Nhảy đến nội dung

Mưu mô quỷ quyệt

CHÚA NHẬT 29 TN-A (Mt 22, 15-21)

MƯU MÔ QUỶ QUYỆT

Trong cuộc sống trần gian, con người thường dùng mưu mô quỷ quyệt để đánh lừa lẫn nhau, dùng những lời nói hay, nói ngọt, những cử chỉ thân thiện, để làm cho người khác bị lừa, phải mắc bẫy, rồi tìm cách hãm hại.

Chúa Giêsu đến thế gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Chúa Giêsu giúp con người loại bỏ lối sống bất công, hận thù chia rẽ, so đo tính toán, mưu mô sảo trá, tham ô hối lộ, gian tham tục tĩu... Vì thế, rất nhiều lần Chúa lên án bất công, vạch trần lối sống giả hình. Chúa lên án nặng nề lối sống vụ luật hình thức của những người Pharisêu và phe Hêrôđê. Nên họ ăn không ngon, ngủ không yên, oán thù Chúa Giêsu, họ tìm đủ mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để hãm hại Người.

Phái Pharisêu và nhóm Hêrôđê đối lập nhau, mâu thuẫn với nhau, bởi nhóm Hêrôđê thì chạy theo chính quyền Rôma đang đô hộ xứ Palestine, còn phái Pharisêu thì chống lại quân đô hộ. Nhưng hôm nay, hai nhóm này liên minh với nhau, bắt tay nhau để chất vấn Đức Giêsu, nhằm tìm cơ hội hãm hại Người. Họ “tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22, 15). Họ khéo léo dùng những lời hoa mỹ nói về Chúa Giêsu, khen Chúa để đưa Chúa vào tròng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (Mt 22, 16). Họ đóng kịch quả là tuyệt vời. Họ cố gắng mang dáng vẻ những người khiêm tốn, ham học hỏi, muốn hiểu biết, đến gặp Chúa để thỉnh giáo. Nhưng thực chất họ chỉ là những kẻ giả hình, nói những lời sáo. Họ mưu mô sảo quyệt: “miệng thì nam mô, bụng bồ dao găm”. Mục đích là để làm cho Chúa phải mắc vào bẫy của họ, rồi tìm cách hãm hại.

Họ đặt ra vấn nạn để hỏi Đức Giêsu, xem ra câu hỏi rất đơn sơ: "Có được phép nộp thuế cho Xêda không?" Nhưng đây là một câu hỏi ác ý, một cái bẫy thâm độc, vì nếu Đức Giêsu trả lời "Có" thì nhóm Pharisêu sẽ kết án Ngài là phản quốc, theo quân ngoại bang để bóc lột đồng bào; còn nếu Ngài trả "không" thì phe Hêrôđê sẽ tố cáo Ngài là phản động, chống lại chính quyền Rôma. Họ cho rằng trả lời cách nào cũng sẽ mắc vào bẫy mà họ giăng ra vô cùng lợi hại. Có hay không cũng đều mắc mưu nhóm Pharisêu hoặc Hêrôđê. Kết quả là mắc tội phản quốc hoặc phản loạn, cả hai tội đều có thể bị kết án tử hình. Nhưng Đức Giêsu biết rõ ác ý và những mưu mô quỷ quyệt của họ. Nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22, 18). Chúa Giêsu đã yêu cầu họ cho xem đồng tiền, họ đã đưa cho Người xem. Được biết đó là hình và danh hiệu của Xêda trong đồng tiền, nên Chúa trả lời rõ ràng: "Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (Mt 22, 21). Lập trường của Chúa Giêsu quả rất rõ ràng, Chúa không thiên tư tây vị ai, Ngài luôn công minh chính trực, dạy đường lối ngay thẳng.

Đức Giêsu chẳng những không mắc bẫy của họ, mà còn dạy họ một bài học quan trọng về nghĩa vụ của người công dân đối với quê hương đất nước trần thế và bổn phận của loài thụ tạo đối với Đấng Tạo Hóa. Người còn dạy họ bài học về đức công bằng.

Là người trong một đất nước phải luôn chu toàn nghĩa vụ của một công dân cách đầy đủ và gương mẫu, cùng với đồng bào xây dựng một quê hương an bình thịnh vượng, văn minh lịch sự. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương chu toàn nghĩa vụ này khi Người nói với Phêrô: “Anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh” (Mt 17, 27).

Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn dạy cho họ biết, con người là loài thụ tạo phải có bổn phận đối với Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn loài nuôn vật, là vua trời đất và là chủ vũ trụ. Là loài thụ tạo luôn phải biết tôn thờ Thiên Chúa, làm sáng danh Chúa, góp phần xây dựng và làm cho Nước Chúa lan rộng khắp nơi, làm cho mọi người đón nhận Tin Mừng Nước Trời và được sống hạnh phúc.

Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu còn dạy họ bài học về đức công bằng, của ai trả cho người ấy, không tham lam gian dối, không lường gạt, không trộm cắp, không ước muốn của trái lẽ, không lấy của người khác làm của mình.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi chúng ta cũng mang bộ mặt người Pharisêu, và Hêrôđê ghen ăn tức ở, chỉ vì thấy người khác tốt hơn mình, giỏi hơn mình, được nhiều người quý mến hơn mình, vì người khác biết và chỉ cho thấy những điều sai trái, lối sống xấu sa tội lỗi mình. Nên chúng ta cũng dùng những thủ đoạn, mưu mô quỷ quyệt, giăng ra những cãi bẫy thâm độc, làm cho người khác mắc vào, rồi tìm mọi cách để triệt hạ.

Là con Chúa, chúng ta hãy loại bỏ lối sống giả hình, giả bộ, loại bỏ mưu mô sảo trá và những thủ đoạn bỉ ổi hãm hại người khác, loại bỏ lối sống xấu sa tội lỗi. Chúng ta cần có cái nhìn, lối sống siêu thoát và công bằng như Chúa Giêsu: không tham lam, không đòi hỏi, không gian dối, không lừa lọc, không vơ vét, luôn sống đúng mực, cùng thi hành bổn phận của người công dân trần thế và công dân Nước Trời, thực thi đức công bằng: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22, 21).

Jos. Hồng Ân

Tác giả: