Nhảy đến nội dung

Tôi Là Con Thiên Chúa Và Chúa Cha Ở Trong Tôi

Tôi Là Con Thiên Chúa Và Chúa Cha Ở Trong Tôi

Lời tuyên bố của Chúa Giê-su: “Tôi là Con Thiên Chúa” và “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” là một trong những mạc khải thâm sâu và chói sáng nhất trong toàn bộ Tin Mừng. Đây không chỉ là một câu nói nhằm xác định một vai trò, hay một sứ vụ, mà là một lời tuyên xưng đầy quyền năng, công khai hé mở về căn tính thần linh đích thực của Chúa Giê-su. Ngài không chỉ là một bậc thầy giảng dạy, một ngôn sứ quyền năng, hay một nhà cải cách xã hội – mà Ngài chính là Thiên Chúa thật, bởi Thiên Chúa thật.

Chính vì thế, lời của Ngài có giá trị vượt lên trên mọi triết lý nhân loại. Lời Ngài không chỉ để nghe mà còn để sống; không chỉ để chiêm ngắm mà còn để biến đổi. Lời Ngài đi vào tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người, để chữa lành, để phục sinh, để giải thoát khỏi tối tăm và cái chết. Khi Chúa Giê-su nói: “Ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết” – thì Ngài đang mạc khải rằng Lời của Ngài mang quyền năng của sự sống đời đời, Lời ấy không chỉ là sự thật – mà chính là sự sống.

Tuy nhiên, mạc khải ấy đã trở nên một sự chướng tai đối với người Do Thái. Họ không thể chấp nhận rằng một người trần mắt thịt, xuất thân từ Nagiarét lại dám xưng mình là Con Thiên Chúa, và là một với Chúa Cha. Đó không chỉ là một tuyên bố táo bạo, mà đối với họ, là một sự phạm thượng tột cùng. Họ phản ứng dữ dội, không phải chỉ vì ghét bỏ một con người, nhưng vì thấy rằng lời tuyên xưng của Chúa Giê-su đang làm lung lay tận gốc rễ hệ thống niềm tin tôn giáo truyền thống của họ – một niềm tin độc thần, chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa.

Lịch sử tôn giáo của Israel là lịch sử của hành trình thanh luyện đức tin. Ban đầu, trong các thời kỳ xa xưa, niềm tin của họ còn vương dấu tích của tư duy đa thần như các dân ngoại. Họ tin có nhiều thần linh nhưng Thiên Chúa là Đấng tối cao hơn cả. Chỉ đến thời các ngôn sứ – đặc biệt là ngôn sứ Isaia – mạc khải về Thiên Chúa duy nhất, vô hình và chí thánh mới được khắc ghi mạnh mẽ. Từ đó, Israel sống chết với niềm tin: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất!” (Đnl 6,4). Và bất kỳ ai tuyên bố mình là Thiên Chúa đều bị xem là phạm thượng, đáng bị loại trừ.

Người Do Thái không chấp nhận Chúa Giê-su không phải vì Ngài làm điều sai trái, mà chỉ vì họ không chấp nhận nổi một sự thật quá lớn lao vượt ngoài tầm hiểu biết của con người: Thiên Chúa đã trở nên người phàm. Hình ảnh người Do Thái cầm đá để ném Chúa Giê-su cũng là hình ảnh phản chiếu biết bao tâm hồn ngày nay – vẫn còn cố chấp, khép kín và khước từ Thiên Chúa, chỉ vì lối nghĩ cũ, vì thành kiến, vì cái tôi kiêu căng không chịu mở ra để đón nhận ánh sáng mạc khải.

Chúa Giê-su không chỉ tuyên bố mình là Con Thiên Chúa bằng lời nói, mà còn bằng chính đời sống của Ngài. Ngài không biện minh nhiều cho mình, nhưng để cho tình yêu tự nói lên tất cả. Tình yêu ấy được thể hiện qua từng hành động chữa lành, tha thứ, đón nhận những kẻ tội lỗi, bênh vực những người yếu thế, và đặc biệt là lòng bao dung dành cho cả những kẻ tìm cách hãm hại mình. Chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể sống trọn vẹn một tình yêu vô điều kiện đến như vậy. Và chính tình yêu ấy đã mặc khải một cách rõ nét Thiên Chúa là ai – Ngài là Cha, là Đấng giàu lòng thương xót và chậm bất bình.

Đỉnh cao của tình yêu và cũng là đỉnh cao của mạc khải thần linh chính là Thập Giá. Trên Thập Giá, Chúa Giê-su đã hoàn tất tất cả. Không còn gì để chứng minh, không còn gì để giải thích. Ở đó chỉ còn lại sự im lặng của một tình yêu hiến mình. Và chính sự im lặng ấy lại là lời tuyên xưng mạnh mẽ nhất: “Tôi là Con Thiên Chúa.” Không phải bằng quyền lực, không phải bằng phép lạ, mà bằng chính việc đón lấy đau khổ, đón lấy cái chết để cứu độ nhân loại. Chỉ Thiên Chúa mới có thể yêu đến cùng như vậy.

Giữa thế giới hôm nay, có biết bao nhiêu tiếng nói. Tiếng nói của lý luận, của tri thức, của khoa học, của thành công, của địa vị… Nhưng tiếng nói của Chúa Giê-su vẫn vang lên – không phải để tranh cãi, mà để mời gọi. Không phải để bắt ép, mà để đánh động. Không phải để áp đặt, mà để lôi kéo con tim. Ngài không đòi hỏi ta phải hiểu hết về Ngài, nhưng Ngài muốn ta dấn thân đi theo Ngài. Chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa cũng chính là chấp nhận để đời mình được Ngài biến đổi.

Mùa Chay đang dần khép lại để mở ra Tam Nhật Thánh – thời gian linh thiêng nhất trong năm Phụng Vụ. Đây là cơ hội để ta sống lại mầu nhiệm tình yêu của Đấng là Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến mạng sống mình vì ta. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm, chúng ta được mời gọi bước theo. Tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa không chỉ là chuyện của môi miệng, mà là của cả đời sống. Niềm tin ấy phải đi vào cách ta sống, cách ta nghĩ, cách ta đối xử với nhau.

Thật vậy, nếu ta thực sự tin Ngài là Con Thiên Chúa, thì không có gì trong đời sống ta còn giữ nguyên như cũ. Ta không thể sống buông thả, không thể để mình trôi dạt trong tội lỗi, không thể cứng lòng mãi. Ta không thể vừa xưng Ngài là Chúa vừa nắm chặt hòn đá định ném vào người khác. Phải buông hòn đá ấy xuống – hòn đá của thành kiến, của oán hận, của ích kỷ – để hai tay rộng mở đón lấy ân sủng và sự sống.

Xin cho chúng ta biết để cho mầu nhiệm Con Thiên Chúa thấm sâu vào lòng mình – để từ đó, mỗi ngày sống là một lời tuyên xưng, mỗi hành động là một sự chứng tá, mỗi hy sinh nhỏ bé là một cách cùng bước với Chúa Giê-su trên hành trình cứu độ. Xin cho chúng ta xác tín rằng, ngoài danh Đức Giê-su, không có một danh nào khác có thể cứu độ chúng ta. Xin cho danh ấy không chỉ là âm vang trên môi, mà là ánh sáng dẫn lối cho toàn bộ cuộc đời.

Xin cho ta đừng chối từ khi được yêu, đừng bịt tai khi được mời gọi, đừng quay lưng khi Ngài ngỏ lời. Xin cho lòng ta đừng cứng như đá, mà biết mềm ra trước Lời của Chúa, trước ánh mắt của Đấng đã chịu đóng đinh vì ta. Chỉ khi đó, chúng ta mới thật sự tuyên xưng rằng: “Tôi tin. Tôi tin Ngài là Con Thiên Chúa.”

Lm. Anmai, CSsR

Tác giả: