Phút Tâm Giao 22: Giang Tay Cầu Nguyện.
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- GBW
PHÚT TÂM GIAO 22
GIANG TAY NGUYỆN CẦU
Thỉnh thoảng tôi phân vân trong lòng, rằng chẳng biết phải cầu nguyện với Chúa trong tư thế ra sao cho xứng hợp? Vì một mặt, tôi xác tín rằng Chúa là Vua Cả Trời Đất, rồi đôi lúc tôi lại coi Chúa là Cha của tôi, rồi còn thân thiết xem Chúa Giêsu như một em bé trạc 6, 7 tuổi.
Vậy phải có thái độ ứng xử như thế nào bây giờ? Tại nhà, khi tôi cầu nguyện thì tôi thường gọi Chúa là “Ba” (Papa), khi nói chuyện trong ngày thì tôi lại gọi Chúa là Giêsu Nhỏ dễ thương, trong nhà thờ thì tôi cung kính hơn nữa, vì có hiện diện Ba Ngôi Cực Thánh.
Đó là chỉ nói đến cách cư xử trong tâm hồn tôi, còn dáng điệu bên ngoài thì sao? Quỳ gối khi đọc kinh, ngồi khi cầu nguyện, đi đi lại lại khi lần chuỗi chăng? Ôi thôi, biết bao nhiêu là cung cách khiến tôi hoang mang. Không biết cách này hay cách khác, có xúc phạm đến Chúa không vậy ta? Sự gần gũi mật thiết với Chúa có tội không kia chứ? Hay là mình cứ cư xử như trong lòng mình thấy sao với Chúa: là Cha với con, là Bạn với nhau, là Anh em với nhau, là Chúa với tạo vật? Thật là hằm bà lằng. Có lúc tôi nhức cái đầu và mất bình an.
Rồi chưa kể đến việc nằm lần chuỗi, nằm nói chuyện với Chúa nữa chứ. Không biết có bất kính hay chăng?
Nhưng sau này khi đọc Một Tâm Hồn của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tôi mới thấy thoải mái hơn, vì thánh nhân cư xử thật hồn nhiên với Chúa Giêsu, nói chuyện thật thoải mái và gần gũi, chẳng phải cung kính quỳ mọp xuống… Thì ra, linh hồn mình đón rước Chúa ra sao, thì Chúa cũng cư xử với linh hồn y như vậy.
Có vài người hết sức nhân đức, khi nghe tôi nói rằng, tôi nằm lần chuỗi, họ mở tròn xoe đôi mắt và nhận thấy đó là hành vi bất kính đối với Mẹ Maria và Chúa. Nhưng vì họ không hiểu rõ vì sao tôi lại nằm mà lần chuỗi. Dưới đây là một câu chuyện khiến tôi nhớ hoài, mà áp dụng vào trường hợp của tôi.
Có một thầy dòng thấy thầy kia đang nhai nhóp nhép và cùng lúc lại đọc kinh. Thầy ấy bảo với thầy nọ rằng, sao lại bất kính và không được quyền làm như thế. Thầy đó trả lời rằng, Cha Bề Trên đã cho phép. Người bạn này không hiểu vì sao Cha Bề Trên cũng kỳ cục vậy cà? Vội thắc mắc đi vào hỏi Cha Bề Trên. Cha trả lời rằng: “Con có quyền vừa ăn vừa cầu nguyện, nhưng không có quyền vừa cầu nguyện vừa ăn, vì đó là bất kính và xúc phạm đến Chúa.”
À ra thế! chỉ có hai chữ đổi ngược vị trí mà nói lên hai nghĩa khác nhau. Cảm tạ Chúa vô vàn, đã giải đáp thắc mắc cho tôi khỏi hoang mang, khi người bạn cho là tôi lỗi phạm, vì nằm mà lần chuỗi. Không đâu! vì không phải tôi vừa lần chuỗi vừa nằm, mà tôi vừa nằm vừa lần chuỗi!
Đó là vì lúc tôi nằm để chuẩn bị ngủ, sau khi đã đoc kinh tối xong xuôi rồi. Từ lúc chưa ngủ đến lúc ngủ, thay vì suy nghĩ vẫn vơ vô ích, tôi lấy chuỗi ra và lần hạt, cho đến lúc chìm hẳn vào giấc ngủ. Thay vì đếm bao nhiêu con cừu nhảy qua hàng rào cho đến khi tôi thiếp ngủ, thì tôi nói chuyện vãn với Giêsu của tôi. Như thế có phải là “cầu nguyện liên lĩ” mà Giêsu Nhỏ của tôi dạy trong Phúc Âm chăng?
Còn một thắc mắc nữa, sao tôi nhiều thắc mắc thế kia? Nghĩ đến đây, tôi thấy tội nghiệp cho Cha linh hồn của tôi thật. Chỉ việc giải đáp thắc mắc cho tôi mà thôi, tôi nghĩ có lẽ ngài phải uống bao nhiêu là thuốc giảm nhức đầu!
Ở Việt Nam, lúc tôi còn nhỏ, tôi nhớ rõ là khi đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ, đâu có cái màn giang tay ra? Tại nơi tôi đang ở, người ta giang tay ra khi đọc Kinh Lạy Cha. Khi tôi dự Thánh Lễ bên Mỹ, tôi còn thấy họ nắm tay nhau nữa. Rồi thì tôi nêu ra cái thắc mắc này với Cha linh hồn tôi. Và lời giải nghĩa của ngài làm tôi phải hú hồn, cứ tưởng là đơn giản, muốn giang tay thì giang, ai làm sao tôi làm vậy, không cần hiểu rõ ý nghĩa.
Ngài giải nghĩa rằng, hồi xưa xưa lắm, việc các Thánh phụ giang tay lên trời cầu nguyện, mang ý nghĩa rất sâu sắc. Hai bàn tay ngữa ra để nhận lấy tất cả những gì Chúa ban cho, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là dânglên Chúa tất cả những gì Chúa muốn lấy lại.
Khi nói đến“nhận lấy tất cả những gì Chúa ban cho”, người ta thường nghĩ ngay đó là những ân sủng, những điều mà mắt trần chúng ta cho là tốt, nhưng lại quên rằng cử chỉ ấy còn bao gồm những thánh giá mà Chúa gởi đến nữa. Còn về vấn đề “dâng lên Chúa những gì Chúa muốn lấy lại,” bao gồm sức khỏe, sự sung túc, công việc vv… Nói tóm lại, cũng là những thử thách mà Chúa gởi đến.
Khi nghe Cha linh hồn nói ý nghĩa của việc giơ tay lên trời cầu nguyện, tôi cảm thấy nổi da gà. Chúa ơi, ân sủng thì con nhận, nhưng bảo con sẳn sàng trả lại cho Chúa thì sao con ngần ngại quá. Rõ ràng là con chỉ muốn theo Chúa khi Chúa ngồi trên lưng lừa vào thành Jesusalem, chứ chẳng muốn theo Chúa trên đường dẫn lên Núi Sọ đâu.
Vậy, từ ngày được Cha linh hướng giải nghĩa cử chỉ cầu nguyện như các Thánh phụ, tôi không còn bắt chước người ta giơ tay lên trời khi đọc Kinh Lạy Cha nữa, tôi thấy trong lòng xấu hổ quá khi trong lòng mình chẳng muốn trả lại Chúa gì cả, cũng chẳng muốn nhận gian nan thử thách. Thôi thì, chả lẽ mình đứng xuôi hai tay thì kỳ cục quá, chi bằng…. A, con biết rồi Chúa ơi, chi bằng con chấp tay lại khi đọc Kinh Lạy Cha, vừa cung kính lại vừa mang ý nghĩa thật là sâu sắc nhé Chúa. Đó là con chấp tay để giữ chặt ân sủng Chúa ban mà không dâng lại Chúa gì, cả khi Chúa muốn, con trả lại cho Chúa.
Nói thì nói thế, chứ tôi tin rằng khi Chúa gởi thử thách, thì Chúa cũng sẽ ban cho tôi ân sủng cùng một lúc, để tôi nhận lấy và tin chắc rằng Cha tôi luôn muốn điều tốt lành cho linh hồn tôi.
Cho dù biết thế, nhưng tôi thú thật, tôi vẫn không dám đọc Kinh của Thánh I Nhã dưới đây, để tặng những ai có tâm hồn thánh thiện:
Lạy Chúa! xin hãy nhận lấy, tất cả tự do, trí khôn, và cả ý chí của con. Tất cả những gì con có và đang làm chủ.
Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại Chúa, vì tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Lạy Chúa! xin ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa. Đối với con, thế là đủ. Amen. (Thánh I-Nhã)
Lạy Mẹ Maria, xin cho con yêu Chúa mỗi ngày một hơn, vì mức độ yêu mến Chúa phải đạt đến sự yêu mến không mức độ. Tình yêu con sẽ thắng lướt mọi trở ngại, mọi gian nan thử thách để chỉ một lòng muốn làm đẹp lòng Đức Giêsu mà thôi. Amen.
GBW