Mối lợi tuyệt vời của chúng ta
- T7, 05/04/2025 - 14:56
- Lm Dương Trung Tín
CN V MC Mối lợi tuyệt vời của chúng ta
“Tôi coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi” (Pl 3,8).
Câu này chúng ta phải hiểu thế nào? Câu này có thể hiểu nôm na là, nếu tôi có mọi sự mà không biết Đức Giê-su Ki-tô là một sự thiệt thòi lớn. Vì được biết Đức Giê-su Ki-tô là một mối lợi tuyệt vời. Thánh Phao-lô đã so sánh giữa việc biết Đức Giê-su Ki-tô và mọi sự ở thế gian này: được biết Đức Giê-su Ki-tô là một mối lợi; không biết Đức Giê-su Ki-tô thì dù mình có mọi sự trên thế gian này thì cũng chẳng có ích lợi gì. Chúng ta cùng tìm hiểu về điều này.
Mọi sự trên thế gian này thì chúng ta dễ hiểu. Đó là tiền tài, của cải, danh vọng, chức quyền, nhà cửa, ruộng nương, vv.... Việc biết Đức Giê-su Ki-tô là gì? Thánh Phao-lô nêu ba việc để biết về Đức Giê-su Ki-tô. Một là “Biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh”; hai là “Cùng được thông phần đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”; và thứ ba là “Hy vọng sẽ được sống lại từ cõi chết”. Cái “biết” đây, không chỉ là kiến thức, mà nó còn là niềm tin; là sự xác tín và là sự vâng nghe, làm theo nữa.
- “Biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh”.
Đức Giê-su Ki-tô phục sinh, điều đó chứng tỏ Đức Giê-su không chỉ là con người bình thường như tất cả chúng ta, mà Người còn là Thiên Chúa nữa. Nói tóm là qua việc được phục sinh; được sống lại từ cõi chết, Đức Giê-su Ki-tô là Chúa; là Thiên Chúa. Một Thiên Chúa có quyền năng, thống trị được cả cái chết; chiến thắng cả cái chết. Điều mà không có một con người nào sinh ra trên trần gian này làm được, dù họ có giỏi đến đâu; họ có quyền lực đến đâu.
Thực tế cho thấy, dù họ có giỏi đến đâu; có quyền lực đến đâu, cuối cùng họ cũng đã chết, chỉ còn lại một nắm trò tàn mà thôi. Có ai trong họ sống mãi được đâu. Vua chúa hay quan quyền gì thì rốt cuộc cũng đã chết hết không còn một ai. Khi sống thì họ nắm quyền; họ có quyền hét ra lửa, bảo ai chết thì người đó phải chết; thế mà đến ngày tàn, họ nằm trong nấm mộ, giờ thì hét ra giòi thôi.
Đối với Đức Giê-su Ki-tô thì không có như vậy, sau ba ngày trong mộ, Ngài đã phục sinh; đã trỗi dậy. Ngài chính “là Đường, là sự Thật và là Sự Sống”. Ngài là Đường, để dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu; Ngài là Sự Thật, để chúng ta sống theo sự thật, chúng ta sẽ được sống lại; Ngài là sự sống để khi chúng ta sống lại, thì chúng ta được sống đời đời trên thiên đàng. Như vậy, được biết Đức Giê-su Ki-tô là như thế thì chúng ta có lợi biết bao. Có hơn là được nhiều tiền nhiều của không! Có nhiều tiền nhiều của mà chết đi, không được sống đời đời thì có ích lợi chi đâu, phải không bạn?
Biết Đức Giê-su Ki-tô đã phục sinh cho chúng ta một sự hiểu biết về thân phận của con người chúng ta cũng sẽ được phục sinh. Chúng ta được phục sinh nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Và khi được phục sinh, chúng ta sẽ được sống đời đời với Chúa trên thiên đàng hay bị đọa đày kiếp kiếp trong hỏa ngục. Muốn được sống đời đời với Chúa trên thiên đàng thì điều tiên quyết là chúng ta phải nên thánh nên thiện. Nên quỉ sứ thì chắc chắn chúng ta sẽ phải xuống hỏa ngục với ma quỉ thôi. Thế đấy, biết Đức Giê-su Ki-tô sống lại, có lợi cho chúng ta biết chừng nào chưa !!!!!
- “Cùng được thông phần đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.
Đức Giê-su Ki-tô, dù là Thiên Chúa, Ngài cũng đã phải chịu đau khổ và chịu chết vì tội lỗi của chúng ta, để cứu độ chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có những đau khổ riêng và cũng sẽ chết nữa. Nào là những cơn đau về phần xác như đau lưng, nhức mỏi, ..... ; nào là những nỗi đớn đau về phần hồn như các tính hư, nết xấu, .....; nào là những nỗi khổ trong cuộc đời như bị hành hạ; bị vu khống; bị ức hiếp; bị nói hành nói xấu; bị khinh khi; bị chê bai; nào là những thất bại; những thiếu thốn; những thiệt thòi,.... và cuối cùng là cái chết.
Chúng ta biết rằng, chúng ta cũng được thông phần vào sự đau khổ và cái chết của Đức Giê-su Ki-tô đấy. Vậy thì chúng ta cũng hãy dâng những đau khổ của mình; dâng cái chết của mình lên Chúa, để chúng ta cùng được thông phần vào sự đau khổ và cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô, để chúng ta đền cho chính những lỗi của mình gây ra; để chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa; để chúng được cùng đồng hình đồng dạng với cái chết của Người, một cái chết cứu độ. Vì có chết chúng ta mới được phục sinh; có chết chúng ta mới được giải thoát khỏi những đau đớn của thân xác, cũng như được giải thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời và được sống đời đời trên thiên đàng.
Biết được như thế, không hơn là chúng ta chết trên đống vàng sao? Không hơn là chúng ta chết trong sự tiếc nuối tiền tài, của cải, danh vọng, quyền lực mà chúng ta không mang đi theo được; đã không mang những thứ đó đi được, lại còn không được lên thiên đàng nữa, thử hỏi có phải là mất “cả chì lẫn chài” không? Mất cả đời này lẫn đời sau. Cái biết này không phải để biết hay để chơi, mà biết để chúng ta chuẩn bị cho chính mình. Chuyện sống chết trên trần gian này và được cứu độ ở đời sau không phải là chuyện chơi; không phải là chuyện phù phiếm; nó là một mối lợi tuyệt vời cho chúng ta đấy.
- “Hy vọng sẽ được sống lại từ cõi chết”.
Vâng. Tất cả mọi người chúng ta sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Nhưng sống lại đi đâu hay ở đâu mới là điều đáng nói và đáng hy vọng. Vì có người sống lại để được sống và có người sống lại để bị phạt: “Ai làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống. Ai làm điều dữ thì sống lại để bị kết án” (x. Ga 5,29). Vậy thì, sống lại thì đâu phải ai cũng như ai đâu. Sẽ có người lành, kẻ dữ. Người, khi còn sống mà làm nhiều điều lành sẽ trở thành người lành; người làm nhiều điều dữ sẽ trở thành người dữ. Người lành thì sống lại để được sống; còn người dữ thì sống lại để bị phạt.
Vậy sự biết này giúp cho chúng ta đang khi sống trên trần gian này, phải cố gắng làm nhiều việc lành. Nếu đã có lần làm điều dữ thì hãy ăn năn và đền tội; từ nay quyết tâm không làm điều dữ nữa, mà cố gắng làm việc lành. Có thế, chúng ta hy vọng, khi sống lại từ cõi chết, chúng ta được sống; được thưởng; được lên thiên đàng; chứ không sống lại để mà bị phạt. Biết như thế không là mối lợi tuyệt vời cho chúng ta sao.
Bởi đó, chúng ta hãy noi gương thánh Phao-lô: “hãy quên chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao” (x.Pl 3,14) và cũng hãy sống theo lời thánh Phao-lô dạy: Chúng ta hãy coi mọi sự ở đời này chỉ là rơm rác, là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ nên thánh nên thiện mỗi ngày và hy vọng ngày nào đó, chúng ta sẽ chiếm được phần thưởng từ trời cao đấy bạn.
Lm. Bosco dương Trung Tín