Khổ đau của Đức Giêsu - Khốn thay cho kẻ làm cho Ngài bị phản nộp
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Huệ Minh
26.3 Thứ Ba Tuần Thánh
Is 49:1-6; Tv 71:1-2,3-4,5-6,15,17; Ga 13:21-33,36-38
Khổ đau của Đức Giêsu
Đức Giêsu chịu nhiều đau khổ, nhưng người ta tự hỏi, đau khổ lớn nhất có phải là đòn đánh, mạo gai, cơn hấp hối hay bị đóng đinh trên thập giá ? vì còn nhiều thứ đau khổ khác nữa.
Thứ đau khổ con tim và linh hồn mới thực sự cực khổ hơn bất cứ đau khổ thể xác nào. Người ta đau khổ thể xác mà trái tim vẫn có thể hạnh phúc, như các thánh tử đạo, bị cực hình thân xác, nhưng tâm hồn vẫn hân hoan. Khi bị đau khổ tâm hồn và tâm tư thì không còn cách nào được sung sướng.
Đức Giê-su đã bị một ông tông đồ bán : đó là Giu-đa. Người cũng bị tông đồ cả là Phê-rô chối bỏ. Người còn bị tất cả các môn đệ bỏ trốn. Đó không phải là những lúc đau khổ lớn nhất sao ?
Đau khổ cực dữ nhất không phải là thứ đau khổ làm cho kêu la lớn nhất. Đau khổ thấm thía sâu sắc không phải là thứ đau khổ kêu gào trên mái nhà. Đau khổ lớn nhất cũng như niềm vui to nhất thường là câm lặng.
Đức Giê-su biết một bạn thân nộp Người. Người đã không vạch mặt chỉ tên. Trái lại, Người đã rất kín đáo bảo Giu-đa đi làm công việc như thường để không một môn đệ nào biết. Những đau khổ đó càng dằn vặt dữ tợn khi người ta muốn đối diện với chúng một mình.
Bị Giu-đa bán nộp, tiếp theo đó Đức Giê-su còn phải đối diện với sự phản bội của Phê-rô. Người biết rõ thế. Phê-rô lại chẳng biết gì, ông không thể tưởng tượng mình sa ngã xuống hố sâu đến thế. Đức Giê-su không phiền trách ông chút nào. Người sẵn sàng chịu đau khổ do những bạn nghĩa thiết của Người và tất cả moi người, dù họ đầy những yếu đuối. Còn chúng ta có noi gương Người không ?
Khi người ta chịu đau khổ vì những người thân yêu, thì chính là dấu người ta yêu chân thật.
Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tư Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai đặc điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước cuộc Thương Khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các đồ đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa. Là một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh, Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.
Nơi chương17 sau đó, Chúa Giêsu nói rõ ra nội dung chính của việc tôn vinh này như sau: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh con Cha để con Cha tôn vinh Cha theo quyền năng Cha đã ban cho Người trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Ðấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm". Chúa Giêsu ý thức rõ ràng về chương trình Thiên Chúa Cha muốn thực hiện, Chúa muốn thực hiện điều đó cách hoàn hảo, nhưng đồng thời ý thức rõ ràng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều sa vào. Giuđa sắp phản bội, Phêrô sắp chối bỏ Ngài, nên Chúa xao xuyến sâu xa.
Nhưng tội lỗi của con người không thể làm hư chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận cùng, Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi. Chúa hành xử với mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm, âm thầm với Giuđa và công khai với Phêrô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn, đón nhận Satan, từ bỏ ánh sáng, tự ý bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến mức tuyệt vọng, vì trong tâm hồn ông không còn chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại, bắt gặp cái nhìn của Chúa.
Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhưng ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa trong âm mưu đen tối của y nơi đoạn Tin mừng hôm nay. Bóng đêm luôn ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu, bóng đêm luôn xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa. Bóng đêm luôn giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu. Bóng đêm xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa như trường hợp của Giuđa. Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh Giuđa : trước tiên là lời tiên báo công khai : "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta", nhưng Giuđa giả điếc làm ngơ không, nghe lời cảnh tỉnh ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược :"Aên miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y". Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói : "Người tính làm gì, thì làm mau đi", câu này ngụ ý rằng âm mưu của người, Ta đã biết, làm sao môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày". Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.
Ngày thứ ba tuần thánh, khi đưa ra một Giuđa cứng lòng bướng bỉnh, tiến vào bóng đêm của phản bội, của tội lỗi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chấp nhận lời cảnh tỉnh và nhất là đón nhận những cử chỉ thân tình yêu thương của Chúa Giêsu, để bừng sống dậy nhập đoàn những người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng tình thương mà Ngài đã khởi xướng khi tuyên bố : "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu", "Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con".
Ước gì sự hiến thân chết vì tình yêu trên Thập giá của Chúa dẫn chúng ta từng bước thoát khỏi bóng đêm của tội lỗi để tiến vào ánh sáng của Chúa Nhật Phục sinh.
************
27.3 Thứ Tư Tuần Thánh
Is 50:4-9; Tv 69:8-10,21-22,31,33-34; Mt 26:14-25
Khốn thay cho kẻ làm cho Ngài bị phản nộp
Người Do Thái mừng lễ Vượt Qua để kỷ niệm cuộc vượt qua biển đỏ thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, nhờ hồng ân Chúa. Chúa Giê-su và các môn đệ cũng mừng lễ Vượt Qua. Và vì biết Giu-đa đã ra kèo với các thượng tế rằng: sẽ nộp Chúa Giê- su cho họ, với giá 30 đồng bạc, nên Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.
Các môn đệ bỡ ngỡ, ai cũng hỏi: “Thưa Thầy, có phải con không”. Cả Giu-đa cũng hỏi vậy. Chúa Giê-su trả lời: “Ðúng như con nói”. Chúa Giê-su giải thích: chuyện phải bị bắt, bị giết đã có trong kế hoạch của Thiên Chúa như trong sách Thánh đã ghi. Chuyện đáng tiếc, không phải chuyện các thượng tế bắt Chúa, mà là chuyện môn đệ phản thầy! Chúa nói với kẻ phản bội, kẻ cạn tình bất nghĩa rằng: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Đến nổi nào quá cần tiền mà phải bán đứng thầy mình?
Nhưng cũng không thể biện minh cho Giu-đa rằng ông có ý bán Thầy vì biết Thầy mình quyền năng không ai làm hại được! Chỉ biết: Giu-đa đã theo Sa-tan, nên đã phụ tình Thầy. Tội phụ tình đã là đủ nặng. Tình tiết 30 đồng bạc là tình tiết phụ, nhưng làm cho tội nặng hơn.
Bởi, đã có ý phản, thì 15 đồng cũng bán. Cách sống phụ bạc ân tình của Giu-đa như vẫn còn đâu đây: Đến nổi nào quá cần nửa mét đất, mà phải bán đứng anh em? Đến nổi nào phải cần một mũi heroin, mà cháu phải giết bà? Đến nổi nào phải giữ thể diện mình mà làm sỉ nhục, làm giảm giá trị, hoặc loại trừ anh em? Đến nổi nào chỉ vì một chút lạc thú, mà giết người bằng lời chua cay, bằng lưỡi dao oan nghiệt. Lời Chúa nói với kẻ phụ tình: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!”
Tin Mừng hôm nay dẫn ta đến đỉnh cao công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Người sẽ phải “ra đi” vì tội lỗi nhân loại và để chịu chết chuộc tội cho họ.
Mở đầu ta thấy một con người tội lỗi đã nổi tiếng xưa nay, Giuđa Itcariôt. Ông theo Chúa cùng anh em đã mấy năm nay. Vậy mà hôm nay đã rắp tâm chỉ điểm cho người Pharisêu bắt Chúa, mà lấy 30 đồng bạc.
Thật tiền bạc nó có sức cám dỗ lạ lùng, mà giờ đây chúng ta ai cũng phải cảnh giác với chúng. Cũng thương thay những con người yếu đuối, đớn hèn đã phải làm tôi cái đồng tiền nhỏ bé ấy: “Giuđa Itcariôt đi gặp các thượng tế mà nói: Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp đức Giêsu”. Tiếp tục Tin Mừng dẫn ta vào một biến cố đặc biệt, Chúa Giêsu và các môn đệ chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua: “Các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.
Chúa Giêsu, là người chủ, người điều hành từ xa việc chuẩn bị mừng lễ ấy. Là Thiên Chúa, Người thấy trước mọi sự, nên công việc đã xảy đến đúng như lời Người báo trước. Lễ Vượt Qua, lễ tạ ơn trọng thể của người Do Thái. Họ cảm tạ và nhớ lại tình yêu thương đặc biệt Thiên Chúa đã dành riêng cho dân tộc họ, trước đó khoảng 1300 năm. Chúa đã cho họ đi qua Biển Đỏ để trốn thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập một cách lạ lùng. Ngày ấy trước khi vượt qua Biển Đỏ, Chúa dạy họ giết chiên ăn thịt và “lấy máu bôi lên khung cửa” nhà mình. Nhà nào có máu chiên bôi lên, nhà ấy sẽ khỏi phải “tai ương tiêu diệt”. (Xh 12).
Tin Mừng giờ đây sắp làm ứng nghiệm sự kiện “Vượt Qua” ấy. Chỉ ngày mai thôi, Chúa Giêsu là “Con Chiên” thật của Thiên Chúa sẽ nên của ăn duy nhất trong bữa tiệc mừng lễ “Vượt Qua”. Rồi Con Chiên ấy sẽ chịu chết, sẽ đổ máu ra không phải để “bôi lên khung cửa”, mà đổ trên thập giá tẩy rửa tội lỗi cho người Do Thái và cho toàn thể nhân loại để họ khỏi bị“ tiêu diệt” muôn đời. Trước giờ phút đón nhận sự phản bội, đau khổ biệt ly oan nghiệt ấy, Chúa Giêsu vẫn hiền hòa yêu thương: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Cũng chẳng thấy nơi Người sự oán trách, hay loại trừ ai dù là với người phản bội. Chúa chỉ thương cho họ, vì họ đã tự chọn con đường xa rời Chúa, bán Chúa thì họ sẽ phải khổ đau: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà họ đừng sinh ra thì hơn”.
Tin Mừng cho biết Giu Đa vẫn đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ trong bữa tiệc Vượt Qua, vẫn ngồi bên Chúa, và còn “giơ tay cùng chấm với Thầy” mình. Khung cảnh bữa tiệc rất đầm ấm, gần gũi, rất thân thiết tình Thầy trò. Thế nhưng, có ai biết, ông chỉ còn là cái xác không hồn, bởi tâm hồn ông đã thỏa hiệp thầm kín với tội ác.
Chúa Giêsu chấp nhận tất cả vì “Con Người sẽ phải ra đi như đã chép về Người” như thánh ý Cha đã định, nhưng Ngài thương Giu Đa, vì ông không nhận ra Lời Ngài đã mời gọi ông thay đổi ý định từ hôm ở nhà Matta, khi ông tiếc bình dầu thơm 300 đồng bạc. Ông cũng không nhận ra lời mời của ngày hôm nay nữa “kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy”. Chúa Giêsu tôn trọng sự tự do của ông, nhưng Ngài tiếc cho ông vì ông đã lạm dụng tự do mà đi vào chỗ chết.
“Khốn thay cho kẻ làm cho Ngài bị phản nộp”. Chúa Giê-su chấp nhận phải ra đi theo thánh ý Chúa Cha, như có lời đã chép. Nhưng Người lấy làm tiếc cho kẻ nộp người phải rơi vào cảnh khốn đốn, vì tách lìa Chúa Giê-su, là tự đẩy mình vào chỗ chết ngàn đời.