Phút Tâm Giao 41: Phanxicô là ai?
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- GBW
PHÚT TÂM GIAO 41
PHANXICÔ LÀ AI?
Câu hỏi này được đặt ra trong trí tôi lúc gần đây, và tôi nghĩ rằng Chúa muốn tôi ôn lại lời dạy bảo của Chúa dạo nào.
Trong quá trình tiến bước đến một đời sống tâm linh ngày càng sâu sắc hơn, tôi đã nhận được biết bao nhiêu ơn sủng, Chúa dạy dỗ tôi qua sách vở, qua tha nhân, mà những người không có đức tin sẽ gọi đó là tình cờ, là số hên, nhưng tôi quả quyết tất cả đều do Chúa đã quan phòng cho tôi, hầu mỗi ngày mỗi tiến gần Chúa hơn.
Học hỏi nơi tha nhân, nơi những sách thiêng liêng, nơi những lời chia sẻ cũng không sao bằng học hỏi nơi các thánh và noi theo gương các ngài. Tất cả các thánh Chúa đều ban ân sủng dồi dào, nhưng ở mỗi thánh đều có một nhân đức trội, và trước khi thành thánh, các ngài đều mang khuyết điểm trội, vì Chúa muốn để như thế, hầu linh hồn giữ được đức khiêm nhường. Chúa thật khôn ngoan sáng suốt, Đức Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Hội Thánh nói chung, và nơi các linh hồn nói riêng. Vậy mà tôi đã thường xuyên quên cầu nguyện cùng Ngài.
Tôi rất quý chuộng thánh Alphonso de Liguori, phải nói là thích ngài cách riêng, vì cảm thấy tâm tình mình đối với Chúa cũng man mác giống ngài. Trong một sách nào đó mà tôi đã đọc qua, có viết rằng Chúa chọn một vị thánh trên Trời cho phù hợp với linh hồn. Chẳng hạn như thầy Marcel Văn, Dòng Chúa Cứu Thế, đã tìm thấy tâm hồn của chính mình, khi đọc truyện Một Tâm Hồn của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và từ đó Chúa cũng cử thánh nữ đến để dạy dỗ thầy từng ly từng tý. Sự thân mật giữa thầy và thánh nữ thật gần gũi, đến nỗi thánh nhận thầy là em trai, xưng hô “chị em” với thầy.
Ôi, ước gì tôi được làm bạn với một thánh nào đó, làm bạn với người đời thật rất phức tạp và hình như là đem đến nhiều ưu phiền hơn là niềm vui, lại còn có khi kéo tôi đi xa Chúa nữa.
Thường thường tôi rất ngại đọc về những thánh sống khắc khổ, hãm mình, đánh tội… Con đường đó chắc là không phải để tôi theo. Chúa cũng biết tôi nhát đảm chừng nào, chuộng sống ung dung thoải mái, nhiều lúc tôi nghĩ, làm sao mình có thể nên thánh, nếu chẳng biết hy sinh hãm mình đền tội? Linh hồn tôi chắc chắn là ở luyện tội dài dài, nghĩ đến mà rầu rĩ. Nhưng biết làm sao đây? chỉ cố gắng và trông vào ơn Chúa giúp sức cho.
Đáng lẽ tôi viết một đề tài khác thay vì nói về các thánh, nhưng cái tên gọi “Phanxicô” lại như lẩn quẩn trong trí tôi, tôi nghĩ rằng Chúa muốn thế, Ngài muốn tôi viết về cảm nghĩ của mình đối với người mang tên “Phanxicô”.
Người ta thường mơ thấy chuyện này chuyện nọ, và rồi khi bừng tỉnh dậy, họ không hiểu giấc mơ đó có nghĩa gì đây. Vào thời Cựu Ước, Chúa đã ban cho Joseph đặc ân giải nghĩa giấc mơ, và sự việc xảy ra thật chính xác, đến nỗi nhà vua phải triệu Joseph vào cung điện, để nói cho vua biết ý nghĩa những hình ảnh mà nhà vua thường mơ thấy trong giấc ngủ.
Tôi cũng mơ rất nhiều lần, phần đông toàn là về Chúa, Mẹ, về linh hồn luyện tội, tất cả đều liên quan đến tâm linh.
Mơ thấy thánh Alphonso de Liguori thì tôi chẳng lạ gì, vì lúc ấy tôi thường suy gẫm sách của ngài viết. Người ta nói rằng trong ngày nếu mình nghĩ đến, hoặc gặp gỡ ai thì có khi đến tối sẽ mơ thấy người đó.
Nhưng tôi chưa hề nghĩ đến vị thánh mà tôi sắp nói đây, và khi tỉnh dậy, tôi cũng chẳng dám nghĩ đến, vì lời Chúa nói trong mơ làm tôi phát rầu, phát lo, phát sợ, phát… nóng lạnh.
Trong mơ thôi thấy mình đang dự Thánh Lễ, nhà thờ đông nghẹt người, và linh mục cử hành Thánh Lễ chẳng ai xa lạ, đó là cha Pio Năm Dấu, đệ tử của thánh Phanxicô thành Assisi. Một vị thánh thật đặc biệt, tình nguyện từ bỏ cha mẹ để ra đi, không một mảnh áo che thân…
Ba tôi cũng là thành viên trong Dòng Ba Phan Sinh. Khi còn sống, cũng thường khuyên nhủ tôi gia nhập dòng Ba, nhưng tôi không màng chi đến việc này, vì vào dòng thì phải từ bỏ tất cả những gì vui sướng trong cuộc đời này. Ồ, dòng ba Phan Sinh được coi như tu dòng thật sự, vì có lời khấn trong Thánh Lễ khấn dòng; chỉ khác là thành viên là những người đã lập gia đình.
