Nhảy đến nội dung

Mỏ Neo Của Ta

 

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia

  Mỏ Neo Của Ta

 

 “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt và mẹ Người nói với Người: Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế. Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48).

 Hôm nay, cùng Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta mừng kính lễ Thánh Gia Thất. Gia đình thánh này có Thánh Giu-se, Đức Ma-ri-a và Đức Giê-su. Dù là gia đình thánh đi nữa, trong cuộc sống gia đình cũng có vấn đề xảy ra. Ví dụ như việc thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a lạc mất con và phải lặn lội tìm kiếm. Dù lúc đó thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a chưa hiểu biết về công việc của Đức Giê-su, nhưng Đức Ma-ri-a đã “ghi nhớ tất cả những sự ấy trong lòng”; còn “Đức Giê-su thì trở về Na-gia-rét và vâng phục các ngài”(x. Lc 2,51).

  Thế đấy, Gia đình thánh mà còn như thế huống hồ là mỗi gia đình chúng ta. Có vấn đề, nhưng chúng hy vọng sẽ có cách giải quyết sao cho êm thắm và có hiệu quả, đem lại hạnh phúc cho gia đình cũng như cho mỗi thành viên trong gia đình. 

  Hôm nay, mỗi Giáo phận trên toàn thế giới sẽ cử hành nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025. Chủ đề của Năm Thánh 2025 là : “Người hành hương hy vọng”. Theo Đức Phan-xi-cô thì: “Mọi người đều biết hy vọng là gì. Trong tâm hồn của mỗi người, niềm hy vọng ngự trị như sự khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao. Mặc dù vậy, sự không chắc chắn về tương lai, đôi khi gây ra những cảm xúc trái ngược: từ tin tưởng, tự tin đến e ngại; từ thanh thản đến lo lắng; từ xác tín chắc chắn đến lưỡng lự, nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người bi quan và chán nản và hoài nghi về tương lai, như thể không có gì có thể mang lại cho họ hạnh phúc. Đối với tất cả chúng ta, ước gì Năm Thánh là cơ hội để đổi mới trong niềm hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra lý do cho niềm hy vọng đó”(Trích  Tông Sắc  “Hy vọng không làm thất vọng”, số 1).

  Hình ảnh đặc biệt về cây thánh giá có cái mỏ neo trong Lô-gô. “Thánh giá không ở thể tĩnh mà ở thể động; hướng về và gặp gỡ nhân loại, như thể không muốn bỏ rơi nhưng cung cấp sự chắc chắn về sự hiện diện của nó và sự trấn an của hy vọng. Hoàn cảnh cá nhân và đặc biệt là các biến cố xảy ra trên thế giới, cũng như trong cuộc sống của mỗi người đòi hỏi một cảm thức hy vọng lớn hơn. Đó là lý do tại sao phần dưới của cây thánh giá được kéo dài ra, biến thành mỏ neo; vốn mang tính ẩn dụ của hy vọng, chi phối sự chuyển động của sóng biển. Mọi người khắp năm châu bốn bể, cùng nhau tiến về phía trước nhờ “Ngọn gió hy vọng là Thập Giá của Chúa Ki-tô và chính Chúa Ki-tô”. Đức Phan-xi-cô giải thích về cái mỏ neo đó như sau:

  Trong cuộc hành trình Năm Thánh, chúng ta hãy quay lại với Kinh Thánh và nhận ra rằng Kinh Thánh đang nói với chúng ta bằng những lời này: "Xin cho chúng ta những người nương náu nơi Người được khích lệ mạnh mẽ để nắm bắt niềm hy vọng đặt ra trước mắt chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng này, một mỏ neo chắc chắn và vững chắc của linh hồn, một niềm hy vọng đi vào đền thánh bên trong đàng sau bức màn, nơi Chúa Giêsu, Ðấng đi trước thay mặt chúng ta, đã bước vào" (Dt 6:18-20). Những lời đó là sự khích lệ mạnh mẽ để chúng ta không bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho, để chúng ta bám chặt vào niềm hy vọng đó và tìm được nơi Thiên Chúa sự nương tựa và sức mạnh của chúng ta.

Hình ảnh mỏ neo hùng hồn; nó giúp chúng ta nhận ra sự ổn định và an toàn của chúng ta giữa những dòng nước hỗn loạn của cuộc sống này, miễn là chúng ta phó thác mình cho Chúa Giêsu. Những cơn bão tấn công chúng ta sẽ không bao giờ thắng được, vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng sinh ra từ ân sủng, giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô và chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, vượt lên trên những thú vui phù du của cuộc sống và việc đạt được những mục tiêu trước mắt của chúng ta, khiến chúng ta vượt lên trên những thử thách và khó khăn, đồng thời truyền cảm hứng cho chúng ta tiếp tục tiến về phía trước, không bao giờ đánh mất tầm nhìn cao cả của mục tiêu thiên quốc mà chúng ta đã được kêu gọi hướng tới.

Do đó, Năm Thánh sẽ là một Năm Thánh được đánh dấu bằng niềm hy vọng không hề phai nhạt, niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa. Xin cho nó giúp chúng ta phục hồi niềm tin tưởng vững chắc mà chúng ta cần có, vào Giáo hội và xã hội; vào các mối quan hệ liên bản vị, trong các mối quan hệ quốc tế, và vào nhiệm vụ của chúng ta là thăng tiến phẩm giá của mọi người và tôn trọng món quà sáng thế của Thiên Chúa. Ước gì chứng tá của các tín hữu trở thành men hy vọng đích thực cho thế giới chúng ta, là điềm báo trời mới đất mới (x. 2 Pr 3:13), nơi con người nam nữ sẽ sống trong công lý và hòa hợp, vui tươi chờ đợi việc nên trọn lời hứa của Chúa.

Ngay bây giờ chúng ta hãy để niềm hy vọng này thu hút chúng ta! Qua chứng tá của chúng ta, xin cho niềm hy vọng lan tỏa đến tất cả những ai đang lo lắng tìm kiếm nó. Ước gì cách sống của chúng ta nói với họ bằng rất nhiều lời: "Hãy trông cậy vào Chúa! Hãy vững vàng, can đảm và hy vọng vào Chúa!" (Tv 27:14). Xin cho sức mạnh của niềm hy vọng tràn đầy những ngày của chúng ta, khi chúng ta tin tưởng chờ đợi sự quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đáng được chúc tụng và vinh quang, bây giờ và mãi mãi” (số 25).

Với niềm hy vọng chắc chắn như vậy, chúng ta sẽ đi từ e ngại, tự ti đến tin tưởng và tự tin; từ lo lắng đến thanh thản; từ lưỡng lự, nghi ngờ đến xác tín, chắc chắn. Chúng ta sẽ trở thành người sống lạc quan và yêu đời; nhìn về tương lai tươi sáng và tràn trề hy vọng. Thập Giá; Lời Chúa và bao cố gắng trong cuộc sống sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Vậy, trong Năm Thánh này, mỗi người chúng ta hãy bám chắc vào Thập Giá Chúa; bám chắc vào Lời Chúa; bám chắc vào Chúa và cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc; một thế giới công bằng và huynh đệ; một cuộc đời an bình và thanh thản nhé. Thập Giá của Đức Ki-tô cũng như chính Ngài là mỏ neo của ta đó.

 

   Lm. Bosco Dương Trung Tín

Danh mục:
Tác giả: