Nhảy đến nội dung

Nói với con tim (kỳ 1)

Giáo Hoàng Phansicô

 NÓI VỚI CON TIM

Những Lời Của Thách Thức Và Hy Vọng

Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt

 

 

 

GIỚI THIỆU

 

 

Suy ngắm những lời của các Đức Giáo Hoàng giúp chúng ta lớn lên trong đức tin - thật vậy, vì ngài là mục tử của chúng ta, người kêu gọi chúng ta nên một thân thể trong Đức Kitô. Nhưng đặc biệt đối với Đức Giáo Hoàng Phansicô, ngài có một đặc ân nói lên những gì mà chúng ta cần thiết để nghe. Những lời ngài, như đã được diễn tả qua tiêu đề của cuốn sách này, vừa có tính cách thách đố, và lại vừa đầy ắp hy vọng. Thách thức, vì ngài mời gọi chúng ta ra khỏi những vùng an toàn cá nhân để trở thành những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa trong một thế giới đang thực sự cần thiết để nghe Tin Mừng. Và hy vọng, bởi vì ngài tiếp tục chỉ cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, một người Cha, “luôn luôn chờ đợi chúng ta, ngay cả khi chúng ta xa lìa Ngài”.

 

Những trích đoạn ngắn này được trích ra từ những bài giảng, những huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phansicô kể từ ngày ngài được bầu lên ngôi giáo hoàng, và phản ảnh những chủ đề ấy mà chúng ta có thể hy vọng nghe đi, nghe lại trong triều đại giáo hoàng của ngài. Trong số đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thảm cảnh của nghèo túng, nhu cầu cần “ra khỏi chính mình” để ra đi phúc âm hóa, kêu gọi sự hiệp nhất trong Giáo Hội, và thử thách để trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, và không là “những Kitô hữu nửa vời”.  Giáo Hoàng Phansicô được biết đến do cung cách truyền đạt bình dân và đơn sơ những chân lý này, và bản năng thiên phú của ngài là chỉ cho chúng ta biết bằng cách nào đức tin của chúng ta trở nên sống động qua  sự chân thật và những cách thức có thể cảm nhận được. Và trong khi ngài không ngần ngại nói với chúng ta những điều khó khăn chúng ta phải cần nghe, ngài cũng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa của lòng thương xót, Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta.

 

Chúng tôi hy vọng rằng quí độc giả sẽ được chúc phúc do những lời của Đức Thánh Cha Phansicô, cũng như chúng tôi khi biên soạn tập sách nhỏ này. Cùng với Giáo Hội Hoàn Vũ, chúng ta hãy cầu nguyện cho triều đại giáo hoàng của Đức Phansicô sẽ tiếp tục khích lệ và làm vững mạnh mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể tiến gần hơn với Chúa, và đi tiên phong với lời kêu gọi của Ngài “hãy ra đi… và thâu nhận môn đệ khắp thế gian” (Mat 28:9).

 

The Word Among Us Press.

 

 

 

Chương 1

 

TÌNH YÊU DỊU DÀNG

CỦA THIÊN CHÚA

 

 

Danh Ngài Là Tình Yêu

 

 

Chúng ta cần nhận thức rằng Thiên Chúa không phải là một cái gì mơ hồ; Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa “hơi nước”; Ngài có thể sờ mó được; Ngài không trừu tượng nhưng Ngài có một tên gọi “Thiên Chúa là tình yêu”. Tình yêu Ngài không phải là thứ tình cảm, và xúc động của tình yêu nhưng là tình yêu của Chúa Cha, Đấng là khởi nguyên của tất cả sự sống, tình yêu của Chúa Con, Đấng đã chết trên thập giá và đã sống lại, tình yêu của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới con người và thế giới. Nghĩ về Thiên Chúa là tình yêu đem lại cho chúng ta muôn vàn thiện hảo, bởi nó dạy chúng ta để yêu, để cho đi chính mình cho những người khác như Chúa Giêsu đã trao chính mình cho chúng ta và bước đi với chúng ta. Chúa Giêsu bước đi bên chúng ta trên hành trình cuộc sống.

 

          

Suối Nguồn Dịu Êm

 

Như người mẹ nâng niu con trên gối: Chúa cũng nâng niu và âu yếm chúng ta như vậy. Đây là suối nguồn dịu êm đem lại cho chúng ta bao niềm an ủi. “Như con thơ được mẹ hiền vỗ về, Ta cũng sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Isaiah 6:13). Mỗi Kitô hữu, đặc biệt là các con và cha đây, đã được kêu gọi là người mang sứ điệp của hy vọng này mà nó đem lại niềm vui và êm ái: Niềm ủi an của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Ngài đến với tất cả. Nhưng nếu chúng ta trước hết cảm nghiệm niềm vui vì được ủi an bởi Ngài, được yêu thương bởi Ngài, thì chúng ta mới có thể đem niềm vui ấy đến cho những người khác. Đây là điều quan trọng nếu sứ vụ của chúng ta trổ sinh hoa trái: cảm nhận được sự an ủi của Thiên Chúa và chuyển nó cho những người khác!   

 

 

 

Tin Vào Tình Yêu Hiển Nhiên Của Thiên Chúa

 

Nền văn minh của chúng ta đã đánh mất cảm giác về sự hiện diện và hoạt động có thật của Thiên Chúa trong thế giới. Chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ có thể tìm thấy ở bên kia, trong một mức độ của thực tại khác xa rời khỏi mọi những liên kết của đời thường. Nhưng nếu là thế, nếu Thiên Chúa không hành động trong thế giới, thì tình yêu Ngài không thực sự mãnh liệt, chân thật, và ngay cả không thật nữa, một tình yêu có khả năng đem lại hạnh phúc tuyệt vời mà nó đã hứa. Nó cũng không có gì khác biệt dù chúng ta tin hay không tin vào Ngài. Nhưng ngược lại, những Kitô hữu tuyên xưng đức tin của mình vào tình yêu mạnh mẽ và có thể sờ thấy được của Thiên Chúa, tình yêu thực sự hoạt động trong lịch sử và xác định được đích tới cuối cùng của nó: một tình yêu có thể gặp gỡ, một tình yêu được mặc khải một cách đầy đủ qua cuộc khổ nạn, cái chết, và sự phục sinh của Đức Kitô. 

 

 

Chúng Ta Không Phải Là Một Con Số Đối Với Thiên Chúa

 

Đối với Thiên Chúa, chúng ta không phải là những con số; chúng ta rất quan trọng. Thật vậy, chúng ta là một cái gì rất quan trọng đối với Ngài. Ngay cả nếu chúng ta là những tội nhân, chúng ta là những gì gần gũi nhất với trái tim của Ngài.

 

 

Thiên Chúa Khởi Đầu Trước

 

Thiên Chúa không chờ cho chúng ta đến với Ngài, nhưng chính Ngài là người đến với chúng ta, không đo đếm, không hạn chế. Thiên Chúa là như thế. Ngài luôn luôn bắt đầu bước đầu tiên để đến với chúng ta.

 

 

Như Một Mục Tử

 

Thiên Chúa nghĩ như người Samaritan, ông đã không đi qua người bất hạnh, đáng thương hoặc đang nhìn ông ta từ bên kia vệ đường, nhưng đã giúp đỡ người ấy mà không đòi hỏi một điều gì trả lại, mà không hỏi xem người này là người Do Thái, dân ngoại, hoặc một người Samaritan. Cũng không để ý đến người ấy nghèo hay giầu. Ông ta đã không đòi hỏi một điều gì. Ông đi tới và giúp đỡ người ấy. Thiên Chúa cũng giống như vậy. Thiên Chúa nghĩ giống như người mục tử, người sẵn sàng thí mạng sống để bênh vực và giải thoát chiên mình.

 

 

Tình Yêu Thiên Chúa Mạnh Hơn Sự Chết

 

Cả chúng ta nữa, cũng giống như những phụ nữ môn đệ của Chúa Giêsu, những người đã ra thăm mộ và khám phá ra ngôi mộ trống, đã hoang mang điều này có nghĩa là gì (x. Luca 24:4). Chúa Giêsu đã sống lại, điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tử thần, hơn chính sự chết. Nó có nghĩa là tình yêu Thiên Chúa có thể biến đổi đời sống chúng ta, và khiến những nơi sa mạc cằn cỗi trong trái tim chúng ta nở hoa. Tình yêu Thiên Chúa có thể làm được điều này.

 

 

Thiên Chúa Nhẫn Nại Với Chúng Ta

 

Thiên Chúa không thiếu nhẫn nại như chúng ta, những con người thường xuyên muốn tất cả mọi sự ngay lập tức, ngay cả những giao dịch của chúng ta với nhau. Thiên Chúa nhẫn nại với chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta, và những ai yêu nhau thì có khả năng để hiểu, để hy vọng, để khơi lên lòng tin tưởng. Họ không bỏ cuộc, họ không giật cầu, họ có thể tha thứ. Chúng ta hãy nhớ điều này trong đời sống của chúng ta như những Kitô hữu: Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi chúng ta, mặc dù chúng ta quên Ngài! Ngài không bao giờ rờ xa chúng ta, và nếu chúng tả trở về bên Ngài, Ngài sẽ sẵn sàng ôm choàng lấy chúng ta.           

 

 

Một Tình Yêu Hoàn Toàn Đáng Tin Cậy

 

Cái chết của Đức Kitô bày tỏ một sự thật hiển nhiên về tình yêu Thiên Chúa vượt trên tất cả trong ánh sáng của sự khải hoàn của Người. Như là Đấng Phục Sinh, Đức Kitô là chứng nhân đáng tin cậy, xứng đáng của đức tin (x. Khải Huyền 1:5; Do Thái 2:17), và là sự nâng đỡ chắc chắn cho đức tin của chúng ta. Lời Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của chúng ta là vô ích” (1 Cor 15:17). Phải chăng tình yêu Chúa Cha đã không khiến Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, đã không có thể phục hồi thân xác Người để sống, nếu vậy, nó không phải là tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy, có khả năng chiếu sáng, cũng như bóng tối sự chết.

 

 

Ngài Tìm Kiếm Chúng Ta

 

Sau khi phạm tội Adong cảm thấy xấu hổ. Ông thấy mình trần truồng, và cảm thấy sức nặng trên những việc mình làm, tuy vậy, Thiên Chúa đã không bỏ ông. Nếu ngay giây phút phạm tội ấy đã ghi dấu sự xa lìa của ông khỏi Thiên Chúa, thì bù lại cũng đã có sẵn một lời hứa, một sự chắc chắn đáp trả. Thiên Chúa lập tức hỏi: “Adong, ngươi đang ở đâu?” Ngài tìm ra ông.

 

 

Thiên Chúa Không Bao Giờ Quên Chúng Ta

 

Thiên Chúa đối xử với chúng ta như những người con. Ngài hiểu chúng ta. Ngài tha thứ cho chúng ta. Ngài ôm ẵm chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta dù khi chúng ta lầm lỗi. Trong Cựu Ước, ngôn sứ Isaiah cũng đã khẳng định rằng cho dù khi người mẹ có thể quên con mình, Thiên Chúa cũng không bao giờ quên chúng ta (x. 49:15). Và điều này thật tuyệt vời!

 

 

Mang Ủi An Của Thiên Chúa Đến Cho Người Khác

 

Thiên Chúa là Cha, Ngài nói rằng Ngài sẽ ở với chúng ta như một người mẹ đối với con bà, bằng sự dịu dàng của một người mẹ. Đừng sợ những an ủi của Chúa. Lời mời gọi của ngôn sứ Isaiah phải được âm vang trong lòng mọi cõi lòng: “Vỗ về, ủi an dân Ta” (40:1), và nó phải được hướng tới sứ mạng của chúng ta. Chúng ta phải tìm kiếm Chúa, Đấng an ủi chúng ta và ra đi an ủi dân Chúa. Đây là một sứ vụ. Con người ngày nay thực sự cần những lời, nhưng hầu như tất cả họ cần chúng ta mang theo những dấu chứng đối với lòng xót thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa. Những cái làm ấm áp tâm hồn, khơi niềm hy vọng, và hấp dẫn con người tiến đến sự thiện. Thật vui mừng biết bao để mang niềm ủi an của Thiên Chúa đến với những người khác!

 

 

 

 

 

Chương 2

 

GẶP GỠ CHÚA GIÊSU

 

 

 

Đọc Về Đức Tin Chưa Đủ

 

Khi chúng ta tìm [Chúa Giêsu], chúng ta khám phá ra rằng Người đang chờ đợi để đón tiếp chúng ta, để trao cho chúng ta tình yêu của Người. Và điều này là đổ đầy tâm hồn chúng ta với một niềm bồi hồi xao xuyến khiến chúng ta có thể tin tưởng một cách chắc chắn, và đó là cách đức tin của các con phát triển như thế nào - qua việc gặp gỡ với Con Người, qua việc gặp gỡ với Chúa. Một số người sẽ nói, “Không. Tôi thích đọc những sách vở về đức tin!’. Đọc về đức tin cũng quan trọng, nhưng coi đây, tự nó, điều này vẫn chưa đủ! Điều quan trọng là việc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu, việc chúng ta gặp gỡ của chúng ta với Người, và chính nó đem lại đức tin cho chúng con, bởi vì Người chính là Đấng ban đức tin cho các con!

 

 

Tiếng Chúa Giêsu Là Tiếng Nói Độc Nhất

 

Sự huyền bí của tiếng nói [Chúa Giêsu] là sự thu hút khiến phải đáp trả. Từ trong dạ mẹ của chúng ta, chúng ta học để nhận ra tiếng nói của bà, và của người cha của chúng ta. Từ âm điệu của tiếng nói mà chúng ta cảm nhận được yêu thương hoặc ruồng bỏ, cảm tình hay lạnh nhạt. Tiếng nói của Chúa Giêsu là tiếng nói độc nhất! Nếu chúng ta học để nhận ra nó, Người hướng dẫn chúng ta trên con đường của sự sống, một con đường vượt băng qua ngay cả vực thẳm của sự chết.

 

 

Đón Tiếp Chúa Giêsu Như Một Người Bạn

 

 Hãy để Chúa Giêsu Phục Sinh vào trong cuộc đời các con; đón tiếp Người như một người bạn với lòng tin tưởng: Người là sự sống! Nếu cho đến lúc này, các con vẫn giữ khoảng cách với Người, hãy tiến lại gần Người. Người sẽ đón tiếp các con với đôi tay mở rộng. Nếu các con còn hờ hững, hãy chấp nhận may rủi, các con sẽ không phải thất vọng. Nếu theo Người xem như khó khăn, đừng sợ hãi, hãy tin tưởng nơi Người, tin rằng Người ở gần các con. Người ở với các con, và Người sẽ ban cho các con sự bằng an, mà các con đang tìm kiếm, và sức mạnh để sống như Người muốn các con sống.

 

 

Tại Sao Lại Thánh Giá?

 

Tại sao lại Thánh Giá? Tại vì Chúa Giêsu đã mang theo mình sự dữ, vết nhơ, và tội lỗi của cả thế giới, bao gồm tội của chúng ta, và Người rửa sạch nó: Người rửa sạch nó bằng máu của Người với lòng xót thương và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn xem chung quanh: có biết bao nhiêu vết thương đã được gây ra cho nhân loại bởi sự dữ! Chiến tranh, bạo loạn, những khủng hoảng kinh tế khiến chạm đến sự yếu đuối nhất, lòng tham lam tiền của đến nỗi các con không thể mang theo nó và phải bỏ lại.  Khi chúng ta còn nhỏ, ông bà chúng ta thường nói: “chiếc áo quan không có túi”. Yêu thích quyền lực, chia rẽ, hối lộ, tội ác là chống lại đời sống nhân loại, và chống lại sáng tạo! Và, như mỗi người trong chúng ta biết và nhận thức - tội lỗi mỗi người: những sai phạm của chúng ta trong tình yêu và lòng kính mến đối với Thiên Chúa, đối với lối xóm chúng ta, và đối với toàn thể tạo vật. Chúa Giêsu trên thập giá cảm thấy toàn bộ sức nặng của sự dữ, và với sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, Người chiến thắng nó, Người đánh bại nó bằng sự phục sinh của Người. Đây là điều tốt lành mà Chúa Giêsu thực hiện cho chúng ta trên ngai thập giá. Thập giá Đức Kitô ôm ẵm với tình yêu không bao giờ dẫn tới buồn khổ nhưng vui mừng, tới sự vui mừng đã được cứu độ và của việc thực thi một điều nhỏ nhoi những gì Người đã làm trong ngày Người chịu chết.           

 

 

 

Người Đã Hiến Mình “Vì Tôi”

 

Chúa Giêsu đã tự nguyện hiến mình cho đến chết để cho tình yêu của Thiên Chúa Cha, để hòa trộn tình yêu của Thiên Chúa Cha, trong sự hiệp nhất trọn hảo với ý Ngài, để minh chứng tình yêu Ngài đối với chúng ta. Trên thập giá Chúa Giêsu “đã yêu tôi và hiến mình vì tôi” (Galatians 2:20). Mỗi người trong chúng ta có thể nói: “Người đã yêu tôi và hiến mình vì tôi.” Mỗi người có thể nói thế này “vì tôi”.  

 

 

Chúng Ta Là Nơi Người Ngự Trị

 

Chúa Giêsu đã sống đời thường mỗi ngày như phần lớn con người: Người đã xúc động khi đối diện với đám đông như một bầy chiên không có chủ chăn. Người đã khóc cho sự sầu buồn của Martha và Maria trước cái chết của em hai bà là Lazarô. Ngài đã kêu gọi một người thu thuế làm môn đệ. Và Người cũng đã đau khổ vì bị bạn mình phản bội. Nơi Người, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một bằng chứng rõ ràng rằng Ngài ở với chúng ta, Ngài ở giữa chúng ta. “Những con cáo”, Chúa Giêsu đã nói “có hang, và chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi để gối đầu” (Matthew 8:20). Chúa Giêsu không có nhà, bởi vì nhà của Người là dân chúng, chúng ta là nơi cư ngụ của Người. Sứ mạng của Người là mở những cửa của Thiên Chúa cho mọi người, là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa.  

 

 

Chúa Giêsu Tín Thác Vào Chúa Cha Trên Trời

 

Phúc Âm giới thiệu cho chúng ta một trường hợp phép lạ hóa bánh ra nhiều (Luca 9:11-17). Cha muốn phản ảnh lại về một hình ảnh mà nó không ngừng gây ấn tượng khiến cha phải suy nghĩ. Chúng ta đang trên bờ biển Galilee, hừng hoàng hôn đang dần buông. Chúa Giêsu quan tâm đến đám đông dân chúng họ đã theo Người hàng nhiều giờ: có cả hàng ngàn người và họ đang đói bụng. Người sẽ làm gì? Các môn đệ cũng đã băn khoăn và thưa với Chúa Giêsu: “Xin giải tán đám đông” để họ có thể vào các làng lân cận mua thức ăn…

 

Bề ngoài Chúa Giêsu rất khác thường. Nó nói lên sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha và nỗi xót thương đối với dân chúng, sự xót thương đó của Chúa Giêsu cũng đối với tất cả chúng ta. Chúa Giêsu cảm thấy những khó khăn của chúng ta, Người cảm thấy những yếu đuối của chúng ta, Người cảm thấy những nhu cầu của chúng ta. Nhìn vào năm chiếc bánh, Chúa Giêsu nghĩ: đây là sự Quan Phòng! Từ có số nhỏ bé, Thiên Chúa có thể làm no thỏa mọi người. Chúa Giêsu đã phó thác vào Chúa Cha trên trời mà không giới hạn, Người biết rằng đối với Chúa Cha không có gì mà không có thể.

 

 

“Sự Thật” Là Gì?

 

Chúng ta đang sống trong thời đại mà con người thường hoài nghi về sự thật. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thường xuyên nói về thuyết giá trị tương đối (relativism), có nghĩa là, xu hướng suy nghĩ không có gì là tuyệt đối và nghĩ rằng sự thật đến từ sự thỏa hiệp chung hoặc từ những gì chúng ta thích. Câu hỏi được nêu lên: “sự thật” thực sự tồn tại? “Sự thật” là gì? Chúng ta có thể biết được nó? Chúng ta có thể tìm thấy nó? Đến đây khơi dậy trong tâm trí cha câu hỏi của Pontius Pilate, vị tổng trấn Rôma khi Chúa Giêsu tiết lộ cho ông ý nghĩa sâu thẳm sứ vụ của Người: “Sự thật là gì?” (Gioan 18:37, 38). Pilate không thể hiểu rằng “Sự Thật” đang đứng trước mặt ông ta. Ông không thể nhìn trong Chúa Giêsu khuôn mặt của sự thật đó là khuôn mặt của Thiên Chúa. Và đúng vậy, Chúa Giêsu chính xác là thế, Sự Thật mà, trong tuyệt đỉnh thời gian, “đã trở thành xác phàm” và đã đến ở giữa chúng ta nhờ đó chúng ta có thể biết nó (x. Gioan 1:1,14). Sự thật không được nắm bắt như một vật thể, sự thật phải được cảm nghiệm. Nó không phải là một sự chiếm hữu, nó là một sự gặp gỡ với Con Người.

 

 

Đức Kitô Là Sợi Dây Dẫn Đường

 

Cuộc thăng thiên về trời của Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta sự thật an ủi sâu thẳm trên hành trình của ta: trong Đức Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, nhân tính của chúng ta được đem tới Thiên Chúa. Đức Kitô đã mở cánh cửa con đường cho chúng ta. Người như sợi dây dẫn đường leo núi, Đấng khi đạt tới đích, kéo chúng ta lên với Người và hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Nếu chúng ta tín thác cuộc sống của chúng ta nơi Người, nếu chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi Người, chúng ta chắc chắn được ở trong đôi tay an toàn, trong đôi tay của Đấng Cứu Độ chúng ta, của Đấng Biện Hộ của chúng ta.

 

 

Hiện Diện Trong Mọi Thời Gian Và Nơi Chốn

 

Thăng thiên không chỉ cho thấy sự vắng mặt của Chúa Giêsu, nhưng cho chúng ta biết rằng Người đang sống giữa chúng ta bằng cách thức mới. Người không còn ở một nơi chốn nhất định trên thế giới như trước khi Người lên trời. Giờ đây, Người đang ở trong lãnh địa của Thiên Chúa, hiện diện trong mọi nơi và mọi lúc, gần kề với mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta không bao giờ bị cô đơn: chúng ta có Đấng Biện Hộ, Người đang chờ đợi chúng ta, Đấng bênh vực chúng ta. Chúng ta không bao giờ cô đơn. Chúa Chịu Đóng Đanh và Sống Lại hướng dẫn chúng ta. Chúng ta có quanh ta muôn vàn anh chị em, những người trong âm thầm và trong thinh lặng, trong đời sống gia đình và trong công việc, trong những khó khăn và vất vả của họ, trong vui mừng và hy vọng của họ, sống đức tin hằng ngày và cùng nhau với chúng ta đem thế giới lại cho vương quyền của tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, đã lên trời, Đấng Bảo Vệ  bênh vực cho chúng ta.

 

 

Trái Tim Chúa Giêsu: Không Chỉ Là Biểu Tượng

 

Lòng sùng mộ dân gian đánh giá cao những biểu tượng, và trái tim Chúa Giêsu là một biểu tượng căn bản cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng nó không phải là một biểu tượng tưởng tượng. Nó là một biểu tượng thật, tiêu biểu cho trung tâm, suối nguồn mà từ đó ơn cứu độ tuôn chảy cho tất cả nhân loại.

 

Trong các Tin Mừng chúng ta tìm thấy nhiều tương quan tới trái tim của Chúa Giêsu. Chẳng hạn như trong đoạn mà Chúa Giêsu nói về mình Ngài, “Hãy đến với Ta, tất cả những ai vất vả và gồng gánh nặng nề, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi. Hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Matthew 11:28-29). Tiếp theo là một tường thuật chính của Gioan về cái chết của Chúa Giêsu. Thật ra, vị Thánh Sử này là nhân chứng cho những gì ông nhìn thấy trên đồi Calvary; đó là, sau khi Chúa Giêsu đã sinh thì, một người lính đã dùng đòng đâm vào cạnh sườn Người, máu cùng nước chảy ra từ vết thương này (x. Gioan 19:33-34). Qua dấu chứng xảy ra một cách rõ ràng, Gioan nhận ra đầy đủ lời tên tri: từ trái tim Chúa Giêsu, Con Chiên bị sát tế trên thập giá, tuôn chảy ơn tha thứ và sự sống cho tất cả mọi người.

 

Người Biến Chính Mình Thành Một Tặng Ân

 

Chiều nay Lễ Trọng kính Mình Máu Thánh Chúa (Solemnity of Corpus Christi), một lần nữa, Chúa ban cho chúng ta bánh là Mình Người. Người biến chính mình thành một tặng ân, và chúng ta nữa, cảm nghiệm “liên kết của Thiên Chúa” với con người, một sự liên kết không bao giờ ngừng gây ngạc nhiên cho chúng ta. Thiên Chúa làm cho chính mỉnh gần gũi với chúng ta. Trên hiến tế trên thập giá, Người khiêm nhường tự hạ, bước vào vùng tối tăm của sự chết để đem lại cho chúng ta sự sống của Người, sự sống thắng vượt sự dữ, ích kỷ, và chết chóc. Chúa Giêsu chiều hôm nay nữa, ban tặng chính mình cho chúng ta trong Thánh Thể, chia sẻ với chúng ta trên đường lữ hành. Thực vậy, Người đã biến mình làm của ăn, thực phẩm chính để nuôi dưỡng đời sống chúng ta, ngay cả những phút giây khi con đường trở nên khó khăn, và gặp những ngãng trở làm chậm bước đi của chúng ta. Và trong Thánh Thể, Chúa làm cho chúng ta bước đi trên con đường của Người, sự phục vụ của nó, chia sẻ của nó, trao tặng của nó, và nếu nó được chia sẻ dù một chút nhỏ chúng ta có, một chút nhỏ đó của chúng ta, trở nên giầu có, đối với sức mạnh của Thiên Chúa - là sức mạnh của tình yêu - đổi xuống trên sự nghèo nàn của chúng ta để biến đổi nó.

 

Do đó, chúng ta hãy tự hỏi mình chiều nay, trong khi tôn sùng Đức Kitô, Đấng thực sự hiện diện trong Thánh Thể: Tôi có để mình được biến đổi nhờ Người không? Tôi có để cho Chúa, Đấng hiến trao chính mình cho tôi hướng dẫn tôi để tôi bước ra khỏi hơn nữa cái nhỏ nhoi đóng kín của mình, để cho đi, để chia sẻ, để yêu mến Người, và yêu thương người khác không?

 

 

Người Đã Cúi Xuống Chữa Lành Chúng Ta

 

Chúa Giêsu hiểu nỗi thống khổ của con người. Người đã chỉ cho thấy dung nhan của lòng thương xót của Thiên Chúa, và Người đã cúi xuống chữa lành thể xác lẫn tâm hồn… Đây là trái tim của Người, trái tim nhìn đến tất cả mọi người chúng ta, tới những bệnh tật của chúng ta, tới những tội lỗi của chúng ta. Tình yêu của Chúa Giêsu thật cao cả.

 

 

Nhìn Như Chúa Giêsu Nhìn

 

Đức tin không phải chỉ là nhìn đăm đăm vào Chúa Giêsu, nhưng là nhìn mọi vật như chính Chúa Giêsu đã nhìn chúng, với cặp mắt của chính Người, là tham dự vào cái nhìn của Người. Trong nhiều lãnh vực của đời sống chúng ta, chúng ta tin vào những người hiểu biết hơn mình. Chúng ta tin vào vị kiến trúc sư, người xây ngôi nhà cho chúng ta, tin vào dược sỹ, người cho chúng ta thuốc để chữa bệnh, tin vào luật sư, người biện hộ cho chúng ta trước tòa án.  Chúng ta cũng cần một người xứng đáng tin cậy, hiểu biết, nơi đó thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa là Đấng làm cho Thiên Chúa được nhận biết nơi chúng ta (x. Gioan 1:18). Đời sống Đức Kitô, là con đường nhận biết Chúa Cha, và sống trong tương quan đầy đủ, bền bỉ với Ngài, mở ra viễn cảnh mới và hấp dẫn cho cảm nghiệm con người.

 

 

Tin Tưởng Vào Chúa Giêsu

 

Thánh Gioan đưa ra tầm quan trọng của mối tương giao cá nhân với Chúa Giêsu đối với đức tin của chúng ta bằng cách dùng những hình thức khác nhau của động từ “tin”. Thêm vào “tin rằng” những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta là đúng, Gioan còn nói về “tin kính” Chúa Giêsu, và “tin vào” Chúa Giêsu. Chúng ta “tin” Chúa Giêsu khi chúng ta đón nhận lời Người, chứng từ của Người, bởi vì Người là sự thật. Chúng ta “tin vào” Chúa Giêsu khi chúng ta mỗi người đón tiếp Người vào trong cuộc đời của chúng ta, và bước tiến đến Người, bám chặt vào Người trong tình yêu, và bước theo vết chân của Người trên đường.

 (Còn tiếp)

 

Tác giả: