Nhảy đến nội dung

Người chứng thứ nhất - Nghịch lý

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Chúa Phục Sinh hiện ra cùng thánh nữ Maria Mađalêna là câu chuyện về cuộc hiện ra đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo, và thánh Maria, một phụ nữ từng theo Chúa, nay là người đầu tiên nhìn thấy Đấng Phục Sinh.

Vì sao Chúa không chọn ai khác, mà lại chọn Chị Maria Mađalêna là người chứng thứ nhất cho tin mừng Phục sinh? Có lẽ vì mấy lý do:

- Chị đang nhớ thương Chúa. Tâm hồn đang hoàn thoàn thuộc về Chúa. Càng yêu mến, càng nhớ thương, càng cảm nhận sự xa vắng, vì từ nay Chúa không còn hiện diện bên cạnh, Chị thánh càng để tâm trí mình được chiếm ngự hoàn toàn bởi hình ảnh và kỷ niệm về Chúa.

Toàn tâm dành cho Chúa, thánh Maria được Chúa đáp trả: chỉ một mình Chị trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Chị khát khao Chúa. Càng thương nhớ, và những kỷ niệm của Chúa càng ùa về trong tâm hồn bao nhiêu, Chị Maria Mađalêna càng khao khát Chúa bấy nhiêu. Tâm hồn khao khát Chúa đến độ cháy, Chị thánh được Chúa đáp trả: Chị trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Chị Maria Mađalêna nhận biết mình yếu hèn, tội lỗi. Trong mớ kỷ niệm mà Chị đã có với Chúa, có một kỷ niệm không bao giờ Chị quên, đó là ngày Chúa kéo Chị ra khỏi vết nhơ tội lỗi.

Chị Maria cảm nhận vừa sâu lắng, vừa mạnh mẽ tình yêu mà Chúa dành cho Chị. Đó là tình yêu vừa mềm mỏng để thu hút Chị trở về đường ngay, nhưng cũng vừa dứt khoát buộc Chị không thể chần chờ, mà phải đứng lên đi theo Chúa lập tức.

Giờ đây, khi Chúa đã chết, kỷ niệm mà Chúa dành cho buộc Chị Maria phải nhìn lại con người mình, để một lần nữa, đứng trước tình yêu của Chúa, Chị phải cúi mình xuống vì thấm thía con người hèn hạ, tội lỗi của bản thân. Một tâm hồn hoán cải như thế đã được Chúa đáp trả: Chị Maria Mađalêna trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Thánh Maria Mađalêna thấy mình bơ vơ, trống vắng. Khi Chúa còn ở trần thế, bên cạnh Chị và các môn đệ, Chị yên tâm. Đi hay về, Chị vẫn biết Chúa đang hiện diện hữu hình bên mình, bên đoàn môn đệ của Chúa.

Bây giờ, nỗi niềm trống vắng, càng làm Chị thánh hướng tâm hồn, hướng tình cảm về Chúa nhiều hơn. Chính lúc trơ trọi, trống vắng, Chúa càng là niềm an ủi cho Chị. Chị được Chúa đáp trả: Chị trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Chị Maria Mađalêna chỉ còn biết đặt niềm tin vào Lời Chúa hứa xưa mà thôi. Hình ảnh Chúa giờ đây sống động trong Chị thế nào, thì từng lời Chúa dạy để uốn nắn, để giáo dục Chị càng trỗi dậy mạnh mẽ thế ấy.

Thương nhớ Chúa, Chị để mình uống lấy từng lời ngọt ngào của Chúa. Nếu con người biết sống lời Chúa hoàn hảo, sẽ được Chúa đáp trả. Maria đã sống lời Chúa. Chị đã được Chúa đáp trả: Chị trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Chị thánh cầu nguyện. Không còn biết cậy vào ai, không còn chỗ để trút cho vơi nỗi buồn, Chị Maria chỉ biết mặc lấy tâm tình cầu nguyện.

Trong giờ phút đau thương này, chỉ  có cầu nguyện mới cho Chị niềm bình an, giúp Chị vơi nỗi sầu đau mà Chị và đoàn môn đệ của Chúa đang gánh chịu. Thổn thức trong cầu nguyện, Chị Maria Mađalêna đã được Chúa đáp trả: Chị trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mặc lấy niềm thương, nỗi nhớ về Chúa như thánh nữ Maria Mađana, để chúng con, dù không trở nên người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh, thì cũng là môn đệ của Chúa can đảm làm chứng cho Chúa suốt cuộc đời chúng con. Amen.

LM. JB NGUYỄN MINH HÙNG

NGHỊCH LÝ

THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Ngay trong chính ngày Chúa Kitô phục sinh, tại đền thờ Giêrusalem, lễ Vượt Qua được tổ chức long trọng, một cuộc lễ rầm rộ, một cuộc lễ có một không hai trong niềm tin của người Do thái. Đó là cuộc lễ nhắc lại biến cố oai hùng, cha ông họ vượt qua Ai cập, vượt qua Hồng Hải và vượt qua kiếp nô lệ cách lạ lùng, chưa từng có...

Vì thế, trong ngày lễ vượt qua hôm nay, như mọi lễ vượt qua trong lịch sử, từng đoàn, từng đoàn người đổ về đền thánh, bên cạnh những nhà lãnh đạo tôn giáo của họ: thầy cả thượng phẩm, các thượng tế, các luật sĩ… để dâng của lễ, để làm cái việc gọi là “tạ ơn và tôn thờ Chúa”.

Nhưng thật oái oăm, thật nghịch lý, thật mỉa mai! Mỉa mai đến độ chua xót: Bởi cũng chính vị Chúa ấy, vị Chúa mà ngay giờ này, họ đọc kinh, họ thắp hương, họ bái lạy bàn thờ của Ngài và dâng lễ vật kính Ngài…, chỉ mới hai ngày trước thôi, họ nguyền rủa, họ sỉ vả, họ đánh đập đến nhừ tử, họ giết chết một cách không thương tiếc.

Và ngay chính lúc này đây, lúc mà họ đang tổ chức mừng lễ vượt qua vô cùng long trọng, họ đang cử hành nghi lễ vô cùng sốt sắng, thì Chúa của họ, Đấng mà họ vừa giết chết đã vừa mới phục sinh, đã vừa mới đội mồ chỗi dậy, thì họ lại không tin.

Chẳng những không tin, mà còn hoàn toàn chối từ. Khi được lính canh mồ báo tin Chúa của họ đã bừng dậy khỏi mồ, họ ngang nhiên trả tiền cho lính, để lính thực hiện điều mà không bao giờ có thể thứ tha được: “Các anh hãy nói thế này: ban đêm trong lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã lấy trộm xác”.

Các lãnh đạo tôn giáo do lòng ganh tỵ, họ không chỉ thủ tiêu Chúa của họ, giờ đây, họ còn thủ tiêu cả niềm tin Phục sinh đang bừng dậy cho toàn thế giới: “Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ dàn xếp với quan, và lo cho các anh được vô sự”.

Nghịch lý trong cách thực hành đạo của những nhà lãnh đạo Dothái giáo, cùng tất cả những người lên án Chúa, cứ tưởng là chuyện đã xưa lắm. Nào ngờ, đó cũng là thứ nghịch lý tồn tại trong lòng các Kitô hữu hôm nay.

Vì hôm nay, chúng ta cũng có thể thờ phượng Chúa trong nhà thờ tốt, chúng ta đến nhà thờ dự lễ chăm chỉ, chúng ta xưng tội rước lễ đều đặn, chúng ta đọc kinh sớm chiều đầy đủ…

Nhưng ngược lại, khi rời khỏi nhà thờ, rời nơi cầu nguyện, chúng ta sống thiếu trách nhiệm trong công tác của mình, chúng ta xem thường lề luật Chúa, chúng ta không có tình yêu, lòng vị tha, thái độ nhã nhặn… với anh chị em.

Nghịch lý hôm nay của chúng ta là giữ đạo nhưng không sống đạo. Nghịch lý của chúng ta là sẵn sàng tuyên xưng danh Chúa nhưng trong đời sống thường nhật lại sống như không có Chúa. Nghịch lý của chúng ta là giữ đạo trong nhà thờ, nhưng không đem tinh thần thờ phượng từ nhà thờ vào trong cuộc sống.

Từng người hãy mau loại trừ thái độ sống không phù hợp này, để trở nên đích thực là người có Chúa luôn luôn trong mọi ngày sống của mình, dù là hoàn cảnh hay bất cứ thời gian nào.

Lạy Chúa, xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào mọi góc tối tăm của linh hồn chúng con, để chúng con trung thành sống chết cho đức tin của chúng con.

Xin đừng để chúng con rơi vào hoàn cảnh bi thảm mà các lãnh đạo Dothái giáo xưa đã từng thực hiện, đó là một mặt tuyên xưng lòng tin của mình, nhưng mặt khác, do đời sống bê bối của chúng con, chúng con lại đang ra sức chối từ Chúa, ra sức đẩy xa ảnh hưởng của niềm tin Phục sinh ra khỏi cuộc đời mình. Amen.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG