Ra khơi, mà thả lưới!
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- AM Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 5 TN NC 2016 (Lc 5, 1-11)
Ra khơi, mà thả lưới!
Chủ đề tĩnh tâm Giáo phận năm nay là truyền giáo. Đức Giám mục hô hào đẩy mạnh phong trào truyền giáo. Phương pháp truyền giáo là phát triển Dân Sinh, Dân Trí và Dân Đạo.... Bất ngờ ngài nói với anh em một câu của một vị thừa sai nào đó: “Linh mục Việt Nam chỉ có tài coi sóc họ đạo, chứ không biết gầy dựng họ đạo”.
Vì tự ái dân tộc, mình giơ tay và đứng bật lên như một cái lò xo: “Thưa Đức cha, không phải linh mục VN không biết gầy dựng họ đạo, nhưng vì chưa có “Bài sai"(Văn thư bổ nhiệm một linh mục do Đức Giám Mục ấn ký) của Đức Cha.” Mình hung hăng chừng nào thì Đức Giám mục bình tĩnh chừng ấy. Với giọng trầm buồn, ngài thủng thẳng trả lời: “Tôi biết đi truyền giáo thì thiếu thốn và cực khổ nhiều lắm, nên không nỡ tâm sai các cha đi. Cha nào tình nguyện thì tôi mới dám. Vậy cha nào tình nguyện thì giơ tay lên.” Mình đếm được sáu cánh tay giơ thật cao và thật thẳng : Hai cha già, hai cha sồn sồn, và hai cha trẻ. Đức Giám mục cười và khôi hài: “Các cha đi truyền giáo thì bỏ họ đạo, bỏ chủng viện, bỏ trường học cho ai?”
Cả hội trường cười hì một cái. Thế là đánh trống bỏ dùi. Vấn đề truyền giáo chỉ được nêu lên như một sự gợi ý và thăm dò. Rồi đây, sau tuần tĩnh tâm, ai nấy lại trở về với họ đạo của mình và tiếp tục rao giảng Tin Mừng cho người đã nghe. Tuyệt nhiên không nghĩ gì, không làm gì cho người lương dân, những người chưa bao giờ được nghe Tin Mừng.
Viết đến đây, mình liên tưởng đến Đức Giêsu khi Ngài đến rao giảng tại Caphácnaum. Sau khi được nghe giảng và chứng kiến nhiều phép lạ, dân thành Caphácnaum nảy ra một sáng kiến: “Xin Thầy ở lại với chúng tôi, đừng đi đâu nữa.” Câu nói của họ hàm nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, vì quá thương, họ muốn Chúa ở lại với họ. Họ không muốn Chúa lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi, ăn không trọn bữa, ngủ không đầy giấc, do các chuyến đi liên tục. Họ muốn có một “ngôi nhà xứ” có đủ tiện nghi cho Chúa sử dụng. Họ sẽ kiếm cho Chúa một bà bếp nấu ăn thật giỏi, có thể đó là mẹ vợ của Simon. Thứ nhì, họ muốn gởi gắm sự nghiệp của mình vào sự nghiệp của Chúa. Caphácnaum sẽ là trung tâm rao giảng, trung tâm trị bệnh. Caphácnaum sẽ trở thành thủ đô của nước “Israel mới.” Sự nghiệp của Chúa sẽ gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Caphácnaum. “Xin Thầy ở lại với chúng tôi, đừng đi đâu nữa!” Ôi thương quá là thương ! Nghe mà nẫu cả ruột ! Đó là một chước cám dỗ, chước cám dỗ dễ thương vô cùng. Để đối phó, Chúa đã khẳng định: “Ta còn phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa. Chính vì thế mà Ta được sai đến.” Sau đó Chúa đã đi thật, và đi mãi.
Chúa ơi, Chúa đã giã từ Caphácnaum để đi loan báo Tin Mừng, còn chúng con thì đã chui vào đó để “Ngồi Họ.” Quả vậy, Giáo hội của Chúa có một truyền thống yêu thương giáo xứ. Con cái của Chúa quây quần bên nhau thành một xóm đạo…(Lm Piô Ngô Phúc Hậu, Giáo xứ Caphácnaum, Nhật ký Truyền Giáo)
Tin Mừng Thánh Luca Chúa nhật hôm nay tường thuật mẻ cá ban ngày trúng đậm, khiến ông Simon nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng, cảm thấy mình yếu hèn tội lỗi, bất xứng gần gũi Người. Nhưng Đức Giêsu đã hân hoan thâu nạp hai ông Anrê, và ông Simon, và các bạn chài con ông Dêbêđê, là hai ông Giacôbê và Gioan, làm những môn đệ đầu tiên thực hiện nhiệm vụ “chài lưới bắt người.” (theo bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn, DCCT)
Lời Chúa hôm nay còn muốn nhắn gửi đến tất cả Kitô hữu, không phân biệt chủ chăn hay con chiên, sứ mạng truyền giáo rất cấp bách, đòi hỏi toàn thể tín hữu dấn thân vào đời, vào nơi đông đảo quần chúng chưa được vinh dự biết đến Tin Mừng, mặc dù ở vùng xa xôi, hẻo lánh, như ngoài khơi biển cả. Can đảm noi gương Đức Giêsu rời khỏi “Giáo xứ” Caphácnaum thuần đạo vẻ vang, để còn “loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa.”
Ra khơi
Sau khi giảng dạy cho dân chúng từ trên thuyền neo gần bờ, Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Ra khơi, mà thả lưới đánh cá!” Lệnh truyền súc tích, vắn gọn, rõ rang, chính xác, không thừa hay thiếu chữ nào. Người đi rao giảng không được nấn ná, ở lì, cắm dùi một chỗ Tin Mừng đã được loan báo, đã hình thành cơ cấu và sinh hoạt tâm linh.
Ra khơi là mệnh lệnh dấn thân phiêu lưu theo Đức Giêsu, sẵn sàng chấp nhận đối đầu những phong ba, bão táp, những ngày biển động, những thách đố bất ngờ, những tai ương hoạn nạn có thể đổ ập đến bất cứ lúc nào, nhưng sẽ luôn có Chúa ở cùng, luôn có Chúa Quan Phòng chở che, nếu một lòng một dạ mãi tín thác nơi Ngài.
Ra khơi còn là biểu lộ thái độ dứt khoát, một quyết định vững chãi, không còn dấm dớ theo Chúa nửa vời, nửa muốn theo Chúa, nửa lo sợ thế gian ghét bỏ, hãm hại, lo mất cuộc sống yên ả, sung túc, tiện nghi, lo đói khát, cực nhọc, khó khăn.“Kẻ vừa tra tay cầm cầy vừa ngó lui sau, là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa” (Luca 9, 62)
“Đi, đi, đi mãi, đi quyết liệt, đi không nhượng bộ cũng như không ai đi với người đi lui. Không nhượng bộ cho xác thịt, Không nhượng bộ cho lười biếng, Không nhượng bộ cho ích kỷ... Con không thể gọi đen là trắng, xấu là tốt, gian là ngay được.” (Đường Hy Vọng, số 12 & 13)
Vâng lời
Lời đáp lại mau mắn của ông Simon chính là lời tuyên xưng đức tin công khai, với tâm hồm khiêm nhường, tôn kính, hoàn toàn vâng phục: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới."
Dẫu rằng ông Simon vốn là dân chài chuyên nghiệp, dẫu đã bao năm kinh nghiệm dầy dạn sương gió trên biển hồ Giênêdarét, dẫu vừa mới thức trắng một đêm lao nhọc chài lưới công cốc, ông vẫn tận tâm, tận tuỵ thi hành mệnh lệnh, dù nghe thật chướng tai và bất hợp lý, khi đánh cá ngay ban ngày.
Khiêm nhường, bỏ đi những khôn ngoan thế gian, những lập luận lô gích, những kinh nghiệm cá nhân, để vâng theo Thánh Ý Chúa không bao giờ dễ dàng. Nhưng“Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55, 9)
“Đức Chúa có ưa thích lễ toàn thiêu và các hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn dâng mỡ cừu.” (1 Sam. 15, 22)
“Thế gian bảo con vâng phục như vậy là “điên khùng.” Chúa nói con vâng phục, vì Chúa là “anh hùng.” (Đường Hy Vọng, số 393)
Từ bỏ
Kinh ngạc trước phép lạ nhãn tiền, mẻ cá đầy ắp vô tiền khoáng hậu, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi." Không chỉ mình ông Simon ngạc nhiên, mà tất cả bạn chài cũng kinh ngạc không kém. Tất cả mọi người, mọi loài thụ tạo đều phải quy phục trước quyền năng siêu phàm của Thiên Chúa. Khi đó, con người mới có cơ hội nhận thức được thân phận yếu kém, hèn hạ của mình, mà tôn kính, thờ lạy Đấng Tạo Hoá muôn loài, mới cảm thấy bất xứng, tội lỗi, xấu xa, trước Thánh Nhan Chúa.
Chính khi nhận ra mình phận hèn, là lúc Chúa đoái thương, gần gũi, nâng đỡ, mời gọi. Chúa không nỡ lìa xa, như ông Simon khẩn khoản nài xin, mà Lòng Thương Xót Chúa có dịp chiếu toả, sưởi ấm, vỗ về, bao bọc, chở che, tin tưởng, trao phó trọng trách:"Đừng sợ hãi: từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới bắt người." Chèo đò vào bờ, họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài.” Bỏ lại tất cả những gì vướng víu, tiền của, nghề nghiệp, gia đình, tình cảm riêng tư, bỏ cả tương lai sáng lạn của thế gian, mà dấn thân phục vụ Nước Chúa, phục vụ rao truyền Tin Mừng, phục vụ tha nhân mọi nơi.
Từ bỏ tất tần tật mọi sự thế gian, nhưng chưa bỏ chính mình thì cũng vô ích hoàn toàn. Vì thế, Đức Giêsu đích danh kêu gọi từ bỏ bản thân, vị kỷ, ham muốn, bản năng, xác thịt, sẵn sàng chấp nhận gian khó, thử thách, đau khổ mà theo Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.” (Mc 8, 34-35)
“Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước.” (Đường Hy Vọng, số 3)
Lạy Chúa Giêsu, xin thức tỉnh chúng con khỏi đam mê thế gian, khỏi xác thịt nặng nề, khỏi u mê, mù loà trong đời phù vân, khỏi trầm luân trong đam mê hư ảo, tội lỗi, để chúng con nghe được tiếng Chúa mời gọi từ bỏ thế gian, mà can đảm ra khơi, trở nên con Chúa, vâng lệnh làm chứng nhân cho Tin Mừng, dẫu muôn khó khăn đau khổ đang chờ đợi chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là ánh sao dẫn đường chỉ lối cho chúng con bước đi. Khấn xin Mẹ cầu bầu cho chúng con dấn thân theo Mẹ, cùng trung kiên đồng hành với Chúa đến tận cuối đời. Amen.
AM. Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng Mồng Một Tết Bính Thân 2016 (Mt 5, 1-10)
Siêu Phúc
Mỗi năm, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN) trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) lại công bố kết quả thống kê khảo sát về chỉ số hạnh phúc. Bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới dựa trên việc người dân của mỗi đất nước, cảm thấy hạnh phúc như nào. Cuộc khảo sát dựa trên một số yếu tố chính bao gồm GDP bình quân đầu người, tuổi thọ, sức khỏe, có nơi nương tựa, sự tự do lựa chọn cuộc sống, lòng bao dung. Năm 2016, top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới xếp hạng như sau:
Thụy Sĩ (7,587 điểm): Đất nước hạnh phúc nhất thế giới được tổ chức của Liên Hiệp Quốc xếp vị trí đầu tiên, đó là Thụy Sĩ, đất nước của chocolate và đồng hồ. Đất nước xinh đẹp, an toàn được coi là nơi tốt nhất để sống.
Iceland (7,561 điểm ): Đất nước Bắc Âu tự hào với vẻ đẹp tự nhiên đáng kinh ngạc và chất lượng sống hàng đầu, Iceland đặc biệt nổi tiếng về sự an toàn.
Đan Mạch (7,527 điểm): Mặc dù bị "rơi" từ vị trí số 1 xuống số 3, nhưng chỉ số hạnh phúc của đất nước Đan Mạch vẫn rất cao. Thu nhập bình đẳng, cuộc sống thịnh vượng, tự do dân sự là những gì nổi bật tự hào, cũng là lý do người Đan Mạch đang hạnh phúc về cuộc sống ở đất nước mình.
Với 7.522 điểm, không có gì ngạc nhiên khi người Na Uy được đánh giá có cuộc sống hạnh phúc, khi nơi đây có những địa danh nổi tiếng, thiên nhiên động vật hoang dã được bảo vệ, môi trường trong sạch, và có nền dân chủ phát triển nhất...