Từ bỏ tất cả, làm sao tôi làm được, chi bằng ở lại thế gian và tu tâm, còn hơn là mang trên mình chiếc áo dòng, mà tâm hồn không thuộc về Chúa, tâm hồn gắn bó với của cải, quyền lực, xa hoa, tham vọng… Bây giờ, sau bao năm trở về, và qua kinh nghiệm, tôi mới hiểu rõ hơn câu người ta thường nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Cũng vậy, một bài giảng hay, không nhất thiết rằng tác giả là người đạo đức.
Sự thật lúc nào cũng phũ phàng, vì thế Chúa chẳng bảo chúng ta canh phòng “những sói đội lớp chiên” là gì!
Trở về giấc mơ kia, thánh Piô giơ bàn tay lên, tôi thấy rõ dấu thánh, dấu đinh còn rướm máu, mặt thánh nhân đau đớn lắm. Đằng sau ghế ngồi tôi là Chúa Giêsu, Chúa khom về phía trước, rĩ vào tai tôi: “Con hãy bắt chước ông này”. Tôi liền thưa: “ Chúa ơi, con sợ đau đớn lắm”.
Giấc mơ này hình như tôi đã kể rồi, nhưng lúc gần đây tôi thường thấy một người đã chọn tên mình là PHANXICÔ. Người này chỉ vài tháng đã làm chấn động nhiều linh hồn, đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Qua những gương sáng của Đức Thánh Cha, tôi dần dần hiểu rằng, lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy bắt chước ông này”, chẳng phải Chúa nói riêng cho tôi, mà có lẽ cho toàn thể con cái Giáo Hội, từ hàng giáo phẩm cho đến giáo dân. Ngài thật sự sống tinh thần khó nghèo như cha thánh Piô Năm Dấu, là môn đệ của thánh Phanxicô, lại trổi vượt trong nhân đức khiêm nhu, làm gương cho biết bao nhiêu người đã vì danh lợi, tiền bạc làm mờ mắt. Sống xa hoa, tích trữ bạc tiền và coi mình trội hơn người khác.
Thánh Phanxicô khiêm nhường đến nỗi đã coi mình không xứng đáng, không thể ngang hàng với Thầy Chí Thánh, thầy đã lau chân môn đệ. Lời Chúa còn có lẽ vang trong lòng thánh nhân: “Môn đệ không hơn thầy”. “Phải, con không xứng đáng vì con tội lỗi, Thầy là Đấng Ba Lần Thánh mà đã hạ mình lau chân môn đệ, còn con, con phải noi theo sự khiêm nhu của thầy, con tội lỗi thì phải hãm mình hạ mình hơn nữa…?” . Vì vậy, có một lần thánh nhân đã hôn tay người cùi. Cử chỉ này chắc hẵn đẹp lòng Chúa biết bao nhiêu.
Tôi thấy nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô hình ảnh của thánh Phanxico thành Assisi, thảo nào khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã chọn tên này. Gần gũi với người nghèo khó, không phân biệt giai cấp, từ bỏ xa hoa, miệng lúc nào cũng cười, nét mặt rạng rỡ, mặc dù ngài không ít muộn phiền, đau đớn trên thân xác. Ngài lại dạy rằng: “Người Kitô hữu buồn thì không phải là Kitô hữu, phải vui lên, vì có Chúa ở cùng”.
Trớ trêu thay, ở đời này, vẫn còn những Pharisêu ganh ghét, như đã ganh ghét sự thánh thiện, lòng nhiệt thành, sự gần gũi với người đau yếu bệnh tật, phong hủi của Chúa, họ đã phê phán, chỉ trích Chúa và sau cùng đóng đinh Ngài. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện cũng đang bị một số người chỉ trích phê phán đức khiêm nhu, đức khó nghèo của ngài.
Thật vậy, “tớ không hơn Thầy”. Tôi đoán rằng ĐGH Phanxicô sẽ phải chiến đấu rất nhiều, ngài sẽ gặp bao nhiêu là thù địch vây quanh ngài. Hỡi những ai yêu mến Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Kitô, hãy cầu nguyện cho ĐTC Phanxicô thật nhiều.
Tôi tin rằng một khi làm việc tận hiến phó thác cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, thì tôi phải tin tưởng nơi Mẹ. Vì Mẹ luôn che chở và dẫn dắt Giáo Hội, không khi nào Mẹ để cho Satan thắng trận. Phải, nó đang tựu tập toàn thể Hỏa Ngục để đánh phá Giáo Hội, và đã kéo theo số đông linh hồn tin vào nó, tự ý tách rời khỏi Giáo Hội, khi chống lại người đại diện Thánh Phêrô. Cuộc chiến dầu có gây cấn đến đâu, lực lượng đến đâu, thì cuối cùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria sẽ chiến thắng vẻ vang.
Người Nữ đạp đầu con Cựu Xà thuở nào và mãi mãi nó sẽ tiếp tục bị đè bẹp dưới chân Đức Trinh Nữ quyền phép này.
Lạy Chúa Giêsu dấu yêu, xin Chúa ban ơn lành hồn xác cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà ĐCTT đã chọn cho Giáo Hội. Xin Mẹ Maria che chở ngài khỏi mọi hiểm nguy từ tứ phía, ba thù và chính những con cái Giáo Hội cũng chống đối ngài.
Xin Chúa cũng ban cho con được noi theo gương sáng của vị lãnh đạo Giáo Hội, sống khiêm nhu, khó nghèo và bác ái yêu thương. Cũng xin Chúa thứ tha cho con vì bao tội lỗi xúc phạm đến Chúa và tha nhân. Amen.
GBW