cha Trọng ngồi chiếc ghế đẩu, lâu lâu quay ra nói với họ: “Chỉ nói bậy.”
Cứ thế hơn một tiếng đồng hồ. Xong trò hề tố cáo, ông Viện Trưởng đề cao chính sách tôn giáo của nhà nước, chính sách khoan hồng, giáo dục hơn trừng trị và kết luận:“Ông Trọng vi phạm nghiêm trọng chính sách tôn giáo của nhà nước. Nhưng là lần đầu, nên chính phủ khoan hồng, chỉ cảnh cáo ông. Còn tiếp tục vi phạm thì có tù mọt gông. Tôi đứng lên ra về, trong bộ áo thâm dài đàng hoàng. Không một lời chào hỏi hay cảm ơn. Bắt chước Chúa Giêsu im lặng. (Hồi ký ĐGM Phaolô Lê Đắc Trọng, Tập III, tr.140)
Trích đoạn hồi ký trên nổi bật lên tác động ân điển bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa của Đức Chúa Thánh Thần, khi Đức Giám mục Phaolô ứng xử với thế gian. Trong Tin Mừng Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, Đức Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, để các ngài được hồi sinh, khai sáng, cũng như được canh tân và thánh hoá.
Thần Khí hồi sinh
Chúa Thánh Thần chính là làn gió, là hơi thở hồi sinh, tìm lại sự sống, như ngôn sứ Edêkien xưa đã trông thấy. Chính Thần Khí đã làm hồi sinh cả một thung lũng xương khô. “Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ; Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được hồi sinh.” (Ed 37, 13-14)
Cửa đóng then cài, các môn đệ sợ hãi người Do Thái, Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra, liên tục chúc bình an cho các ông, dẫu các ông sẽ gặp muôn vàn khổ nạn, như các thương tích nhan nhản trên thân thể Người, dẫu sứ vụ Đi Gieo dày đặc thử thách, vất vả, nguy nan, như chính Người đã âm thầm chịu đựng, trải qua.
Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại." Người trao ban Chúa Thánh Thần, giải thoát các môn đệ khỏi sợ hãi, khỏi những đe doạ hiểm nghèo, khỏi ám ảnh sự chết, được bình an và tự do trong hoan lạc. “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết; còn hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an.” (Rm 8, 6)
Nhận được hồng phúc Đức Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã thực sự sống lại với Đức Kitô Phục Sinh, đã mở toang cánh cửa khép kín vị kỷ, mà đến với muôn dân, không còn khiếp hãi những kẻ chống báng, đối nghịch với Đức Giêsu, sẵn sàng đối mặt, để loan truyền ơn cứu độ, Tin Mừng, mặc bao gian truân, thử thách, hiểm nguy. Các ngài đã thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, khỏi thân phận bất nghĩa, bất trung, bất tín với Đức Giêsu, không còn chối Chúa, không còn phản bội. Cuộc sống mới nhờ Thần Khí đã biến đổi các ngài hoàn toàn, như Thánh Phaolô quả quyết: “Quả thế, nhân bởi Lề luật mà tôi đã chết cho Lề luật, ngõ hầu được sống cho Thiên Chúa: tôi đã cùng bị đóng đinh thập giá với Ðức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi.“ (Gl 2, 19-20)
Thần Khí khai sáng
Không chỉ hồi sinh những tâm hồn bất chính, lầm lạc, sa ngã, Đức Chúa Thánh Thần còn là thầy dạy, linh hướng, uốn nắn đem về đường ngay, nẻo chính.“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26).
Dạy dỗ và làm nhớ lại. Đây chính là điều mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn của chúng ta. Trong những giây phút khi chuẩn bị trở về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói trước với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ đến. Chúa Thánh Thần đến, trước hết, là để dạy dỗ các môn để hiểu một cách tròn đầy và chắc chắc hơn về Tin Mừng; kế đến, là giúp các ông đón nhận Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày, sống Tin Mừng đó và sẵn sàng ra đi làm chứng. (ĐGH Phanxicô)
Hơn nữa, Thần Khí còn khai tâm, soi sáng mỗi người tìm hiểu được tiếng nói của Thiên Chúa, Thánh Ý của Ngài qua các dấu chỉ. Vậy luôn cần trân trọng đón nhận những hồng phúc Chúa Thánh Thần trao tặng.“Anh em đừng dập tắt Thần Khí.” (1Tx 5, 19)
Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ nhớ lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau của cuộc sống, để họ có thể đặt những giáo huấn ấy vào trong thực hành. Đây cũng chính là điều diễn ra trong Giáo hội ngày hôm nay. Khi được hướng dẫn bởi ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo hội cũng có thể mang món quà cứu độ đến hết mọi người. Món quà ấy chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi mỗi ngày, anh chị em đọc một đoạn Tin Mừng, hãy nài xin với Chúa Thánh Thần rằng: “Xin cho con hiểu và ghi nhớ mọi lời của Đức Giêsu.” Rồi sau đó, anh chị em bắt đầu đọc Tin Mừng và hãy đọc mỗi ngày. (ĐGH Phanxicô)
Lửa thiêng canh tân
Chúa Thánh Thần còn là ngọn lửa tinh luyện tâm hồn con người khỏi vết nhơ tội lỗi. Ngài cũng chính là lửa mến sẽ hun đốt lòng con người, bừng cháy lên ngọn lửa tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Thần giúp tất cả mọi người, để tất cả sống trong tình yêu của Thiên Chúa. “Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xưa kia, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được dựng nên tạo theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật.”(Ep 4, 22-24)
Lửa thiêng Chúa Thánh Thần thánh hoá con người, trở nên nghĩa tử của Chúa, được vinh dự thân thương gọi Chúa là Cha: Abba! “Anh em đã chịu lấy Thần khí của hàng nghĩa tử; nhờ đó ta kêu lên: Abba, lạy Cha! Chính Thần khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa; mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô, một khi ta cùng cam chịu khổ với Ngài, để rồi cùng chia phần vinh hiển với Ngài.” (Rm 8, 15-17)
Nhờ Thần Khí, tất cả tín hữu được hiệp nhất trong Đức Giêsu Kitô.“Tôi khuyên anh em hãy đi đứng sao cho xứng với thiên triệu, do đó Thiên Chúa đã kêu gọi anh em, hết lòng khiêm nhượng và hiền từ với đức đại lượng, chịu đựng lẫn nhau trong lòng mến; hăm hở duy trì sự hiệp nhất của Thần khí, trong dây liên kết hòa thuận.” (Ep 4, 1-3)
“Canh tân là thích nghi Phúc Âm với thế giới hôm nay. Không phải giảm bớt sức mạnh của Phúc Âm, nhưng Hội Thánh trình bày Phúc Âm cho người thời đại, với ngôn ngữ của thời đại, vì nếu Hội Thánh không đến với nhân loại, thì nhân loại không đến với Hội Thánh.” (Đường Hy Vọng, số 662)
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin thương xót, ban Thần Khí cho chúng con, để chúng con được tái sinh, được khai sáng, thấu hiểu và thực thi Tin Mừng, cùng được canh tân và thánh hoá, hiệp nhất với Người.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ được đầy ơn Chúa Thánh Thần khi xin vâng làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Khấn xin Mẹ cầu bầu cho chúng con luôn biết trông cậy Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp. Vì chúng con không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng con bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì. (Rm 8, 26-27). Amen.
AM. Trần Bình An