Là nước có diện tích lớn thứ 2 trên thế giới, Canada còn là một đất nước xinh đẹp với thiên nhiên hoang sơ. Quyền con người, tự do công dân, chất lượng cuộc sống, tự do kinh tế cũng như giáo dục ở đây, đều mang lại cho người dân một cuộc sống hạnh phúc được đánh giá ở vị trí thứ 5 trên thế giới.
Phần Lan (7,406 điểm): Ngoài những chỉ số như giáo dục, an toàn, hệ thống xã hội, sức khỏe... Phần Lan còn có tiềm năng cạnh tranh kinh tế.
Hà Lan (7,378 điểm): Đất nước khiến nhiều người liên tưởng tới những rừng hoa ngào ngạt sắc hương, hay "cơn lốc màu da cam" cũng đủ biết người dân ở đây luôn cảm thấy hạnh phúc.
Thụy Điển (7,364 điểm): Với thu nhập trung bình cao cùng chất lượng cuộc sống, hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quyền tự do dân sự... Thụy Điển luôn có môi trường trong sạch đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
New Zealand nổi tiếng với các địa danh và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đất nước phát triển với cơ sở hạ tầng hiệu quả, nền kinh tế hiện đại và thịnh vượng và hệ thống xã hội ổn định. Là một trong những nước phát triển và giàu có nhất thế giới, Melbourne - thủ phủ - thành phố lớn nhất của Úc thậm chí còn được đặt là "thành phố tốt nhất thế giới để sống". (Phú Quý, Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, skcdvn)
Như thế, dựa trên những số liệu cụ thể, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc xếp hạng chỉ số hạnh phúc cao thấp tại mỗi quốc gia. Vậy hạnh phúc được cân đong đo đếm chi li, chính xác này, có thật sự đáng tin cậy, hay chỉ có giá trị thống kê sơ bộ để nghiên cứu tham khảo mà thôi?
Năm mới, Kinh Thư cầu chúc “Ngũ Phúc Lâm Môn,” tức năm phúc vào nhà: Nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết an khang, tứ viết hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh. Đó là trường thọ, phú quý, an khang, hảo đức và thiện chung. Tuy nhiên ngoài hảo đức có giá trị bất biến, bốn điều còn lại chỉ biểu lộ ước nguyện vị kỷ của con người. Nhưng có mấy ai may mắn lãnh hội được trọn cả năm phúc đó? Ngoài ra, người ta còn hay cầu chúc nhau Tam Đa (phúc, lộc, thọ), hay Đại Phúc. Theo nghĩa đen, Đại Phúc là cái bụng lớn, vốn biểu trưng cho lòng tham lam, thụ hưởng, vơ vét của cải, quyền cao chức trọng, quyền lực, bổng lộc, sống lâu, sống khoẻ, con đàn cháu đống, sung túc đến ba bốn đời. Tất cả ao ước, nguyện vọng thảy đều phù phiếm nhất thời trong giới vô thường.
Nhân Mồng Một Tết Bính Thân hôm nay, qua Tin Mừng thánh Mátthêu, Đức Giêsu trao ban Bát Phúc cho con người, hay có thể nói mà không hề cường điệu, đó là Siêu Phúc. Vì đây không phải mong ước hão huyền, phàm tục, mà là Tám Mối Phúc Thật, vượt trên mọi phúc lộc hồng trần, Đại Phúc, Tam Đa, hay Ngũ Phúc.
Vì Lòng Thương Xót, nhờ công trình cứu độ của Đức Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thưởng ban hạnh phúc viên mãn cho tất cả những ai tự nguyện đi theo Chúa. Chính Đức Giêsu đã công khai nêu gương sáng qua 33 năm nhập thế làm người, đã chịu chối bỏ, khổ nạn, chịu chết và sống lại.“Ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta.” (Mt 16, 24)
Từ bỏ
Không cầu chúc vinh hoa phú quý, không chúc mâm cao cỗ đầy, cũng chẳng chúc thăng quan tiến chức, sống dai, sống khoẻ, con cháu đầy đàn, trái lại Đức Giêsu ban Nước Trời cho ai có tinh thần nghèo khó, không bon chen, vơ vào mình của cải chóng hư nát. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Hơn nữa, Đức Giêsu còn cầu chúc cho ai biết chối bỏ chính mình, không những từ bỏ từ vật chất lẫn tinh thần thế tục, mà còn từ bỏ thân xác và những ước muốn thấp hèn. Người chúc phúc cho tâm hồn không vấn vương bùn nhơ, bỏ đi tất cả những đam mê, những ham muốn cản trở, níu kéo, trói buộc, trên con đường dấn thân tìm kiếm và đi theo Chúa, Ngưồn mạch phước lành. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”
Khi từ bỏ chính mình, kềm hãm bản năng xác thịt, vị kỷ, kiêu căng, ngạo mạn, hợm hĩnh, kênh kiệu, khinh người, mới có thể mặc lấy nhân đức khiêm nhường, trở nên hiền lành, không ganh ghét, không tranh chấp, đố kỵ, tị hiềm, khước từ, loại bỏ bất cứ ai. “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”
Từ bỏ được chính mình, thì tâm hồn mới có thể hướng lên Chúa, mới khát khao sự tuyệt hảo, mới mong trở nên người chánh trực, công chính. Như Đức Giêsu hằng mời gọi: "Các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành" (Mt 5, 48). Người luôn chúc phúc cho những ai thiện tâm, muốn canh tân đời sống, trở nên thánh thiện. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.”
Khi từ bỏ chính mình, người ta mới có thể hướng đến tha nhân. Đức Giêsu chúc phúc cho ai có lòng nhân ái, thương người, chia sẻ vật chất lẫn tinh thần, phục vụ, giúp đỡ những ai thiếu thốn, đau khổ, như đã được diễn giải khá cụ thể trong Kinh Phúc Thật Tám Mối. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Tóm lại, từ bỏ chính mình là điều kiện tiên quyết để theo Chúa, làm môn đệ Chúa và được Chúa chúc hồng phúc. “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 33) Hơn nữa Chúa còn khẳng định phần thưởng vô cùng lớn lao dành cho những ai thực sự từ bỏ mọi sự: “Tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.” (Mt 19, 29)
“Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá, không làm thánh được.” (Đường Hy Vọng, số 6)
Vác khổ giá
“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” Không chỉ từ bỏ chính mình mà thôi, ai còn chịu gánh vác thánh giá từ gia đình, cộng đoàn, đến giáo xứ, xã hội, cùng chịu khai trừ, loại bỏ, chịu chửi bới, miệt thị, chịu vu oan giá hoạ, chịu đòn vọt, khổ nạn, chịu đóng đinh vì Tin Mừng, vì thánh danh Thiên Chúa, thì càng được Chúa chúc lành, an ủi, ban thưởng đích đáng hơn thế. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”
Những khốn khổ, thách đố chính là thước đo lòng mến của Kitô hữu với Chúa, đồng thời cũng là hồng ân, mà bất kỳ tín hữu nào sống đạo cũng cần phải gánh vác suốt cuộc đời chứng nhân.“Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Người; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17)
Theo Chúa
“Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” Nhờ thành tâm gánh vác khổ giá, người Kitô hữu trở nên hiệp nhất với Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn. Đồng thời hiệp nhất với tha nhân, đồng cảm, gần gũi, thân thiết với người khốn cùng, nghèo khó, bệnh tật, đau khổ, bị bỏ rơi. Hoà hợp, hoà giải, kết hiệp, xây dựng mối tương quan thân mật, vững chắc, bền bỉ với tha nhân, chính là kiến thiết, tạo dựng nên hoà bình giữa mọi người. “Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Kitô, được bình an.” (1Pr 5, 14)
“Hãy sống bên Chúa, và con sẽ nên thánh, thiên đàng không gì khác là Thiên Chúa hiện diện.” (Đường Hy Vọng, số 242)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con hết lòng biết ơn, cảm tạ và ngợi khen Chúa đã cầu chúc Bát Phúc cho chúng con vào ngày Tân niên. Xin Chúa luôn nhắc nhủ, khuyến khích và giúp đỡ chúng con thực thi việc từ bỏ chính mình, vác khổ giá và theo Chúa trọn đời.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đem đến nhân loại Mùa Xuân Hồng Ân. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con thực thi Bát Phúc đúng đắn và trung thực, để xứng đáng lãnh nhận Lòng Thương Xót. Amen.
AM. Trần Bình An