Nhảy đến nội dung

Món “Nợ tình, nợ đời”

CN 23 QN                    

    Món “Nợ tình, nợ đời”

   “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại. Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10).

  Đối với người tín hữu công giáo chúng ta, theo như Đức Giê-su nói, điều răn trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Theo đó, chúng ta phải “yêu mến Chúa là Thiên Chúa chúng ta hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Và “phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Mt 22, 37 và 39).

   Chúng ta yêu mến Thiên Chúa bằng cách thờ lạy, ca ngợi, tôn vinh, cảm tạ và xin ơn. Còn yêu người thì sao? Chúng ta yêu người bằng cách yêu họ như chính mình. Nghĩa là chúng ta yêu mình thế nào thì chúng ta yêu người ta như vậy. Nói như thế thì hơi chung chung quá chăng; hàm hồ quá chăng? Vì nhiều khi sự yêu thích của ta không giống như sự yêu thích của người khác; không ai giống ai. Vậy cụ thể chúng ta phải yêu người thế nào cho phải đây? Thánh Phao-lô đã trả lời cho chúng ta, để chu toàn Luật Chúa, chúng ta không làm hại người đồng loại.

   Nếu chúng ta không làm hại đối với bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào thì ta đã yêu người rồi đó. Và yêu người như thế mới chu toàn Luật Chúa. Như không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn gì của người khác,.....; ta có thể thêm, không được ganh tị, không được ghen ghét, không được nói xấu, nói hành người khác,.....

   Có một vấn nạn mà chúng ta hay nói tới, đó là một người nào đó hay một người thân thiết của mình đã hãm hại mình cách nặng nề, thử hỏi ta sẽ yêu thương bằng cách nào? Vì chúng ta không muốn nhìn mặt chứ huống chi mà yêu với thương; chứ chi mà chào với hỏi.

   Theo Lời Chúa qua thánh Phao-lô giải thích thì tôi thiết nghĩ điều quan trọng và tối cần là chúng ta không tìm cách trả đũa hay hãm hại người đó; cũng không nên để lòng thù hận người đó, thế là đã tốt quá rồi; còn việc có chào hỏi hay không không cần thiết. Vì như Chúa nói : “hãy kể nó như người ngoại hay một người thu thuế” (x. Mt 18,17). Nghĩa là chúng ta có thể coi người đó như mọi người khác, không có thân thích hay quen biết gì cả, nên chúng ta có thể chào hay không chào; hỏi hay không hỏi.

   Bên cạnh đó, chúng ta buồn khi thấy họ gặp tai ương, hoạn nạn, chứ đừng vui; chúng ta vui khi họ gặp được vận may, chứ đừng tức tối hay than trách, lầm bầm : “tại sao họ làm việc gian ác, xấu xa, hãm hại ta mà sao họ lại gặp vận may như vậy. Có Chúa không hay có công lý không?

    Chắn chắn là có Chúa và có công lý, nhưng chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa là Đấng công bằng vô cùng, Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho chúng ta. Ai làm điều gian điều ác; hãm hại người này người kia, sẽ bị Chúa xét xử và họ sẽ phải đền, không những ở đời này mà còn ở đời sau nữa, không có chạy đâu cho thoát được. Người ta có nói : “lưới trời lồng lộng ai hòng trốn ru!” mà.

   Việc đó chúng ta cứ để cho Chúa xử lý, còn bổn phận của chúng ta là yêu thương họ, như thánh Phao-lô nói, chúng ta đừng làm hại gì ai; đừng làm gì hại họ hết. Thế là đủ rồi, chúng ta không còn áy náy hay bực bội chi.

    Và một vấn nạn nữa là việc cảnh báo và khuyên răn người khác. Việc này cũng thuộc những việc yêu người đây. Thế nhưng đây là một việc hết sức tế nhị và khó khăn. Việc góp ý, khuyên răn người khác là một việc không dễ dàng, vì nó đụng tới tự ái và sự tự quyết của người khác. Dù khó thì chúng ta cũng vẫn phải làm, nhưng phải hết sức tế nhị.

   Thứ nhất, ta nên chú ý, không phải ai ai ta cũng đưa ra cảnh báo, khuyên răn hay góp ý được. Tốt hơn hết, ta chỉ đưa ra cảnh báo, khuyên răn hay góp ý với những người mà  ta có trách nhiệm và thân thiết thôi. Và theo tôi, trước khi làm việc đó, ta nên cầu nguyện cái đã. Cầu nguyện cho ta và cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho ta để ta có cam đảm để nói và cầu nguyện cho họ để họ nhận ra và tiếp thu.

   Thứ đến, việc của ta là góp ý, là cảnh báo, là khuyên răn, nên những gì ta thấy tốt, thấy hay, thấy có lợi thì ta nói; còn việc nhận ra và tiếp thu hay không là quyền của người đó; ta không có quyền bắt họ phải làm theo ý của mình. Thế là ta đã làm xong bổn phận của mình trước mặt Chúa.

    Như Lời Chúa nói trong bài đọc 1 hôm nay : “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh báo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác đó phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ chết vì tội của nó, còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (x. Ed 33,8-9).

   Nghĩa là nếu ta đã có lòng tốt, lòng nhân hậu mà góp ý, cảnh báo cũng như khuyên răn người khác vì những hành vi xấu xa, gian ác hay để tránh những nguy hiểm hoặc thiệt hại cho họ, mà họ không nghe, không đề phòng thì trước mặt Chúa, chúng ta không bị Chúa trách tội; mà đối với họ, sau này họ có bị gì thì họ cũng không trách cứ được gì đối với chúng ta, vì chúng ta đã nói rồi.

   Đó là những việc liên quan đến sự riêng tư của một người. Còn có những việc liên quan đến người khác hay liên quan đến cộng đồng, thì chúng ta phải theo cách Đức Giê-su chỉ dạy trong bài Phúc Âm. Việc này có 3 bước.

   Bước 1: là giữa ta với người đó thôi. Nếu người đó chịu nghe thì ta đã chinh phục được người đó rồi; đã thành công rồi (x. Mt 18,15).

  Bước 2: Nếu người đó không nghe, thì hãy đem theo một hay hai người khác nữa, để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời của 2 hoặc 3 nhân chứng, tức là có “3 mặt một lời” (x.Mt 18,16).

   Bước 3: nếu người đó không nghe nữa thì hãy thưa với Hội Thánh. Hội Thánh mà họ không nghe nữa thì hãy kể họ như một người ngoại hay một người thu thuế; nghĩa là “hết thuốc chữa” rồi, coi như không có đi (x. Mt 18,17).

   Như chúng ta thấy, việc góp ý và sửa sai là cực kỳ khó. Chúng ta có thể không làm được không? Câu trả lời là : chúng ta không thể không làm. Tại sao? Theo thánh Phao-lô, đó như là một món nợ. Nợ đây không phải là nợ tiền, nợ của mà là nợ tình, nợ đời. Sống là người ở trên đời, chúng ta mắc một món nợ đó là “món nợ tương thân tương ái”, mà tôi gọi là “Nợ tình, nợ đời”.

  Là người, chúng ta mắc nợ nhau về tình tương thân tương ái. Mà đã mắc nợ thì phải trả nợ, không có “on đơ” gì hết; không có ý kiến ý cò chi cả. Nợ tiền, nợ của thì trả xong là hết; còn nợ tình, nợ đời thì không. Chúng ta trả nợ cho họ, họ lại mắc nợ chúng ta; họ có bổn phận phải trả. Họ trả nợ cho chúng ta, chúng ta lại mắc nợ họ, chúng ta lại phải trả,.....cứ thế và cứ thế..........chúng ta trả qua trả lại; “có qua có lại mới toại lòng nhau” mà, nên chúng ta mắc nợ nhau mãi, ..........hì hì.

   Thế là chúng ta đã hiểu yêu thương, nhất là yêu người theo Luật Chúa là như thế nào rồi. Yêu thương là không làm hại người đồng loại. Theo nghĩa đó chúng ta cũng có thể áp dụng cho việc chúng ta yêu mến Chúa nữa.

    Yêu mến Chúa thì không làm hại đến Chúa. Chúng ta không làm hại đến Danh Thánh Chúa; không làm hại đến uy quyền của Chúa; không làm hại đến lòng nhân từ của Chúa; không làm hại đến sự công bằng của Chúa, qua thái độ và cách sống của ta.

  Yêu người thì chúng cũng không làm hại bất cứ một ai và dưới bất kỳ hình thức nào qua thái độ và cách sống của chúng ta. Yêu thương như thế là chúng ta đã chu toàn Lề Luật của Chúa rồi; yêu thương như thế là chúng ta đã trả được món nợ tương thân tương ái.

    Tôi đố bạn, Trái gì trên đời này khó ăn nhất? Đó là “TRÁI Ý”. Món gì khó xơi nhất trên đời mà ai cũng phải ăn? Không những ăn mà còn phải nhả nữa? Đó là “MÓN NỢ” tương thân tương ái; đó là MÓN “NỢ TÌNH và NỢ ĐỜI”.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: