Nhảy đến nội dung

Phân tích nghĩa của ‘Sede vacante’ và ‘interregnum’

  • T5, 24/04/2025 - 02:30
  • admin2

Phân tích nghĩa của ‘Sede vacante’ và ‘interregnum’ 

Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng Tư ở tuổi 88. Trong khi người Công giáo trên khắp thế giới thương tiếc sự ra đi của ngài, một quá trình được quản lý chặt chẽ hiện đã bắt đầu, theo đó thi hài của giáo hoàng sẽ được an nghỉ và mật nghị được triệu tập để bầu người kế nhiệm.

Tính đến thời điểm này, Ngai tòa Thánh Phêrô đang bỏ trống — và chúng có thể đã thấy cụm từ/ngữ “sede vacante” và từ “interregnum” được dùng để mô tả giai đoạn hiện tại. Sau đây là phân tích về ý nghĩa của những cụm từ đó.

Cụm từ ‘sede vacante’ có nghĩa là gì?

“Sede vacante” trong tiếng Latin có nghĩa là “toà đang bỏ trống/ trống toà”, ám chỉ khoảng thời gian khi một giáo hoàng qua đời hoặc từ chức và người kế nhiệm vẫn chưa được bầu chọn.

Sede vacante (trống toà) bắt đầu vào thời điểm một giáo hoàng qua đời hoặc từ chức và kết thúc khi người kế nhiệm chấp nhận cuộc bầu cử của mình làm giáo hoàng. Hồng y đoàn được giao nhiệm vụ quản lý Giáo hội trong thời gian trống ngôi giáo hoàng, nhưng chỉ đối với những công việc thông thường và những vấn đề không thể hoãn lại.

Cụm từ này không chỉ áp dụng cho chức vụ giáo hoàng — nếu một giám mục là giám mục thường trực của một giáo phận qua đời hoặc bị giáo hoàng cách chức, thì tòa giám mục cũng sẽ là “sede vacante/trống toà” cho đến khi bổ nhiệm người kế vị. 

Cần lưu ý rằng cụm từ “sede vacante/trống toà” cũng được một số người Công giáo sử dụng vì họ lầm tưởng rằng Ngai tòa Thánh Phêrô đã bỏ trống, không có giáo hoàng hợp pháp trong nhiều thập kỷ. Những người theo quan điểm này được gọi là “sedevacantists” và theo luật giáo luật, họ đang ly giáo vì họ từ chối thẩm quyền của giáo hoàng.

Từ “Interregnum” có nghĩa là gì?

“Interregnum” là từ bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “thời gian giữa các triều đại/thời gian khuyết vị” và được dùng để ám chỉ khoảng thời gian giữa các triều đại của bất kỳ hai người cai trị nào. Trong trường hợp của giáo hoàng, từ này đề cập đến khoảng thời gian giữa ngày một giáo hoàng qua đời hoặc từ chức (được tính là ngày đầu tiên của thời kỳ không trị vì) và ngày bầu người kế nhiệm.

Trong những văn kiện của giáo hoàng, đáng chú ý nhất là Universi Dominici Gregis, do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1996, thời kỳ không trị vì được gọi là “thời kỳ không trị vì của Tòa Thánh”.

Có ba giai đoạn riêng biệt diễn ra trong thời kỳ trống toà:

1. Chín ngày để tang (Novendiales)

Thi hài của giáo hoàng hiện đang được quàn tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, cho phép các tín hữu đến viếng. Từ ngày thứ tư đến ngày thứ sáu sau khi giáo hoàng qua đời, một lễ tang trọng thể dành cho giáo hoàng sẽ được cử hành tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô bởi vị Niên trưởng Hồng y đoàn, cùng với các hồng y khác. (hiển nhiên, điều này không được thực hiện trong trường hợp giáo hoàng từ chức).

Hồng y đoàn tuyên bố thời gian để tang chính thức là chín ngày, được gọi là “Novendiales”, thường bắt đầu vào ngày tang lễ của giáo hoàng. Vào mỗi ngày trong chín ngày, một hồng y hoặc viên chức Giáo hội khác nhau sẽ cử hành nghi thức tang lễ cộng đoàn cho Giáo hoàng, theo Ordo Exsequiarum Romani Pontificis (2024).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng khi qua đời, ngài sẽ chôn cất tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, chứ không phải — như phong tục của các giáo hoàng trong hơn một thế kỷ — tại Vatican.

2. Chuẩn bị mật nghị

Những công tác chuẩn bị cho mật nghị bầu tân giáo hoàng được bắt đầu sau tang lễ của giáo hoàng. Thông thường, ngày bắt đầu mật nghị là ngày thứ 15 sau khi giáo hoàng qua đời, ngày thứ 16 của thời gian trống toà. 

Hồng y đoàn được Universi Dominici Gregis trao quyền hoãn cuộc họp “vì lý do nghiêm trọng” cho đến ngày thứ 20 sau khi qua đời (ngày thứ 21 của vị trí khuyết). Tuy nhiên, theo những thay đổi do Đức Giáo hoàng Benedict XVI thực hiện, Hồng y đoàn được trao quyền bắt đầu mật nghị sớm nếu “đương nhiên là tất cả các hồng y cử tri đều có mặt; họ cũng có thể hoãn lại, vì lý do nghiêm trọng, việc khởi sự bầu cử được thêm vài ngày nữa”.

3. Mật nghị

Bản thân mật nghị diễn ra tại Nguyện đường Sistine của Vatican theo lời tuyên thệ giữ bí mật nghiêm ngặt; tất cả các hồng y đều phải chịu hình phạt là tự động bị vạ tuyệt thông nếu họ phá vỡ lời tuyên thệ.

Jos. Nguyễn Minh Sơn