Nhảy đến nội dung

Lời Chúa Và Suy Niệm Mồng Một Tết Ất Tỵ 2025

 

 

Suy Niệm Lời Chúa Ngày Tết Như Sau:

Lời Chúa (mt 6, 25-34) Và Suy Niệm Mồng Một Tết Ất Tỵ 2025

- Có một chàng thanh niên đang đứng dưới gốc cây để chờ người yêu. Anh cứ ngó chiếc đồng hồ và sốt ruột vì chưa tới giờ hẹn. Anh đứng ngồi không yên, cứ đi đi lại lại. Anh mong sao cho thời gian qua nhanh để người yêu sớm đến. Bỗng một vị tiên hiện ra ban cho anh một chiếc đồng hồ đặc biệt, hễ xoay tới một vòng là thời gian tiến nhanh như mình mong muốn. Nhưng vị tiên căn dặn anh chớ nên lạm dụng chiếc đồng hồ ấy. Vị tiên vừa biến đi là anh chàng vội vàng vặn đồng hồ, và người yêu liền đến. Hai người ôm nhau tha thiết. Nhưng chỉ ôm nhau thì chưa thỏa lòng, anh chàng lại muốn mau tới ngày cưới để hai người được sống mãi bên nhau. Anh lại vặn đồng hồ nữa, và thấy mình đang đám cưới. Vẫn chưa thỏa mãn, anh lại muốn mau có con, nên lại vặn, và thấy mình có con. Rồi anh muốn con mình mau lớn. Lại vặn đồng hồ và thấy con mình đã lớn. Nhưng nó chưa có sự nghiệp, chưa có gia đình. Ông lại vặn đồng hồ, bây giờ thì gọi anh chàng kia bằng ông, vì lúc đó người này đã khá nhiều tuổi, ông vặn đồng hồ thì thấy con mình có nghề nghiệp, có gia đình. Ông lại muốn có cháu để bồng, rồi lại muốn có chắt, chút, chít, cứ thế ông vặn, vặn, vặn và thời gian cứ tiến tới vùn vụt. Một hôm ông không vặn nổi chiếc đồng hồ ấy nữa và chợt khám phá mình đã quá già, đang nằm trên giường hấp hối. Khi đó ông mới sực nhớ lời khuyến cáo của vị tiên là chớ nên lạm dụng chiếc đồng hồ kỳ diệu ấy. Nhưng khi đó hối tiếc thì đã muộn. Bây giờ ông gần chết rồi mà hầu như chưa hưởng được những niềm vui của tuổi thanh xuân, ông tiếc vô cùng.

- Ngụ ý của câu chuyện là hãy biết xử dụng thời gian hiện tại, hãy tận hưởng những niềm vui của hiện tại, và hãy làm những việc phải làm của hiện tại. Thời gian Chúa ban cho chúng ta quí hơn túi bạc túi vàng.

-Theo Thánh Bernađinô nói: Thời giờ quí bằng Thiên Chúa. Vàng bạc mất đi chúng ta có thể có lại, có thể tìm thấy. Nhưng một giây một phút qua đi là qua đi mãi mãi. Cho dù có là thần là thánh đi nữa chúng ta cũng không thể nào tìm lại được một giây một phút đã qua đi.

-Một nhà tư tưởng người Ðức sống vào thế kỷ thứ 14 được tôn làm bậc tôn sư đưa ra khuôn vàng thước ngọc như sau: Người quan trọng nhất trong lúc này là người đối diện với ta. Giờ phút quan trọng nhất đối với ta lúc này là giờ phút hiện tại. Công việc quan trọng nhất là công việc bác ái yêu thương. Chỉ chú ý vào người đối dịện, vào giờ phút hiện tại vào công việc ta đang làm. Ðó là bí quyết sống hạnh phúc.

+/ Một năm mới đã bắt đầu, nhưng cũng một năm cũ đã qua đi trong dòng đời của chúng ta. Người xưa đã bảo: thời giờ thấm thoát thoi đưa. Cũng như chẳng ai tắm hai lần ở cùng một dòng sông. Cuộc đời chúng ta trải dài 75 năm hay 100 năm là cùng. Thế nhưng gian ấy có là gì so với khoảng thời gian bao la của vũ trụ. Bởi đó, người xưa đã phải thốt lên một cách não nề khi nghĩ đến cuộc đời ngắn ngủi: Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

+/ Tin Mừng ngày minh niên nói lên ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa, đấng làm chủ thời gian và không gian, làm chủ vận mệnh của vũ trụ và thế giới, làm chủ cuộc đời của mọi người chúng ta. Vì thế, cầu bình an cho năm mới là tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của người. Cầu xin bình an trong năm mới là cầu xin cho có lòng tin tưởng mạnh mẽ vào bàn tay Chúa quan phòng.

- Con người không được bình an là vì quá lo lắng về của cải vật chất, để rồi trằn trọc nghĩ suy tính toán, lấn chiếm hết cả thời giờ nghỉ ngơi và cầu nguyện, dẫn đến mất cả niềm tin vào sự an bài của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự tin tưởng đó không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ theo kiểu trời sinh voi sinh cỏ, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. Cũng không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.

- Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm, càng tin, càng phải đem hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa; biết xây dựng quê hương trần thế tốt đẹp như khi Chúa dựng nên mọi sự tốt đẹp. Chúa Giêsu đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa rằng: Chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu của người.

- Câu: Trước hết hãy lo tìm kiếm nước Chúa và sự công chính của người, nghĩa là: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên số một trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và những người mình có trách nhiệm, để đưa về với Chúa. Nếu đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý Thiên Chúa và chương trình của người.

- Câu chuyện để kết luận: Cả nước Mỹ ai cũng biết đến danh tiếng ông Vua Giày Dép,tên là Douglas. Người ta biết đến ông vì ông giàu có. Nhưng người ta còn biết đến ông vì câu chuyện thú vị của đời ông. Ông đã trở thành triệu phú nhờ một nửa đồng đô la. Câu chuyện đó như sau: Trong nhiều năm, ông Douglas bị thất nghiệp, đến nỗi ngày hôm ấy, ông chỉ còn một đồng đô la duy nhất trong túi. Ông quyết định ngày hôm sau sẽ qua thành phố bên cạnh tìm việc làm. Đồng đô la của ông chỉ đủ để mua một vé xe lửa đi tìm vận may.Buổi sáng hôm ấy, trước khi lên đường, ông đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Trong thánh lễ, chiếc giỏ xin tiền được chuyển đến tay ông. Ông bối rối quá.Mặc dù Ông chẳng hẹp hòi gì với Chúa, nhưng ông chỉ còn một đồng đô la để đi xe lửa,biết tính sao đây? Cuối cùng, ông quyết định  chia cho Chúa một nửa. Ông mạnh dạn lấy ra một nữa đô la,là 50 xu bỏ vào giỏ. Sau lễ, ông đến nhà ga mua vé đi một nửa chặng đường, nửa đường còn lại, ông đi bộ tới thành phố. Rồi ông đi thẳng đến hãng giày dép đang cần thuê nhân công. Từ đó, ông miệt mài siêng năng làm việc, gom góp từng đồng đô la. Chẳng bao lâu, ông có phần hùn trong công ty. Rồi sau cùng, ông đã mua lại toàn bộ công ty.Ông trở thành giàu có và danh tiếng,tất cả chỉ với một nửa đồng đô la.

+/ Theo bách khoa từ điển, Tết là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các dân tộc thuộc Vùng văn hóa Đông Á, gồm có Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Từ Tết trong tiếng Việt là âm Hán Việt cổ, âm Hán-Việt hiện đại đọc là tiếtTết và tiết đều bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán trung cổ . “tết” xuất hiện trước “tiết”. Ban đầu cả "tết" và "tiết" đều được phát âm giống như âm đọc của chữ "tiết" trong tiếng Hán ở thời điểm chúng được tiếng Việt vay mượn, về sau do sự biến đổi của ngữ âm tiếng Việt cách phát âm của chúng đã thay đổi thành "tết" và "tiết" như hiện nay. - Từ “nguyên” trong “Nguyên Đán” có nghĩa là đầu, đầu tiên, còn “đán” có nghĩa là ngày. Nghĩa gốc của từ “Nguyên Đán” là chỉ "Ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm Âm lịch. Văn hóa Đông Á, đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau , trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ, tức là Tiết Nguyên Đán. Sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

- Ngày mồng Một tháng Giêng là ngày Tân niên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc Tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha. Ngày mồng Hai tháng Giêng là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc Tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu. Ngày mồng Ba tháng Giêng là ngày sau khi cúng cơm tại gia, theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, về quê, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.

- Đối với người Công giáo Việt Nam, ba ngày đầu năm họ thường tham dự thánh lễ ở nhà thờ với ý cầu nguyện cho từng ngày: mồng Một cầu nguyện bình an cho năm mới, mồng Hai cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, còn sống hay đã qua đời. Mồng ba tết xin ơn thánh hó chúc lành năm mới từ Chúa Cha.

- Tại Việt Nam ta hiện nay còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc.

Hiện nay có tục hái lộc thánh Lời Chúa ngày mùng một tết, để giúp mọi người ghi nhớ và thực hành câu Lời Chúa mình hái được ngày đầu năm mới. Amen

LỜI CHÚA (Mt 15,1-6) VÀ SUY NIỆM MỒNG HAI TẾT ẤT TỴ2025

Tin Mừng theo thánh Mát Thêu (Mt 15,1-6): “…Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? ” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa…” Đó là Lời Chúa

+/ Thánh Auguttino đã viết về sự truyền thừa các thế hệ một cách hình tượng như sau: Các ngài thấy, các thế hệ loài người trên mặt đất cũng giống như những chiếc lá trên cành cây, luôn luôn xanh tươi. Trái đất này cũng mang những con người, như cây mang những chiếc lá. Trái đất đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này chào đời, trong khi người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ bộ áo màu xanh của mình, nhưng xin hãy nhìn xuống gốc cây: các ngài đang đạp trên một tấm thảm đầy những chiếc lá khô mục.

- Người tín hữu Công Giáo Việt Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Bàn thờ ông bà cha mẹ nhà nào cũng luôn hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng. Ngày xuân ngày tết lại là dịp đặc biệt gợi nhớ đến công lao các vị tiền bối trong gia đình họ hàng. Hội Thánh Việt Nam đã dành ngày mùng hai tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.

+/ Bài Tin Mừng ta vừa nghe kể về sự tranh luận của Chúa Giêsu với các biệt phái Pharisiêu, xoay quanh việc

giữ luật thảo kính cha mẹ và tập tục tiền nhân. Trọng tâm chính của lần tranh luận này giữa Chúa Giêsu và biệt phái là sự đối kháng giữa hai quan niệm, hai hình thức giữ luật.

 

- Các luật sĩ thắc mắc: Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân? Chúa Giêsu trả lời họ cũng bằng một câu hỏi: Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của tiền nhân các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?

- Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo, để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.

- Vì quá câu nệ luật nên biệt phái Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ quan niệm giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như rửa tay trước khi ăn, dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ. Họ dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản là hiếu kính cha mẹ, lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ điều răn của Thiên Chúa.

- Đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Người xem giữ luật là một cảm nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ, vượt trên hình thức, là tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương.

- Chúa Giêsu lấy một ví dụ về việc thực hành tập tục phàm nhân bịa ra để cho họ thấy, chẳng những đây không phải là luật Chúa mà còn đi ngược lại Luật Chúa. Luật Thiên Chúa trong điều răn thứ tư là phải hiếu thảo với cha mẹ của mình. Người Pharisêu giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đức Giêsu nhắc nhở cho các Pharisêu, và mọi thế hệ rằng: hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng lại ở của cải vật chất, nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương và tôn kính.

+/ Xưa nay, chữ Hiếu rất quan trọng đối với người Việt Nam. Theo học thuyết Khổng Tử Và Mạnh Tử, chữ Hiếu là nhân đức làm đầu của đạo con cái. Và trong các tội phạm đến cha mẹ thì bất hiếu là tội lớn nhất. Người Việt nam đã tôn phong chữ Hiếu lên thật cao, thành một đạo khi người ta nói:  Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha,  Cho trọn chữ Hiếu mới là ĐẠO CON.

- Hai từ ngữ THỜ và KÍNH là hai từ dùng trong những việc làm của tôn giáo. Thờ kính cha mẹ là có hiếu với cha mẹ, và người ta nâng chữ Hiếu lên thành ĐẠO, đạo làm con. Do đó, chúng ta phải ý thức rằng thảo kính cha mẹ không còn là những tình cảm chủ quan tùy tiện, cũng không phải chỉ là lẽ công bằng mà là một ĐẠO. Mà lỗi đạo là phạm tội chứ không phải chỉ là một sự sơ sót.

- Theo điều răn thứ bốn trong 10 điều răn của Chúa thì con cái phải thảo hiếu cha mẹ, nhưng ngày nay người ta coi thường điều răn này, có người cho là lỗi thời trong thời đại tiến bộ, văn minh và dân chủ này. Con cái đến tuổi khôn là đã muốn sống độc lập đối với cha mẹ, không cần sự hướng dẫn bảo ban của các ngài. Người ta quên câu Tục ngữ rằng: Khôn chi đến trẻ, khỏe chi đến già. Cha mẹ có tuổi thì già yếu thật, nhưng kinh nghiệm và khôn ngoan thì nhiều hơn tuổi trẻ. Vì thế tục ngữ mới nói: 70 học 71, nghĩa là người 70 tuổi còn phải học người 71 tuổi.

+/ Sách Huấn Ca đề cập đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Tác giả Ben Sira cho lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: – Được đền bù tội lỗi; – Được con cái cháu chắt thảo hiếu lại; – Sẽ được Chúa nhận lời. Thánh Lu-ca cho chúng ta biết Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về lòng hiếu thảo đối với thánh Giuse và Đức Maria tại Nazaret, bằng một câu rất vắn tắt: Ngài theo cha mẹ trở về Nazaret và vâng lời các Ngài.

- Lời khuyên của thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Ephêsô cho con cái: Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.

+/ Ngày nay, đã có sự khủng hoảng đạo lý nơi những gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài, nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời. Amen