Lời Chúa (lc 2, 22-40) Và Suy Niệm Chúa Nhật TN4C Dâng Chúa Vào Đền Thánh
- CN, 02/02/2025 - 17:06
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Lc 2, 22-40) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT TN4C2025 DÂNG CHÚA VÀO ĐỀN THÁNH
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 22-40): "...Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con. Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
[ Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”. Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người..." Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Một nhóm người thiện chí bàn nhau cách phổ biến Tin Mừng. Có người đề nghị quảng cáo trên TV, người khác đề nghị dùng báo chí. Một thiếu nữ Châu Phi chia sẻ: Ở xứ tôi, khi muốn loan Tin Mừng cho một vùng nào đó thì chúng tôi gởi đến đấy một gia đình công giáo tốt để gia đình này sống giữa những người khác trong vùng.
+/ Trong khi người Ấn độ được đánh giá là giỏi triết lý, người Trung hoa được đánh giá là giàu lễ nghĩa, thì người do thái được đánh giá là tinh thần tín ngưỡng cao. Nhờ đâu? Nhờ người cha do thái biết quan tâm đến việc đạo trong gia đình. Trong gia đình do thái, người cha chủ sự những buổi cầu nguyện, người cha lãnh trách nhiệm khai tâm tôn giáo cho con, người cha hãnh diện truyền lại cho con truyền thống đạo đức của ông bà tổ tiên.
- Lịch sử Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem và được “mừng một cách trọng thể như lễ Phục Sinh vậy”. Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Roma. Nội dung thánh lễ được triển khai theo đoạn Phúc Âm thánh Lu-ca 2,22-40. Giáo hội Phương Đông hiểu thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mê-si bước vào Đền Thờ và gặp dân Thiên Chúa của Cựu Ước qua ông Si-mê-on và bà tiên tri An-na; Giáo Hội Tây Phương lại coi đây là thánh lễ mừng kính Đức Maria: thanh tẩy theo luật Do Thái (Lv 12). Khi du nhập vào phụng vụ Rô-ma, Đức Thánh Cha Sét-gi-ô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến, vì thế từ thế kỷ VIII, thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Trong cuộc rước nến này, Đức Thánh Cha và cả đoàn đồng tế mặc phẩm phục tím, ám chỉ sự chưa thanh tẩy của Đức Maria khi lên Giêrusalem; khi đoàn đồng tế đến Đại thánh đường Đức Bà Cả, liền thay phẩm phục trắng, chỉ sự tinh tuyền đã được thanh tẩy của Đức Maria. Từ cuộc canh tân Phụng Vụ năm 1960, ngay cả trong phụng vụ Rô-ma, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa, hơn là Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ. Thánh lễ này chấm dứt chu kỳ Giáng Sinh.
+/ Đoạn Tin Mừng này gồm 3 chuyện: -Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn 2 bổn phận của lề luật: Thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con; dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng cho Thiên Chúa Câu chuyện cho thấy Thánh gia tuân giữ lề luật rất chu đáo; đồng thời những lễ vật các Ngài dâng chứng tỏ Thánh gia nghèo. -Trong dịp này Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Cụ nói Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại”. -Trong dịp này các Ngài cũng gặp nữ ngôn sứ Anna và bà cũng nói tiên tri về tương lại Chúa Giêsu.
+/ Suy Niệm, Thứ bốn thì ngắm, Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy:
-Đức Mẹ đã vâng giữ Luật Chúa một cách nghiêm chỉnh. Sách Lêvi buộc người mẹ sau khi sinh con trai 40 ngày phải lên đền thờ để được thanh tẩy và dâng lễ tạ tội. Nếu không thể dâng một con chiên và một bồ câu non thì phải dâng một cặp bồ câu non hay một đôi chim gáy. Ngày nay ta không hiểu tại sao Đức Mẹ phải dâng lễ tạ tội và phải được thanh tẩy sau khi sinh Con Thiên Chúa. Tại sao việc sinh nở lại bị coi là ô uế? Dù sao Mẹ Đấng Cứu Thế đã vâng theo Luật dạy. Hơn nữa, cùng với thánh Giuse, Mẹ đã dâng Con cho Thiên Chúa trong đền thờ. Điều này Luật không buộc, nhưng Mẹ đã làm vì lòng sốt sắng.
-Bài Tin Mừng hôm nay 4 lần nói đến “Luật” . Về việc giữ Luật, Đức Maria đã không đòi một đặc ân nào. Hãy nhìn ngắm Thánh Gia lên đền thờ. Đôi vợ chồng nghèo bồng một đứa con còn rất nhỏ. Ai có thể nhận ra bé này là Đức Kitô, Đấng cứu độ muôn dân. Đó là cụ Simêon, một người đạo hạnh, luôn mong chờ điều Chúa hứa. Hơn nữa cụ là người có Thánh Thần hằng ngự trên, được Thánh Thần linh báo, và thúc đẩy lên đền thờ.
-Chính Thánh Thần làm cụ nhận ra điều mắt thường không thấy, và cụ sung sướng, mãn nguyện bồng Hài Nhi trên tay. Cụ bà ngôn sứ Anna cũng nhận ra Đấng Cứu chuộc đến với mình. Cụ là người đạo đức, ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. Cụ bà Anna đã công khai giới thiệu Hài Nhi cho những người chung quanh.
-Để gặp được Chúa trong đời thường, chúng ta cần có lòng mong ngóng, cần sống đời sống đẹp lòng Chúa và cần được Thánh Thần mách bảo.
+/ Suy Niệm Việc Dành Riêng Cho Chúa:
-Sau khi sinh Hài Nhi Giêsu bốn mươi ngày, Đức Maria phải chịu thanh tẩy để được phép tham dự các lễ nghi. Bà mẹ mới sinh con phải vất vả đi đoạn đường xa để lên Đền Thờ. Bà không đi một mình, nhưng đi với chồng và đứa con hơn tháng tuổi. Đây là chuyến đi lên Đền Thờ đầu tiên của cả gia đình.
-Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện trên trần gian. Con Thiên Chúa lần đầu tiên đến Nhà Cha của Ngài. Giây phút Thánh Gia có mặt ở khuôn viên Đền Thờ là giây phút Thánh Thần mặc khải về Hài Nhi cho hai vị ngôn sứ. Simêôn và Anna vui sướng vì gặp thấy Đấng mà mình chờ đợi. Họ nhận ra Ngài là “vinh quang cho dân Ítraen”, là “ánh sáng và ơn cứu độ cho muôn dân tộc”.
-Maria mang theo lễ vật cần cho việc thanh tẩy chính mình, đó là hai con bồ câu non: một làm lễ toàn thiêu, một làm lễ tạ tội. Thật ra lễ vật của đôi vợ chồng không phải chỉ là đôi bồ câu. Họ mang theo một lễ vật quý hơn nhiều, đó là cậu con trai đầu lòng. Họ biết tất cả các con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, vì chính Ngài đã chỉ đánh phạt các con đầu lòng của Ai-cập và tha cho các con đầu lòng của Ítraen. Nhưng Hài Nhi Giêsu không phải là con đầu lòng bình thường. Maria và Giuse biết người con mình đang bồng ẵm là ai. Đây là Đấng Kitô của Đức Chúa, Đấng mà Maria đã thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần. Đây là quà tặng của Đức Chúa cho dân Ítraen, và cho Thánh Gia. Khi lên Đền Thờ, Giuse và Maria muốn dâng lại cho Đức Chúa quà tặng tuyệt vời này. Ông bà không muốn giữ Người Con này cho riêng mình. Người Con này thuộc về Đức Chúa và mãi mãi thuộc về Đức Chúa.
-Tin Mừng Luca không nói rõ chuyện ông bà chuộc Giêsu bằng một số bạc nhỏ, để giữ Giêsu làm con của mình, nhưng lại nhấn mạnh chuyện ông bà dâng Con cho Đức Chúa. Tuy dâng con trai đầu lòng không phải là một luật buộc, nhưng ông bà muốn làm vì lòng kính mến Chúa, và cả hai đã muốn sống lễ dâng này suốt đời mình. Mẹ Maria đã không rút lại Người Con mình dâng cho Chúa. Giêsu được tự do để sống như một lễ vật cho Cha. Năm mười hai tuổi, Giêsu đã ở lại Đền Thờ, nhà Cha của Cậu. Khi quá tuổi ba mươi, Đức Giêsu đã lên đường đi sứ vụ Để lại người mẹ ở nhà, không ai chăm nom.
-Khi Con bị đóng đinh trên thập giá, dâng mình như lễ vật lên Cha, Mẹ cũng dâng lễ vật là chính Người Con đang hấp hối của mình. Những gì cụ Simêôn nói hôm nay ở Đền Thờ, rồi Mẹ sẽ thấy được ứng nghiệm trọn vẹn. Con Mẹ sẽ bị người đời chống báng, có nhiều người bị té ngã và nhiều người được đứng lên.
- Để Kết Và Liên Hệ: Theo thánh Xốp-rô-ni-ô, giám mục: Tất cả chúng ta là những kẻ đang sốt sắng kính thờ mầu nhiệm Đức Ki-tô, nào ta hãy nhiệt tâm ra đón Người. Đừng ai vắng mặt trong cuộc đón rước này…Đừng ai trong chúng ta đứng ngoài ánh sáng rực rỡ đó như một kẻ xa lạ, cũng đừng ai đã được ánh sáng ấy tràn ngập mà vẫn ở mãi trong đêm tối. Nhưng một khi đã được nên rạng rỡ, mọi người chúng ta hãy tiến bước ; một khi đã toả sáng, mọi người chúng ta hãy cùng nhau tiến ra, và cùng với cụ Si-mê-on đón nhận ánh sáng huy hoàng vĩnh cửu. Cùng với cụ, chúng ta hãy hớn hở vui mừng hát lên bài thánh thi tạ ơn Chúa Cha. Amen.