Nhảy đến nội dung

Trung Thực Trong Đời Sống

Trung Thực Trong Đời Sống

Thời Hy Lạp cổ đại, Socrates là nhà triết học, một người nổi tiếng về sự thông thái.
Một ngày nọ, chàng thanh niên đến gặp Socrates và nói: "Ông có muốn biết gì về bạn của ông không?"
Socrates trả lời, trước khi bạn nói với tôi, tôi muốn kiểm tra nó qua ba câu hỏi.
Chàng thanh niên trả lời: Được.
Socrates tiếp tục nói, trước khi bạn nói về người khác, điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để suy nghĩ những gì bạn sắp nói. Tôi gọi đó là 3 bài kiểm tra.
Câu hỏi đầu tiên là SỰ THẬT. Bạn đã kiểm tra xem những gì bạn sắp nói có đúng sự thật không?"
Chàng thanh niên trả lời: Chưa, tôi chỉ mới nghe nói.
Tốt lắm! Vậy bạn không biết nó có đúng hay không?
Câu hỏi thứ hai là LÒNG TỐT. Những gì bạn muốn nói về bạn tôi có phải là điều tốt không?
Thanh niên trả lời: Không. Ngược lại, đó là tồi tệ.
Socrates nói tiếp, bạn muốn nói với tôi điều gì đó tiêu cực về anh ấy, nhưng bạn lại không biết chắc nó đúng hay không?
Câu hỏi thứ ba là SỰ HỮU ÍCH. Nó có hữu ích cho tôi không?"
Chàng thanh trả lời: Không, thực sự không.
Socrates kết luận, những gì bạn sắp nói với tôi không phải là Sự Thật, không phải Lòng Tốt, và cũng không có Hữu Ích. Tại sao bạn lại muốn nói với tôi điều này? Chàng thanh niên đứng lên bỏ đi.
Giáo hoàng Francis nói: "Ngồi lê đôi mách là một điều xấu. Ban đầu, nó có thể thú vị và vui vẻ, nhưng cuối cùng, nó sẽ lấp đầy trái tim chúng ta với sự cay đắng và làm chúng ta bị nhiễm độc."

Liên hệ với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca (6:39-45) chứa đựng những lời Chúa Giê-su dạy rất ý nghĩa qua các dụ ngôn và sự khôn ngoan, phản ánh tính cá nhân, sự trung thực và bản chất hành động của một người.
Dụ ngôn thứ nhất, đoạn văn bắt đầu bằng dụ ngôn về người mù dẫn người mù. Người mù dẫn người mù thì sa xuống hố. Trong thế giới ngày nay, thông tin sai lệch dễ dàng lan truyền, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự khôn ngoan từ Lời Chúa là điều đáng tin cậy và hiểu biết, đừng tin vào thế giới ảo, nó làm cho chúng ta trở nên mù lòa nhận thức và tâm linh.
Dụ ngôn thứ hai, Chúa Giêsu cảnh báo về sự giả hình bằng ẩn dụ về việc lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước khi lấy cái rác trong mắt người khác. Mắt có thể nhìn thấy lỗi người khác, nhưng không thấy cái tội bản thân mình. Từ đó dẫn đến xét đoán người khác. Chúa Giêsu muốn chúng ta tập trung vào việc cải thiện bản thân trước khi chỉ trích và xét đoán người khác. Điều này có nghĩa là đánh giá người khác qua thành kiến, hành vi hoặc khuyết điểm người khác trong các mối quan hệ, tại nơi làm việc và trong các tương tác cộng đồng. Hệ quả của nó là dẫn đến sự chia rẽ và ganh ghét.
Du ngôn thứ ba, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả và hoa quả của nó để so sánh con người với. Xem trái thì biết cây. Cây tốt sinh trái tốt. Một cây được biết đến nhờ quả mà nó tạo ra. Điều này minh họa rằng, hành động và lời nói của một người bộc lộ tính cách thực sự và bản chất bên trong của họ. Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, trung thực trong lời nói và việc làm. Giả dối là đường lối của ma quỷ.

Trung thực là nền tảng của đạo đức. Trong sách Huấn ca viết: “Xem trái biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người thế ấy.” Người hiền lòng tích điều lành, nên phát xuất ra sự thiện; kẻ dữ bởi tích đầy lòng ác, sẽ phát xuất điều gian ác, lòng đầy thì miệng mới nói ra. (Lc 6, 38). Tất cả những lời giáo huấn của Chúa Giêsu luôn đi với việc làm. Lời nói gió bay, gương lành để lại.

Qua những dụ ngôn này, chúng ta rút ra được điều gì trong các mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và giữa người với người. Đó là tránh đi những lời phê bình, xét đoán tiêu cự về người khác. Ở hiền gặp lành. Người hiền Chúa thương và chúc phúc. Kẻ gian ác dẫn tới chỗ diệt vong.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống trung thực với chính mình, biết khiêm nhường nhận ra sự bất toàn bản thân. Khiêm nhường và trung thực là đức hạnh của tâm thiện và đức tin chân chính. Amen.

Lm. John Nguyễn.

Danh mục:
Tác giả: