Lời Chúa Và Suy Niệm CN3 MV
- CN, 15/12/2024 - 04:53
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
Lời Chúa (lc 3, 10-18) Và Suy Niệm Cn3mvc 2024-2025
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 3, 10-18): “...Khi ấy, dân chúng hỏi Gio-an rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gio-an đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gio-an rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gio-an trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Người Việt Nam được coi là một dân tộc hiếu khách. Vì thế, khi khách đến nhà thì “không gà thì vịt” và cố gắng tiếp đón làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Khi có khách đến thăm, người ta thường thăm dò ý muốn sở thích của vị khách để tiếp đãi thật chu đáo. Khách càng sang, càng cao qúy người ta càng chuẩn bị kỹ lưỡng, từ trang trí nhà cửa, sân vườn đến các món ăn mà vị khách ưa thích. Cũng bởi sự hiếu khách đó, mà người Việt Nam thường tự trách mình thất lễ khi thiếu sự chuẩn bị mà khách lại đột xuất viếng thăm.
- Cách đây hơn 2 ngàn 24 năm người dân Chúa cũng háo hức đón chờ một thượng khách đến viếng thăm. Một vị khách mà cả pho sách Cựu Ứơc là bằng chứng sự trăn trở đợi chờ. Đó chính là Đấng Thiên Sai, Đấng Messia đến thực hiện lời hứa cứu độ cho nhân trần. Hôm nay họ nghe Gio-an rao giảng Đấng đó đã đến, họ tràn ngập niềm hân hoan. Điều mà sách Tiên tri Xô-phô-ni-a gọi là: Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy cất tiếng ca! Hỡi Ít-ra-en, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi.
+/ Có ba lý do căn bản của niềm vui thánh thiêng này.
- Lý do thứ nhất: Hãy vui lên, vì Thiên Chúa đã thương tha thứ tội lỗi cho con người. Không phải là vì chúng ta đã lập công nên đáng được như vậy, nhưng vì sáng kiến tình thương của Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi sai Con Một của mình xuống để cứu rỗi thế gian, để ai tin vào Ngài thì sẽ được ơn cứu rỗi. Đó là niềm vui đầu tiên của
niềm vui Kitô giáo Chúng ta.
- Lý do thứ hai: Hãy vui lên, vì Thiên Chúa đến ngự giữa con người, Ngài sống với con người. Trong Kinh Thánh, quan niệm Thiên Chúa sống giữa con người, trước hết biểu lộ tình thương đặc biệt của Thiên Chúa, Ngài muốn đối thoại với con người liên lỉ, để hướng dẫn con người sống theo chương trình của Ngài, chu toàn sứ mạng của mình. Niềm vui đó Chúa Kitô Phục sinh đã trao ban cho các tông đồ khi Chúa phán: “Các con đừng sợ, hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Niềm vui được tiên báo trong Cựu ước nơi tiên tri Sôphônia đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô và đã được trao ban cho con người.
- Lý do thứ ba của niềm vui Kitô gồm tóm hai lý do trên: Hãy vui lên, vì Thiên Chúa yêu thương con người. Con người tội lỗi, có những tật xấu, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người và mời gọi con người canh tân đời sống: “Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng”.
- “Vui lên” cũng là động từ thánh sử Luca dùng trong trình thuật thiên thần Gabriel truyền tin cho Trinh Nữ Maria. Biến cố Chúa Giêsu Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu chuộc nhân loại là một tin vui vĩ đại. Chính vì thế, nên sứ thần mới chào Mẹ Maria với lời chào lạ lùng: “Hãy vui lên, Đấng đầy ơn phúc”.
+/ Nếu Giáo Hội ta hôm nay để đánh mất đi sự tươi vui của mình, thì có nghĩa là Giáo Hội sẽ không còn khả năng yêu thương con người, hay yêu thương với một tình yêu buồn sầu, mà tình yêu buồn sầu thì không phải là tình yêu thật.
- Theo thánh Phê-rô Kim Ngôn, giám mục thì: Tình yêu đòi hỏi, nhưng không suy tính xem mình sẽ ra sao, mình
phải thế nào hay có thể làm được gì. Tình yêu không xét đoán, không lý luận cũng không so đo. Tình yêu không viện cớ không thể làm được để tự an ủi, không viện cớ khó khăn để tự chữa lấy mình. Tình yêu nếu không được thoả mãn, sẽ làm cho người đang yêu héo hắt. Vì thế, tình yêu đi tới nơi được dẫn đến, chứ không phải tới nơi cần đến. Tình yêu làm nảy sinh ước muốn, nó như lửa cháy bừng, lao mình vào những điều quá giới hạn…Tình yêu không thể không nhìn thấy điều mình yêu. Bởi thế, tất cả các thánh đều cho rằng những điều mình đã đạt được, vẫn còn quá ít, nếu không được nhìn thấy Chúa. Vì vậy, tình yêu khát khao được nhìn ngắm Thiên Chúa, dù không có lý, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đạo đức.
- Đó là niềm tin yêu và vui đã làm cho thánh Phanxicô trong cảnh nghèo khó tự nguyện hòa tâm hồn mình cùng vạn vật ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Và được thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói: “Niềm vui mằm trong cuộc sống con người và con người có thể đạt được nó bất cứ lúc nào và ở đâu, ngay cả trong lâu đài tráng lệ của hoàng cung hay trong chốn thâm u của ngục tù”.
- Bài Ðọc 2 chúa nhật 3 mùa vọng, Pl 4, 4-7, thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Phi-líp-phê: Hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô.
- Giáo Hội vào ngày Chúa nhật 3 mùa vọng mời gọi chúng ta hãy đợi chờ trong niềm vui, trong tin yêu, trong niềm hy vọng, chắc chắn được Chúa đến giải thoát khỏi mọi tội lỗi.
- Sự thật thì Chúa đã đến rồi trong lịch sử, trong tâm hồn của biết bao anh chị em chúng ta đã sẵn sàng đón nhận Ngài. Nhưng có thể đối với chúng ta thì Chúa chưa đến, vì tâm hồn chúng ta không còn chỗ trống dành cho Người, vì chúng ta chưa sẵn sàng thay đổi đời sống nên cứ sống trong lo âu khắc khoải không biết mình chờ đợi gì? Chờ đợi tương lai sẽ về đâu?
- Qua bí tích rửa tội, Chúa đã giải thoát ta khỏi xích xiềng nô lệ tội lỗi, trả lại cho ta sự tự do, ơn làm con cái Thiên Chúa. Tin vui cứu độ ấy không cho phép Kitô hữu buồn sầu thất vọng như những người không có niềm tin. Có Chúa trong lòng, có Chúa trong đời, có Chúa kề bên thì người Kitô hữu có được tất cả.
- Kết hợp với Chúa qua lời cầu nguyện, qua cuộc sống đối thoại thân tình với Ngài. Ta phó thác và ngoan ngùi với Chúa, và noi gương Chúa Giêsu sống nhân hậu, sống tốt với mọi người, yêu thương, thông cảm và quảng đại với mọi người.
- Lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Tôi phải làm gì bây giờ? Trong mùa vọng này? Và Gioan tẩy giả đã trả lời mà nội dung chính có thể được tóm gọn lại trong công thức chính Chúa Giêsu đã nói lên: Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Amen
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga