Nhảy đến nội dung

Lời Chúa và Suy Niệm CN4 PSC

Lời Chúa (cv 13, 14. 43-52; Kh 7, 9. 14b-17; Ga 10, 27-30) Và Suy Niệm CN4 PSC

Lời Chúa, Tin Mừng Ga 10, 27-30: “...Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một..." Đó là lời Chúa.

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Với Chương 10 của Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta đi đến đại lễ cuối cùng của người Do Thái là lễ Cung Hiến.

- Đoàn chiên và Đức Giêsu. Nhắc đến đoàn chiên quy chiếu về dụ ngôn Người mục tử tốt lành, đức Giêsu mô tả tương quan giữa người và những kẻ thuộc về người.

- Có những con sói đến để tàn sát đoàn chiên. Tuy nhiên, đức Giêsu là vị mục tử kiểu mẫu, sẽ bảo vệ đoàn chiên mà Chúa Cha đã ban cho người. Tiếp đến đức Giêsu nhắc lại quyền tối thượng của Chúa Cha trên loài người. Câu tiếp theo nói về đức Giêsu và về Chúa Cha theo cùng một cách: không một ai có thể cướp được các chiên khỏi tay hai đấng.

- Đức Giêsu và Chúa Cha là một. Sự duy nhất giữa đức Giêsu và Chúa Cha là một sự duy nhất về quyền lực và công việc. thánh Gioan cho ta biết về quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Con phát xuất từ Cha, tuy nhiên, Cha là đấng sai phái Con, luôn ở với Con. Cha yêu thương Con, Con biết Cha thật thâm sâu. Trong sứ mạng trên trần gian, Con chỉ có thể làm những gì đã thấy Cha làm, chỉ có thể xét xử và phán quyết như đã nghe từ Cha. Con được Cha dạy dỗ và đã nhận được từ Cha mọi quyền xét xử, và có sự sống và ban sự sống. Con làm theo ý của Cha và đã nhận được một lệnh truyền từ Cha, liên hệ đến cái chết và sự sống lại của người.

- Nhưng các quan hệ này giữa Chúa Cha và Chúa Con được mô tả theo hướng các tương giao của Chúa Con với loài người. Bởi vì, hai đấng nối kết loài người với nhau thành một. Chính sự duy nhất này, đã được thông ban cho các tín hữu, khiến không một ai có thể cướp các tín hữu khỏi Chúa Cha hay Chúa Con.

+/ Có 2 ý sau cần để ý hơn:

1-Đức Giêsu là mục tử tốt lành. Nhưng chính do điểm này, chúng ta hiểu là người sẽ không làm gì cho các chiên theo cách ép buộc, hoặc ngược ý muốn của họ. Đức Giêsu luôn trợ giúp hữu hiệu, nhưng người ta chỉ nhận được sự trợ giúp đó nếu mở lòng ra với người.

- Người cũng có thể đi tìm kẻ khép lại với người, để đưa kẻ ấy về với người; đó là cách người cư xử với các kẻ thù. Nhưng để có một sự hợp nhất đích thực, hai bên phải hướng về nhau, nhìn nhận nhau và trân trọng nhau. Chúng ta đi vào hiệp thông với vị mục tử tốt lành, nếu chúng ta nghe tiếng người và đi theo người, nếu chúng ta tin tưởng vào sự hướng dẫn của người và tin rằng người chỉ cho chúng ta con đường ngay thẳng và ban cho chúng ta sự sống viên mãn.

2. Đức Giêsu khẳng định rằng không ai có thể hứa cho kẻ khác điều người hứa, dù có thương yêu kẻ ấy đến đâu: Sự sống đời đời, sự bảo vệ khỏi mọi sự dữ, sự hiệp thông bền vững muôn đời.

- Đối với đức Giêsu thì không bị giới hạn bởi cái chết. Mục tiêu và đỉnh cao của cuộc đời đức Giêsu, mục tử tốt lành, là ban cho chúng ta sự sống đời đời. Nếu người che chở chúng ta, chúng ta không thể nào bị diệt vong; sự che chở của người bảo đảm hơn mọi quyền lực trần gian.

-Vì thế thánh Phao lô nói trong thư Rôma rằng: Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

- Nhưng hết mọi con chiên đều phải suy ngẫm lời thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng: anh em cũng hãy dựa vào những lời của Chúa mà đánh giá mối nguy đang đe doạ anh em. Hãy xem mình có phải là con chiên của Chúa không, có biết Chúa không, có biết ánh sáng chân lý không. Tôi nói “biết” không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. Tôi nói “biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm.

+/ Chiên của Chúa thì Phải Cố Gắng như sau:

Nghe Tiếng Chúa, mà điều này chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh ngang qua giáo huấn của Giáo Hội, và ơn soi sáng trong tâm hồn mình. Nghe tiếng Chúa chính là cần có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là tin vào Người. Thánh Phaolô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô”.

Biết Chúa, biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà chính là hiểu biết sâu xa, yêu mến thân tình, đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa đích thực đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.

Theo Chúa, theo Chúa là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng chính là từ bỏ, từ bỏ con người cũ, nếp sống cũ, đường lối cũ.

- Các môn đệ đã bỏ mọi sự, Mađalêna đã bỏ đường tội lỗi, Augustinô đã bỏ đời trụy lạc, để đi theo Người. Và hàng triệu vị thánh khác như vậy.
+/ Chúa nhật 4 phục sinh là dịp cầu xin cho ơn thiên triệu. Sứ điệp cho ơn thiên triệu LẦN THỨ 61, NĂM 2024, với chủ đề: ĐƯỢC KÊU GỌI GIEO HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, đức thánh cha nói: Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi mời gọi chúng ta suy tư về hồng ân quý giá lời mời gọi của Chúa dành cho mỗi người chúng ta, để có thể tham gia vào kế hoạch tình yêu của Người và thể hiện vẻ đẹp Tin Mừng trong những bậc sống khác nhau. Lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, không phải là một nghĩa vụ được áp đặt từ bên ngoài, ngay cả nhân danh một lý tưởng tôn giáo; trái lại, đó là cách chắc chắn nhất để chúng ta có để thực hiện niềm khao khát hạnh phúc sâu thẳm nhất của chúng ta…hãy để Chúa Giêsu lôi cuốn, Và nếu Người yêu cầu, hãy dâng hiến toàn bộ cuộc sống cho Người.

-Một dân đang bước đi…giữa sự đa dạng của các đặc sủng, chúng ta được mời gọi lắng nghe và cùng nhau bước đi để nhận ra các đặc sủng này và phân định điều Chúa Thánh Thần đang kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả.

-Những người hành hương hy vọng và những người xây dựng hòa bình…cần tập trung vào từng bước đi, nghĩa là di chuyển nhẹ nhàng, bỏ những gánh nặng không cần thiết, chỉ mang theo những thứ cần thiết và cố gắng mỗi ngày để gạt bỏ mọi mệt mỏi, lo sợ, bất an và do dự.

-Can đảm dấn thân…hãy say mê cuộc sống và dấn thân chăm sóc yêu thương những người đang ở xung quanh và môi trường chúng ta đang sống…hãy chỗi dậy và lên đường như những người hành hương hy vọng, để, như Đức Maria đã làm với Thánh Elizabeth, chúng ta cũng có thể trở thành những sứ giả của niềm vui, tạo ra sự sống mới và những nghệ nhân của tình huynh đệ và hòa bình…

- Tôi muố nói chung với cộng đoàn, và nói riêng với Mầm Ơn Gọi giáo xứ, giới trẻ và thiếu nhi Thánh Thể, điều mà các Tông Đồ khuyên các tín hữu thời sơ khai trong sách Công Vụ Tông Đồ (bài đọc 1) rằng: Hãy Bền Lòng Gắn Bó với ơn Chúa.

- Điều khuyên tập sống Kiên Trì Bền Đỗ này cũng được Sắc Chỉ năm thánh thường lệ 2025 của đức cố giáo hoàng Phan-xi-cô khuyên người trẻ hôm nay phải tập sống, trong một xu hướng thời đại muốn có mọi thứ ngay tức khắc (mì ăn liền), thiếu đức kiên trì nhẫn nhục. Amen

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga

 

Danh mục: